Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Sáu Tuần Thánh

 

Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Thế Là Đã Hoàn Tất

Người tôi trung đã hiến thân chịu chế,
đã mang lấy tội muôn người . (x.Is 52: 13-53:12)
Lạy Cha, con phó mạng sống con trong tay Cha. (x.Tv 30)
Người đã học vâng phục và trở nên nguồn ơn cứu độ
cho tất cả những ai vâng phục Người. (x.Dt 4:14-16; 5:7-9)
Bài Thương Khó (x.18:1-19:42) “Thế là hoàn tất” (x.Ga 19:30).

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Sáu Tuần ThánhKhi chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu, chúng ta đối diện với khía cạnh nghịch lý nhất trong mầu nhiệm của Người; khía cạng ấy xuất hiện vào giờ sau hết của Người trên thập giá. Mầu nhiệm trong mầu nhiệm. Trước mầu nhiệm ấy, chúng ta chỉ có thể phủ phục tôn thờ.

Cường độ của trường đoạn trong vườn Ôliu diễn ra trước mắt chúng ta. Bị áp lực bởi biết trước cuộc xét xử đang chờ đợi Người, và cảm thất cô đơn trước Chúa Cha, Chúa Giêsu kêu lên với Chúa Cha bằng lời diễn tả sự tin cậy quen thuộc và đầy lòng yêu mến: “Abba, Cha ơi”. Người xin Cha nếu có thể thì lấy chén đau khổ này đi (x. Mc 14:36). Nhưng Chúa Cha dường như không chú ý tới tiếng kêu của người Con. Để đưa con người về lại với khuôn mặt Chúa Cha, Chúa Giêsu không những phải nhận lấy khuôn mặt của con người, mà còn mang nặng gánh “khuôn mặt” của tội lỗi. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5:21).

[youtube]WoliDs3yCVw[/youtube]

Chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu chiều sâu của mầu nhiệm này. Chúng ta có thể thấy tất cả tính khắc nghiệt của sự nghịch lý trong tiếng kêu hầu như tuyệt vọng của Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15:34). Thật khó mà mường tượng được một cuộc hấp hối nào bi thảm hơn, một bóng tối nào dày đặc hơn. Thật vậy, tiếng kêu “tại sao” đau đớn thốt lên với Chúa Cha trong lới mở đầu thánh vịnh 22 diễn tả tất cả thực tại của nổi đau khổ không thể nói lên được; nhưng lại được soi sáng bởi ý nghĩa của toàn bộ lời cầu nguyện đó, lời cầu nguyện mà trong đó tác giả đã nối kết đau khổ với niềm tin, trong sự pha trộn cảm xúc thật cảm động. Thật thế, thánh vịnh tiếp tục: “Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì…Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho” (Tv 22:5, 12).

Anh chị em thân mến, tiếng kêu của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là tiếng kêu đau đớn của con người đã mất hết hi vọng, nhưng là lời cầu nguyện của người Con hiến dâng sự sống cho Chúa Cha trong tình yêu, để cứu độ mọi người. Chính trong lúc Người đồng hóa với tội lỗi của chúng ta, “bị Chúa Cha bỏ rơi”, Người “trao phó” chính mình trong tay Chúa Cha. Ngàn năm thứ ba đang đến, 25, 26.

“Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con”. Những lời này là tiếng kêu cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá. Đó là những lời đóng lại mầu nhiệm khổ nạn và mở vào mầu nhiệm giải phóng qua sự chết, một mầu nhiệm sẽ được thực hiện trong sự phục sinh. Đó là những lời quan trọng. Ý thức được tầm quan trọng ấy, Giáo hội đã đưa những lời ấy vào trong Phụng vụ các giờ kinh kết thúc một ngày: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con”.

Hôm nay, chúng tôi muốn đặt những lời này vào môi miệng nhân loại…Những lời ấy mang ý nghĩa mở ra đến tương lai. Chúng tôi hi vọng rằng vào cuối ngày Thứ Sáu tuần thánh này, và ngày Canh thức Phục sinh…những lời “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” sẽ là những lời cuối cùng đối với chúng ta, những lời sẽ mở cánh cửa vĩnh cửu cho chúng ta.

Bài giảng, Thứ Sáu Tuần thánh, 02-04-1999
+ Đức Gioan Phaolô II
Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP chuyển ngữ

Trả lời