Sống ơn gọi Giảng Thuyết theo gương thánh Martinô 2/2


 

Sống ơn gọi Giảng Thuyết

theo gương thánh Martinô

 

(tiếp theo)

Nói với Chúa trong tình mến

Sống ơn gọi Giảng Thuyết  theo gương thánh Martinô 2/2Ngay từ thuở niên thiếu, thánh Martinnô đã khao khát cuộc đời hoàn thiện, khao khát chiêm ngưỡng Chúa và sống trọn vẹn cho Chúa. Khi bị người cha đẻ từ chối, thánh nhân đã tìm được người Cha giàu lòng nhân ái, rất mực yêu thương, là chính Thiên Chúa. Mỗi ngày thánh nhân tranh thủ thời gian để được gần gũi Chúa, chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà chầu. Ở nơi đó, thánh nhân tâm sự với Chúa, nói với Chúa về cuộc đời trần gian, về những ưu tư của cuộc đời và những con người nghèo khổ trong thế giới.

Có lẽ trong những lúc thưa chuyện với Chúa, thánh Martinnô cũng nói với Chúa về người cha của mình trong tình thương mến. Không phải Người “kể tội” người cha “bội bạc” của mình, cho bằng Người cầu xin Chúa biến đổi tâm hồn ông và mở mắt tâm hồn để ông nhận biết tình thương Thiên Chúa dành cho ông qua cuộc đời, qua gia đình và qua những người con. Đó là qùa tặng quý báu, là hồng ân của Chúa trao ban, nhưng ông đã không biết đón nhận mà đành tâm chối từ. Như thế, thánh nhân càng thương thay cho người cha của mình. “Khi lên tám tuổi, Martin có gặp thân sinh mình, nhưng ông vẫn không nhìn con, và còn khinh bỉ như trước. Em rất buồn nhưng không khóc, chỉ chạy đến cùng Chúa và phó thác cuộc đời trong tay Người như người cha nhân lành… Đã sẵn có lòng thương người tha thiết, Martin chẳng những không oán ghét người cha tàn nhẫn, trái lại còn quí mến và luôn cầu nguyện cho người.”[1]

Có lẽ thánh Martinnô đã phải thao thức lắm để nhiều đêm Người thưa chuyện vãn với Chúa không phải vì cảnh tượng đau buồn khi tuổi thơ của Người chứng kiến cảnh “Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha, giọt lệ em rơi hoà chung với nỗi buồn bước đi trong chiều mưa.”[2] Nhưng, thánh nhân thao thức cho sự vô tâm của xã hội, của con người, của sự phân biệt màu gia, chủng tộc mà quên đi trách nhiệm và bổn phận của con người, sự liên đới với nhau, vô tình đã làm nên nhưng cảnh sống vô cùng bi thảm.

Có lẽ thánh Martinnô cũng không xót xa cho gia cảnh “mẹ góa, con côi” nhà mình, cho bằng Người thương cho số phận những con người bị xã hội ruồng rẫy, gạt ra bên lề, những con người cùng chung số phận với Người: những người nghèo khổ đầy đường đầy chợ, những con người bệnh tật đau thương, cơm không có ăn, áo không có mặc, thuốc không có uống… đâu cũng thấy khổ và khổ, khiến thánh Martinô động lòng trắc ẩn và càng thao thức hơn trước những cảnh đời như thế. Như Đức Giêsu xót thương dân chúng lầm than, khổ cực, khi Ngài “Thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”[3] Thánh Martinô đã có cùng một sự chạnh lòng như thế!

Và hơn nữa, thánh Martinnô không oán hận hay than trách những con người đã gây nên thương đau cho xã hội, cho con người như thế; trái lại, thánh nhân yêu thương họ, cầu nguyện cho họ, nói với Chúa về họ, về tương lai và phần rỗi của họ… Chính những thao thức, những lời tâm tình của thánh Martinnô với Chúa, và chính sự động lòng trắc ấn của thánh Martinnô, Chúa đã biến đổi cõi lòng người thế. Điều này được minh chứng cụ thể nơi người cha ruột của thánh nhân khi đón nhận lại người con của mình. “Nhận thấy cách ăn ở nết na của hai mẹ con bà Anna. Don Juan bị lương tâm cắn rứt, rồi không bao lâu, ông giác ngộ, nghĩ đến tình phụ tử, nhớ đến bổn phận làm cha. Thế là ông sám hối và thân hành đến đón con về ở với mình.”[4]

Qua một chi tiết cụ thể đó, chúng ta cũng thấy được phần nào giá trị và sức mạnh của lời cầu nguyện. Chỉ có Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn con người. Lời cầu nguyên chân thành của thánh Martinnô đã vượt thắng sự ích kỷ của con người.

Nếu như thuở thiếu thời thánh Martinnô đã có một sự khát khao “nói với Chúa” đặc biệt như thế, thì khi lớn lên, nhất là khi đã là tu sĩ Đaminh, thấm nhuần tinh thần của cha Tổ phụ dòng, thánh nhân càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và nhu cầu “Nói với Chúa” càng nhiều, khi chứng kiến nỗi khổ của nhân gian. Vì lẽ đó, Chúa đã thấu hiểu cõi lòng thánh Martinnô mà thi thố quyền năng Ngài nơi người con thảo của Chúa qua vô vàn phép lạ thánh nhân đã thực hiện để “cứu nhân độ thế”. Nhờ đó cuộc đời Người như là “tấm bánh bẻ ra” trao tặng những người cùng khốn đến với thánh nhân. “Một trong những ơn riêng Thiên Chúa ban cho thánh Martinô là ơn làm cho bánh hóa nhiều. Mỗi sáng Martinô thường ăn uống thật vội vã để có giờ tiếp đón hàng trăm người đang đợi thầy ngoài cửa.”[5]

Thánh Martinô là thế đó. Cuộc đời Người đã kết hợp nhuần nhuyễn những hoạt động cấp bách bên ngoài với nếp sống chiêm niệm bên trong. Sức mạnh thiêng liêng của thánh Martinô được kín múc từ việc cầu nguyện và hiệp lễ mỗi buổi sáng. Điều này đã giúp thánh nhân đủ sức cáng đáng tất cả những công việc trong một ngày sống. Đó là sức mạnh lớn lao nhất của Người trong vai trò tu sĩ. Chính vì thế, thánh Martinô đã sống Tin Mừng một cách triệt để giữa dòng đời: yêu thương những người bất hạnh, săn sóc những người ốm đau, bệnh tật, xoa dịu những tâm hồn đau khổ, chữa lành những vết thương thể xác cũng như tinh thần cho nhiều người. Thánh nhân ý thức rằng, mỗi lần làm như thế cho tha nhân chính là làm cho Chúa.[6]

Khi đã “nói với Chúa” về nhân gian, về những khổ đau của con người, về cuộc sống trần gian, thấu hiểu được “nhân tình thế thái” như thế, thánh Martinô được thúc đẩy, cần thiết phải “nói về Chúa ” cho mọi người để họ nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa để được ơn cứu độ.[7]

Nói về Chúa trong tinh thần bác ái yêu thương

Trong các hoạt động tông đồ của thánh Martinô, nỗi bật nhất là đời sống bác ái yêu thương. Bác ái yêu thương là một chứng từ sống động cho cho việc loan báo Tin Mừng. Có thể nói rằng, đỉnh cao của đời sống Kitô giáo là đạt tới Đức Ái hoàn hảo. Sống Bác ái là liên kết với Chúa thành một khối duy nhất, vì Chúa là Tình Yêu. Ngược lại, sống ích kỷ, thiếu bác ái tức là tự tách rời khỏi khối Tình Yêu Thiên Chúa, để đi vào con đường diệt vong, lang thang, tối tăm, hận thù ghen ghét muôn đời, tượng trưng bằng sự khóc lóc và nghiến răng.[8]

Thánh Martinô đã thấm nhuần điều đó! Thánh nhân đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chúa qua đời sống khiêm nhu, bác ái, cảm thông và chia sẻ với những người cùng khốn trong xã hội. Người đã yêu thương và làm tất cả vì tình yêu. Người đã nhìn thấy Đức Kitô đang hiện diện nơi những người anh em da màu, nơi những vết thương lở loét hôi thối trên thân thể những người nô lệ,… Khi đặt tay băng bó những vết thương đó, là lúc thánh Martinô đang thực hiện lời dạy của Đức Kitô: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”[9]

Bằng chính đời sống khiêm tốn, thánh nhân đã nêu gương cho anh em trong tu viện về lối sống của một tu sĩ Giảng thuyết, luôn mặc lấy tâm tình khiêm cung của Thầy Chí Thánh Giêsu. Bằng việc tuân giữ kỷ luật tu trì trong nếp sống Đaminh thánh nhân đã trở thành bài giảng hùng hồn cho nhân thế. Bằng đời sống đơn sơ, vui vẻ, thánh nhân trở thành bạn của nhiều người, không phân biệt già trẻ, lớn bé, giàu sang hay thấp hèn, màu gia, chủng tộc.

Từ những cung cách sống giản đơn như thế, Thánh Martinô đã không chỉ sống với Chúa, sống với anh em cách thân thiện, mà Người còn đến được với muôn người trong mọi hoàn cảnh sống. Như thánh Tông đồ, thánh Martinô cũng đã “trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.”[10] Chính vì thế, thánh nhân đã dẫn đưa nhiều người trở về với Chúa, đón nhận Tin Mừng cứu độ.

Đời sống bác ái của thánh nhân là một bài giảng thuyết hùng hồn và có sức thuyết phục nhất. Nhờ đời sống bác ái của mình, thánh nhân đã xoa dịu biết bao vết thương nơi thể xác cũng như tâm hồn khổ đau của những người đến với thánh nhân. Giữa một xã hội phân biệt màu da và giai cấp, thánh Martinô đã hiện diện trọn vẹn tính nghèo khó, đơn sơ và yêu thương. Đây là dấu chỉ sự hiệp nhất trong Đức Kitô. Sự hiện diện của thánh nhân cho thấy Người đang đồng hành với người khốn cùng trong hy vọng và trong tình thương. Thánh Martinô đã hiểu được rằng, Chúa Giêsu không chỉ chết một lần trên cây thập tự, nhưng Ngài đang chết dần chết mòn nơi những con người đang bị khinh khi và chối từ. Chúa Giêsu vẫn còn bị đóng đinh và điệu ra pháp trường cho đến ngày Chung Cuộc.

Thánh Martinô cảm nhận được rằng, để trở thành môn đệ Chúa Kitô, không gì khác hơn là đón nhận chính cuộc sống như Chúa Kitô đã từng sống. Có nghĩa là, thánh Martinô vui vẻ đón nhận khổ đau, sự khinh miệt và nghèo hèn để Người có thể chiến thắng đau khổ trên cuộc đời này, tiêu diệt khổ đau bằng chính sự đau khổ cùng với người nghèo và nhân danh người nghèo.

“Thánh Martinô không đến với người nghèo khổ bằng một túi tiền to hoặc bằng một khả năng siêu đẳng. Martinô đến với người nghèo, trước tiên, như một người nghèo, nhưng là một người nghèo có tấm lòng. Với tấm lòng yêu thương bác ái, Martin thanh thản để cho đi những gì mình có được, để cống hiến dù chỉ một chút công sức mà mình có thể làm được. Qua những trợ giúp vật chất, Martin luôn trao tặng chính tấm lòng vàng của mình cho những người nghèo khổ, chứ không phải là sự ban bố vung vãi quyền năng dư thừa. Chính từ thái độ “trao tặng tấm lòng” như thế, Thiên Chúa trân trọng, yêu thương, đón nhận và làm cho công việc của Martin trở nên hiệu quả theo ý của Ngài.”[11]

Thánh Martinô là tấm gương sáng ngời về đời sống bác ái, yêu thương. Bằng một đời sống âm thầm, lặng lẽ, thánh nhân đã họa lại chân dung Đức Giêsu khiêm hạ, yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Và cứ thế, tình yêu thương đồng loại, và muông thú, cỏ cây như vết dầu loang, loang mãi để cho mầm tình yêu vươn nhánh, trổ bông và tỏa hương thơm ngát cho đời sống Giáo Hội và từng người.

Qua thánh Martinô, những mảnh đất tâm hồn cằn cỗi được tình yêu yêu thương ấp ủ để vươn dậy những chồi non đạo hạnh thánh thiện, sống tốt đời đẹp đạo, những tâm hồn bị thương tổn gặp được niềm an ủi và chữa lành, và những tâm hồn băng giá được hâm nóng niềm tin, trở nên nhiệt thành yêu mến và hăng say đời sống chứng nhân. Qua thánh Martinô, những phận đời bị hất hủi, bị lãng quên, đã tìm lại được hơi ấm tình người và giá trị của chính mình bởi sự nâng niu trân trọng của thánh Martinô.

Qua cách thức giảng truyền bằng tình thương, bằng đời sống bác ái yêu thương, thánh Martinô đã xoa dịu biết bao đau khổ do bệnh tật thể xác và tâm hồn. Nhiều cõi lòng nặng trĩu được nhẹ vơi, biết bao vết thương gãy vỡ được hàn gắn, nhiều số phận thoát cảnh bị lãng quên và biết bao tâm hồn sầu não tìm lại được niềm vui sống,… nhờ bàn tay da màu chất chứa tình yêu thương và ấm áp, thánh Martinô đã làm cho nhiều người nô lệ được sống đúng phẩm giá của con người. Hơn thế nữa, thánh Martinô đã cho thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, “vị lương y” đầy lòng thương xót và từ tâm đối với tất cả mọi người không loại trừ một ai. Đời sống truyền giáo, lối giảng thuyết, cách “Nói về Chúa” của thánh Martinô là thế đó.

Tạm kết

Giữa dòng chảy ồn ào huyên náo của lối sống thực dụng của xã hội Lima thời bấy giờ, thánh Martinô đã chọn cho mình một cuộc sống đơn sơ khó nghèo. Giữa những lời mời gọi ngọt ngào đường mật của bao niềm vui thú nơi người trẻ phơi phới tuổi xuân thì trong nhịp sống gấp gáp vội vàng và đong đưa quyến rũ của dòng đời hối hả tìm hưởng thụ, thánh nhân đã chấp nhận khước từ tất cả để lội ngược dòng đời dấn thân trọn vẹn hơn cho Chúa và tha nhân trong đời sống tu trì. Giữa một xã hội phân chia giai cấp giàu nghèo, sang hèn, kỳ thị chủng tộc, phân biệt màu da, tiếng nói, thánh Martinô đã chọn lối sống yêu thương, hiệp nhất, phục vụ tất cả mọi người trong Chúa Giêsu. Giữa trăm ngàn nẻo đường đời tu, thánh Martinô đã chọn đời sống Trợ sĩ Đaminh trong khiêm tốn, âm thầm, lặng lẽ, hy sinh, phục vụ quên mình vì Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.

Là một tu sĩ dòng Giảng thuyết, thánh Martinô không nói về Chúa bằng những bài giảng thuyết lừng danh, cũng không phải bằng những trang suy tư thần học cao siêu, nhưng bằng chính đời sống của mình. Thế nhưng bài giảng đó hấp dẫn và cuốn hút hơn bất cứ một bài giảng nào.

Mặc dầu thánh nhân đã sống cách chúng ta hơn bốn trăm năm, nhưng vẫn luôn có giá trị trong thời đại chúng ta hôm nay. Thế giới hôm nay còn đầy rẫy chiến tranh và hận thù, cần lắm những tấm lòng nhân ái, hy sinh quên mình như thánh Martinô. Chỉ những con người sống triệt để lối sống Tin Mừng như thánh Martinô mới góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát do tình trạng người bóc lột người gây ra.

Là những người con, người bạn và là người anh em với thánh Martinô, chúng ta cũng được mời gọi dấn thân, hy sinh phục vụ quên mình như thánh Martinô. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên những Martinô thời đại. Thánh Martinô là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong đời sống thánh hiến nói chung, cách riêng là đời sống thánh hiến Dòng Anh em Giảng Thuyết.

Pet. Võ Tá Đương, OP.



[1] Nguyễn Tri Ân, OP, Tấm lòng Vàng. Nxb. Tp. HCM, 1997, trg. 12.

[2] Nhạc sĩ Minh Khang, Đứa bé.

[3] Mt 9,36.

[4] Nguyễn Tri Ân, OP, Tấm lòng Vàng. Nxb. Tp. HCM, 1997, trg. 14.

[5] Đào Trung Hiệu, Chân dung Thánh Martinô, Tu viện thánh Alberto, 2011, tr. 28.

[6] Xc. Mt 25, 40.

[7] Xc. Mary Fabyan Windeatt, Matrinô, Bác sĩ tí hon thành Lima, Học viên Alberto, 2011, tr. 74.

[8] Xc. Mt 25,30.

[9] Mt 25, 35-36.

[10] 1Cr 9,22.

[11] Nguyễn Trọng Viễn, OP., Những trang Tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô.

Trả lời