Phải tỉnh thức và sẵn sàng…

 

Phải tỉnh thức và sẵn sàng...Đời sống của một người Ki-tô hữu, có thể nói, đó là đời sống của một chiến binh, một người chiến binh luôn phải trong tình trạng tỉnh thức và sẵn sàng.

Tại sao luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng? Thưa, do bởi niềm tin, tin vào lời phán hứa của Đức Giê-su, rằng: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (x.Mt 16, 27).

Nói cách khác, vì niềm tin, tin vào ngày phán xét của Thiên Chúa, ngày mà nó sẽ đến bất thình lình, nên người Ki-tô hữu luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng.

Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài luôn nhắc đi nhắc lại điều này cho các môn đệ mình. Có lần, Ngài đã nói đến hành động của tên ăn trộm, như một minh họa, cho ngày “tái lâm”, cho ngày “Ngài sẽ ngự đến trong vinh quang”.

Rất sát thực với đời thường, Ngài đã nói: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu”.

Vâng, ngoài lời khuyến cáo nêu trên, Đức Giê-su còn kể một câu chuyện khác, như một lời cảnh tỉnh. Câu chuyện đó được ghi lại trong Tin Mừng Mác-cô với tựa đề “Phải tỉnh thức và sẵn sàng” (x.Mc 13, 33-37).

Mở lời cho câu chuyện, Đức Giê-su nói: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”.

Và, tiếp đó, Ngài kể rằng: Cũng như người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định mỗi người một việc và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”.

Câu chuyện chỉ có thế, ngắn gọn, nhưng có thể nói, nội dung câu chuyện rất rõ ràng, rõ ràng với những mệnh lệnh, cho từng người một, từng con người với trách nhiệm mà mình được giao phó. Và, có lẽ, không ai trong chúng ta lại không hiểu điều Đức Giê-su muốn truyền dạy.

Vâng, hôm ấy, không dùng đến một lời giải thích, Đức Giê-su đưa ra ngay lời truyền dạy, rằng: “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến. Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”.

Phải tỉnh thức và phải canh thức…. Vâng, thật đáng để mọi người phải ghi khắc lời khuyến cáo này, khi Đức Giê-su nói tiếp rằng: “Điều Thầy nói với anh  em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức”.

Như vậy, không thể phủ nhận rằng, câu chuyện nêu trên, Đức Giê-su không chỉ nói với các môn đệ xưa, mà còn là nói với mỗi người Ki-tô hữu chúng ta, hôm nay. Nói cách khác, những lời “cảnh báo” trong câu chuyện này, cũng là lời cảnh báo cho mỗi chúng ta.

Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng, là một Ki-tô hữu, một cách nào đó, Thiên Chúa (ông chủ) cũng “trao quyền cho các đầy tớ của mình” là chính chúng ta, và chúng ta “có thực thi đúng vai trò được trao phó”, hay không?

Một cách cụ thể, được trao quyền là một thầy giáo, chúng ta có “tỉnh thức” trước những cám dỗ về tiền bạc, những đồng tiền lo lót của học trò mình, để được thêm điểm trong kỳ thi, hay không?

Hoặc, được trao quyền là một bác sĩ, chúng ta có “ngủ mê” trước những lợi lộc, kê toa vô tội vạ, dù rằng người bệnh nhân đó không cần sử dụng đến loại thuốc mà ta kê ra, để nhận được phần trăm mà người trình dược viên đã thỏa thuận, đã hứa hẹn với ta?

Còn… còn rất nhiều công việc mà ông chủ Giê-su sẽ (hoặc đã) “chỉ định – trao quyền” cho chúng ta. Vấn đề, nói chung là, được trao quyền làm “người giữ cửa” hay được chỉ định làm công việc của một “người đầy tớ”, không quan trọng. Điều quan trọng là, khi được trao quyền hoặc chỉ định  một vai trò nào đó, chúng ta có “tỉnh thức” trong lúc thực thi vai trò được trao quyền hoặc chỉ định, hay không.

Đối với thế gian, đối với người đời, có thể họ sẽ bịt tai không nghe lời khuyến cáo của Đức Giê-su. Thế nhưng, đối với chúng ta, đừng bao giờ để những điều nêu trên (những điều tạm gọi là giả thiết), lại chính là “kết luận” trong cuộc đời mình.

Đừng quên, Đức Giê-su đã từng cảnh báo: “Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người được bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại”(x.Mt 24, 40-41)

Tại sao vậy? Tại sao một người bị bỏ lại? Thưa, có phần chắc, người bị bỏ lại đã không “thực thi đúng vai trò được trao quyền hay chỉ định”. Có phần chắc, người ấy đã “ích kỷ theo đuổi quyền lợi riêng tư của mình”.  Và, rất có thể, dù họ “biết lẽ thật” nhưng vì không “tỉnh thức”.

Vâng, mỗi ngày chúng ta phải quyết định (được trao quyền) rất nhiều việc liên quan đến cuộc sống của mình như: công việc, sức khỏe, gia đình và quan trọng nhất đó là “sự thờ phượng Chúa”. Mà, Kinh Thánh dạy gì? Phải chăng là “Trước hết, hãy thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự”?

Thế nên, lời Chúa truyền dạy, qua câu chuyện nêu trên, buộc chúng ta phải tự hỏi: Tôi có để cho nhưng lo toan về cuộc sống “đứng trên” việc kính mến Chúa? Tôi có để cho những triết lý sống, thuộc thói đời, lấn át lời truyền dạy của Đức Ki-tô?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta không “thực thi đúng vai trò được trao quyền hay chỉ định”, khi đến “Ngày của Chúa – ngày ông Chủ đến”. Vâng, Ngài sẽ xét đoán chúng ta về những gì chúng ta được trao quyền, được chỉ định. Ngài sẽ chất vấn chúng ta về những gì chúng ta đã làm.

Vâng, một năm phụng vụ đã chấm dứt, chấm dứt long trọng bằng thánh lễ kính Đức Giê-su Ki-tô Vua. Một năm phụng vụ mới bắt đầu và hôm nay, chúng ta bước vào Mùa Vọng.

Mùa Vọng là gì? Thưa, Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông chờ, là mong đợi điều sắp đến. Trông chờ và mong đợi điều gì? Thưa, trông chờ và mong đợi  “Chúa đến’.

Thật ra, Chúa đã đến rồi. Chúa đã đến trần gian cách nay hơn hai ngàn năm. Xưa, tại Belem miền Giu-đê, một tin mừng trọng đại, tin mừng cho toàn dân đã thành sự thật, “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra. Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Với chúng ta hôm nay, trông chờ và mong đợi  “Chúa đến” là đến “lần thứ hai”. Người sẽ đến không âm thầm tại một Belem nào đó, nhưng là đến thật uy nghi, “đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Thế nên, thật phải đạo, khi hôm nay chúng ta cần “suy nghĩ nghiêm túc” về đời sống đức tin của mình. Suy nghĩ xem, đời sống đức tin của tôi có đang trong tình trạng “tỉnh thức và sẵn sàng”? Đừng quên, các trẻ mục đồng, xưa,  đã “thức đêm canh giữ” vì thế họ mới có thể nhìn thấy “vinh quang của Chúa chiếu tỏa” (x. Lc 2, 8-9).

Nay, chúng ta cũng “phải canh thức”, canh thức như bà Anna xưa “không rời bỏ Đến Thờ… sớm hôm cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa”, có như thế, chúng ta mới chu toàn những việc đã được trao quyền, đã được chỉ định.

Cuối cùng, có như thế, khi  “ông chủ Giêsu đến” dù cho có “đến bất thần” chúng ta cũng không sợ gì. Chúng ta, có thể cất tiếng nói, như ông Simeon đã nói khi xưa, rằng “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được bình an ra đi”.

“Ra đi”… đi đâu! Thưa, Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ kêu gọi chúng ta “đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1, 9).

Thánh Phaolô đã xác tín như thế. Còn chúng ta… chúng ta cũng xác tín như thế! Nếu chúng ta xác tín như thế, quả thật, chúng ta đang sống đức tin trong tình trạng “tỉnh thức và sẵn sàng” cho ngày Chúa đến lần thứ hai. Phải “Tỉnh thức và sẵn sàng”… Vì, đó là lời Chúa Giê-su truyền dạy.

 Petrus.tran

 

Trả lời