Một người rất gần : nhà thơ khiếm thị Vũ Thủy

Nhà thơ khiếm thị VŨ THỦY, là một thành viên trong gia đình Khuyết Tật Kitô Vua, do cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP phụ trách. Chị đã thực hiện hai đĩa CD các bài thơ của mình và vẫn sáng tác thơ đều đặn.

Một người rất gần : nhà thơ khiếm thị Vũ Thủy

THEO NGÀI VÀO LỐI THƠ

Lời tự bạch của Vũ Thủy (06.04.2008)

Lúc còn đang học lớp năm, tôi đã võ vẽ viết những bài thơ lục bát. Dần dần lớn lên tôi thích viết những bài thơ tự do hơn, và đã viết về đủ thứ trên đời. Khoảng thời gian đó, tôi chẳng CÓ DỊP nghiên cứu học làm thơ và cũng chẳng được đọc nhiều thơ cho lắm, tôi làm thơ CHỈ LÀ để trút những tâm sự và nỗi niềm riêng tư của mình. Thường là tôi viết vào một mẩu giấy vớ vẩn nào đấy rồi tự mình đọc CHO MÌNH NGHE. Thỉnh thoảng, trong giờ học tôi đã bỏ ngoài tai tiếng giảng bài của thầy cô, lén viết những khổ thơ chợt xuất hiện trong đầu vào một mảnh giấy nhỏ rồi quăng mẩu giấy đó cho một người bạn cũng thích làm thơ như tôi. Rồi thì những mảnh giấy ấy cũng rơi vào lãng quên và chẳng còn lại chút vết tích gì. Lần sinh nhật thứ 23 của tôi, một người bạn trai tặng cho tôi một cuốn sổ tay nhỏ, trong đó anh vẽ những bức tranh với chủ đề xuân, hạ, thu, đông bằng màu nước để trang trí cho cuốn sổ. Tôi rất thích món quà sinh nhật này và thay vì viết những bài thơ tình của mình vào những mẩu giấy, tôi đã ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ ấy. Đó là lần đầu tiên tôi có một tập thơ hẳn hòi, mấy người bạn tôi thường cho là thơ tình của tôi quá lãng mạn, bốc lửa và thậm chí còn hơi sex nữa. . .

Đôi mắt tôi mờ dần rồi mù hẳn, những bài thơ của tôi cũng lưu lạc đâu mất. Tôi đã ngưng việc làm thơ cho đến khi tôi biết sử dụng computer vào giữa năm 2002; khoảng thời gian này, tôi thường viết về những đề tài như hồi tưởng, hòa bình, thiên nhiên và những bức xúc về thời cuộc. Đó là những suy tư vụn vặt của tôi, đôi khi là những bức bối về cuộc sống đầy rẫy những bất trắc. Bài thơ đầu tiên tôi viết có sự hiện diện của Thượng đế là bài “Cô gái mù với ly cafe trắng”. Và phải đến hơn 3 năm sau tôi mới lại viết được một bài có nét tâm linh nhiều hơn đó là bài “Món quà của Thượng đế”. Tôi muốn viết về Chúa nhiều hơn nhưng sao mà khó quá … Tuy nhiên, cũng như bao nhiêu khó khăn khác, Chúa đã dẫn tôi đi một cách âm thầm mà chỉ khi đến đích tôi mới hay Người đang ở bên tôi. Lần này cũng vậy, khi tôi viết bài thơ “Dù bước đi trong thung lũng tối…” tôi mới nhận ra một cách rõ ràng rằng Chúa đã dẫn tôi đi vào lối thơ của Ngài và bây giờ Người đang cầm tay tôi viết. Đó là một quá trình tôi muốn chia sẻ cùng những người có tâm huyết với thơ ca Công giáo Việt Nam.

Vào khỏang cuối năm 2004, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo từ xa đầu tiên của Hadley School for the Blind (the course “English skills I”) tôi viết thư cảm ơn giáo viên của tôi và bảo với cô ấy tôi rất thích làm thơ, bao giờ tiếng anh khá, tôi sẽ dịch một bài thơ của tôi sang tiếng Anh tặng cho cô ấy. Không ngờ Angie viết thư trả lời tôi, trong đó cô cho biết cô đã giúp tôi đăng ký vào học course “Elements of poetry”. Tôi rất hoảng không biết làm sao vì tiếng Anh tôi viết còn sai chét bét nói chi đến đọc hiểu và viết những bài thơ bằng tiếng Anh, cái mà tôi còn chưa đọc qua bao giờ. Từ chối thì sợ phụ lòng người giáo viên tốt bụng; và, tôi gần như bị bắt buộc học course này vì cuối cùng một Phần của bộ sách “Elements of Poetry” in chữ nổi đã được gởi đến tận nhà. Thậm chí tôi không có tiền để gởi trả thùng sách ấy cho Hadley School, ở Mỹ có chính sách miễn bưu phí cho người mù nhưng Việt Nam thì không.

Trong thời gian này tôi đăng ký thêm hai course học song song với Poetry để hỗ trợ cho vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Đó là “Punctuation” và “Word studying: Spelling”. Trừ những ngày tháng đau yếu nằm bẹp giường hay những ngày mải mê Dominoes với mấy người bạn mù, tôi cứ lẽo đẽo với Poetry. Khi thì đau ốm nằm cả tháng trời, khi thì chờ đợt sách gởi đến mất gần ba tháng. … Cuối cùng, vào giữa tháng 3-2007 tôi cũng hoàn thành the course “Elements of Poetry”. Trước đó, một người bạn của bố tôi cho tôi địa chỉ Dunglac.net, và tôi tình cờ đọc được lá thư kêu gọi tham gia Đồng Xanh Thơ của anh Cao Huy Hoàng trên website này và đã mạnh dạn gởi đi bài thơ “Món quà của Thượng đế”. Sau đó là bài “Cô gái mù với ly cafe trắng”. Khi anh Hoàng khuyến khích tôi tiếp tục gởi bài, tôi đâu còn bài nào để gởi, những bài tôi đang có thì không phù hợp với Đồng Xanh Thơ. Tôi chợt nghĩ về hình ảnh đã lưu trong tâm trí tôi một cách rất sâu đậm, đó là ánh mắt của Chúa Giêsu. Ánh mắt mà tôi đã từng được nhìn thấy cách đây hơn hai chục năm qua sự thể hiện của một họa sĩ kỳ tài. Ánh mắt ấy đã thôi thúc tôi ngồi vào máy vi tính và cứ thế ngón tay tôi gõ liên tục trên bàn phím những ý tưởng mà tôi đã chất chứa về ánh mắt ấy trong những năm đầu tôi làm quen với bóng tối. Sau khi hoàn thành bài thơ, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và quyết định đặt cho bài thơ này tựa đề là “Hai nghìn năm vẫn đợi”. Đây là bài thơ đạo đầu tiên tôi viết sau khi học xong những bài học về thơ ca của Mỹ. Và đến lúc này tôi có thể khẳng định chính “Elements of Poetry” đã giúp tôi viết những bài thơ có mang nét tâm linh dễ dàng hơn. . . Tôi có thể viết về Chúa, nói với Chúa bất cứ lúc nào qua những vần thơ vụn vặt của mình.

[wmv height=”370″]capheden[/wmv]

Căn phòng nhỏ của tôi dường như chứa đầy những vần thơ, mỗi khi xuất hiện trong đầu một ý tưởng nào đó tôi cho là đẹp tôi liền vội vã lưu lại trong vi tính, hễ có thời gian rảnh rỗi tôi sẽ lấy ra gọt dũa chúng thành những bài thơ mới. Có những bài lúc đầu tôi gõ lách cách trên bàn phím vài ý tưởng rời rạc, không có chủ đích; thế nhưng khi viết xong những bài thơ ấy lại mang những ý nghĩa tích cực như bài “Hoa tình yêu,” “Khát vọng,” “Tìm về đất hứa.” Đặc biệt, bài thơ “Dù bước đi trong thung lũng tối. . .”, thoạt đầu, tôi chỉ có ý định viết theo đúng cấu trúc của anh Hồ Văn Nhu trong bài thơ “Đứng bên em” để đáp lại tình cảm sâu sắc mà anh đã dành cho tôi. Tôi định đối câu, đối từ, hoặc đối nghĩa mà nói cho anh yên tâm là tôi không PHẢI gánh chịu MỘT cách nặng nề như anh nghĩ; song, vì đi theo cấu trúc của anh đã khiến cho bài thơ tôi đang viết trở nên rất kỳ cục chẳng ra làm sao cả. Để cho bài thơ có ý tưởng rõ ràng và khúc chiết tôi phải sửa chữa nhiều câu, không ngờ khi đọc lại tôi thấy tự nhiên mình đã khẳng định một niềm xác tín như trong bài Thánh Vịnh của người Do Thái xưa: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi. . .” Một điều ngẫu nhiên nữa là trong bài thơ của tôi có xuất hiện câu “Khơi nguồn Thánh thi,” bài thơ đã nói lên lòng tri ân Thiên Chúa, một kiểu đặc trưng trong nhiều bài Thánh Vịnh. Qua lòng tri ân tôi gởi gắm một lời cảm ơn đến người bạn của tôi, điều mà tôi đang định làm.

Khi tôi viết bài thơ “Lương tâm và giải lụa”, tôi chỉ định ví von con người của tôi yếu đuối và hay buông thả như một giải lụa. Không ngờ sau khi đã đưa ra một loạt những hình ảnh về giải lụa ấy, tôi càng nhận ra con người mình xấu xa hơn mình tưởng và nhận ra Chúa đã tha thứ cho mình nhiều hơn mình đã tưởng. Và hôm ấy cũng chính là ngày tôn kính Lòng Chúa thương xót, thế là tôi có được hình ảnh về một Biển Hồ Thương Xót thật là xúc động và tôi đưa ngay vào câu thơ kế tiếp của mình. . .

Bây giờ thì không thể dừng lại nữa, tôi đã viết đến đây, bạn có thể thấy Chúa dắt tôi đi vào lối thơ như thế nào. Bạn cũng thấy được Ngài đang cầm tay tôi viết ra sao. Rõ ràng là Elements of Poetry giúp tôi dễ dàng viết những bài thơ tâm linh, chủ đề mà trước đó tôi đã thực hiện một cách rất khó khăn . Nhưng tôi thấy tôi học được American Poetry là do ý Chúa muốn và do Chúa mở trí cho tôi hiểu được những bài học và những bài mẫu của các nhà thơ nước ngoài để giờ đây tôi áp dụng cho riêng mình. Chúa cũng đã ban cho tôi những trải nghiệm và những cảm xúc là những cái tôi cần để có thể sáng tác. Khi nhận ra rằng Chúa đã trở thành nguồn thi hứng cho mình, tôi thử làm một bài thơ tình theo kiểu như trước đây tôi đã làm; sau khi hoàn thành tôi cố sửa đi sửa lại, đọc đi đọc lại vẫn thấy nó vô vị và gượng ép đến mức tôi không thèm lưu nó lại trong computer nữa.

Một người rất gần : nhà thơ khiếm thị Vũ Thủy

Ngày nào tôi bận rộn việc học hoặc sinh hoạt vui chơi đâu đó với bạn bè thì tôi tạm gác việc viết thơ của tôi lại. Ngày nào rảnh tôi đắm chìm vào nguồn ngẫu hứng và cứ gõ lách cách trên bàn phím đuổi theo những ý tưởng đang tuôn ra như suối trong đầu tôi. Tôi thực sự rất bận rộn, tôi biết nói lên điều này chắc có nhiều người cười lắm. Nhưng quả thật tôi rất bận, thậm chí tôi phải tranh thủ thời gian gọi điện thoại cho một người nào đó trong lúc tôi ngồi chờ máy vi tính khởi động. Có khi tôi vật lộn với computer suốt cả tháng trời để mày mò cách thức làm sao thâu âm giọng nói vào computer. Tôi đã mất gần 3 tháng trời mới thực hiện xong 2 đĩa CD của riêng mình, trong đó tôi ghi lại giọng tôi đọc những bài thơ của mình để tặng cho mấy người bạn bại liệt khát khao nghe về Chúa. Một trong những người bạn ấy là anh Phát, anh (43 tuổi) là một người mù và bại liệt đã gần 3 năm nay. Gặp tôi, vợ anh ấy bảo : Anh Phát nghe đĩa của chị suốt ngày và cứ khen hoài, mấy mẹ con em cũng nghe và thích lắm.

Tôi cảm thấy những vất vả, những giọt mồ hôi đổ ra vì sự kiên trì lập đi lập lại nhiều lần một đoạn thâu âm của tôi tan biến hết vì tôi đã làm cho một người bạn, một người đang đau đớn gần như nằm chờ chết có được niềm vui. Người nghe không biết tôi đã phải trải qua những gì khi tôi không có một phòng thu âm đúng nghĩa lại ở trong một xóm lao động với đầy tiếng máy tiện máy rèn ban ngày, tiếng chó sủa, tiếng còi xe ban đêm và tiếng gà gáy sáng sớm. . .

Tôi muốn làm thơ và đọc cho những người bạn đang nằm trên giường bệnh có thể nghe một cô gái mù thì thầm nói về tình yêu của Chúa, về những vẻ đẹp của cuộc sống chung quanh. Tôi thường viết về những người bạn khuyết tật mà tôi quen biết, về niềm tin của họ, về những bất hạnh, những nỗ lực vượt qua khổ đau của họ cho Chúa nghe. . . Có thể nói Chúa Giêsu và những mảnh đời bất hạnh đã trở thành nguồn thi hứng dồi dào cho tôi. Tôi đang đi cùng với Giêsu trong một cuộc phiêu lưu đầy thú vị, dĩ nhiên là chúng tôi cùng trải qua những khó khăn vui buồn sướng khổ của cuộc phiêu lưu ấy.

 

Trả lời