Sứ điệp Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Truyền Thông 2018

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Truyền Thông 2018VATICAN. ĐTC kêu gọi phòng ngừa và vạch trần những ”tin giả” và cổ võ sự tìm kiếm sự thật, thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hòa bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 24-1-2017, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các ký giả, nhân dịp Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 52 sẽ được cử hành vào chúa nhật 13-5 năm nay về chủ đề: ”Sự thật sẽ giải thoát các con. Tin giả và phương thức báo chí hòa bình”.

Trong phần đầu của sứ điệp, ĐTC phân tích hiện tượng Fake News, tin giả, đang lan tràn, đặc biệt qua các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, nhắm lường gạt và lèo lái độc giả, và nhiều khi nhắm ảnh hưởng trên những chọn lựa chính trị và thủ lợi về kinh tế. Việc phổ biến tin giả nhiều khi cũng nhắm làm mất uy tín của người khác, trình bày họ như một kẻ thù..

ĐTC nhận xét rằng ”tin giả” dựa trên ”chiến thuật con rắn” như trong trình thuật Kinh Thánh về việc con rắn lý luận để cám dỗ bà Evà. Tên cám dỗ có vẻ đáng tín nhiệm và nhắm tới một sự quyến rũ đi thẳng vào tâm hồn con người, với những lý lẽ giả tạo nhưng có sức thu hút. Từ sự kiện đó, ĐTC cảnh giác rằng không có sự thông tin ngụy tạo nào là ”vô thưởng vô phạt”, vì thế sự tín nhiệm nơi những gì là sai trái, giả tạo, sẽ tạo nên những hậu quả bi thảm và tai hại.

Trong sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng Việc tìm kiếm sự thật chính là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất chống virus giả dối. Ngài viết ”sự giải thoát khỏi giả dối và tìm kiếm tương quan là hai nhân tố không thể thiếu được để những lời nói và cử chỉ của chúng ta là đích thực, chân chính và đáng tin cậy”.

Ngài cũng đề cao vai trò của ký giả phải là người ”giữ gìn tin tức” bằng cách tránh tiêu chuẩn tìm kiếm và loan truyền những tin giật gân. Trong lãnh vực này, chính con người chứ không phải những chiến lược là thuốc giải độc chống lại sự giả dối.

Trong phần kết của sứ điệp, ĐTC tha thiết kêu gọi thực thi một phương thức truyền thông hòa bình. Đây không phải là chủ trương chỉ để ý và loan truyền những tin tức ”mọi sự là tốt đẹp”, mà phủ nhận sự hiện hữu của những vấn đề trầm trọng, nhưng là một phương thức truyền thông ”không giả bộ, chống lại sự gian trá, những thứ khẩu hiệu nhắm tới những hậu quả và những tuyên bố máy móc. Cần một phương thức báo chí ”do con người và vì con người, trong tinh thần phục vụ, lên tiếng thay cho những người không tiếng nói.

ĐTC dựa theo kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô và trình bày kinh nguyện mà các ký giả và những người thiện chí có thể cầu nguyện:

”Lạy Chúa, xin dạy con nhận biết sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông. Xin làm cho chúng con có khả năng loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con. Xin giúp chúng con nói về tha nhân như những anh chị em chúng con.

”Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới; nơi nào có tiếng ồn, xin làm cho chúng con biết lắng nghe; nơi nào có hộn động, xin là cho chúng con gợi lên sự hòa hợp; nơi nào có mơ hồ, xin làm cho chúng con mang lại sự minh bạch…. ” (Rei 24-1-2018)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Trả lời