Tên Là Người

 

Tên Là Người


Tên Là NgườiĐã từ lâu, tôi vẫn cứ thao thức một điều rằng : Tại sao khi có người nào đó qua đời, mọi người đến bên quan tài nhìn mặt người quá cố lần cuối rồi cầu nguyện cho linh hồn Giuse, Maria, Têrêsa, Anna … Cái “tên thánh” mà cha mẹ đã ghép vào cái tên “cúng cơm” trong ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy, thành con nhà có đạo, chứ không cầu nguyện cho “ông Giuse Mỗ”, “bà Maria Gái” ?

Cái tên thánh đó mang một ý nghĩa sâu sa lắm. Nguyện vọng con người này cũng sẽ “là” thánh như vị thánh mà người đó tôn làm bổn mạng, vị “bảo hộ” và “phù trì”. Cái tên đó sẽ theo con người này suốt cuộc đời. Khi lãnh các bí tích khai tâm, vị thừa tác chỉ nói “tên thánh”, ta rửa con…; “tên thánh”, hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần…nhưng khi lãnh bí tích hôn phối, truyền chức thì phải thêm cả cái tên cúng cơm và họ hàng vào nữa mới xong. Nếu không vậy, nhiều chuyện lạ có thể xảy ra lắm !

Theo thói quen dân Bắc theo đạo dòng, con trai sẽ có ông “thánh nam” làm bổn mạng, con gái thì sẵn bà “thánh nữ” đỡ đầu. Xem ra các thánh cũng phân biệt giới tính kỹ thật ! Gần đây, dân Việt đã có các thánh “gốc Việt” nên các gia đình trẻ cũng đang có khuynh hướng đặt tên thánh cho con bằng tên các thánh Tử Đạo Việt Nam, xem ra cũng quốc hồn quốc tuý lắm. Thêm nữa, ai ngưỡng mộ vị thánh nào, thì cứ việc lấy tên vị đó mà đặt cho con chứ không cần biết là thánh nam hay thánh nữ. Nhiều cô gái trẻ có cái tên nhà đạo rất dễ thương như Dũng Lạc Quỳnh Trâm, Trinh Hoan Huyền Diệu…

Người phương Đông thì còn cái kỵ huý nữa. Tên người ta là vậy, nhưng do kính trọng không dám nêu tên vị đó trong xưng hô mà chỉ đơn giản là thưa cụ lớn, bác sáu, Đức Cha Giuse, cha Phêrô hay cũng thế với người qua đời : ông Giuse, bà Mat-ta…Đôi khi người ta lại dùng họ để gọi tên : Ông Phạm, bà Trần để suy tôn một chức sắc nào đó mà biết họ thuộc dòng tộc nào. Chứ ai nói toẹt ra tên người đó thì nghe nó sống sượng hay “láo toét” nữa là khác.

Người phương Tây thì dùng tên để gọi và kèm theo họ hoặc tên cha hay mẹ. Hồi dân Việt mới qua định cư ở các nước phương tây cũng có nhiều chuyện vui quanh cái việc gọi tên này. Và rồi thư từ giao tiếp, thủ tục hành chánh cũng theo cái thứ tự đó mà tên cúng cơm của dân Việt mang hình thức khác : Gái Nguyễn Thị, Tèo Bùi Văn. Ngay con nhà có đạo cũng có sắp xếp thứ tự khác luôn : Nhung Mary, Tèo Peter và cũng có khi ngược lại khi người ta tôn trọng tên của nhân vật nào đó, nhưng nó cũng ghép cả tên họ, tên thánh và tên gọi…

Nhưng dù có sắp xếp thế nào đi nữa thì cái tên đó vẫn là một dấu chỉ riêng biệt của một cá nhân, một nhân vị, một đối tượng cụ thể với bổn phận, suy tư, hành động và chịu trách nhiệm về mọi sinh hoạt tinh thần hoặc tương giao của mình.

Tên là người.

Lúc chăn chiên nơi đồng vắng, Môi sê được Giavê giao nhiệm vụ giải thoát dân riêng, ông cũng đã hỏi tên của vị đang giao nhiệm vụ cho ông là gì. Giavê chỉ nói “hãy nói với dân chúng rằng : Đấng Tự Hữu sai tôi nói với anh em…”. Đấng Có đó không phải là tên Ngài, cũng như Giavê là tên con người dùng để nói về Ngài. Ngài không có tên, vì nơi Ngài là tất cả, là tuyệt đối viết hoa. Tuyệt Đối của mọi tuyệt đối . Đỉnh điểm của mọi hiểu biết. Thượng trí của sự khôn ngoan. Nguồn của mọi yêu thương. Tất cả đều là “có” trước cái nhìn của Ngài và không gì trên vòm trời hay sâu dưới lòng đất hoặc trên hành tinh này đi ra khỏi “ánh nhìn” của Ngài hoặc Ngài không biết. Chúng ta gọi Ngài là Thiên Chúa. Là chúa của trời và cả các vua chúa thế trần…nhưng “Thiên Chúa” cũng không phải tên của Ngài !

Nhưng con người, tạo vật thì đều có tên. Đặt tên cho ai tức là mình có ảnh hưởng trên người đó. “Từ trong hoang sơ, khi tôi chưa có trên đời, thì Ngài đã biết tôi và đặt tên cho tôi…” (Thánh Vịnh) . Ngay khi đã có tên rồi, Ngài còn có thể đổi tên để cho tên đó hợp với sứ mệnh mà người được đổi tên phải đảm nhận : “Simon, anh sẽ đổi tên là Phêrô, nghĩa là Đá…”. Rồi nữa, cha mẹ đặt tên cho con với cả khát vọng tên đó là người. Tên đó lấy tên từ sự bình an : Hạnh, Phúc, Nhân, Minh, Trí, Dũng…theo cái nghĩa của từ Hán. Tên của các loài hoa, chim, màu sắc… để mong con sẽ tươi xinh rạng rỡ : Dung, Hồng, Đẹp, Xinh, Phượng… Cũng có người mê tín đặt tên con thật “xấu” để quỷ thần cũng sợ không dám lại gần bắt đi… Mỗi dân nước, mỗi địa phương có truyền thống đạt tên cho con khác nhau theo quan điểm của họ, nhưng cách chung cái tên vẫn là cái đặc thù của mỗi cá nhân đó.

Tên liên quan tới một nhân vị. Nhân vị đó có bổn phận và trách nhiệm trong mọi tương quan của mình trong ý nghĩa triết học nhân sinh của nó. Chẳng hạn một người phạm lỗi gì đó, việc xét xử hay kết án chỉ là sự trừng phạt, hoặc đền bù mang nghĩa công bằng, còn cái hậu quả do hành vi phạm lỗi kia thì ai chịu trách nhiệm. Sự công bình chưa hẳn đã là đủ đối với bổn phận và trách nhiệm. Thế nên tín điều chung thẩm của Kitô giáo mới được hiểu rộng hơn, sâu hơn mà không làm tổn thương tới lòng thương xót vô biên của Đức Chúa Trời. Vì Ngài không ghét bỏ ai, cũng chẳng ra tay trừng phạt như lối hành văn của Cựu Ước. Sự trừng phạt mà ta cảm thấy là do chính bản thể cảm nghiệm được do trách nhiệm với những hành vi đúng – sai của mình và cảm thấy bất xứng trước sự thánh thiện cao cả và yêu thương siêu việt của Ngài.

Viển vông với nhiều khía cạnh thế, tôi lại trở vể với những buổi cầu kinh hoặc ý chỉ cầu nguyện trong thánh lễ. Cầu cho linh hồn (nghe là biết người đã chết) là đúng quá. Hồn không chết. Nên phải cầu nguyện cho hồn. Hồn đã ở trong xác kia và “chung sống” suốt quãng đời với xác. Hồn và xác là một trong mọi hành vi nhân tính. Hồn cũng vào sinh ra tử với xác nên cũng chịu chung một trách nhiệm như xác. Xác là cấu tạo của vật chất nên mang thuộc tính của vật chất. Nhưng xác theo nghĩa Kitô giáo lại còn “tái sinh” chứ không mãi nằm vùi trong tro bụi. Vậy cầu nguyện cho hồn thì cũng cầu nguyện cho xác. Một thân xác nhân vị của bao ân sủng, bao hoài bão, bao công lao chiến đấu để sống đức tin, xác của cả những hành vi tội lỗi, phản bội và vong ân, vong thân.

Nghe người ta đọc kinh cầu nguyện cho “linh hồn Giuse”, tôi cứ tưởng thánh Giuse… lại chết. Công cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội đã phát triển lâu lắm rồi nhưng chưa thấy hội nhập cái “vinh quy bái tổ” này của văn hoá phương Đông : văn hoá tôn trọng cái tên của con người. Người ta tôn trọng nhân vật nào, còn đưa cả tên người ấy mà đặt cho con đường hay thành phố, thậm chí những cây cầu hay công viên. Vậy mà một con người tín hữu khi chết đi không được đọc tên ngay cả trong kinh nguyện, Thánh lễ…

Chúng ta cầu nguyện cho “Ông Giuse Nguyễn Văn Mỗ”, “bà Anna Trần Thị Gái” nghe có vẻ vừa thần học, vừa nhân bản hơn. Và chắc là Đức Kitô tử nạn và Phục sinh cũng không cười mà bảo rằng “không nói rõ vậy thì Chúa không biết à ?”

jtrinhan

Trả lời