Thần học về Hôn Nhân Gia Đình (3/5)

 

Thần học về Hôn Nhân Gia Đình 3/5

Cuộc tranh luận về tính cách bí tích
của hôn nhân các Kitô hữu.

Lm Giuse Phan Tấn Thành OP

I. Lý chứng của phe chủ trương tách rời khế ước khỏi bí tích
II. Những lý chứng của phe chủ trương không thể tách rời
III. Hậu quả thực tế

Kính thưa quý vị và các bạn,

Thần học về Hôn Nhân Gia Đình (3/5)Trong bài trước, chúng tôi đã cố gắng nêu bật ảnh hưởng của thần học về hôn nhân của công đồng Vaticano II đối với bộ giáo luật 1983. Một đặc tính của quan điểm ấy là tính cách liên bản vị của giá thú: giá thú không phải chỉ một khế ước quy định những nghĩa vụ và quyền lợi, nhưng tiên vàn là một sự trao ban và chấp nhận hỗ tương, giữa một người nam và một người nữ: sự trao ban ấy có tính cách độc hữu và vĩnh viễn. Chính từ tình yêu trao hiến ấy mà nảy ra sự sống mới như là hoa trái của nó. Cho đến đây, chúng ta vẫn còn ở cấp bậc tự nhiên, nghĩa là xét hôn nhân theo kế hoạch của Đấng Tạo hóa.

Đối với các Kitô hữu, hôn nhân còn mang một đặc tính khác nữa: nó là một bí tích, dấu chỉ của mối tình trao hiến giữa đức Kitô với Hội thánh. Ở số 48 của hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” công đồng Vatican II viết rằng: “Đức Kitô đến gặp gỡ các đôi bạn Kitô hữu qua bí tích hôn nhân. Người lưu lại với họ ngõ hầu, qua sự trao ban cho nhau, họ có thể yêu nhau chung thủy trót đời như Người đã yêu Hội thánh và trao hiến mình cho người bạn của mình. Tình yêu chân chính giữa vợ chồng đã được thu hút vào trong tình yêu của Chúa, và được điều khiển cùng tăng cường nhờ sức mạnh cứu chuộc của đức Kitô và nhờ hành động cứu rỗi của Hội thánh; nhờ vậy họ được dẫn dắt cách hữu hiệu tới cùng Thiên Chúa và được giúp đỡ cùng trợ lực trong thiên chức làm cha mẹ”. Công đồng nói thêm rằng bí tích là nguồn thánh hóa cho đôi bạn, và nói được như là hiến thánh họ vào những nghĩa vụ và phẩm giá của hôn nhân; nhờ bí tích, toàn thể đời sống của họ được thấm nhiễm tinh thần đức Kitô, ngõ hầu họ tiến tới sự trọn lành thánh thiện.

Tuy nhiên, từ sau công đồng Vaticano II, một cuộc tranh luận được nêu lên chung quanh vấn đề bí tích của hôn nhân giữa các Kitô hữu. Đạo lý chính thức của Giáo hội cho rằng khi hai người Kitô hữu kết bạn với nhau, thì hôn nhân của họ đương nhiên là bí tích: không thể nào tách rời hôn nhân tự nhiên và hôn nhân siêu nhiên được. Dĩ nhiên đạo lý này đã có một truyền thống lâu đời cũng như dựa trên luận chứng vững chắc của thần học. Thế nhưng, khi làm việc mục vụ, nhiều linh mục nhận thấy rằng nhiều người Kitô hữu chẳng còn đức tin gì nữa, và do đó họ chẳng muốn lãnh nhận bí tích hôn nhân nhưng họ chỉ muốn kết hôn như thói tục của bao nhiêu con người khác. Vấn đề được đặt ra như thế này: khi những Kitô hữu chỉ muốn kết lập giá thú tự nhiên chứ không muốn lãnh nhận bí tích, thì giá thú của họ có thành sự không ? Cả bộ giáo luật cũ (đ.1012 §2) lẫn bộ giáo luật 1983 (đ.1055 §2) đều trả lời rằng giá thú ấy sẽ vô hiệu: “Giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích” (inter baptizatos nequi matrimonialis contractus validus consistere, quin sit eo ipso sacramentum).

Tuy lập trường của Giáo hội đã dứt khoát như vậy, nhưng thần học vẫn tiếp tục đào sâu thêm vấn đề, xét vì những hậu quả thần học, pháp lý và mục vụ của nó. Đành rằng đám cưới thuần túy dân sự của những kitô hữu bị giáo luật coi là vô hiệu bởi vì không tuân giữ thể thức giáo luật (forma canonica); nhưng Giáo hội không thể đối xử với những cặp vợ chồng đó như những đôi ngoại tình công khai, ăn ở chung với nhau mà không có phép tắc ! Vấn đề trở nên gai góc hơn dưới khía cạnh thần học: giả như một người Kitô hữu xin cử hành hôn nhân theo phép đạo (thí dụ vì muốn làm vui lòng gia đình, vì họa theo phong tục) nhưng mà chẳng có tin tưởng gì hết, thì hôn nhân đó có phải là bí tích hay không ?

Vì những lý do ấy, một số tác giả đã đòi xét lại sự gắn chặt giữa khế ước với bí tích hôn nhân: không thể coi bất cứ khế ước hôn phối nào của người Kitô hữu cũng đương nhiên là bí tích; cần phải có tối thiểu là đức tin vào bí tích. Chúng ta hãy theo dõi những lý chứng của hai phe.

I. Lý chứng của phe chủ trương tách rời khế ước khỏi bí tích

Họ dựa trên lý chứng thần học và lý chứng lịch sử.

A- Xét về thần học, điều kiện tối thiểu để lãnh nhận bí tích là phải muốn lãnh nhận nó. Nếu ai không tin và không muốn lãnh bí tích (thậm chí họ đã minh thị gạt bỏ bí tích) thì tại sao áp đặt người ta làm gì? Cách riêng về bí tích hôn nhân, tác viên của bí tích chính là đôi bạn: họ biểu hiệu của sự trao hiến giữa đức Kitô với Giáo hội. Thế thì nếu mà chính họ không tin thì làm sao bảo họ làm tác viên được?

B- Xét về lịch sử, thì vấn đề gắn liền giữa khế ước với bí tích không phải là một chân lý đức tin, nhưng là một biện pháp của Giáo hội để đáp lại những học thuyết tại Âu châu hồi cuối thế kỷ XIX muốn tách rời hôn nhân khỏi sự kiểm soát của giáo quyền.

II. Những lý chứng của phe chủ trương không thể tách rời

Phe này dựa trên trật tự khách quan của bí tích hơn là tâm tình nội tại của người lĩnh nhận bí tích. Theo họ, tính cách bí tích của hôn nhân gắn chặt với bí tích rửa tội: khi lãnh bí tích rửa tội, con người đã lĩnh ấn tích, nghĩa là đã được in dấu của Chúa Kitô: dấu ấy không thể nào bị xóa nhòa, và không tùy thuộc vào lòng tin chủ quan của con người. Do đó, đối với người Kitô hữu, không thể nào có hôn phối “tự nhiên” được nữa, xét vì những gì là tự nhiên nơi họ thì đã được đem vào lãnh vực cứu rỗi rồi. Khả năng biểu hiệu tình yêu của đức Kitô đối với Giáo hội không tùy thuộc vào lòng tin hay ý muốn của người tín hữu nhưng nằm trong bản chất của hôn nhân theo ý định của chính đức Kitô. Người tín hữu cần được huấn giáo để hiểu biết giá trị đó và chấp nhận trong đức tin.

Khỏi nói ai cũng hiểu, chủ trương này đi sát với lập trường chính-thức của Giáo hội, được biểu lộ qua bộ giáo luật cũng như trong các văn kiện của Tòa thánh, thí dụ tông huấn “Đời sống gia đình” của đức Gioan Phaolô II. Thêm vào đó, ta có thể kể văn kiện của Ủy ban thần học quốc tế năm 1977 dưới tựa đề “Vài vấn đề đạo lý của hôn nhân kitô giáo” (Problèmes doctrinaux du mariage chrétien). Ngoài luận cứ dựa trên trật tự khách quan của bí tích do đức Kitô ấn định chứ không tùy thuộc vào ý muốn người lãnh nhận, văn kiện còn phân biệt giữa ý định (intention) và lòng tin (foi personnelle) khi lãnh bí tích: a/ điều kiện cần thiết để lãnh bí tích là ý định muốn làm điều mà Chúa và Giáo hội muốn. Lòng tin của người lãnh bí tích không có chi phối sự hữu hiệu của bí tích nhưng chỉ ảnh hưởng tới hậu quả thiêng liêng do bí tích phát sinh. Tuy nhiên văn kiện cũng nhìn nhận rằng lòng tin có thể chi phối ý định; tiếc rằng, các tác giả không chịu đi sâu hơn để giải thích mối liên hệ đó (số 2 và 3).

Tông huấn “Đời sống gia đình” cố gắng dung hòa hai lãnh vực. Một đàng trên lãnh vực đạo lý, văn kiện này bảo vệ trật tự khách thể của kế hoạch cứu rỗi; tính cách bí tích được gắn liền với hôn nhân của các Kitô hữu là do ý định của Thiên Chúa chứ không tùy thuộc ý muốn của họ. (số 13). Điều kiện tối thiểu đòi hỏi nơi họ là chấp nhận điều mà Giáo hội đã ấn định khi cử hành hôn phối. Mặt khác, trên lãnh vực mục vụ, nếu chính người Kitô hữu khước từ không chấp nhận học thuyết của Giáo hội về bí tích hôn nhân, thì các mục tử không được cử hành nghi lễ hôn nhân cho họ (số 68).

Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng không phải là Giáo hội khước từ việc cử hành bí tích nhưng là chính họ đã khước từ. Đức Thánh Cha cũng lưu ý các mục tử trong việc thẩm định cấp độ lòng tin của những người xin lãnh bí tích: đây là một công chuyện rất tế nhị và dễ rơi vào quyết định chủ quan. Có lẽ vì thế mà Ngài muốn dựa vào tiêu chuẩn rõ rệt hơn, nghĩa là ý định (chủ ý: recta intentio) làm theo kế hoạch của Chúa.

Hậu quả thực tế

Trên đây là những nguyên tắc thần học về tương quan giữa khế ước hôn phối của các Kitô hữu với bí tích. Để kết thúc, chúng ta hãy xét tới vài hậu quả thực tế.

1) Giả như một đôi hôn nhân khô khan nguội lạnh nhưng xin cử hành lễ nghi hôn phối ở nhà thờ, thì hôn phối vẫn hữu hiệu. Dĩ nhiên, bổn phận của các mục tử là phải cố gắng chuẩn bị tâm hồn họ qua việc huấn giáo.

2) Giả như một đôi hôn nhân minh thị loại trừ tính cách bí tích của hôn nhân (họ chỉ muốn cưới hỏi như hôn phối tự nhiên), thì một số tác giả nghĩ rằng hôn nhân có thể vô hiệu dựa theo đ.1099 và 1101 §2, bởi vì đối với hôn nhân kitô giáo, việc loại bỏ tính cách bí tích cũng phát sinh hậu quả giống như việc loại bỏ tính cách đồng nhất và bất khả ly của hôn nhân.

3) Giá thú thuần túy dân sự của các kitô hữu, tuy rằng vô hiệu xét theo giáo luật vì thiếu thể thức pháp định, nhưng không thể bị đồng hóa với các cặp trai gái sống chung không có giá thú (xem: Tông huấn “Đời sống gia đình” số 82). Có những vấn đề mục vụ được đặt ra cho những đôi vợ chồng ấy mà Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên. Nhưng xét dưới khía cạnh thần học và pháp lý, có tác giả đã đặt vấn nạn như sau: bộ giáo luật hiện hành đã dự trù trường hợp mà người công giáo không còn buộc phải giữ thể thức pháp định khi kết hôn nữa, đó là trường hợp người đã công khai bỏ đạo (đ.1117); thế nhưng tuy đương sự tuyên bố bỏ đạo nhưng ấn tích rửa tội vẫn còn; thế thì phải coi hôn phối dân sự của họ là hữu hiệu và là bí tích chứ?

4) Công đồng Vaticano II đã chú trọng tới khía cạnh thánh hóa và thánh hiến của Bí tích hôn nhân; điều này được bộ giáo luật lặp lại ở đ.1134 của giáo luật. Tuy nhiên xem ra nhà lập pháp chú trọng cách riêng đến một hậu quả của bí tích, tức là tính cách bất khả ly (đ.1056); thực vậy, Giáo hội đã dự trù những trường hợp chước chuẩn hôn nhân khi nó chưa phải là bí tích (những trường hợp đặc ân đức tin).

Luôn tiện cũng nên biết là nhiều khó khăn trong cuộc tranh luận về bí tích hôn phối xảy ra trong thần học latinh. Thần học Latinh quan niệm rằng trong bí tích hôn phối chính đôi bạn vừa là tác viên (chủ sự) vừa là thụ viên (người lãnh nhận); chính trong lúc trao đổi sự thỏa thuận hôn nhân, thì đôi bạn kitô hữu cũng thực hiện bí tích hôn phối. Quan điểm của thần học của Đông phương thì khác: vị chủ sự bí tích hôn phối là linh mục. Linh mục đọc lời cầu khẩn xin Chúa Thánh Thần chúc lành thánh hóa tình yêu của đôi bạn. Theo quan điểm này, sự trao đổi ưng thuận giữa đôi bạn chỉ là chất thể của bí tích; còn lời cầu của linh mục mới là mô thức của bí tích. Sự khác biệt giữa hai truyền thống đã được ghi lại trong Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo số 1623.

 

Trả lời