Sống ơn gọi Giảng Thuyết theo gương thánh Martinô 1/2



Sống ơn gọi Giảng Thuyết

theo gương thánh Martinô


Pet. Võ Tá Đương, OP.

Sống ơn gọi Giảng Thuyết  theo gương thánh Martinô 1/2Khi nói đến thánh Martinnô de Porres, người ta nghĩ ngay đến cụm từ “ông thánh có tấm lòng vàng”, hoặc “ông thánh hay làm phép lạ”; “cha của những kẻ khó nghèo, đau yếu”, nhiều người còn gọi thánh nhân bằng một tên gọi thân thiện, gần gủi hơn, đó là “ông thánh da đen”… Tất cả những cụm từ trên đây chỉ về thánh Martinô đều không sai, nhưng có lẽ bấy nhiêu vẫn chưa đủ và sẽ không đủ khi nói về thánh nhân mà không nhắc đến Người là một tu sĩ dòng Anh Em Giảng Thuyết.

Chính trong môi trường của Dòng Giảng Thuyết, hấp thụ đời sống tu trì, thấm nhuần tinh thần Đaminh, Martinnô de Porres đã trở thành một vị hiển thánh lừng danh cho Giáo Hội bởi tinh thần “bác ái yêu thương, nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân”. Chính vì thế, đời sống thánh nhân đã trở thành một “kiểu mẫu” cho con người trong mọi thời đại, đặc biệt đối với người tu sĩ Giảng Thuyết, cách riêng với anh em Trợ sĩ Đaminh.

Nếu như đời sống của cha thánh Tổ phụ Đaminh được gói gọn trong câu châm ngôn “Nói với Chúa và nói về Chúa”, thì thánh Martinnô de Porres cũng đã thấm nhuần đời sống ấy trong tinh thần “xả kỷ hy sinh, tận tình bác ái”. Đời sống của thánh nhân đã trở thành bài giảng thuyết lừng danh có sức thuyết phục và cảm hóa được nhiều người không chỉ trong thưở bình sinh của Người mà cả trong nhiều thời đại về sau. Trong tâm tình ấy, người viết xin được chia sẻ đời sống của tu sĩ Martinnô de Porres qua ba nét chính: sống với Chúa, nói với Chúa và nói về Chúa. Ba điều cốt lõi đó đã làm nên con người Martinnô de Porres với tinh thần “xả kỷ hy sinh, tận tình bác ái” và đã trở nên mẫu mực cho người tu sĩ Đaminh.

Sống với Chúa trong mọi hoàn cảnh

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thấu hiểu phần nào về hoàn cảnh bi đát và đời sống thương tâm của thánh Martinô từ thuở thiếu thời. Thánh nhân là kết quả của một mối tình “vụng trộm” giữa một chàng da trắng thuộc hàng quí phái và một người dân da đen nô lệ mới được phóng thích tại thành Lima, thủ đô nước Peru, cuối thế kỷ XVI. Thế nhưng, ngay từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời, thánh nhân đã bị chính cha ruột của mình từ khước bởi vì nước gia “bánh mật” của Người[1].

Thánh Martinô xuất thân từ một hoàn cảnh vô cùng bi đát và đắng cay. Bối cảnh của cậu bé Martinô buổi thiếu thời thật khốn khổ. Hẳn như bao người khốn khổ khác, người ta sẽ “trả thù đời,” bất mãn, và sống lê lết quậy phá cho vui hết đoạn “đường đời bất công và khốn kiếp này”. Nhưng Martin đã không làm thế. Từ nỗi oan nghiệt đó, thánh Martinô đã tìm được một nơi nương tựa an toàn, một người Cha nhân ái là chính Thiên Chúa. Tìm đến với Chúa, người Cha nhân lành, thánh Martinô đã cảm nếm được lời thánh vịnh: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,thì hãy còn có Chúa đón nhận con.”[2]

Số phận hẩm hiu bất hạnh, bị khinh dể bỏ rơi, đã không đẩy người rơi vào hố sâu của tuyệt vọng, của cuộc sống “giang hồ”, nhưng đã khơi lên cái ý thức, mối trăn trở là chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ cho những anh chị em đau khổ, bệnh tật, kém may mắn. Trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, biết bao lớp người đã tìm thấy được ở nơi thánh Martinô bác ái, những lời ủi an, những sự giúp đỡ, những cứu chữa tận tâm về cả phần hồn lẫn phần xác. Nhất là tìm thấy lại được sự bình an cho tâm hồn.

Trong khi bị đời ruồng rẫy khinh chê, thánh Martinô không oán hận hay than thân trách phận, nhưng Người đã tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và làm bạn với Chúa trong nhà chầu, tâm sự, chuyện trò với Chúa và kín múc nơi Chúa nguồn mạch sức sống, niềm an ủi và hạnh phúc được làm con cái Thiên Chúa. Từ đó, thánh nhân đã thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của cuộc đời. Thánh nhân đã kết hiệp những khổ đau trong cuộc đời, những thiếu thốn, những vất vả trong đời sống hằng ngày với thập giá Chúa Giêsu làm thành hy lễ tiến dâng Thiên Chúa.

Khi lớn lên, thánh Martinô theo học và hành nghề y tá. Thánh Martinô lấy làm sung sướng vì được theo học một nghề hợp với sở thích của mình. Hy vọng độc nhất của thánh nhân là với nghề y tá, Người sẽ có phương tiện “cứu nhân độ thế”. Thánh nhân cảm thấy vui vì nhờ công việc này mà Người có cơ hội phục vụ Chúa qua những người nghèo khổ, bệnh nạn tật nguyền và những người bị bỏ rơi trong xã hội. Thánh nhân ý thức rằng, phục vụ và yêu thương những con người khốn khổ đó chính là phục vụ Chúa vậy.[3] Mặc dầu công việc bận rộn và vất vả, nhưng không vì thế mà thánh Martinnô sao nhãng việc sống với Chúa, người luôn thánh hóa đời sống hàng ngày bằng cách làm mọi việc vì Chúa cho sáng danh Chúa. “Trong những giờ rãnh rỗi, Martinô thường tâm giao với Chúa: Than thở, cầu nguyện, ban đêm, cậu có thói quen bớt giờ ngủ để nguyện gẫm. Nhiều lần cậu quên cả ngủ để thức khuya cầu nguyện”[4].

Nhờ đời sống thân tình với Chúa như thế, thánh Martinô đã nhận ra tiếng Chúa gọi mời sống đời dâng hiến trong dòng Đaminh. Khi nhận ra tiếng Chúa, thánh nhân đã từ bỏ mọi sự và dấn thân trong nhà Chúa với những công việc tầm thường của một “người giúp việc”. Thế nhưng, thánh nhân đã biến những công việc tầm thường ấy thành những công việc phi thường. Từ ngày vào sống trong Tu viện, thánh Martinô càng cảm nhận tình thương của Thiên Chúa và càng sống thân mật với Chúa hơn qua các công việc bổn phận hằng ngày. “Kể từ nay, Martinô có mặt khắp nơi trong tu viện, từ nhà nguyện cho đến nhà bếp, phòng ăn hoặc vườn rau. Tất cả mọi việc các cha các thầy nhờ đến, Martinô luôn vui tươi phục vụ không hề gian khổ.”[5]

Sở dĩ thánh Martinô có được động lực và sức mạnh để hành động như thế là vì thánh nhân nhờ đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong mọi khoảnh khắc cuộc sống, nhất là khi chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu, được tình yêu Chúa Giêsu, Đấng đã vì yêu chết trên Thập giá thúc đẩy. Bởi lẽ, “Thiên Chúa hiện diện trong linh hồn Martinô, làm cậu nên sức mạnh và đầy nhiệt huyết giúp đỡ tha nhân và những người cần đến.”[6] Từ đó thánh nhân thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu trong sự khiêm nhu hiền hậu. Hay nói cách khác, thánh nhân đã đáp lại lời gọi mời yêu thương của Chúa: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”[7]

Một khi đã được Thiên Chúa bồi dưỡng và đỡ nâng, thánh nhân càng có đủ sức mạnh và nghị lực để sống và sống hết tình với anh em trong sự khiêm nhu chân thành. Đó là một cuộc đời âm thầm lặng lẽ, không hám danh, tham lợi, không quyền cao chức trọng, và tưởng chừng như một kẻ “vô danh tiểu tốt” trong tu viện. Nhưng chính trong sự lặng lẽ ấy, thánh nhân đã làm nên “chuyện lớn” không chỉ trong tu viện mà cho cả thành phố Lima thời bấy giờ. “Quả thật một cuộc đời âm thầm, bình dị chính là một cuộc đời chìm khuất, nhưng đó là chìm khuất để ươm mầm cho sự sống thật. Hơn nữa, một đời sống chìm sâu trong ánh sáng của Chúa; đó lại chính là ươm mầm đời sống trong mảnh đất ân huệ để trổ sinh bông hạt là ý nghĩa chân chính cho đời sống con người cách phong phú hơn hết.”[8]

Chính vì thế, thánh nhân đã trở thành một “kiểu mẫu” người tu sĩ trong mọi thời đại. Qua đó, thánh Martinô mời gọi mỗi chúng ta quý trọng đời sống chiêm niệm để kín múc nơi Chúa nguồn mạch sức sống làm chất liệu cho lời giảng thuyết của ta, để đời tu có ý nghĩa giữa một thế giới huyên náo hôm nay. Điều kiện cốt yếu nhất để người tu sĩ hoàn thành tốt trọng trách của mình giữa trần thế hôm nay như sứ mệnh và mục đích của Dòng đòi buộc là lấy đời sống chiêm niệm làm căn bản. Nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta để đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô, nhiệt tâm phục vụ tha nhân. Và như thế, thánh Martinnô không chỉ có sống trọn vẹn cho Chúa mà là một mẫu gương cho người tu sĩ nói với Chúa.

(còn nữa)


[1] Xc. Nguyễn Tri Ân, OP, Tấm lòng Vàng. Nxb. Tp. HCM, 1997, trg. 08.

[2] Tv 26,10.

[3] Xc. Mt 25, 31-46.

[4] Xc. Nguyễn Tri Ân, OP, Tấm lòng Vàng. Nxb. Tp. HCM, 1997, trg. 16.

[5] Đào Trung Hiệu, Chân dung Thánh Martinô, Tu viện thánh Alberto, 2011, tr. 16.

[6] Mary Fabyan Windeatt, Matrinô, Bác sĩ tí hon thành Lima, Học viên Alberto, 2011, tr. 60.

[7] Mt 11,29.

[8] Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP, Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô.

Trả lời