Những Mảnh Đời Ghép Lại . . .

 

Những Mảnh Đời Ghép Lại . . .

Vũ Thủy

Những Mảnh Đời Ghép Lại . . .Chiều qua tôi tới chơi nhà Minh Anh, một trong những người bạn mắt sáng của tôi. Khi đến nơi mới hay tới chơi nhà cô ấy không phải chỉ có ba người mù chúng tôi, mà còn có cả mấy người ngồi xe lăn và người chống nạng nữa. Tôi thật xúc động khi mẹ cô ấy bảo “Con biết không, nghe Minh Anh nói có các con tới chơi, bác nôn đến nỗi bỏ cả đi viếng Chúa để ở nhà đón các con đó!”. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Bà đã đón tiếp toàn người mù và người què, chắc Chúa cũng vui lắm !

Chúng tôi còn đang tíu tít chào hỏi nhau, chợt có tiếng của chị Hai Chấn hỏi một người nào đó “Có phải em đã từng ở viện mồ côi Thị Nghè ra không?”.  Chị Hai Chấn là một người thiểu năng trí não, đang nắm chặt lấy tay một cô gái mù, hỏi đi hỏi lại hai ba lần. Mãi sau cô gái mới nhận ra người quen cũ, cô ngỡ ngàng trả lời:

– Phải chị ạ, chị là chị Chấn phải không? Còn chị Mai “yếu” thế nào?

Chị Hai đáp: – Mai “yếu” chết rồi! Cầu nguyện cho Mai “yếu” nghen !

Rồi chị nói tiếp : Nhóm tụi mình chia hai ngả, bây giờ chị ở mái ấm Hồng Ân, có 15 người ở dưới Bình Dương. Bữa nào xuống Bình Dương chơi nghen !

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên, vì chị Hai Chấn lại có thể nhớ chuyện cũ cách đây đã 19 năm trời. Qua lời kể của Mến, tôi được biết họ cùng ở chung trong viện mồ côi Thị Nghè năm xưa, và đã chia tay nhau khi viện mồ côi bị giải tỏa. Mến được về sống ở nhà tập thể của Hội người mù TP. HCM, cô không biết những chị em kia đi đâu. Cô nói lúc ấy cô còn quá nhỏ, không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra hồi xưa. Tôi hỏi Mến: “Thế từ hồi đó đến giờ em vẫn sống ở Thành hội à?” Mến cho biết hiện nay cô vẫn sống miễn phí tại đó, nhưng khu tập thể ấy cũng sắp sửa bị giải tỏa. Tôi lặng im nghe cô nói mà cảm thấy mình sao may mắn quá! Mến ngậm ngùi nói cô thực sự không hay biết tin Mai đã qua đời. Chị Hai Chấn lại lẩm bẩm:

– Bữa nào xuống Bình Dương chơi nghen!

Chúng tôi đều thương chị Hai Chấn, chị sống lầm lũi và ngu ngơ, nhưng ai chị đã quen biết và quý mến, thì chị nhớ lắm dù là có khi chị chẳng nhớ nổi tên người ấy.

Cả bọn chúng tôi ăn uống, cười đùa rộn vang trong căn nhà nhỏ, một buổi chiều vui vẻ qua thật mau. Chúng tôi trao đổi với nhau về việc học hành, và cho nhau số điện thoại, địa chỉ email để còn dễ bề liên lạc. Chúng tôi, những mảnh đời mà người ta thường cho là bất hạnh đang quây quần bên nhau, hai kẻ thủ thỉ tâm sự có, tốp 4- 5 người trêu chọc nhau cũng có, làm thành một khối tình bạn thân thiết.

Mỗi người, mỗi vẻ: chị Hai Chấn, một người thiểu năng trí não với một tương lai mờ mịt; Mến là người mù, đang học tại trường Đại học Xã hội nhân văn năm thứ ba; Lợi ngồi xe lăn, là vận động viên trong làng cầu lông của người khuyết tật; Muội ngồi xe lăn, mới học lớp Năm bổ túc văn hóa, nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ, mới được đi tập huấn ở Nhật bản 2 tuần dù cô chẳng biết một ngoại ngữ nào…  tất cả chúng tôi là những mảnh đời bất hạnh ghép lại thành một chuỗi cười hạnh phúc. Tôi tiếc là mình không có máy quay phim để ghi lại những khoảnh khắc quý giá này.

1/3/2011 – Vũ Thủy

 

Trả lời