Ngày 16.01.2019: Việc cầu nguyện của Kitô hữu

 

Tin Mừng theo thánh Mác-cô: Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy! ” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

VIỆC CẦU NGUYỆN CỦA KI-TÔ HỮU

Một ngày sống bình thường của con người bao gồm việc lao động, nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và giải trí. Và để có được một cuộc sống chất lượng, người ta chú ý đến chế độ ăn uống kết hợp với nghỉ ngơi… Ít ai nghĩ rằng sinh hoạt tôn giáo, đời sống đức tin hoặc tâm linh cũng góp phần rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, làm cho cuộc sống có ý nghĩa.

Thánh Mác-cô kể lại một ngày hoạt động của Chúa Giê-su. Ngài bắt đầu một ngày sống bằng việc đọc Lời Chúa trong hội đường. Rời hội đường, Ngài đi thăm viếng người đau yếu. Cho đến tận chiều tối, Chúa Giê-su tiếp đón và chữa lành những người bệnh tật, bị quỷ ám…

Có khi nào chúng ta dừng lại để tự hỏi, Chúa Giê-su lấy đâu ra năng lực để chăm sóc đủ mọi hạng người? Tuy không nói rõ điều ấy, thánh Mác-cô chỉ đơn giản thuật lại, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra nơi hoang vắng và cầu nguyện…

Một số ít người tín hữu đã bình thường hóa việc cầu nguyện, thậm chí xem như một bổn phận gây phiền phức vì mất giờ. Sinh thời, thánh Têrêxa Calcutta coi việc cầu nguyện là nguồn gốc của một chuỗi ân sủng Chúa ban : Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an.

Ước mong mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng biết khởi đầu và kết thúc một ngày sống bằng mối tương giao với Đấng yêu thương chúng ta.

Trả lời