Lẽ nào chúng ta không “đi theo Người”!

 

Lẽ nào chúng ta không “đi theo Người”!Người xưa có nói: “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Chưa hết, khi nói tới đôi mắt, chúng ta còn được nghe: “Giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay”. Với những lời nhận định như thế, đôi mắt quả là một bộ phận đáng quý của con người.

Mà sao không đáng quý cho được, bởi, đôi mắt chính là phương tiện để biểu hiện những cảm xúc của con người. Qua đôi mắt, ta có thể diễn tả sự ưu tư, nỗi phiền muộn. Ta có thể tỏ lộ niềm vui, hạnh phúc. Ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Ta có thể gửi đến ai đó cảm xúc yêu thương của mình.

Thế nhưng, đó mới chỉ là về phương diện thể lý. Còn về phương diện tâm linh, thì sao! Thưa, về phần tâm linh, cụ thể là với người có niềm tin Ki-tô giáo, đôi mắt không đơn thuần chỉ để nhìn ngắm những gì thuộc thế gian, nhưng còn là để ngước nhìn lên thượng giới (Thiên Chúa).

Đôi mắt đó, nói theo ngôn ngữ tâm linh, đó là “đôi mắt đức tin”, riêng tác giả  Trầm Thiên Thu, trong một bài suy tư tựa đề là “Thị lực”, ông ta đã gọi đôi mắt đó là một “thiên nhãn” đặc biệt.

Chả vậy mà Đức Giê-su, khi nói về “đôi mắt đức tin”, Ngài đã có thông điệp rằng: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng”.

Kinh Thánh có ghi lại nhiều câu chuyện nói về những con người sở hữu “đôi mắt đức tin – thiên nhãn” đặc biệt ấy. Và, tiêu biểu cho những con người đó chính là một anh mù ở Giê-ri-khô. Mù thuộc thể, nhưng anh ta không mù thuộc linh. Nói rõ hơn, anh ta đã có một “đôi mắt đức tin” tuyệt vời. Chính Đức Giê-su đã phải thốt lên lời khen ngợi anh ta, rằng: “lòng tin của anh đã cứu anh”.  Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Chuyện kể rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Đây là một thành phố được nói đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm rất nhiều phép lạ tại đây. Một trong những phép lạ đó, chính là phép lạ Thiên Chúa làm cho “nước hóa lành” khi mà ở Giêrikhô “địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh”. Phép lạ đó đã hồi sinh dân thành Giêrikhô. (x.2V2, 21-22).

Còn Tân Ước ư! Vâng, Tân Ước cũng nhiều lần nói đến ngôi thành này. Một câu chuyện không kém phần nổi tiếng, đó là chuyện ông Da-kêu. Thánh sử Luca đã kể rằng: Hồi ấy, “Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành này”. Tại nơi đây, Ngài đã viếng thăm nhà ông ta.  Sự viếng thăm đó đã mang đến cho ông ta “ơn cứu độ”. (x.Lc 19, 1-10)

Và, đặc biệt là hôm nay, cũng là Giê-ri-khô, một lần nữa, người ta lại một phen sửng sốt khi nhìn thấy tỏ tường phép lạ của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu.

Đức Giê-su đã làm phép lạ cho ai? Thưa, cho một anh mù. Anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Hôm đó, anh Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin bên vệ đường.

Và khi nghe tiếng lao xao của một đám đông đi ra khỏi thành, trong đó có ông Giê-su người Na-da-rét, thế là anh ta vội vàng lớn tiếng kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).

Có đáng thương không, thưa quý vị? Đáng thương chứ! Nghèo, ngồi ăn xin, lại còn mù nữa chứ. Thế nên, phải nói rằng: thật đáng thương. Thế mà… thế mà buồn thay…. Chuyện kể tiếp rằng: “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi”.

C’est la vie – Đời là thế! Là  “…chuyện gì, chứ chuyện này anh không được xía vào. Chúng tôi đang bận bịu tiếp rước một Đại Ráp-bi, vì thế Ba-ti-mê ơi, im dùm cái đi. Hãy tránh ra một bên, đừng quấy rầy Ráp-bi và chúng tôi nữa. Nếu cần một chút tiền để mua một ổ bánh lót dạ chiều nay, thì tiền đây hãy cầm lấy. Vậy là đủ rồi, hãy đi chỗ khác chơi dùm cái”.

(Vâng, đọc trên internet, tôi thấy có người (ẩn danh) đã tưởng tượng ra lời quát nạt anh mù như thế đó. Mà, tưởng tượng như thế có gì sai, khi mà hôm nay, chúng ta  từng chứng kiến ở một vài giáo xứ, cũng có  không ít “ông trật tự” quát nạt, xua đuổi một vài em nhỏ cố gắng len lỏi lên phía trước để chiêm ngưỡng vị Giám Mục đáng kính, đến thăm giáo xứ của mình).

Thôi! chúng ta trở lại chuyện anh Ba-ti-mê. Hôm ấy, anh Ba-ti-mê không nản lòng, sờn chí. Để át đi tiếng quát nạt, anh ta càng lớn tiếng van xin: “Lạy Con vua David, xin rủ lòng thương tôi”…

Tiếng van xin của anh ta, thưa quý vị, phải chăng cũng là tiếng van xin xưa của vua David: “Lạy CHÚA, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời. Toàn thân con rã rời quá đỗi, mà lạy CHÚA, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?“ (x.Tv 6, 3-4)

Vâng, “toàn thân con rã rời quá đổi, mà lạy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ!”. Có lẽ… có lẽ trong lòng Ba-ti-mê cũng lẩm bẩm lời khẩn cầu này.

Đức Giê-su không trì hoãn. Ngài đã từng nói: “Con Người đến là để tìm và cứu”. Nay, có người tìm đến, lẽ nào  không cứu sao! Hôm ấy, sau khi nghe tiếng kêu van của anh ta, Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”.

Giê-su đã dừng bước, mấy “anh trật tự” tẽn tò, tẽn tò nói với anh Ba-ti-mê: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy”.

Anh Ba-ti-mê phản ứng thế nào, khi nghe tiếng gọi? Thưa, anh ta: “…liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”.

Theo gương Đức Giê-su dừng bước, chúng ta cũng hãy để cho tâm hồn mình dừng lại, dừng lại để suy gẫm về hành động của anh Ba-ti-mê.

Vâng, chúng ta hãy  cùng suy gẫm với một người bạn (ẩn danh) trên internet: “Cái áo choàng tượng trưng cho sự khổ đau mà anh đã mang vác từ bấy lâu nay, giờ đây không được phép làm cho đời anh thêm nặng nề nữa. Cái áo choàng mà anh thường trải ra bên vệ đường, để ông đi qua bà đi lại, ai thương thì thảy vào một cắc bạc, hay một mẩu bánh, giờ đây sẽ vĩnh biệt cuộc đời anh. Vâng, làm sao mà còn là hành khất nữa, khi đã gặp gỡ Giêsu. Rồi Ba-ti-mê không lum khum đứng dậy, mà  ‘đứng phắt dậy’. Một thái độ của lòng khao khát, một thái độ của niềm tin tưởng và hy vọng tràn đầy. Giờ đã điểm! Giờ của niềm tin, giờ của ơn cứu rỗi, cần phải ‘đứng phắt dậy’, để chạy đến với Giêsu. Áo  choàng đau khổ, vệ đường khổ đau không còn có thể cản trở Ba-ti-mê nữa. Phẩm giá làm người của anh đã được lóe sáng nhờ chính Ánh Sáng của Đức Kitô”. (nguồn:internet)

Suy gẫm là vậy, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, cuộc đời tôi đã được lóe sáng nhờ chính Ánh Sáng của Đức Ki-tô?

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói: “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ … quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng” (Gr 31, 7-9)

Và, hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê phải “reo vui lên”. Ngài đã gửi đến anh ta một câu hỏi, một câu hỏi còn hơn cả lời an ủi, rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta thưa: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Vâng, sống giữa tối tăm, thì có gì tốt hơn là “nhìn thấy được”, nhỉ!

Nghe lời khẩn cầu của anh ta, Đức Giê-su đã nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”. Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Tức thì anh ta nhìn thấy được”.

Đức Giê-su đã cho anh Ba-ti-mê “nhìn thấy được”. Tuy nhiên, chuyện chưa dừng ở đó. Theo lời tường thuật của thánh Mác-cô,  chúng ta còn được biết, sau khi nhìn thấy được, anh ta đã “đi theo Người trên con đường Người đi”.

Vâng, câu chuyện về anh Ba-ti-mê chấm hết ở lời tường thuật đó. Thế nhưng không “hết” với chúng ta. Tại sao vậy? Thưa, không “hết” là bởi, chính lời tường thuật đó, lại là “khởi điểm” cho đời sống đức tin của chúng ta.

Chính lời tường thuật đó mà mỗi chúng ta cần phải tự hỏi mình, rằng: Đã bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, nhưng thật sự tôi có “đi theo Người trên con đường Người đi”?

Hay, tôi chỉ đi-theo-Người khi ở trong nhà thờ, còn ngoài xã hội, tôi đi theo tiền bạc, theo danh vọng, theo quyền lực, theo những sự quyến rũ  của thế gian?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, Đức Giê-su đã nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh  em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”

Vâng, đừng “đu dây” như thế. Và, cũng đừng quên, nếu chúng ta theo những thứ đó (nêu trên), cuối cùng, nói rõ hơn, cuối cuộc đời mình, chúng ta cũng chẳng giữ lại được gì cho mình, bởi vì, như lời Kinh Thánh nói: “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 1, 1)

Vì thế, điều tốt nhất chúng ta nên thực hiện, đó là theo gương anh Ba-ti-mê mà “đi theo Người trên con đường Người đi”. Nên nhớ rằng, “Người” chính là  “Con Người” từng nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”.

Cảm nhận được Lời Chúa qua chiêm nghiệm  (cựu) Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, chia sẻ: “Chỉ khi nào chúng ta gặp Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô thì chúng ta mới biết sự sống là gì.”

Thế nên, điều trước nhất và quan trọng nhất, đó là “gặp Thiên Chúa hằng sống trong Đức Ki-tô”. Chính sự gặp gỡ đó, đôi mắt thể lý của chúng ta, mới có thể được Đức Giê-su biển đổi, biến đổi thành “thiên nhãn” đặc biệt, một đôi  “thiên nhãn” để nhận ra Ngài chính là “Đường, là sự thật và là sự sống”.

Một khi nhận ra Đức Giê-su là “Đường, là sự thật và là sự sống”, lẽ nào chúng ta không “đi theo Người trên con đường Người đi”! Là một Ki-tô hữu, lẽ nào chúng ta không “đi theo Người”!

Petrus.tran

 

Trả lời