Phục Vụ : Nét đẹp quý phái của người môn đệ


Phục Vụ : Nét đẹp quý phái của người môn đệ Đức Kitô

 

Phục Vụ : Nét đẹp quý phái của người môn đệĐã sống trên cõi đời này, ai trong chúng ta lại không có những khát vọng riêng tư cho chính mình. Thật vậy, khi còn là một chú bé con, chúng ta thường có những khát vọng rất đơn sơ, như được ăn ngon mặc đẹp. Đến khi trưởng thành, niềm khát vọng biến thiên theo thời gian. Chúng ta khát vọng giàu sang phú quý, chúng ta khát vọng có chức, có quyền, có địa vị trong xã hội.

Không có gì là xấu xa vì những khát vọng đó. Cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt và vô nghĩa nếu chúng ta chẳng có ước mơ và khát vọng. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ, trong cảnh hàn vi, đã nói lên khát vọng của ông ta qua những vần thơ rất giản dị: “Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt. Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay. Còn trời còn đất còn non nước. Có lẽ ta đâu mãi thế này”.

**

Mười hai người môn đệ của Đức Giêsu xưa kia, cũng là những con người đầy khát vọng. Những khát vọng của các ông rất đời thường và luôn được bày tỏ một cách đơn sơ, bộc trực.

Chuyện kể rằng, một hôm, khi chứng kiến Đức Giêsu chữa một người bị quỷ ám mắc bịnh động kinh, các ông đã không khỏi sững sờ kinh ngạc, niềm sững sờ kinh ngạc đó thôi thúc tâm hồn các ông một niềm khát vọng, không dấu niềm khát vọng đó, các ông đã bày tỏ với Thầy Giêsu “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ đấy?” (Mc 9, 28).

Vâng, quả là một khát vọng thật chính đáng, và Đức Giêsu đã làm thỏa lòng các ông bằng những lời khuyên bảo chân tình “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”.

Thế nhưng, không phải lúc nào niềm khát vọng của các môn đệ cũng được cho là chính đáng. Đã có lúc, các ông biến khát vọng của mình thành những tham vọng. Và đó là điều đã gây ra xáo trộn giữa các ông.

Trong ba năm Thầy và trò cùng ăn, cùng ở, cùng đi rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã nhiều lần, nhiều cách nói cho các môn đệ biết thế nào là niềm khát vọng chân chính của người môn đệ.

Là môn đệ của Đức Giêsu ư! Ngài đã có lời khuyên răn rằng, đừng “ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc” cũng đừng “chiếm hàng ghế đầu trong hội đường”. Chớ có “ưa người ta chào hỏi ở những nơi công cộng…”. Và hãy cẩn thận khi “được thiên hạ gọi là rapbi”.

Đã có lần, khi biết các ông bày tỏ nỗi khát vọng muốn được làm “người lớn hơn cả”, Đức Giêsu đã lớn tiếng cảnh cáo rằng, “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35).

Không quá khắt khe, nhưng có thể nói, có vẻ như các ông vẫn chưa hiểu rõ lời cảnh cáo của Đức Giêsu, vì thế, chỉ vài hôm sau, hôm Thầy và trò lên Giêrusalem, hai trong số mười hai người môn đệ lại bộc lộ nỗi khát vọng riêng tư của mình.

Hai người môn đệ này tên là Gioan và Giacôbê, và nỗi khát vọng của hai ông chính là xin Đức Giêsu “Cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10, 37).    

Ôi! Không thể phủ nhận lời cầu xin này có “hơi hướng” đầy tham vọng và nó đã làm cho “mười môn đệ kia đâm ra tức tối”.

Tuy thánh sử Máccô không nói chi tiết về sự tức tối của các ông như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng, mười hai ông môn đệ, ông nào cũng muốn ngồi chiếu nhất trong thiên hạ. Phần Đức Giêsu, có thể nói rằng, khát vọng của anh em nhà Dêbêđê lại chính là nỗi thất vọng của Ngài.

Là môn đệ của Đức Giêsu, chắc chắn các ông sẽ được thỏa lòng điều các ông xin. Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn cho các ông biết rằng, để được “ngồi bên hữu hay ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” không đơn thuần chỉ là việc “chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy” nhưng còn là chúng con có “uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Đó… đó mới chính là điều Đức Giêsu cần các ông khát khao, và đó cũng chính là điều Ngài đã mời gọi các ông trong một lần trên một đỉnh núi. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5, 6).

Kết thúc phần tranh luận, Đức Giêsu gửi đến các môn đệ một câu trả lời chứng tỏ Thiên Chúa đã có chương trình của Người, rằng “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Mc 10, …40).

Một phút tâm tình và suy tư…

“Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. – “Kẻ ấy” là ai?

Phải chăng, đó là kẻ biết biến nỗi khát vọng của mình trở thành niềm hy vọng cho mọi người? Xin thưa, đúng vậy.

Không có gì xấu, khi tôi khát vọng có được quyền hành trong tay, nhưng sẽ là tệ hại khi đã đạt được khát vọng, tôi lại trở thành niềm thất vọng cho mọi người.

Thử hỏi, khi tôi đã đạt được nỗi khát vọng trở thành bác sĩ, tôi có là niềm hy vọng cho bệnh nhân nghèo hay tôi lại trở thành “cỗ máy chém”? Hoặc khi tôi đã đạt được nỗi khát vọng trở thành luật sư, tôi có là một “thầy cãi” với tất cả lương tâm nghề nghiệp, là niềm hy vọng cho người dân thấp cổ bé miệng hay tôi lại trở thành “hung thần” bẻ cong luật lệ, đổi trắng thay đen?

Hay hơn thế nữa, tôi là nhà lãnh đạo quốc gia, là bậc cha mẹ, là nhà lãnh đạo Hội thánh, v.v… tôi sẽ “dùng uy mà thống trị” hoặc “lấy quyền mà cai quản” dân tôi… con cái tôi… tín hữu tôi?

Giáo huấn của Đức Giêsu nói rõ, rằng: “giữa anh em thì không được như vậy” (Mc 10,43).

Có lẽ, chúng ta sẽ nghe được nhiều tiếng xầm xì, rằng “Ôi! Thật khó để mà thực thi điều Chúa dạy”. Tại sao? Phải chăng vì “những nỗi yếu hèn của chúng ta?”

Nếu đúng vậy, hãy dành một phút để nghe tác giả thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta…”(Dt 4, 15)

Thật vậy, lịch sử cận đại đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã vực dậy nỗi yếu hèn của  Phanxicô Asisi như thế nào. Từ một chàng trai “nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc”, ơn Chúa, chàng ta từ bỏ mọi sự của thế gian, chàng ta “mặc áo vải thô, đi chân đất, và theo giáo huấn của Chúa Giêsu ký thuật trong các sách phúc âm, không đem theo gậy hoặc túi xách, và bắt đầu khởi sự rao giảng thông điệp ăn năn” (nguồn: internet).

 

Và ai.. ai… nếu không phải là Thánh Thần Chúa đã đặt vào môi miệng chàng ta một lời cầu nguyện bất hủ: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” để rồi chàng ta dám khẳng định rằng “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Và gần đây, chắc hẳn chúng ta chưa quên mẹ Têrêsa Calcutta, tại sao bà ta lại được ví như hiện thân người Samari nhân lành của thế kỷ 20? Phải chăng, bà ta đã dám tự hạ mình xuống “làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường”!

Là phàm nhân, hẳn rằng sẽ có lúc những nỗi yếu hèn bộc lộ trong ta, nhưng có ai ngăn cản chúng ta “mạnh dạn tiến lại gần Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”? (Dt 4, 16).

Vâng, với “ơn trợ giúp” có thể chúng ta chưa thể hành động như Đức cha Jean Cassaigne, vị cha hiền của người dân tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh, nhưng chẳng lẽ chúng ta không thể trở thành một người láng giềng thân thiết của mọi người, biết yêu thương vợ, dám phục tùng chồng, hơn thế nữa không ngại ngùng “làm người phục vụ anh em” sao!…

Điều vĩ đại của Kitô giáo không chỉ là Thánh giá Chúa Kitô nhưng còn là cung cách phục vụ tha nhân một cách nhưng không. Đừng quên, trước khi thực hiện điều vĩ đại chết trên thập giá, trên đồi Golgotha, Đức Giêsu đã công bố một thông điệp rằng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mc 10,45).

Vì thế, đã là một Kitô hữu, tại sao chúng ta không trân trọng và xem việc “Phục Vụ chính là nét đẹp quý phái của người môn đệ Đức Kitô”!

Petrus.tran

 

 

Trả lời