Phục vụ và yêu thương như Đức Giêsu


Sẵn lòng phục vụ và yêu thương tha nhân như Đức Giêsu

Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26

10-6-2012

Lm. Jude Siciliano, OP.

Học viện Đaminh chuyển ngữ

Kính thưa quý vị,

Phục vụ và yêu thương như Đức GiêsuKhi còn nhỏ, chúng ta hay chơi trò cắt máu ăn thề. Để diễn tả một “tình bạn bất diệt” chúng ta thường lấy con dao trích đầu ngón tay. Khi đầu ngón tay rỉ máu, chúng ta để chung với các đầu ngón tay đang rỉ máu của các bạn khác và thề giữ tình bạn đến suốt đời. Như thế, chúng ta trở thành “anh em ruột” của nhau. Ngày nay, chúng ta thấy rùng mình vì trò trộn máu mất vệ sinh này. Nào là không có thuốc sát trùng đầu ngón tay, nào là chẳng khử trùng lưỡi dao mà chúng ta dùng để gọt đẽo hay bổ táo. Tôi không nhớ có đứa nào trong bọn tôi vì nghi thức cắt máu thề này mà bị bệnh nguy kịch. Tôi cũng không biết những người đã thề là bạn suốt đời ấy hiện nay ở đâu. Danh, Phan, Cát, Sơn, và cả Tân hiện nay ra sao? Chúng còn sống hay đã chết? Lập gia đình hay chưa? Có đứa nào có cháu gọi là ông bà hay chưa? Chỉ mình Chúa mới biết điều gì đã xảy ra với những người bạn “suốt đời” của tôi.

Dù chúng ta đã có ý cố hết sức nhưng vẫn cho thấy tính mỏng dòn và những giới hạn của con người. Nhưng nghi lễ máu giữa chúng ta với Thiên Chúa – là một câu chuyện hoàn toàn khác. Các bài đọc hôm nay nói về những nghi thức ký kết bằng máu giữa Thiên Chúa với Israel cũng như với chúng ta trong Đức Giêsu.

Trình thuật sách Xuất hành nhằm nói về việc ký kết giao ước Sinai. Có hai nghi lễ, một trong hai nghi lễ này được thuật lại trong bài đọc hôm nay. Nghi thức thứ hai sẽ được nhắc đến sau ngày hôm nay. Môsê, Aron, Nadab, Adihu và 70 kỳ mục lên núi để “diện kiến Đức Chúa”(Xh 24,9) và sau khi “diện kiến Đức Chúa họ vẫn có thể ăn uống”. Đây là giây phút duy nhất và đã biểu lộ mối dây ràng buộc bền chặt giữa Đức Chúa và dân. Các tư tế và những người lãnh đạo của Israel được ưu tiên nhìn ngắm Đức Chúa hằng sống – điều này không người phàm nào có thể làm được mà còn sống sót. Bữa tiệc là sự hiện diện của Đức Chúa nay được trao ban cho chúng ta và tất cả mọi thành phần của cộng đoàn, những người ký kết trong giao ước mới mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta trong Đức Kitô.

Nghi lễ giao ước mà chúng ta cử hành hôm nay là một nghi lễ bằng máu. Đối với dân Dothái cũng như những dân tộc cổ, máu tượng trưng cho sự sống và vì thế, máu là của Chúa – căn nguyên của mọi sự sống. Bàn thờ là dấu chỉ của đức Chúa và mười hai cột trụ tượng trưng cho 12 chi tộc Israel. Máu của con vật bị hiến tế được rảy trên bàn thờ, trên 12 cột trụ và sau đó rảy trên dân, hàm ý rằng họ được chia sẻ sự sống với Thiên Chúa. Máu đó cũng nói lên sự liên lụy của Thiên Chúa đối với dân. Vậy nghĩa vụ của những người ký ước là gì? Họ phải dấn thân tuân giữ Luật Môsê liên quan đến họ – “mọi Lời Đức Chúa đã phán”. Khi nghe những gì Thiên Chúa, Đấng đã chọn và ký kết giao ước với họ, yêu cầu họ, thì dân đã đáp lại: “Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”.

Trong Thánh Lễ này chúng ta cũng đáp lại tương tự như thế. Đức Giêsu đã hiến máu, là cuộc đời của Người, cho chúng ta. Phần mình, chúng ta nhận ra sức giải thoát trong máu mà chúng ta đã lãnh nhận và trong Tháng lễ này, khi nghe Lời Chúa, chúng ta thưa, như cha ông chúng ta trong đức tin, “Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”

Bài Tin mừng theo thánh Maccô bắt đầu ngay với việc liên hệ đến biến cố Vượt Qua – “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men” và hy lễ của chiên Vượt Qua. Khi chúng ta nghe từ hy sinh chúng ta nghĩ đến giá chuộc mà đức Giêsu đã trả cho tội lỗi chúng ta. Thế còn sự hy sinh mà cha mẹ dành cho con cái thì sao? Cha mẹ hy sinh thời gian rảnh rỗi, sức lực và cả những mong ước của bản thân để con cái có được những gì cần cho cuộc sống của chúng. Cha mẹ chịu khổ để con cái được sung túc.

Giống như người cha đầy tình thương yêu, đức Giêsu sẵn lòng hy sinh cuộc đời của Người để chúng ta được chia sẻ và có được sự sống ấy. Đức Giêsu đã chọn sống cuộc đời phục vụ gười khác ngõ hầu chúng ta cũng học cách sống mới của việc sống và là người biết hy vọng. Tặng phẩm trọn vẹn của chính Người, sự hiểu biết độc nhất của Người về Thiên Chúa là ai và Thiên Chúa hành động ra sao dẫn đến việc Người từ bỏ và chết trên thập giá. Đức Giêsu tự nguyện hy sinh chính mình để chúng ta hưởng lợi và nhận được sự sống mới.

Thực tại của sự sống được hiến tế và cái chết được hiện tại hóa cho chúng ta trong Tiệc Thánh Thể hôm nay. Người cũng đang hiện diện với chúng ta ở đây như xưa Người hiện diện cùng các môn đệ trong căn phòng trên lầu trong ngày đầu tiên của đại Lễ Vượt Qua. Khi tham dự vào bàn tiệc, chúng ta nhận ra sự cam kết của chúng ta trong phép rửa tội để phục vụ người khác – đón nhận lối sống của đức Giêsu cũng như sự chết của Người. Khi chúng ta lãnh nhận Bánh Thánh đã được bẻ ra, chúng ta diễn tả sự sẵn lòng để được bẻ ra cho người khác, như đức Giêsu đã làm.

Đức Giêsu cũng trao chén cho các môn đệ. Trong Sánh Thánh, chén tượng trưng cho sự đau khổ và cái chết. Ví dụ, sau bữa tối đức Giêsu sẽ cùng đi với các môn đệ vào vườn Giệtsêmani. Trong nỗi thống khổ và sợ hãi, Người cầu nguyện cùng Chúa Cha, “xin cất chén này xa con” (14,36). Nhưng Người sẽ chấp nhận chén khổ phía trước; Người sẽ hiến mạng vì chúng ta. Hôm nay, khi chúng ta cầm lấy chén và uống, chúng ta cũng thưa “Xin Vâng” với cách sống của đức Giêsu và chúng ta nhận được sự sống của Người để rồi chúng ta có thể sống lời “Xin Vâng” mà chúng ta tuyên xưng.

Việc lãnh nhận Mình và Máu của Chúa mang lại cho chúng ta sự thông dự vào sự sống của Người, cái chết cũng như sự phục sinh ngõ hầu chúng ta cũng có thể sẵn lòng sống phục vụ và yêu thương tha nhân như Người đã làm. Khi chúng ta đón nhận Bánh Sự Sống và Chén Cứu Độ, chúng ta được nhắc nhớ rằng chết không phải là hết. Với mỗi cái chết là một lời hứa và mở ra sự sống mới.

Đức Giêsu là Chiên Vượt qua của chúng ta đã hiến mình cho chúng ta, đã đưa chúng ta từ tình trạng nô lệ cho tội lỗi sang một đời sống mới là con cái Thiên Chúa. Với đức Giêsu, chúng ta sẵn lòng hy sinh đời sống của mình để phục vụ tha nhân để họ có thể sống. Niềm mong ước của chúng ta hôm nay là được đặt thịt máu của mình vào trong bàn tay của Chúa để Người nhào nặn hầu cuộc sống của chúng ta có thể phản chiếu và chỉ cho thấy Người đang sống giữa chúng ta.

Bài Tin mừng hôm nay khép lại với lời nhắc nhớ rằng uống nước làm từ trái nho cũng là một lời hứa và thông dự vào trong yến tiệc đang đến, khi đó chúng ta vẫn ngồi cùng nhau, với đức Kitô phục sinh tại yến tiệc trong vương quốc Thiên Chúa.

 

 

Trả lời