Nước Trời: kho báu vô giá

Nước Trời: kho báu vô giá

Nước Trời: kho báu vô giáỞ đời, con người thường hay theo đuổi tìm kiếm những gì được cho là quý báu và giá trị. Và cứ sự thường, con người thường quan niệm rằng, của cải tiền bạc chính là những thứ có giá trị và quý nhất trên đời này. Người khác cho rằng, tiền tài không chưa đủ, còn phải có danh vọng, địa vị, tiếng tăm trong xã hội. Như thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã nói: “Đã mang tiếng đứng trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Một số khác lại cho rằng, sức khỏe, học vấn, bằng cấp v.v.. là những thứ giá trị và quý báu nhất cho cuộc sống của mình.

Nhiều giá trị khác nhau đã được con người tìm kiếm. Thế nhưng, khi tìm kiếm được, con người vẫn chưa thỏa lòng. Chưa thỏa lòng là bởi, những giá trị đó lại luôn đổi mới theo thời gian, theo sự phát triển của khoa học, của thời đại. Chính vì thế, con người luôn loay hoay tự hỏi làm thế nào nhận ra đâu là giá trị thật cho cuộc sống, một giá trị thật để hướng đến một đời sống thật sự hạnh phúc và bình an.

Thật ra, trong cuộc sống trần thế, ngoài những giá trị vật chất, con người còn có một thứ giá trị khác, đó chính là giá trị thiêng liêng, một thứ giá trị vĩnh cửu đem lại hạnh phúc và bình an cho con người.

Đâu là giá trị thật cho cuộc sống? Thưa, đó chính là “Nước Trời”, điều đã được Đức Giê-su loan báo trong những ngày Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng.

Thật vậy, ngay những ngày đầu của sứ vụ, Đức Giêsu đã lớn tiếng loan báo: “Nước Trời đã đến gần”. Không chỉ loan báo, Đức Giê-su còn kêu gọi mọi người rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời”.

Nhìn thấy con người thường lo nghĩ tới cái hiện tại mà quên đi cái tương lai, cái tạm bợ phù du đời này hơn cái vĩnh cửu mai sau, chỉ muốn có miếng bánh ăn, qua phép lạ Ngài làm, mà quên đi còn một thứ lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, Đức Giê-su đã kể cho mọi người nghe một dụ ngôn, dụ ngôn mang tên “kho báu và ngọc quý”.

Dụ ngôn được kể rằng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn dấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn dấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (x.Mt 13, 44-46)

Có rất nhiều dụ ngôn trước kia Đức Giê-su đã kể đầy ẩn dụ. Với dụ ngôn này, không khó để nhận biết Đức Giê-su muốn gửi đến con người thông điệp gì.

Vâng, như lời Mahatma Gandhi đã nói: “A small body of determined spirits fired by an unquenchable faith in their mission can alter the course of history – Một lượng nhỏ những tinh thần quyết tâm được nung nấu bởi niềm tin son sắt vào sứ mệnh của mình có thể làm thay đổi dòng lịch sử”.

Tinh thần quyết tâm và niềm tin sắt son ư! Đúng vậy, với dụ ngôn thứ nhất, người kia với một “tinh thần quyết tâm” mua thửa ruộng, còn với dụ ngôn thứ hai, anh thương gia có một “niềm tin son sắt” tin rằng, mình đã tìm được một viên ngọc quý… Vâng, đó chính là thông điệp Đức Giê-su muốn gửi đến cho con người qua dụ ngôn nêu trên.

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời. Đồng thời, cần phải có một tinh thần quyết tâm và một niềm tin son sắt tìm kiếm Nước Trời. Đó… đó mới chính là những gì quý báu và có giá trị nhất cho cuộc sống của mỗi chúng ta.

Một điều chúng ta cần nhớ rằng, qua hai dụ ngôn nêu trên, Đức Giê-su không dùng nó như một kiểu “marketing” về một Nước Trời. Lại càng không phải là kiểu “đồn thổi” như thời năm 1849 rằng thì-là-mà ở California có vàng, để rồi mọi người đổ xô về đó, tìm cơ hội làm giàu cho bản thân của mình.

Với những gì đã được trình bày trong hai dụ ngôn “kho báu và ngọc quý”, Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng, phải khôn ngoan chọn lựa, phải biết nhận ra cái gì là giá-trị-thật-cho-cuộc-sống.

Có thể nói tắt một lời, giá trị thật cho cuộc sống không là cái ăn, cái mặc, không là tiền bạc, danh vọng, quyền lực v.v… là những thứ phù vân, như lời Cô-he-lét nói: “Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, …2)

Giá trị thật cho cuộc sống chính là sự vĩnh cửu ở Nước Trời, nơi có thể “tích trữ kho báu”, nơi mà “mối mọt không làm hư nát”. Và là nơi chẳng bao giờ phải “khóc lóc nghiến răng”.

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su nói: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?. Họ đáp: Thưa hiểu”. Là một Ki-tô hữu, khi nghe câu hỏi này, chúng ta sẽ trả lời ra sao? Phải chăng là “Tôi cũng hiểu?”

Vâng, chúng ta đang sống trên một đám ruộng: “ruộng thế gian”. Trên đám ruộng này cũng đã có một “kho báu”. Kho báu đó chính là “Đức Giê-su Ki-tô”. Ngài chính là kho báu được Thiên Chúa ban cho thế gian này. Ngài chính là cầu nối dẫn chúng ta vào Nước Trời.

Điều quan trọng của chúng ta hôm nay, không phải là “tình cờ”, giống như người được mô tả trong dụ ngôn thứ nhất, anh ta đã “tình cờ gặp được kho báu” … Vâng, không phải là “tình cờ” tôi được sinh ra trong một gia đình Công Giáo. Tình cờ tôi được cha mẹ đem tới nhà thờ rửa tội. Tình cờ tôi được thừa hưởng “kho báu mang tên Đức Giê-su”.

Điều quan trọng của chúng ta hôm nay, cũng không phải vì “tình cờ” tôi gặp một nàng (hoặc một chàng) Công Giáo, để rồi yêu thương, để rồi sau bao ngày tháng tìm hiểu, học hỏi giáo lý, và nay từng bước, từng bước tiến lên cung thánh, lãnh nhận những “viên ngọc Bí Tích” những viên ngọc được đóng ấn bởi sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô.

Điều quan trọng của chúng ta hôm nay, chính là, khi chúng ta đã “phát giác” kho báu mang tên Giê-su, đã tìm thấy “viên ngọc Bí Tích” được đóng ấn bởi Đức Giê-su, chúng ta có sẳn sàng bỏ hết mọi sự quyến rũ của trần gian, tiếp nhận “kho báu và viên ngọc quý” đó với một tinh thần quyết tâm và niềm tin sắt son, hay không.

Đừng sợ rằng chúng ta không thể có tinh thần quyết tâm và niềm tin sắt son đó. Nó sẽ có trong ta một khi ta lấy “Lời” Đức Giê-su dạy dỗ làm kim chỉ nam cho cuộc sống đức tin của mình.

Vâng, “Lời” Đức Giê-su đã dạy dỗ, đó là: “Nước của ta chẳng phải thuộc thế gian này” cho nên đừng quên lời Ngài đã khuyên chúng ta, rằng “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha…”. Cuối cùng, Đức Giêsu nhấn mạnh: “Được cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì”.

Chúng ta có một linh hồn. Chúng ta còn là những con người của tâm linh. Chúng ta còn có một cuộc sống tâm linh. Những gì là nhà cửa, xe cộ, công ăn việc làm, những gì liên quan đến vật chất v.v… Vâng, tất cả chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho cuộc sống. Giá trị tâm linh mới chính là cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta đến nhà thờ, chúng ta tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa đời ta, chúng ta đón nhận và thực thi lời Ngài dạy, có thể… có thể, ngay ở đời này chúng ta “thiệt thòi” đôi chút với người đời. Có thể chúng ta “thật thà thường thua thiệt” nhưng so với đời sau, một cuộc đời mà, chúng ta sẽ được “hưởng phúc vinh quang” thì có gì đáng phải “càm ràm” kia chứ!

Đừng nản lòng, bởi vì sự thiệt thòi đó, như lời thánh Phaolô đã nói, làm sao có thể “so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8).

Đừng nản chí, bởi, “đến ngày tận thế … các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính”. Vâng, những người “lươn lẹo lại lên lương” sẽ bị các thiên thần “quăng chúng vào lửa” (x.Mt 13, 49)

Còn giờ đây, không gì tốt hơn là chúng ta hãy hiệp cùng vua Sa-lô-môn, mà cất tiếng nguyện rằng: Lạy Chúa… “xin cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe… và biết phân biệt phải trái”(1V 3, 9). Vâng, chỉ khi nào chúng ta biết phân-biệt-phải-trái, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nhận biết rằng: “Nước Trời chính là kho báu vô giá”.

Petrus.tran.

Trả lời