Mẹ đã “khấn xin vâng”


Mẹ đã “khấn xin vâng”


Mẹ đã “khấn xin vâng”Trong ngày lễ truyền tin, Giáo hội mời gọi mọi tín hữu nhớ lại một biến cố trọng đại, một cột mốc quan trọng trong dòng lịch sử ơn cứu độ, đó là biến cố sứ thần Gaprien truyền tin cho Đức Maria.

Sứ thần Gaprien được sai đến với Đức Maria, và báo tin rằng: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…” Trước những lời đầy bất ngờ, Mẹ thật bối rối với biết bao điều khó hiểu: Một người con gái nhà quê lại làm Mẹ Con Đấng Tối Cao? Thụ thai mà không biết đến người nam? Con Thiên Chúa trở nên một người trong nhân loại?… Tất cả đều lạ lùng khó hiểu. Nhưng sau khi nghe biết ý định của Thiên Chúa, Đức Maria đã khiêm tốn thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền.”

Từ lời thưa “Xin vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Cũng từ tấm lòng khiêm tốn của một tỳ nữ ấy, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu của Thiên Chúa xuống cho nhân trần. Nhìn lại một chút về tấm lòng khiêm tốn của Mẹ qua lời thưa “Xin vâng”, chúng ta có thể có được cho mình rất nhiều bài học để áp dụng trong đời sống thường nhật của mình, nhất là với vai trò của một người giáo dân Đa Minh.

Trong những lời đối đáp của mình, Đức Maria đã thể hiện sự khiêm hạ qua thái độ kiếm tìm sự thật một cách chân thành. Đứng trước sự phi lý quá sức tưởng tượng, Mẹ không cự tuyệt hay phản kháng, mà biết lắng nghe và tìm hiểu thánh ý Đấng Tối Cao. Mẹ biết rằng đối với Thiên Chúa, thì “không có gì là không thể làm được”. Việc tìm kiếm chân lý của người Đa Minh cũng là một hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa thể hiện qua các dấu chỉ của thời đại. Điều này chỉ có thể được thực hiện nơi một tâm hồn khiêm tốn, biết yêu mến sự thinh lặng để lắng nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa, để đọc ra ý nghĩa của các biến cố đang xảy ra trong cuộc sống thường nhật.

Biểu hiện thứ hai trong sự khiêm hạ của Đức Maria chính là vui vẻ và mau mắn chấp nhận ý định mà Thiên Chúa muốn nơi Mẹ. Sau khi nhận ra thánh ý Chúa, dù chưa biết được phương thức và hậu quả của sự việc, nhưng Mẹ vẫn thưa: “Xin cứ làm cho tôi…”. Thiên Chúa không muốn Mẹ chấp nhận một cách thụ động, cho bằng muốn mẹ tự do đón nhận Con Một của Người qua lời xin từ chính Mẹ. Thái độ sẵn sàng đón nhận và mau mắn thi hành sứ mệnh này thật phù hợp với lời khấn vâng phục của người Đa Minh. Ơn gọi và sứ mạng hiện diện của mỗi anh chị em trong gia đình Thuyết giáo của chúng ta là để được sai đi loan báo Lời trong tinh thần tự do. Do đó, khi chúng ta tự do lựa chọn tuyên khấn vâng phục trong Dòng, cũng là khi chúng ta tự do đón nhận Lời như Đức Maria thuở xưa.

Với bối cảnh xã hội Do Thái khi đó, thụ thai khi chưa lập gia đình là một trọng tội, sẽ bị ném đá cho đến chết. Không phải Đức Maria không biết điều đó. Việc chấp nhận lời truyền tin của sứ thần Gaprien có thể được xem là một việc làm “liều mạng” trong sự khiêm hạ của một người nữ tỳ. Không phải là một sự liều mạng cách không không, như kiểu của những kẻ rởm đời. Nhưng ở đây, sự can đảm của Mẹ Maria là hoàn toàn có cơ sở và có mục đích. Sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa và tin tưởng vào lời hứa cứu độ dành cho dân Israel nơi Mẹ đã có từ ngàn xưa qua lời các ngôn sứ. Mẹ cũng như bao người trong dân tộc Do Thái khi đó vẫn trông chờ sự xuất hiện của Đấng Mêsia, nên khi nhận lời làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ vẫn một bề phó thác nơi Thiên Chúa tất cả ý định “như lời sứ thần truyền”. Chúng ta có dám liều mình vì sứ vụ trong sự tín thác vào Chúa và tin tưởng nơi Dòng hay không?

Khi đáp lại lời “Xin vâng”, Đức Maria đã tuyên khấn một lời khấn mà cả đời Mẹ sẽ phải dành trọn để sống và chết với con của mình. Ý nghĩa cuối cùng của sự khiêm tốn nơi câu đáp “này tôi là nữ tỳ của Chúa” chính là sự thủy chung trọn vẹn với lời khấn của mình. Từ khi đáp lại lời truyền tin của Thiên sứ cho đến khi đứng kề bên thánh giá, Mẹ Maria đã bước vào hành trình của một sự thủy chung trọn vẹn với Ngôi Hai Thiên Chúa. Mẹ bước theo con mình trong suốt cuộc đời của Đấng Cứu Thế, chấp nhận mọi đau thương như những lưỡi dao thâu qua lòng Mẹ. Khi thưa lên lời khấn trọn đời, chúng ta cũng phải noi gương Mẹ Maria mà hiến thân trọn vẹn cho Dòng, cho sứ vụ mà Chúa muốn nơi chúng ta qua Dòng. Chúng ta phải giữ sao cho sự thủy chung với lời cam kết dấn thân ấy được trọn vẹn cho đến chết.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” là sự khẳng định thân phận thụ tạo của Mẹ khi xưa, cũng chính là của chúng ta hôm nay. Xin cho chúng ta biết nhìn ra thân phận thực sự của một kẻ lữ hành trên hành trình dài đi về với Chúa, để rồi biết lắng nghe, đón nhận thánh ý Chúa và mau mắn thi hành, trung thành với sứ mạng của mình cho đến khi hoàn tất.

Thạch Vịnh, OP

(CSTMHĐGDĐM tháng 05.2012)



 

Trả lời