Nhớ Về Bố

 

NHỚ VỀ BỐ

Nhớ Về BốThấm thoát đã bốn năm trôi, con vẫn chưa tin là Bố xa con. Bởi trong tiềm thức của con, hình ảnh Bố vẫn nguyên vẹn, Bố đang sống và dõi theo từng bước con đi. Vui với niềm vui của con và buồn với nỗi buồn của con. Con yêu Bố! Bố chính là người tuyệt vời nhất trên cõi đời này.

Mẹ mất khi con lên sáu. Thương đứa con thơ dại đã phải thiếu vắng tình mẫu tử, Bố đã bù đắp tình thương người Bố và Mẹ cho con. Con luôn tự hào về Bố. Là tổng giám đốc công ty, suốt ngày chỉ biết giấy tờ, sổ sách, máy móc… Thế nhưng, Mẹ mất, Bố đã phải “một vai hai gánh”, nhưng đã làm tốt hơn ai hết nhiệm vụ của mình mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ ở công ty. Con đã được đón nhận từ Bố tất cả tình thương và sự chăm sóc tận tình. Bố đã rất nhạy cảm với những thay đổi trong con dù rất nhỏ. Một tiếng ho, Bố biết con đang mệt. Một giọt nước mắt, Bố biết con đang buồn. Bố săn sóc con trong từng bữa ăn và giấc ngủ. Không những thế, Bố như là vị thần linh chữa trị căn bệnh tinh thần mỗi lúc con bất an. Ngày đó, con chưa cảm nhận được Bố đau lòng thế nào khi phải chấp nhận mất đi nửa bên kia đời mình. Con đã hỏi Bố: “Mẹ đi đâu lâu thế? Mẹ không về, con không ăn và ngủ đâu!” Bố động viên con, bế con trên tay như đứa trẻ lên ba, không trả lời, không trách mắng… Bố chỉ nói: “Rồi Mẹ sẽ về với Con!”

Bốn anh em đang học. Các anh chị học xa nên ở trọ, con học gần nên ở nhà bới Bố. Bố thương chúng con lắm, đặc biệt là con! Ai cũng khen Bố là người cha tốt hiếm có. Tuy còn nhỏ, nhưng con cảm nhận được Bố hy sinh vì con nhiều lắm! Thế nhưng, Bố lại nói rằng chỉ mới được một phần thôi, Bố không thể bù đắp sự mất mát quá lớn của con. Bố làm việc cách nhà 75km, thế mà 3 giờ 30 Bố đã dậy chuẩn bị và gần 7 giờ tối Bố mới về. Lúc con thức dậy, mọi thứ đã đâu ra đấy: thức ăn, quần áo, sách vở, với một mảnh giấy nhỏ đầu gường: “Con gái ngoan của Bố, ăn cơm rồi đi học, tối Bố về với con!” Nhìn thấy Bố quá vất vả, nhiều người trong công ty khuyên Bố chuyển nhà đến gần công ty, nhưng Bố không đồng ý. Vì Bố không muốn xa căn nhà hạnh phúc của gia đình ta, và Bố còn phải thay Mẹ chăm sóc Ông Ngoại nữa. Thứ bảy và chủ nhật, Bố được nghỉ làm, nhưng Bố vẫn dậy sớm để dọn nhà và để có nhiều thời gian cho con, hai bố con đã đến thăm Ông và giúp Ông dọn nhà, ở lại ăn cơm để động viên Ông. Sau đó, câu quen thuộc mà hầu như tuần nào Bố cũng hỏi Con: “Con muốn đi đâu? Làm gì? Ăn gì?…” Con trả lời chỉ muốn ở bên Bố thôi, mắt Bố đỏ và ngân ngấn dòng lệ. Bố ôm con vào lòng và hôn con âu yếm. Dường như giọt nước mắt và nụ hôn của Bố, là khung trời tình thương bao phủ con, lòng con tràn ngập hạnh phúc. Con vui quá Bố ơi, phản ứng của con thật tự nhiên nhưng như có một sức mạnh vô hình nào thúc đẩy con, con ôm Bố chặt hơn và hôn mạnh lên gò má gầy của Bố.

Ngày tháng qua đi, Bố bận rộn với việc công. Con cũng gần như phủ kín thời gian bởi nhũng buổi học chính và ngoại khóa. Nhưng dù bận thế nào chăng nữa, Bố vẫn dành thời gian cho con, cho anh chị và làng xóm xung quanh. Vì ít có thời gian nên Bố đã nhờ cô giáo theo sát con hơn, những người xung quanh có thêm nhiệm vụ với con vì Bố nhờ.

Với con, Bố mua sách tham khảo như: Những điều cần biết về tâm sinh lí, Kim chỉ nam cho học sinh… và động viên con đọc, Bố dành thời gian để tâm sự và lắng nghe con. Đáp lại những  mong muốn của Bố, con đã cố gắng đọc sách và tập làm việc nhà. Bố ơi, hình ảnh Bố đang trong tim con, Bố chưa già mà tóc Bố bạc và sức khỏe giảm nhiều, bởi qua nhiều công việc Bố phải làm và nỗi lo Bố phải gánh. Hình như Bố sinh ra để làm việc và

phục vụ chúng con. Từ khi Mẹ ngã bệnh đến khi Mẹ mất, ít khi con thấy Bố cười và có thời gian dành cho mình. Ngày Bố ốm, Bố không nằm mà vẫn đi làm, con thấy khuôn mặt Bố mệt mỏi, phờ phạc khác hẳn mọi ngày. Biết thế, nhưng con chưa làm gì để động viên, chăm sóc Bố. Bố không buồn con, mà vẫn một mực sống vì con, Bố đã cố gắng hết sức để con có được nụ cười và bằng bạn bè…

Ngày con đi học xa nhà, Bố đã chuẩn bị những thứ cần thiết và căn dặn con nhiều điều. Con nhớ mãi lời dặn: “Con ơi, nhớ giữ gìn sức khỏe, Bố sẽ rất nhớ con!” Lúc đó, con không dám nhìn thẳng vào mắt Bố. Ngày nào, Bố cũng gọi điện cho con, bởi trong Bố, con chưa đủ trưởng thành để Bố phó mặc tự con lo lấy. Cứ mỗi cuối tuần, tan học, con đã thấy Bố đến chờ con từ lúc nào để đón con về. Về đến nhà, Bố luôn nhắc nhở con vào chào Mẹ. Dường như từ món ăn cho đến câu chuyện, Bố cũng chuẩn bị để đem lại niềm vui cho con. Bố đã nuôi con lớn không chỉ bằng lương thực hằng ngày, mà bằng cả trái tim và sự hy sinh của Bố. Con cảm nhận được con là người hạnh phúc nhất trên đời vì con có Bố. Con đang tự tin để bước vào đời, sánh vai cùng bạn bè và chuẩn bị cho tương lai.

Thế nhưng, niềm hạnh phúc mà con tưởng chừng như sẽ không bao giờ mất ấy, lại không được bao nhiêu! Khi mà năm mới đến gõ cửa mọi nhà, mọi người vui vẻ với tiếng nói cười rộn ràng, thì với con lại là điều kinh hoàng, khủng khiếp vì Bố đã không thức dậy như thường lệ. Con lay mạnh người Bố, thét lên, nước mắt giàn giụa… Nhưng tất cả đều vô vọng, Bố không mở mắt, không nói gì nữa. Bố ơi! Bố đã vĩnh viễn xa con lúc nào trong đêm mà con không biết. Con không tin và không muốn tin sự thật phũ phàng này. Trái đất ngừng xoay, mọi thứ sụp đổ tan tành, tim con đau nhói, chân tay run rẩy, miệng không gọi Bố nữa… Tỉnh dậy, con không tin những gì đang xảy ra trước mắt, một lần nữa con lại “lực bất tòng tâm” khi phải xa người thân. Con lại phủ lên đầu mình chiếc khăn trắng của sự tang thương. Con sợ màu trắng này lắm, Bố ơi!

Giờ đây, con đang bước đi trên con đường mà con đã chọn, nhưng không có Bố! Con muốn gửi tới Bố lời cảm ơn từ tận đáy lòng con: “Bố ơi, con yêu và nhớ Bố nhiều lắm, dù không có Bố hiện diện hữu hình bên con, nhưng Con tin ở phương trời xa Bố vẫn đang nhìn và bên con. Con sẽ cố gắng sống tốt để là con của Bố. Không ai sinh ra không bởi một người Bố! Con muốn gửi tới những ai đang còn Bố: Hãy cố gắng những gì có thể, hãy thực lòng yêu và kính trọng Bố… Để không như con, giờ con muốn làm một điều cho Bố cũng không thể, dù con muốn một giây bên Bố cũng không còn nữa. Con khao khát lắm nhưng giờ không thể, Bố ơi!”

Con của Bố!

Maria Hoàng Thị Hồng Lam

 


Trả lời