Những Điều Trông Và Nghe Thấy

Những Điều Trông và Nghe Thấy

Nếu bạn đã từng ra nước ngoài du lịch hay sinh sống, học tập, bạn sẽ chứng kiến nhiều điều hay, nhiều cách ứng xử của người bản xứ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Có những điều chúng ta thấy “có” ở nước ngoài thì chúng ta lại “không có” ở Việt Nam, cho dù đó là những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Tôi xin đơn cử một số điều trông thấy và nghe thấy để chia sẻ với các bạn.

Những Điều Trông Và Nghe Thấy
Xe cộ tại một ngã tư ở Hà Nội (lấy từ Google)

1. Văn hóa

Nụ cười : Đáp xuống phi trường quốc tế, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều “nụ cười” welcome của nhân viên an ninh hoặc hải quan (khác hẳn Việt Nam). Hoặc khi bạn sống ở Mỹ, tuy bạn là khách du lịch, người bản xứ sẽ “say hello” bạn với nụ cười trên môi. Đây cũng là một cách ứng xử đẹp của người nước ngoài. Họ chào hỏi nhau mỗi khi gặp nhau ngoài đường (cho dù quen hay không quen), có khi họ chào nhiều lần trong ngày và thường là lời mở đầu cho cuộc gặp gỡ hay trao đổi với nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “ lời chào cao hơn mâm cỗ” vậy mà chúng ta ít khi bắt gặp những lời chào hỏi nhau mà thường là những ánh mắt”nhìn nhau như người xa lạ” hoặc những cái nhìn “khó chịu, tò mò” với nhau cho dù nhà ở sát vách nhau.

Cám ơn – xin lỗi : Đây là những câu nói mà chúng ta nghe rất nhiều lần trong giao tiếp hằng ngày khi đi ra nước ngoài. Những lời “sorry” hoặc “thanks you” sẽ được mọi người nói như một bản năng, cho dù ở bất cứ lứa tuổi nào hoặc địa vị nào trong xã hội. Còn ở Việt Nam chúng ta, những câu nói thiếu hoa mỹ, thô tục lại được thốt lên “như cơm bữa” nhiều hơn những lới “cám ơn, xin lỗi”. Hoặc một vụ va quẹt giữa hai người trên đường phố, thì người lớn tuổi thường xin lỗi còn người trẻ tuổi “hùng hổ” thốt lên những lời chửi rủa.

Xếp hàng : Một nét văn hóa đáng “trân trọng” của người nước ngoài là “xếp hàng”. Những cảnh rồng rắn nối đuôi nhau trong sân bay, nhà ga, siêu thị hoặc các khu vui chơi giải trí đã trở thành quá quen thuộc đối với họ. Xe cộ lưu thông trên đường nối đuôi nhau chạy theo “line” hoặc nếu kẹt đường, các xe vẫn theo đúng “line”, đậu chờ, xe này cách xe kia khoảng 1m. Ở Việt Nam, không có cảnh xếp hàng, thay vào đó là cảnh xô đẩy, chen lấn nhau. Nếu ở đâu có cảnh xếp hàng, người ta còn sử dụng cục gạch để “xí chỗ” rồi “sang, bán, nhượng lại” cho người khác. Thật buồn cười !

Những Điều Trông Và Nghe Thấy
Xe lưu thông tại Miami

2) Giao thông trên đường phố

Người đi bộ : đi trên vỉa hè, lối dành riêng cho đi bộ, không đi “lung tung” theo kiểu Việt Nam. Khi muốn qua đường, bạn phải bấm đèn xin đường, đứng chờ, khi đèn cho phép bạn mới được bước qua.

Lái xe : Người lái xe chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông : đèn quẹo, đèn dừng, đèn chạy thẳng, tốc độ được phép (hệ thống đèn giao thông được đặt ở trên cao, giữa đường không đặt ở góc đường, hoặc gốc cây như ở Việt Nam). Đặc biệt khi bạn lái xe ở Mỹ, bạn sẽ không thấy bóng dáng cảnh sát , nhưng nếu bạn chạy quá tốc độ hay lái xe say xỉn, thì cảnh sát sẽ xuất hiện. Nếu ở những ngả tư có đèn giao thông, bạn quẹo hoặc vượt không đúng luật, thì bạn sẽ bị chụp hình và nhận được biên lai phạt kèm theo hình ảnh vi phạm.

Tu sửa đường : Bên Mỹ khi sửa đường, họ thường làm vào ban đêm. Đoạn đường được sửa sẽ “closed” và có biển báo lưu thông qua đường khác. Sáng hôm sau, nhà thầu hoàn tất và đưa vào sử dụng luôn. Trường hợp sửa đường kéo dài lâu ngày thì nhà thầu hợp đồng trả tiền với cảnh sát giao thông phụ trách chỉ dẫn các luồng xe qua lại. Nhà thầu tập trung sửa chữa cho đúng hạn hợp đồng đã định. (Việt Nam mà được như vậy thì dân tình đỡ khổ biết chừng nào) …

*

Rất nhiều điều nghe và trông thấy trong thời gian ngắn du lịch ở Mỹ, tôi chỉ nêu lên những điều đơn giản. Do đâu họ thực hiện được như vậy ? Chính do ý thức của con người. Ý thức ấy được hình thành và phát triển trong mỗi người dân từ lúc ấu thơ trong nhà trường đến lúc trưởng thành. Còn chúng ta, những đứa trẻ được học gì từ mẫu giáo đến cấp hai ? Đây là một vấn đề mà những người làm công tác giáo dục phải suy nghĩ, đặc biệt những người Kitô hữu trong “Năm Giáo dục Kitô giáo“, chúng ta phải có suy nghĩ và hành động thế nào ?

Sơn Thạch

Trả lời