Suy niệm về Nhân Đức Khiêm Nhượng

 

Suy niệm về Nhân Đức Khiêm Nhượng

 

Suy niệm về Nhân Đức Khiêm NhượngKiêu ngạo là vua của các tính xấu, là đầu của mọi tội lỗi. Vì tội kiêu ngạo, một số đông thiên thần bị Chúa đuổi ra khỏi thiên đàng, trở thành ma quỷ khốn nạn trong hỏa ngục. Vì tội kiêu ngạo, hai tổ tông loài người là ông Ađam và bà Evà bị Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng, không những làm cho mình bất hạnh, mà còn làm cho con cháu mình sau nầy mất hạnh phúc. Vì tội kiêu ngạo, tháp Babel vị sụp đổ, tên khổng lồ Goliát bị giết chết. Vì tội kiêu ngạo, nhiều người biệt phái, luật sĩ, tư tế Do Thái bị Chúa Giêsu loại ra khỏi Nước Trời.

Trái lại, có tính tốt nào mà không đặt nền móng trên nhân đức khiêm nhượng, không có nhân đức nào mà không đặt cơ sở trên nhân đức khiêm nhượng.

Chúa không thể nào yêu chúng  ta được nếu chúng  ta không khiêm nhượng. Kẻ nào kiêu ngạo, Chúa hạ xuống thấp; kẻ nào khiêm nhượng, Chúa nâng cao lên. Chúa không thể nào tha tội cho chúng  ta được, nếu chúng  ta không khiêm nhượng. Chúa tha mọi tội cho ông Giakêu, cho bà Mađalêna, cho người trộm lành vì họ có lòng khiêm nhượng. Còn ai kiêu ngạo, Chúa không ban ơn tha thứ cho họ. Chúa loại chúng  ta ra khỏi nước Trời, nếu chúng  ta không khiêm nhượng. Chúa phán rõ: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15)

Chúa Giêsu nhấn mạnh về nhân đức khiêm nhượng thật trong lòng. Ai hạ mình xuống, mới được nâng lên. Ai là sau hết, mới lên trước hết. Khi đi dự tiệc, hãy chọn chỗ dưới. Người làm lớn, hãy lo phục vụ những người ở dưới họ. Khi làm xong việc gì cho Chúa, phải tự nói rằng: “Tôi chỉ làm việc tôi phải làm, tôi chỉ là đầy tớ vô dụng”. Khi bố thí, khi làm việc lành, đừng để tay trái biết việc tay mặt làm. Khi cầu nguyện, đừng cầu to tiếng giữa chợ búa cho người ta thấy mà khen, nhưng cầu nơi kín đáo cho Chúa nghe mà thôi. Phải khiêm nhượng như trẻ nhỏ mới được vào thiên đàng.

Không những nhấn mạnh về sự quan trọng của nhân đức khiêm nhượng, Chúa Giêsu còn treo cao gương khiêm nhượng trước mặt mọi người. Chúa Giêsu khiêm nhượng trong đời sống thế trần. Chúa Giêsu sinh ra khiêm nhượng: chọn một bà mẹ nghèo, sinh ra nơi miền xa, không có nhà trú, không có chỗ trọ, nên phải chào đời trong một hang lừa hôi hám, nằm lạnh lẽo trong máng cỏ rơm của bò lừa, giữa đêm khuya đầy sương tuyết, không có chăn mền ấm áp. Chúa Giêsu sống đời khiêm nhượng: sống tại Nazarét là nơi dân nghèo, làm nghề thợ mộc vừa đủ nuôi gia đình, ra đi giảng đạo với hai bàn tay trắng, chọn những môn đệ trong hạng người nghèo hèn, thất học, không có địa vị gì trong xã hội, sống lang thang không có chỗ trú ngụ nhất định, nhiều lúc thầy trò phải nhịn đói cho qua ngày đêm. Chúa Giêsu chết khiêm nhượng: bị bắt như một tên tội phạm nặng nề, bị đánh đập sĩ vả ê chề, bị lên án xử tử công khai, bị lột hết áo quần ra và bị đóng đinh chết đứng trên hai miếng gỗ, bị treo lên giữa trời và đất cho mọi người chế nhạo, phải mượn mồ của kẻ khác để tạm chôn một cách vội vàng. Và hiện giờ cho đến tận thế, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu sống khiêm nhượng một cách lạ lùng trong các Nhà Tạm trên khắp hoàn cầu: sống triền miên thinh lặng, hoàn toàn giấu ẩn tính cao sang huy hoàng của Con Thiên Chúa, chịu đựng mọi sĩ nhục lăng mạ của loài người tội lỗi, chịu đựng những sự thờ ơ của ngay những người tin Ngài, luôn chờ đợi, không ép buộc ai, chỉ biết mời mọc: “Hãy đến với Ta, Ta bổ sức lại cho”.

Suy niệm về Nhân Đức Khiêm NhượngNhân đức khiêm nhượng là một nhân đức trong suy nghĩ, trong tâm tình và trong hành động. Nhân đức khiêm nhượng là một nhân đức trong suy nghĩ. Ta suy nghĩ về mình. Trong quá khứ, ta đã thế nào? Ta đã không không, ta không đáng gì, ta mới có đây. Nếu Chúa đã không thương cho ta chào đời, thì ta sẽ đời đời không bao giờ có mặt trên đời nầy đâu. Hiện tại, tôi đang thế nào? Hiện tại, tôi là kẻ tội lỗi vì tôi phải luôn đấm ngực mình mà nói: “lỗi tại tôi mọi đàng”, phải luôn đọc lời cầu nguyện của kinh Kính Mừng: “Cầu cho con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử”. Hiện tại, tôi không có gì vì cái gì tôi đang có là do Chúa cho tôi mượn, do Chúa ban cho tôi. Hiện tại, tôi không đáng gì, vì chỉ cần một làn gió nhẹ thổi vào sau lưng tôi, một mạch máu nhỏ bị đứt trong quả tim tôi, một vỏ dưa làm trượt chân tôi, cũng đủ làm tôi chết ngay tại chỗ, bỏ vợ, bỏ con, bỏ hết của cải gia tài sự nghiệp. Trong tương lai, tôi sẽ thế nào? Hãy nhìn một nấm mồ là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của tôi sau khi thân xác tôi chết: bụi đất, thúi tha, giòi bọ, xương cốt héo khô. Còn về số phận của linh hồn tôi sau khi chết, tôi hãy nhìn xuống hỏa ngục hơn là nhìn lên thiên đàng, vì tôi đâu chắc chắn được mình sẽ chết lành, bởi lẽ chỉ cần một nháy mắt mà tôi chết thình lình, không kịp ăn năn tội vì Chúa, thì đủ để mất linh hồn đời đời.

Nhân đức khiêm nhượng là một nhân đức trong tâm tình. Tôi phải xác tín và thành thật nhìn nhận mình là kẻ yếu đuối, kẻ tội lỗi, chứ không phải chỉ nói ra những lời bên ngoài mà thôi. Tôi phải có lòng khiêm nhượng thật như lời Chúa nhấn mạnh: “khiêm nhượng thật trong lòng”, chứ không phải giả bộ khúm núm, khép nép bề ngoài. Tôi phải thật tâm muốn cho kẻ khác biết tôi là kẻ hèn hạ, đáng khinh, đáng chê, đáng bị bỏ rơi, là kẻ có lỗi, có tội. Tôi phải thành thật khinh chê mọi sự ở đời nầy vì Chúa. Tôi thật tình thích làm những việc khiêm hèn, những việc không ai để ý tới. Tôi vui mừng thật trong lòng khi thấy ai được việc, thành công, hơn tôi về mặt nầy mặt khác. Tôi luôn vui vẻ bằng an trong tâm hồn khi tôi được việc cũng như hỏng việc, khi tôi được lợi cũng như thất lợi, khi tôi được khen cũng như khi tôi bị chê, khi tôi được thông cảm khuyến khích cũng như khi tôi bị chỉ trích chê bai.

Nhân đức khiêm nhượng còn là một nhân đức trong thái độ. Tôi ăn nói dịu dàng. Cử chỉ điệu bộ của tôi nết na. Tôi không chữa lỗi, không đổ lỗi, không khoe khoang, không khinh dễ kẻ khác, không lên án ai, không xa lánh ai, không xử tệ với người nào. Tôi ý tứ trong khi cười, trong khi ăn uống. Tôi vâng lời một cách nhanh chóng, vui vẻ và hoàn toàn. Tôi nhịn nhục, tha thứ kẻ khác. Tôi nói lời cám ơn kẻ chỉ trích tôi, lên án tôi. Tôi nói lời xin lỗi kẻ hiểu lầm tôi. Tôi không bao giờ nhắc lại những gì người ta đã làm cho tôi một chách bất công hoặc có ý xấu. Tôi luôn mĩm cười với mọi người.

Người nào khiêm nhượng thì được Chúa luôn ở gần bên: “Ta ngự trên trời cao nhưng ta vẫn ở gần bên kẻ nào hối cải và khiêm tốn”; được Chúa ban ơn: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhượng”; được Chúa cứu giúp: “Thiên Chúa hạ kẻ kiêu căng nhưng cứu giúp người khiêm nhượng”; được Chúa nâng lên cao: “Ai tâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”; được Chúa tha tội: “Người thu thuế đứng ở xa, không dám ngữa mặt lên trời, lại còn đấm ngực nói: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo thật các ngươi: “Người nầy khi trở về nhà, sẽ được nên công chính”. Người khiêm nhượng được Chúa cho thoát cơn hoạn nạn: “Khi Ta khép các cửa trời mà không có mưa, khi Ta ra lệnh cho cào cào châu chấu phá hoại xứ sở, hoặc khi Ta cho ôn dịch hành hạ dân Ta, nếu dân Ta biết hạ mình xuống lấy Danh Ta mà cầu khẩn…, thì từ trời cao, Ta sẽ nghe lời họ và Ta sẽ cho xứ sở họ thoát cơn hoạn nạn”. Người khiêm nhượng được Chúa dẫn dắt và dạy dỗ: “Chúa dẫn dắt người khiêm nhượng theo đường công chính. Chúa dạy dỗ người khiêm tốn biết đường lối Ngài”. Người khiêm nhượng được Chúa nhậm lời cầu nguyện: “Chúa thương nhậm lời kêu cầu của người khiêm nhượng. Chúa nâng đỡ tâm hồn họ, Chúa lắng tai nghe họ”.

Suy niệm về Nhân Đức Khiêm NhượngNgười kiêu ngạo dễ bị trượt, dễ bị bổ, dễ bị té, dễ bị nhào vì họ trèo lên cao, vì họ đứng trên cao. Người khiêm nhượng không bao giờ bị trượt, bị bổ, bị té, bị nhào vì họ luôn ngồi dưới đất, luôn nằm sát đất, luôn đứng chỗ thấp. Nếu người khiêm nhượng có trèo lên cao, có đứng trên cao, thì họ cũng không bị trượt, không bị bổ, không bị té, không bị nhào vì họ bám chặt vào Chúa là đấng không bao giờ nghiêng ngã, vì họ được bàn tay vô cùng chắc chắn của Chúa nâng đỡ.

Hạnh phúc thay người sống đời khiêm nhượng. Họ nhìn Thánh Giá. Họ cầm Thánh Giá. Họ ôm Thánh Giá. Họ hôn Thánh Giá. Họ mang Thánh Giá. Thánh Giá dạy họ sống đời khiêm nhượng thật của Chúa Giêsu: vui lòng chịu mọi sự sĩ nhục; im lặng không nói lời gì lên án ai; tha thứ cho kẻ làm hại mình; cầu nguyện cho kẻ làm mất lòng mình; cầu nguyện cho mình và cho mọi người được vào nước thiên đàng như người trộm lành xưa; hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa sắp đặt mọi sự; chu toàn mọi việc bổn phận lớn nhỏ của mình cho đến hơi thở cuối cùng; vui lòng dâng lên cho Chúa mọi nỗi đau khổ phần xác phần hồn.

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Trả lời