Ơn Thầy!

 

Ơn Thầy!

Ơn Thầy!Từ ngày cậu con trai đầu lòng đi mẫu giáo, năm nào cũng vậy, ngày 20/11 thành ngày vui của nhà tôi. Chọn lấy một ngày thật đẹp, cả nhà quần áo chỉnh tề để đi thăm thầy cô, cả thầy mới và thầy cũ.

Đến đâu cũng mang theo quà, có khi là bức tranh do chính cậu con trai vẽ, có khi là chiếc khăn ấm do mẹ cháu đan hoặc mua. Nhưng ở đâu cũng thế, món quà mà cả nhà tôi dành tặng thầy cô của mình là những câu chuyện. Vui có, buồn cũng có.

Nghe rồi, thầy cô lại chỉ lối cho mà đi, thân tình yêu thương như với con cháu của mình vậy.

Truyền thống ấy, được duy trì từ thời cha tôi. Ngày tôi còn đi học, đất nước còn khó khăn lắm. Cuộc sống gia đình các thầy cô còn khó khăn hơn nhiều. Các thầy không có thời gian để tăng gia sản xuất, chỉ đủ thời gian để cầm viên phấn dạy trò nghèo. Đến ngày Tết của thầy, cha tôi dẫn theo các con đến thăm. Món quà mang theo, có khi là bó củi mà chính tôi kiếm được từ chiều. Cha tôi bó lại cẩn thận, nói rằng nhà thầy neo người, không ai đi kiếm củi được, có lần cha còn thấy thầy nấu cơm bằng rẻ rách, nên “biếu thầy bó củi do chính con kiếm được là cách tri ân tốt nhất”.

Tôi vác bó củi đến nhà thầy trong niềm vui khó tả. Thầy khi nghe chuyện, vò đầu tôi, nước mắt rưng rưng. Trong chuyến thăm ấy, cũng không thể thiếu được câu chuyện vui buồn mà cha tôi kể với thầy.

Bài học “tôn sư trọng đạo” ấy tôi học được từ khi còn bé, tất cả là tấm lòng tri ân, đâu phải quà cáp biếu xén to lớn gì?

Thời gian trôi qua, đất nước thay đổi nhiều lắm. Bộ mặt giáo dục nước nhà cũng có thành tựu vang dội. Nhiều học trò thành đạt đã vang danh khắp năm châu, đưa đất nước sánh vai với bạn bè quốc tế. Tất cả có được là nhờ ơn các thầy, các cô vẫn đêm ngày tần tảo với giáo án, với đề tài nghiên cứu để rồi chỉ dạy cho học trò của mình. Công lao ấy, với bất kỳ ai, đều sánh ngang trời biển.

Trên khắp các nẻo đường đất nước, dù nơi thành thị đèn hoa, cho đến vùng xa rừng núi, các thầy các cô vẫn ngày đêm làm công việc của mình mà không hề ngại gian khó. So sánh chung, mức sống của các thầy còn thiếu thốn lắm. Có nơi, thầy còn phải vừa dạy vừa làm, thậm chí còn phải đi buôn thì mới giữ được nghề.

Đó đây, còn một vài “chuyện buồn giáo dục”, nhưng trong cả chục vạn thầy cô, số ấy chiếm mấy phần? Chỉ là số nhỏ, rất nhỏ mà thôi.

Kính chúc sức khỏe các thầy cô nhân ngày 20/11. Kính mong các thầy tâm sáng lòng trong, trau dồi kiến thức, giữ gìn sức khỏe, lên lớp giảng bài. Các thế hệ học trò trên đất nước này muôn đời ghi nhớ “Không thầy đố mày làm nên”!

Lâm Phong

 

.

Trả lời