Nụ Hôn Phản Bội …

Nụ Hôn Phản Bội …


Nụ Hôn Phản Bội …Khu vườn Ghetsemani chìm dần vào đêm tối. Sương mù phủ kín con suối Kit-rôn nằm uốn khúc lượn lờ. Những chiếc lá oliu hững hờ nhìn màn đêm chờ sáng . Đêm thinh lặng đột nhiên trở nên ồn ào, náo nhiệt. Náo nhiệt bởi tiếng vó ngựa và tiếng va chạm binh khí đến lạnh người. “Một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Phariseu” xuất hiện (Ga 18, 3). Họ truy bắt : “Giêsu Nazareth”.

Người dẫn đầu là Giuda Iscariot… Y thuộc “một người trong nhóm mười hai” (Mt 26,47). Khuôn mặt y thật lạnh lùng. Sự lạnh lùng thường thấy trên khuôn mặt của những “kẻ-phản-bội” !!!  Hắn tiến lại gần Đức Giêsu và nói : “Thưa Thầy ! … rồi hôn Ngài” (Mc 14, 45). Đó là ám hiệu mà Giuda đã toan tính trước. Một toan tính đầy xảo trá và gian manh…

“Ba mươi đồng bạc”. Vâng, chỉ có thế mà : “Hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp” ông Thầy của mình (Mt 26, 15-16).

Và hôm nay thời cơ đã đến…  Ghetsemani – nơi để thinh lặng và nguyện cầu – nay biến thành nơi để biểu  hiện sự bất trung và bội phản. Với chỉ bằng một nụ hôn ! Nụ hôn… biểu-hiện-của-tình-yêu-nay-trở-thành-ám-hiệu-của-thần-chết.    

Giêsu đứng đó… Ngài nổi bật trong màn đêm. Một Giêsu vẫn hiên ngang thách đố như Ngài đã từng thách đố : “Hãy phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày , tôi sẽ xây lại” (Ga 2, 19). Một Giêsu không lay chuyển trước bạo quyền lẫn bạo lực.

Tìm Giêsu Nazareth ư !!! “Chính tôi đây… Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây…”. Đức Giêsu – với chỉ một lời nói – thế mà bạo quyền đã phải sây sẩm mặt mày : “ngã xuống đất” và bạo lực thì hốt hoảng : “lùi lại” phía sau (Ga 18, 6).  

Thế nhưng, Giêsu không muốn các môn đệ của mình sẵn sàng tuốt gươm. Sự nhiệt thành của Phêrô đã bị Ngài chận đứng với lời nói đanh thép : “Hãy xỏ gươm vào vỏ”. Người môn đệ của Ngài không được quyền dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Vương quốc của Đức Giêsu là vương quốc của tình yêu. “Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,…52).  Một ngày nọ, chính Ngài đã dạy các môn đệ rằng : ” Còn Thầy ! Thầy bảo anh em : hãy yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em” (Mt 6,43).  

Không phải Đức Giêsu : “Không thể kêu cứu với CHA”…  “Mười hai đạo binh Thiên Thần” (Mt 26,53) vẫn sẵn sàng chờ lệnh. Nhưng : “Chén mà Chúa Cha đã trao… lẽ nào (Ngài) không uống” (Ga 18,11).”

một chút tâm tình…  

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Kẻ-tệ hại-nhất-đó-là-tên-phản-bội (!!!).  Mỉa mai thay ! Hôm nay sự-phản-bội vẫn luôn được hoan nghênh, vẫn luôn được sử dụng như một thứ “quý kim” để đổi lấy quyền lợi, địa vị, danh vọng, tiền tài…

Trong một xã hội “duy-vật-chất” – sự phản bội như được ươm mầm trên mảnh đất màu mỡ. Nó đâm chồi và phát triển như nấm sau cơn mưa.

Từ trong từng gia đình ra đến khắp cùng xã hội. Người người đua nhau phản bội.  Những vấn nạn ly dị, phá thai… đa phần đều chung một nguyên nhân là do sự-phản-bội.

Và có đáng buồn không kia chứ ! Hôm nay, ngay trong lòng Giáo Hội – vẫn không thiếu những kẻ-phản-bội. Những : “kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh (“bánh thánh”… nhưng) lại giơ gót đạp con” (Ga 13,18). Vẫn còn đó “lúc nhúc” những “Giuda Iscariot thời đại” – họ sẵn sàng chỉ vì một quyền lợi nhỏ nhen mà “bán đứng” những anh em đồng đạo của mình. 

Hãy nhớ lời Đức Giêsu đã nói : “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (Mc14, 21)

một phút suy tư…

Chuyện kể lại rằng : “Đang bữa ăn, (Đức Giêsu) nói : Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : Thưa Ngài ! chẳng lẽ con sao ?”(Mt 26, 21-22). 

Phải chăng câu nói đó cũng chính là câu chất vấn mỗi chúng ta hôm nay ? Chúng ta sử dụng “chiêu thức” nào để nộp Đức Giêsu !!!

Chiêu thức mà chúng ta sẽ sử dụng để “nộp Đức Giêsu” phải chăng là chiêu-tự-nộp-mình cho sự dữ và tội lụy !!!

Phải chăng là chiêu-tự-thỏa-hiệp-với-bạo-chúa-bạo-quyền !!!

Phải chăng là “chiêu-tự nộp mình” trong những vũ trường về đêm… trong những quán nhậu… trong những phòng karaokê sặc mùi rượu bia với những em chân dài thâu đêm suốt sáng !! Và phải chăng là chiêu-tự-nộp-mình cho những thói ích-kỷ, ganh ghét, hận thù, bất trung, bất tín !

Ôi ! Chúng ta sẽ làm gì khi đã lỡ tự-nộp-mình !

Sẽ tuyệt vọng : “ra đi thắt cổ” như Giuda Iscariot !

Sẽ dừng-bước-giang-hồ quay trở về cùng Cha như “người-con-thứ” trong “dụ ngôn Người Cha nhân hậu” !

Sẽ như Phêrô : “sực nhớ lời Đức Giêsu… ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 27,75) !

Trong một đời người – chắc hẳn chúng ta cũng đôi lần bất trung, bất tín, dối trá, phản bội… cách này cách khác. Công khai hoặc kín đáo. Trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nhưng đừng quên Lời Chúa qua Kinh Thánh có chép rằng  :”Ta không muốn nó phải chết nhưng muốn nó hoán cải, sám hối và được sống”  

Vâng, nếu chúng ta theo gương Phêrô mà “khóc lóc” hoán cải, sám hối thì đừng chần chờ gì nữa. Hãy cất tiếng cầu nguyện rằng : Lạy Chúa ! Xin “Chúa quay lại nhìn” (chúng con). Và cho chúng con luôn kịp thời : “sực nhớ lời Chúa dạy bảo”(Lc 22, 61). Amen.

Petrus.tran


Trả lời