Nghe Lời Chúa : Nhu Cầu Cần Thiết Của Kitô Hữu

 

Nghe Lời Chúa
Một Nhu Cầu Cần Thiết Của Kitô Hữu


Nghe Lời Chúa : Nhu Cầu Cần Thiết Của Kitô Hữu“Lời Ngài là ánh sáng đời con,
Lời Ngài là sức sống của con…”

Câu hát đã quá quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi giáo dân Việt Nam. Đó là lời nhắc nhở mọi người : hãy luôn xem Lời Chúa là kim chỉ nam, là sự sống mỗi ngày của người theo đạo. Vậy, người Kitô hữu hôm nay rất cần nghe Lời Chúa. Đó là một nhu cầu cần thiết và Lời Chúa đến với người giáo dân bằng phương cách nào ?

Ngày nay với công nghệ thông tin, người giáo dân có thể vào các trang Web để nghe  bài giảng của các linh mục đã được ghi âm và tải lên. Một người ở miền Nam có thể nghe được bài giảng của một linh mục “giảng có tiếng” của một xứ đạo miền Bắc nào đó… Tuy nhiên, số giáo dân nghe lời Chúa trên mạng không là bao nhiêu người, còn đại đa số giáo dân chỉ được nghe lời Chúa qua lời giảng của cha xứ vào ngày Chúa Nhật hằng tuần tại giáo xứ của mình hay một giáo xứ bạn. Khi nghe lời Chúa, người giáo dân có những thái độ nào ?

1. Đón nhận miễn cưỡng lời Chúa : không thích nghe vì cha giảng hay nói về triết lí thần học, quá cao siêu; vì giọng nói của cha “ru ngủ” giáo dân và vì nhiều lí do khác…

2. Đón nhận tích cực lời Chúa : theo dõi mọi lời giảng của cha, nhớ rõ nội dung bài giảng và tỏ ra tâm đắc với cách trình bày của cha.

Đa số giáo dân chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật trong tuần,nên nhu cầu nghe lới Chúa qua bài giảng của vị chủ tế rất quan trọng.Vì vậy,để người giáo dân hứng thú tiếp thu lời Chúa,các vị chủ chăn cần phải :

– Chuẩn bị, soạn kĩ lưỡng bài giảng lễ, tìm tài liệu giảng trên trang web hoặc sách các bài giảng lễ. Tránh không soạn, nói đủ điều không phù hợp nội dung bài Phúc Âm, kể hết chuyện này đến chuyện khác mà không dẫn đến ý đúc kết (các linh mục trẻ hay vi phạm khuyết điểm này). Phải nhớ rằng đối tượng giáo dân nghe giảng bao gồm nhiều thành phần : trí thức, dân lao động, người già, người trẻ…. làm sao để mọi người nghe cha giảng cảm thấy hài lòng…

– Nên phân tích nội dung lời Chúa theo nhiều phương pháp khác nhau đan xen vào những bài học thực tiễn của đời sống xã hội, sát với thực tế ngày hôm nay.

– Không nên ”gằn giọng” hoặc “nói lớn quá” khiến người nghe mãn cảm, tưởng mình bị cha “khiển trách” và dễ mất cảm tình.

Linh mục giảng lễ hay, lôi cuốn sẽ quyết định 50% lý do giáo dân đi dự lễ, 50% còn lại là do chất lượng ca đoàn phụ trách thánh lễ. Trong tinh thần canh tân đời sống đạo, người giáo dân mong ước mỗi lần đến tham dự thánh lễ tại thánh đường sẽ là một buổi tiệc thánh long trọng hoành tráng mà ở đó họ được hiệp thông với Thiên Chúa và Giáo Hội qua bí tích Thánh Thể và việc nghe lời Chúa.

Nghe lời Chúa không thôi chưa đủ, người tín hữu muốn được hưởng hạnh phúc Nước Trời, phải có đức tin, chuyên cần cầu nguyện mà còn phải thực hành lời Chúa dạy. Có người rất nhiệt thành trong việc khuyên dạy người khác trở về với Chúa nhưng họ không Sống lời Chúa mà chỉ làm để lấy thành tích, để tìm tiếng khen … thì các hoạt động tông đồ truyền giáo ấy cũng của họ cũng là vô ích trước mặt Chúa.

Thực hành lời Chúa chính là việc hành xử cuộc sống của mình trước mọi thử thách theo lời Chúa dạy. Giữa xã hội đầy dãy tội ác, tham nhũng hôm nay… người giáo dân sống theo lời Chúa rất khó : họ phải biết  giữ mình sống theo điều thiện, tránh xa những bất công, sống bác ái nhân hậu với những người chung quanh. Có như vậy, người giáo dân mới góp phần vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Pet. Nguyễn Sơn Thạch

 

 

Trả lời