Sống là Đức Ki-tô… là không ghen tị

 

 

Sống là Đức Ki-tô… là không ghen tịGhen tị là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa, thì, ghen tị nghĩa là “So tính hơn thiệt giữa mình với người, và khó chịu khi thấy người ta hơn mình”.

Nói tới ghen tị, có phần chắc, không ai trong chúng ta lại không công nhận rằng: đây là một thói xấu. Xấu là vậy, thế nhưng, sống trên đời được mấy ai chưa một lần ghen tị!

Giáo lý Công Giáo đặt thói ghen tị vào trong bảy mối tội đầu, nên có lời dạy, rằng: “yêu người chớ ghen ghét”.

Về phần Đức Giê-su thì sao? Thưa, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã không tiếc lời lên án thói ghen tị. Một trong những thông điệp, có thể được xem là thông điệp lên án thói xấu này mạnh mẽ nhất được Ngài đưa ra, đó chính là dụ ngôn “thợ làm vườn nho”.

Vâng, một ngày nọ, Đức Giê-su phán cùng các môn đệ dụ ngôn này, rằng:  “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình”.

Không thấy thánh sử Mát-thêu nói, nhưng ta có thể nghĩ đây là những người thợ được mướn theo “thời vụ”. Hôm ấy, có rất nhiều toán thợ được thuê vào vườn nho làm việc, theo từng khoảng thời gian nhất định trong ngày. Về tiền công thợ, ông chủ “thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền”.

Chiều đến, ông chủ sai người quản lý “gọi thợ lại mà trả tiền công”. Cứ tưởng rằng,  đây chính là lúc những người được thuê “phấn khởi hồ hởi” nở những nụ cười.

Trái lại, cười đâu không thấy, lại thấy một số người thợ “cằn nhằn gia chủ”. Chuyện gì dzậy cà! Thưa, vì cách thức chi trả tiền công của gia chủ.

Ông chủ chi trả thế nào mà họ cằn nhằn?  Thưa, vì ông chi trả  cho  những người mới vào làm lúc giờ mười một, “ngang bằng” những người vào làm trước nhất, nghĩa là ai ai cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.

Chính vì thế, họ ganh tị và cằn nhằn gia chủ rằng, “mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (x.Mt 20, 12).

Cứ tưởng rằng, lời ta thán của họ, ông chủ sẽ tăng thêm tiền công. Thế nhưng, đó là lời ta thán phi lý, cho nên, đáp lời ta thán, ông chủ đã nói với họ rằng, “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao?”

Aleksandr Solzhenitsyn có nói: “Sự ghen tị với người khác nuốt chửng chúng ta nhiều nhất”. Vâng, hôm ấy, nhóm thợ cằn nhằn ông chủ đã nuốt chửng chính “thỏa thuận” của họ, một sự thỏa thuận công bằng mà chính họ đã công nhận, trước đó.

Còn phần ông chủ ư! Ông có gì sai trái! Chẳng lẽ, “quyền tùy ý định đoạt về những gì là của mình”, sai trái sao!

Khép lại dụ ngôn, Đức Giê-su phán rằng, “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.
Nói lên phán quyết này, Đức Giê-su muốn gửi đến các môn đệ xưa, và hôm nay là cho chúng ta một thông điệp, thông điệp rằng: lòng ganh tị không có chỗ đứng trong “Vườn Nho Nước Trời”.

Ghen tị không được hoan nghênh ở Nước Trời. Thế nên, hãy luôn tự hỏi mình rằng: “Tôi có thường ghen tị… tôi có thường ghen tức?”

Nếu có, hãy coi chừng vì nó là “chất xúc tác” làm cho ta phạm hết tội này đến tội khác. Lm. Gioan Vianney, trong một bài giảng, có lời chia sẻ rằng, ghen tị dẫn đến việc “nói xấu, vu khống, xảo quyệt, lập đi lập lại những gì mình biết. Còn những gì không biết, thì bịa đặt ra, hay thổi phồng lên…”

Chưa hết, sự ghen tị còn gây ra nhiều hậu quả vô lường. Nó có thể gây ra sự thù ghét, bất công và giết người.

Kinh Thánh đã ghi lại rất nhiều câu chuyện bi thương do bởi sự ghen tị mà ra. Đầu tiên là câu chuyện Cain và Abel. Chuyện kể rằng: một hôm “Cain lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA. Abel cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ĐỨC CHÚA đoái nhìn đến Abel và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn”.

Chỉ có thế thôi. Thay vì Cain khắc phục hoàn cảnh, thế nhưng ông ta lại để cho sự ghen tị nảy nở trong tâm hồn mình, cuối cùng vì không chế ngự được nỗi ghen tị, ông ta đã giết em mình.

Câu chuyện tiếp theo thê thảm không kém. Đó là câu chuyện những người con của Gia-cóp. Mười người anh của Giu-se “ghen tị” chỉ vì chàng ta được cha mình thương yêu cách đặc biệt. Những người anh này càng căm ghét hơn khi chàng Giu-se kể một giấc mơ mang đầy ý nghĩa xấu về họ. Lòng ghen tị và sự căm ghét khiến họ muốn giết chàng Giu-se. Để rồi, cuối cùng, những người anh em này bán chàng ta cho người Ít-ma-ên. (x.St 37, 27-28)

Có cách nào để chúng ta không bị sự ghen tị ngự trị trong ta? Thưa, thánh Phê-rô cho ta lời khuyên,  khuyên rằng: thứ nhất “vâng phục sự thật”,  thứ hai “thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành” và cuối cùng là “hãy tha thiết yếu mến nhau với cả tâm hồn”(x.1Phi 1, 22)

Phương cách nào giúp ta  giải thoát thói xấu này? Thưa, thánh Phao-lô chỉ giáo: “Người có tình yêu thương thì không ghen tị, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng”.

Cuối cùng hãy “vui với người đang vui”. Tại sao? Thưa, là bởi, vui với người thành công hơn ta, vui với người may mắn hơn ta, trong tâm hồn ta còn chỗ nào cho sự ghen tị ngự trị!

Là một Ki-tô hữu,  một cách nào đó, chúng ta chính là những người được “vào làm việc trong vườn nho Giáo Hội ”. Dù ta là kẻ vào làm “khoảng giờ thứ ba” hay “khoảng giờ thứ sáu” hoặc “giờ thứ chin… thứ mười một”, thì, chúng ta đều “thuộc về ông chủ Vườn Nho là Đức Ki-tô Giê-su”.

Đừng bao giờ để chúng ta trở thành nhóm thợ “cằn nhằn gia chủ”. Vâng, khó đấy. Khó, nhưng chúng ta không thể không tìm cách tách khỏi đám thợ cằn nhằn này. Cách nào đây? Thưa, hãy mặc lấy tâm tình của thánh Phao-lô, tâm tình rằng; “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô…”.

Vâng, sống là Đức Ki-tô… là sự nhân từ và lòng bao dung của Ngài trong tôi… làm sao trong tôi bùng lên sự ghen tị, cho được! Sống là Đức Ki-tô… làm sao trong tôi lại có thề “cằn nhằn” Ngài, cho được”.

Thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta hãy mượn lời suy niệm, được viết trong cuốn “Lời Chúa hằng ngày – 2017”, để cùng nhau cất tiếng cầu nguyện, rằng: “Lạy Chúa, đối với con, sống là Đức Ki-tô, còn chết là một mối lợi. Xin cho con mối lợi tuyệt vời ấy, chính là đồng lương cuối ngày Chúa ban thưởng cho những người đã ‘chịu đựng nắng nôi khó nhọc cả ngày, mà không kêu ca chống lại ý Chúa’. Amen”

Là một Ki-tô hữu hãy luôn nhớ rằng: Sống là Đức Ki-tô… là không ghen tị.

Petrus.tran

 

Trả lời