Phác Họa Chân Dung Thánh Phanxicô Xavie 1/3

 

THÁNH PHANXICÔ XAVIE (1506-1552)

Phác Họa Chân Dung Một Vị Thánh 1-3
Thánh Phanxicô Xavie

Lm PX. Đào Trung Hiệu OP
Viết cho báo Hiệp Thông, tháng 12.2006

Phác Họa Chân Dung Thánh Phanxicô Xavie 1/3Nhân dịp mừng kỷ niệm 500 năm ngày sinh của thánh Phanxicô Xavie, trong bầu khí những ngày hội mừng tại tổng giáo phận Sài Gòn [1], và cũng là trả món nợ của một môn sinh có vinh dự chọn ngài làm bổn mạng…Xin được gửi đến độc giả bức phác họa chân dung một vị thánh, về cuộc đời và sự nghiệp của thánh nhân,.

 

I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐỜI

1.1. Tuổi Trẻ Và Ước Mơ

Phanxicô Xavie (Francisco de Jassu) sinh ngày 7.4.1506 tại lãnh địa Xavie, miền Navarre, nước Tây Ban Nha, trong một danh gia vọng tộc. Cha ngài ông Juan de Jassu, tiến sĩ đại học Bologna, Chủ tịch hội đồng Hoàng Gia Navarre. Ông thường vắng nhà vì quốc gia đại sự, nên Phanxicô chịu ảnh hưởng nhiều nơi người mẹ đạo đức, bà Maria de Azpilcueta. Bà mời các linh mục tuyên úy đến sống trong lâu đài gia đình. Chính các vị ấy dạy học cho ba anh em trai nhà Phanxicô [2].

Năm 19 tuổi, sau khi hoàn tất chương trình học tại quê nhà, Phanxicô lên Paris theo học đại học. Năm 24 tuổi anh đậu cử nhân. Một tương lai sáng lạn mở ra trước mắt. Phanxicô được chọn làm phụ khảo bộ môn triết tại trường Dormans-Beauvais, và theo học thêm thần học. Hãnh diện về gia thế, về trí thông minh xuất chúng và về những thành tích đạt được, Phanxicô chỉ những mơ tưởng đến danh vọng và tiền bạc. Ước mơ bấy giờ của chàng sinh viên này là trở thành giáo sư, luật sư hay nối nghiệp của thân phụ tại Navarre. Nhưng Thiên Chúa lại muốn hướng anh đến một giấc mơ vĩ đại hơn, khi cho anh gặp một nhân vật đặc biệt, thánh Ignatiô thành Loyola.

Cũng phải thêm ba năm nữa Phanxicô mới hoán cải (năm 1533), để dứt khoát giã từ cuộc chạy đua “tìm lời lãi cả thế gian”, quyết tâm phụng sự Chúa qua lời tuyên thệ khiết tịnh, khó nghèo và trung thành phục vụ Nước Chúa Kitô. Đó cũng là nội dung bảy sinh viên Paris, trong đó có Ignatio và Phanxicô, tuyên thệ ngày 15-8-1534 tại Montmartre. Hai năm sau, cùng với các bạn, Phanxicô đến Venise rồi về Roma xin phép lành tòa thánh, trong dự tính sẽ cùng nhau đi hành hương Giêrusalem. Do hoàn cảnh chiến tranh, chuyến đi Giêrusalem không thành, nhưng anh em được trao tác vụ linh mục vào lễ thánh Gioan Tẩy Giả năm 1537. Bốn tháng sau, anh em đi đến một quyết định quan trọng, quyết định lập Dòng Tên với ý nguyện hoàn toàn tuân theo sự điều động của Đức Thánh Cha, đáp ứng nhu cầu của Hội Thánh phổ quát, và soạn bản nội quy để xin giáo hội phê chuẩn.

Giã từ giấc mộng thành đạt công hầu khanh tướng, giờ đây Phanxicô ôm ấp một giấc mộng lớn hơn : nối tiếp sứ vụ của Đức Kitô và đảm đương lấy sứ mệnh của giáo hội.

1.2. Ấn Độ : Một Bất Ngờ

Như chúng ta đã biết, theo Quyền Bảo Trợ (1493), giáo hội trao cho nước Bồ Đào Nha trách nhiệm loan báo tin mừng tại Phi Châu và Á Châu. Theo lời xin của vua nước này, Đức Phaolô III yêu cầu thánh Ignatio cử hai người đi thi hành sứ vụ ở Ấn Độ. Bất ngờ, một trong số hai vị được thánh Ignatio chọn lựa bị lâm bệnh, thế là Phanxicô được gọi điền vào chỗ trống. Không chần chừ, Phanxicô thưa “con sẵn sàng”. Chỉ cần một tối để chuẩn bị, sáng hôm sau Phanxicô đã rời Roma đi đường bộ sang Bồ Đào Nha, chờ tàu đi Ấn độ… Hành trang của ngài là cây Thánh giá, sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Lúc này là tháng 3-1540, nhưng phải qua năm sau, Phanxicô mới có cơ hội rời Lisbonne đi Goa.

Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, cuối tháng 8.1541, Phanxicô tới Mozambique, phía đông nam Châu Phi. Gặp lúc gió ngược, ngài phải trú đông tại một hòn đảo san hô nhỏ ngoài khơi. Đến Goa vào tháng 5.1542, Phanxicô tìm một chỗ ở khiêm tốn gần những người bệnh ở nhà thương, rồi đi trình diện Đức Giám Mục sở tại, xuất trình giấy giới thiệu của Đức Thánh Cha, đặt ngài làm Phái viên Tòa Thánh tại Phương Đông, với nhiệm vụ dạy dỗ các tân tòng và đưa người ngoại trở lại, nhưng ngài xin tuân theo mệnh lệnh của Giám Mục địa phương.

Tại Goa, ngài gửi thư về Roma xin các đặc ân thiêng liêng cho vùng truyền giáo Ấn Độ [3]. Để chuẩn bị các thiếu niên bản xứ làm linh mục hay giáo lý viên tương lai, ngài thúc đẩy việc thành lập Học viện Thánh Phaolô. “Học viện được thành lập để những người bản xứ trong lãnh thổ này, gồm những người đến từ nhiều bộ lạc và sắc tộc, được giáo dục trong đức tin. Nhờ đó, sau khi đã được dạy dỗ đến nơi đến chốn trong đức tin, họ được gửi về nơi chôn nhau cắt rốn, để cây đã được vun trồng sẽ trổ sinh hoa trái.”

Vài tháng sau, ngài lên tàu, đem theo ba học sinh ở học viện làm thông dịch viên, đến thủ phủ Bờ Biển Parava, nơi những những người Ấn thuộc giai cấp cùng đinh sinh sống. Họ có 30 làng với tổng số khoảng 30 ngàn người, chuyên nghề lặn mò ngọc trai. Thánh Phanxicô ở bờ biển Parava một năm. Tại đây, thời tiết khắc nghiệt, dân chúng nghèo đói, ngài chia sẻ hòa đồng với họ, và phục vụ tận tình. Đi hết làng này qua làng khác, ngài thăm viếng bệnh nhân, rửa tội, dạy giáo lý, tổ chức việc đọc kinh dự lễ cho từng làng. Trong thư ngài kể : “Tôi thường xuyên mỏi tay vì rửa tội, và không còn đọc nổi kinh bằng ngôn ngữ của họ, trừ có một bài huấn từ bằng ngôn ngữ đó … Có ngày tôi rửa tội nguyên một làng. Thế mà trên bờ biển này có tới 30 làng”. Riêng tháng 11-1544, ngài rửa tội được 10 ngàn tân tòng.

1.3. Hướng đến những vùng đất mới : Sứ vụ Moluccas, Nhật Bản, Trung Hoa

Thế nhưng những thành công trên cũng không thể giữ chân Phanxicô ở lại Ấn độ, ngài xin bề trên cử người đến tiếp nối những thành quả ấy, để có thể ra đi theo tiếng gọi của sứ vụ rộng lớn hơn. Được ông Antonio de Paiva, một giáo dân ở quần đảo Moluccas [4] cho biết “dân ở đây rất sẵn sàng phục vụ Chúa, nhưng thiếu người làm việc”, Phanxicô quyết định khởi sự một cuộc hành trình truyền giáo hơn một năm đầy thử thách nhưng cũng đầy an ủi, cho đến tháng 4 năm 1547, mới trở về Malacca.

Một thời gian sau, Phanxicô gặp được ba thanh niên Nhật Bản sang Ấn Độ học đạo và được rửa tội tại Goa. Một trong ba người là anh Phaolô Anjiro, đã giới thiệu cho ngài biết về đất nước và đồng bào họ. Với Phanxicô, một khu vực truyền giáo mới đầy triển vọng được mở ra.

Ngày 15.4.1549, Phanxicô cùng với hai tu sĩ cùng Dòng và ba thanh niên Nhật Bản, xuống tàu đi Nhật Bản, và đến Kagoshima lễ Đức Mẹ Lên Trời. Ngài lên tận kinh đô Myako gặp Nhật Hoàng để xin phép truyền giáo trong cả nước. Đến khi khám phá ra ông chỉ có hư vị, Phanxicô tiếp xúc trực tiếp với từng lãnh chúa địa phương, quen gọi là “daimos”. Ngài lập cộng đoàn tín hữu thứ hai tại Yamaguchi, rồi cộng đoàn thứ ba ở Bungo.

Năm 1551, Phanxicô phải trở về Goa vì được bổ nhiệm làm giám tỉnh Dòng Tên tại Ấn Độ, nhưng con tim của ngài đã hướng trọn về Trung Hoa. Ngài cố gắng thu xếp mọi công việc cách chu đáo, để có thể lên đường vào tháng tư 1552. Vì chính quyền Trung Hoa lúc này đang áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, Phanxicô phải dừng chân tại đảo Tam Châu ngày 19-11, để chờ một nhà buôn Trung Hoa dẫn vào lục địa, nhưng không hiểu vì sao người đó không đến.

Ngày 21-11-1552, ngài ngã bệnh. Mọi người thấy ngài luôn luôn kêu danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và lời nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, Con Vua Đa Vít, xin thương xót con.” Sáng ngày 28-11, Ngài á khẩu và mê đi, rồi lại tỉnh lại. Lời cuối cùng của ngài là: “Lạy Chúa, con đặt hi vọng nơi Chúa, con sẽ không phải xấu hổ muôn đời” (Tv 71,1). Ngài đã tắt thở vào rạng đông thứ bảy 3-12-1552, trong một chòi tranh, trên tay cầm cây nến cháy do anh Antôn, một tín hữu Trung Hoa trao cho. Lúc này, ngài mới chỉ 46 tuổi.

Anh Antôn mặc áo lễ cho thánh nhân, chôn trên đảo trong một quan tài gỗ. Tháng 2-1553, thuyền trưởng thuyền Santa Cruz cải táng, đặt ngài vào một quan tài mới, đưa về Malacca. Dân chúng Malacca tổ chức cuộc rước xác ngài long trọng vào nhà thờ Đức Mẹ Trên Núi. Sau đó, ngài được đưa về Goa, chôn gần bàn thờ chính của Học viện Thánh Phaolô.

Ngày 25.10.1619, Phanxicô Xavie được đức Phaolô V suy tôn lên hàng chân phước. Ba năm sau (1622) Đức Grêgôriô XV suy tôn ngài lên bậc hiển thánh. Thánh Phanxicô được giáo hội tôn phong là Đấng Bảo trợ Truyền giáo Phương Đông (năm 1748), Đấng Bảo trợ Công cuộc Truyền Bá Đức Tin (năm 1904), và là Đấng Bảo trợ Các Xứ Truyền Giáo (năm 1927).

——

[1] Ngày 02.12.2006 : Giáo phận Sài Gòn đón tiếp ba hồng y Ấn Độ, Philipines và Hồng Kông, tổ chức ngày hội 12.000 bạn trẻ tại trung tâm mục vụ.

[2] Phanxicô là út trong gia đình năm chị em. Chị lớn đi tu dòng Clara, chị thứ hai lập gia đình. Hai anh trai theo binh nghiệp nhưng không thành công.

[3] Ngài nhờ thánh Ignatio xin Toà Thánh ban ơn toàn xá cho các bệnh nhân, ơn toàn xá mỗi năm một lần cho các Hội viên Thiện Nguyện, ơn toàn xá vào dịp lễ thánh Tôma. Và đặc biệt xin chuyển mùa chay cho dân tại đây qua tháng bảy, vì tháng ba là mùa lao động chính trong năm của họ. (Thư gửi BT Ignatio, ngày 20-9-1542)

[4] Ông Antôniô dẫn theo bốn thiếu niên đến Goa du học. Moluccas hiện nay thuộc Miền đông bắc nước Inđônêxia.

 

Trả lời