Một thoáng cảm nhận về Mục vụ Di dân tại Malaysia

 

Một thoáng cảm nhận về Mục vụ Di dân tại Malaysia

 

Nhân dịp đi giúp mục vụ lễ Giáng sinh cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Malaysia, tôi có dịp trải qua 10 ngày trên đất nước này, có dịp được nghe, được thấy; xin ghi lại nơi đây một chút ưu tư đọng lại về việc mục vụ di dân, cụ thể là việc mục vụ cho những người Việt Nam đang lao động trên mảnh đất đa phần là người dân theo Hồi giáo này.

Những điều mắt thấy tai nghe

Một ngày, sau khi đặt chân đến Malaysia, tôi đáp xe bus đi Kuantan, một thành phố biển cách thủ đô Kuala Lumpur chừng 300 km. Ở đây có một nhóm nhỏ khoảng vài chục người công nhân Công giáo Việt Nam đang làm việc, số người Việt không Công giáo ở đây đông hơn. Khi tôi đến, một nữ tu Việt Nam đang chuẩn bị cho họ một đêm mừng lễ Giáng sinh xa xứ, không phân biệt lương dân hay Kitô giáo. Hiện ở Kuantan, chị là nữ tu duy nhất người Việt, dòng Phansinh, đã hiện diện ở đây 7 năm, công việc chính của chị là lo việc giáo dục, kiêm “dâng lễ” mỗi Chúa nhật, và làm “tuyên úy” cho nhóm công nhân Việt Nam nơi này.

Cái bắt tay đầu tiên của một anh công nhân ở đây làm tôi xúc động. Khỏi cần anh phải nói ra, tôi cũng cảm được qua bàn tay chai sạm của anh, công việc lao tác của anh vất vả biết chừng nào! Chỉ một ngày một đêm ở đây, nhưng tôi có dịp được lắng nghe những câu truyện dài tập về người lao động nhập cư: khó khăn chồng chất. Ngoài việc giúp họ lãnh bí tích Giao Hòa và cử hành Thánh Lễ cho họ, tôi còn được tận mắt chứng kiến một số nơi họ đang làm việc, những nhà trọ họ đang sinh sống, ẩm thấp, hôi hám, bẩn thỉu. Đa phần, họ là những người lao động chân tay, không rành ngôn ngữ, nhiều người không một mảnh giấy tờ tùy thân… số phận của họ phó mặc trong tay chủ và cảnh sát ! Mỗi khi cảnh sát kiểm tra giấy tờ, những người công nhân khốn khổ lại phải ngồi tù, rồi chạy bạy kiếm tiền, tìm người, kiếm cách chuộc ra.

Nhìn chung, ở Malaysia người Việt dễ tìm việc làm, và đồng lương lao động ở đây có nhỉnh hơn ở Việt Nam chút đỉnh, nhưng với khoản tiền trung bình từ 5-6 triệu một tháng, lại còn bị trừ trước trừ sau, nào là tiền môi giới lao động, tiền visa, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hằng ngày… có thể nói nhiều người chỉ có khả năng “hai tay vò lỗ miệng”. Có anh công nhân tâm sự, sau 5 năm vất và làm việc mỗi ngày cả 12 tiếng, anh chỉ dành dụm trả được món nợ 50 triệu vay ngân hàng để lo dịch vụ đi hợp tác lao động nước ngoài, và còn chút đỉnh khoảng 20 triệu đem về gia đình ăn tết. Nếu làm một con toán chia đơn giản, mỗi năm anh chỉ để dư ra được 4 triệu đồng ! Cũng có một số người có công việc tốt, lương khá hơn, nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Một thoáng cảm nhận về Mục vụ Di dân tại Malaysia

Bên cạnh những khó khăn hằng ngày trong công việc, đời sống an ninh bên Malaysia này thật đáng lo sợ. Nạn cướp bóc xảy ra thường xuyên, điều đáng nói là có khi những người lao động bị chính cảnh sát chấn lột giữa đường, hay là bị những băng nhóm người Ấn hoặc người Việt hiếp đáp. Mỗi kỳ lãnh lương, là mỗi lần người ta nơm nớp lo sợ, có khi kẻ cướp đang núp sẵn trong phòng trọ của mình.

Tạm biệt Kuantan, tôi trở lại Kuala Lumpur và giúp cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại đây. Trong dịp Noel 2013 này, các bạn công nhân rất phấn khởi vì còn có sự hiện diện của Đức Cha Stephano Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ, cùng với phái đoàn 5 linh mục và 2 nữ tu nữa. Thánh lễ đồng tế đêm Giáng sinh nơi đất khách quê người quy tu khoảng 7- 800 người Việt, làm ấm lòng bao người con đang tha phương cầu thực.

Một thoáng cảm nhận về Mục vụ Di dân tại Malaysia

tham dự hoạt cảnh canh thức trước lễ đêm tại Kuala Lumpur

Trong thánh lễ sáng 25 mừng Chúa giáng sinh có 2 đôi hôn phối di dân, vì hoàn cảnh, họ phải tổ chức lễ cưới nơi quê người, không có sự hiện diện của cha mẹ, của người thân… Tiệc cưới của họ chỉ là một chén bún sau thánh lễ, họ nên duyên vợ chồng trong hoàn cảnh di dân, cử hành hôn lễ cho họ, tôi thấy nặng lòng.

Tại Malaysia này, có nhiều nhóm Công nhân Công giáo Việt Nam, họ quy tụ lại với nhau theo khu vực làm việc của mình. Ngoài cộng đoàn nhỏ ở Kuantan, tôi có dịp được chia sẻ đời sống với hai cộng đoàn đông hơn, một ở Kuala Lumpur và một ở Klang, cách thủ đô chừng 50 km.

Dù chỉ ở với họ được vài ngày, nhưng tôi cảm thấy rằng sự hiện diện của các linh mục và tu sĩ Việt Nam ở đây là chỗ dựa tinh thần rất quý báu cho những người lao động xa xứ. Tại Kuala Lumpur này, tôi thấy được sự nhiệt tình của các anh chị em. Sau một tuần làm việc vất vả, có người phải ngồi xe bus cả 3 tiếng đồng hồ để có thể đến sinh hoạt với cộng đoàn. Điều ngạc nhiên là, trong số đó, có cả những người không phải là Kitô giáo, họ không ngại hiện diện, chia sẻ thời gian và cả tài chánh cho cộng đoàn nữa.

Một chút ưu tư

Thánh lễ bằng tiếng Việt sáng Chúa nhật 29.12 tại Klang khép lại 10 ngày ngắn ngủi và quý báu của tôi tại đất nước Malaysia này. Chia tay anh chị em, cảm ơn những người đã nhiệt tình giúp đỡ tôi, một kẻ lạ lẫm lần đầu tiên bước chân đến một nơi xa lạ, tôi trở về với công việc thường ngày, nhưng vẫn còn đó mối ưu tư: Giáo hội Việt Nam sẽ làm được gì đây cho những con chiên của mình đang xa xứ?

Một thoáng cảm nhận về Mục vụ Di dân tại Malaysia

Nhóm nhỏ ở Kuantan – Malaysia

Tại Kuala Lumpur này, tôi cảm nhận được sự lưu tâm và giúp đỡ rất nhiệt tình của Giáo hội địa phương, qua sự ân cần của Đức tổng Giám mục Kuala Lumpur, của Đức ông James, người đang coi sóc Vương Cung Thánh đường thánh Gioan, cùng với bao người thiện nguyện khác nữa, họ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cộng đoàn dân nhập cư sinh hoạt, trong đó có các cộng đoàn Việt Nam chúng ta.

Ở Việt Nam, có thể có những cha xứ chỉ nghĩ đơn giản rằng: “Tại giáo xứ tôi không có hoặc có rất ít dân nhập cư, nên việc mục vụ di dân là việc của ai khác chứ không phải là của tôi, có chăng chỉ là lo cho vài đôi hôn phối…” Các ngài không biết rằng có rất nhiều con chiên của mình đang tha phương cầu thực, làm thế nào để chủ chiên có thể “biết chiên” của mình?

Ở quê nhà, trong chương trình mục vụ của Giáo xứ, có lẽ nhiều chủ chăn chưa hề đặt mối quan tâm về việc di dân này, ai đến, ai đi, chủ chăn không biết, các ngài có thể an tâm và nghĩ rằng: “Họ có đến gặp gỡ và trình báo gì cho tôi đâu!”

Nơi đất khách, có những cộng đoàn Công giáo hiện đang đùm bọc lẫn nhau, thực ra mới chỉ là những nhu cầu tự phát, họ chưa nhận được sự bảo vệ hay giúp đỡ cụ thể nào từ phía Giáo hội Việt Nam, nhất là về vấn đề pháp lý; chính vì vậy rất cần có một văn phòng chính thức về phía Giáo hội để chăm sóc những người di dân, giúp đỡ và chuẩn bị cho họ những gì cần thiết, hoặc ít ra họ cũng có một địa chỉ để gõ cửa một khi gặp cơn bĩ cực.

Việc mục vụ cho di dân đã đến lúc Giáo hội Việt Nam phải quan tâm và có những việc làm cụ thể, dài hơi hơn, chứ không đơn giản chỉ là việc “thời vụ” hay khởi phát mà thôi. Những suy tư chợt đến này được viết ra như một chút cảm thông chia sẻ, có thể còn rất nhiều điều mà người viết chỉ là kẻ “cưỡi ngựa xem hoa” nên chẳng thể nào đụng chạm đến được.

Kết thúc những dòng chia sẻ này, tôi thấy thấm thía lời tựa của Tin mừng Gioan: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), thế mà sao tôi, người môn đệ của Lời, chưa bao giờ có thể chỉ là ở bên cạnh anh em của mình?.

Kuala Lumpur 29.12.2013

Giuse Phạm Quốc Văn

 

 

Trả lời