Lễ Lá : “Via Dolorosa” – Đường Chúa đi qua.

Lễ Lá :

“Via Dolorosa” – Đường Chúa đi qua.


Lễ Lá : “Via Dolorosa” - Đường Chúa đi qua.Khi bình minh vừa ló dạng nơi chân trời. Cũng là lúc kinh thành Giêrusalem lại một phen náo loạn. Sự náo loạn diễn ra trong sân dinh quan tổng trấn. Hội Đồng Công Tọa đứng đầu là Cai-Pha “bàn kế hại Đức Giêsu, để xử tử Người. Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Philatô” (Mt 27, 1-2). Họ muốn quan tổng trấn mở phiên tòa xét xử Ngài.

…..

Vài hôm trước đó, nhóm thượng tế và Giuda Iscariot đã sắp đặt  một kế hoạch truy bắt Đức Giêsu. Và hôm qua, khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy nã Ngài.

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi được cho là Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang cầu nguyện. Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo và gậy gộc va chạm đến rợn người. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn.

Ghết-si-ma-ni như nổ tung lên khi Giuda Iscariot, một người trong nhóm mười hai, xuất hiện. Nụ hôn của Giuda chính là ám hiệu cho cuộc bắt bớ. Hắn đã nói với đồng bọn rằng : “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” (Mt 26, 48). Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ khi Giuda xông đến hôn Đức Giêsu…

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại vườn Ghếtsimani, Giêsu người Nazareth , Ngài đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”.(Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.

Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài đã dám tuyên bố rằng “Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 25,61). Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài nhìn nhận mình chính là “Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Bảy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước chiến tích của tên “nằm vùng” Giuda. Màn đấu tố Đức Giêsu suốt đêm tại dinh thượng hội đồng không làm họ mãn nguyện. Họ muốn tìm một sự hậu thuẫn từ quan tổng trấn Philatô.

Tại dinh quan tổng trấn. Philatô xuất hiện. Philatô lặng người khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu sau một đêm bị những trận đòn tra tấn. Hình hài của Đức Giêsu, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã tiên tri : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Cuộc thẩm vấn “bỏ túi” giữa Philatô và Đức Giêsu diễn ra chóng vánh, trước mắt ông ta, Đức Giêsu “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Philatô, ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần ông ta đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng : “Giết ! Giết nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Phiên tòa bị nát vụn bởi sự nhu nhược của Philatô. Đức Giêsu,như bị bủa vây bởi sự hèn nhát của quan tổng trấn. Ông ta, chứ không ngoài ai khác, đã lộ tâm địa của một kẻ bàng quan. Qua việc “rửa tay”, ông  phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Dẫu biết chắc rằng các cáo buộc chống lại Đức Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp đúng luật lệ. Dẫu biết rằng, những lời chứng đều là “chứng gian” (Mt 26, …59). Thế nhưng, Philatô vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước “sự thật và công lý”. Trước tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông. Philatô ngượng ngùng tuyên bố : “Mặc các ngươi liệu lấy !”. (Mt 27, 25)

Một chút tâm tình…

“Mặc các ngươi liệu lấy !” Chỉ với năm từ đó, quan lớn Philatô, một cách nào đó,  đã đặt tay ký bản án tử cho Đức Giêsu. Giờ đây, Đức Giêsu “như chiên con bị dẫn đi làm thịt. Như chiên mẹ trước mặt thợ xén lông”(Isaia).

Một ngày nọ, khi Thầy và trò chuẩn bị vào Giêrusalem. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20, 18-19).

Và hôm nay, ngày thứ sáu trong tuần, trên con đường từ dinh quan tổng trấn đến đồi Golgotha . Tất cả những lời Đức Giêsu loan báo đều đã được ứng nghiệm.

Thân xác Đức Giêsu, sau những giờ phút bị bức cung, trông như “thân sâu bọ chứ người đâu phải” (Tv 22,7). Khuôn mặt Đức Giêsu đã từng biến hình sáng láng trên núi Tabor, giờ đây bị biến dạng bởi sự diễu cợt và nhạo báng của cả một cơ đội chuyên viên tra tấn.

Con đường Đức Giêsu vác thập giá đi qua, hôm nay quen được gọi là “Via Colorosa” có nghĩa là “Con đường đau đớn”. “Con đường sầu thảm”.

Làm sao không đau đớn cho được ! Hãy nhìn Giêsu. Một Giêsu sức cùng lực kiệt với khuôn mặt rỉ máu bởi một vòng gai sắc nhọn ở trên đỉnh đầu. Với một đôi vai cong oằn trước sức nặng của cây thập giá…

Làm sao không sầu thảm cho được ! Hãy nhìn Giêsu. Ngài thật cô đơn. Thấy Ngài “ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv 22, 8).

Làm sao không sầu thảm cho được ! Hãy nhìn Giêsu. Ngài thật cô độc. Các môn đệ của Ngài ở đâu ư !!! Mỉa mai thay ! Họ đã “bỏ Ngài mà chạy trốn hết.”(Mt 26,56).

Và cũng một ngày nọ, Đức Giêsu, một lần nữa nhấn mạnh rằng : “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc 8, 31).

Nhắc lại lời nói này để hiểu rằng, vì sao Đức Giêsu, dù đang phải “ôm vết thương rỉ máu*” nhưng Ngài vẫn “ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi”(*) tiến thẳng lên đồi Golgotha .

Và hơn nữa, khi nhắc lại lời nói này, chúng ta sẽ hiểu rằng, vì sao khi thấy một nhóm người phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”, Đức Giêsu đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình : “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà quên rằng, Đức Giêsu nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài.

Nhưng ! Vâng,  “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ?”(Mt 26,54).

Một phút suy tư…

Cách nay vài năm, vào dịp mùa chay 2004, rất nhiều nhà thờ Công Giáo chiếu bộ phim “The Passion Of The Christ” do tài tử kiêm đạo diễn Mel Gibson thực hiện.

Khi bộ phim được chiếu tới cảnh Đức Giêsu bị tra tấn, có nơi, hơn nửa nhà thờ òa lên khóc. Phần đông là quý bà và quý cô.

Cứ thử tưởng tượng. Nếu Đức Giêsu hiện ra làm phép lạ. Từ trong màn ảnh, Ngài bước ra đứng giữa mọi người và nói “Đừng khóc nữa ! Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” của quý vị đi !!!

Hôm nay, vẫn còn đó những tên Giuđa thời đại. Vẫn còn đó những tên “nằm vùng” trong Giáo Hội và sẵn sàng “chia rẽ” Giáo Hội. Đây là một nỗi buồn không của riêng ai. Thật phải đạo, nếu có khóc thì hãy khóc thương cho Giáo Hội của chúng ta.  Và đừng quên hãy cùng với Đức Giêsu mà cầu nguyện rằng : “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi Giáo Hội chúng con”.

Hôm nay, trước một thế giới cổ vũ nền văn hóa của sự chết, một nền văn hóa phát triển tràn lan chủ nghĩa duy vật, duy hưởng thụ, duy khoái lạc và tục hóa. Có khủng khiếp không ! Bà Merian Clindon, trưởng đoàn Tòa Thánh, tham dự diễn đàn phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995, đã phát biểu rằng : “Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất trong nền văn hóa sự chết là con người không còn màng đến các giá trị đạo đức nữa. Quan hệ gia đình ngày càng mong manh. Tình mẫu tử bị kinh miệt. Trẻ em dành ít thì giờ cho cha mẹ và anh chị em hơn là màn ảnh truyền hình”… (trích nguồn : Vietcatholic).

“Con người không còn màng đến các giá trị đạo đức nữa”. Merian Clindon nói tiếp rằng : “nền văn hóa sự chết lại được thịnh hành hơn trong những thành phần ưu tú và lãnh đạo trong xã hội”. Những-thành-phần-ưu-tú-và lãnh-đạo-trong-xã-hội. Ôi ! nguy hiểm thay ! Đức Giêsu quả đúng khi nói, có khóc thì hãy “khóc cho con cháu” của chúng ta.

Chúa Nhật hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa đọc bài “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”.

Bài đọc có vẻ khá dài. Nó cũng dài như cuộc đời Kitô hữu của chúng ta hôm nay.

Bài đọc cho chúng ta thấy nhiều vấp ngã của các môn đệ. Nó cũng giống như những vấp ngã của chúng ta hôm nay.

Bài đọc cho thấy một Phêrô sau ba lần vấp ngã. Ông sực nhớ lời Đức Giêsu và ông đã “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,…75).

Vâng, hôm nay, có lẽ điều quan trọng hơn hết là chúng ta “hãy đấm ngực than khóc cho chính bản thân mình”.

Đã bao năm, “miệng tôi xưng Chúa nhưng lòng không có Ngài !?”

Đã bao năm,  chúng ta vẫn cứ “đứng nhìn (Chúa) từ đàng xa” !? (Mt 27,, 55).

Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật lễ lá. Mở đầu cho Thánh Lễ là cuộc rước lá long trọng và trang nghiêm. Một rừng người bước theo sau vị chủ tế mặc áo đỏ tượng trưng cho Chúa Giêsu. Mọi người cùng cất tiếng ca “Vang lời tụng ca… Hoan hô, hoan hô, hoan hô Con Vua David. Chúc tụng Đấng Nhân Danh Chúa mà đến” (**)

“Chúc tụng Đức Vua. Đấng ngự đến nhân danh Chúa !” (Lc 19,38).

Vâng, viên đại đội trưởng và những người cùng ông, chỉ trong vài giờ canh giữ Đức Giêsu, thế mà họ đã nhận ra Đức Giêsu “Quả thật là Con Thiên Chúa”.

Còn chúng ta, bao năm qua, tuy đã là một Kitô hữu. Chúng ta đã thật sự tin nhận Ngài là Cứu Chúa của đời ta !?

Petrus.tran

……………

*  trích Việt Nam quê hương ngạo nghễ. NS. Nguyễn-Đức-Quang

** trích Vang lời tụng ca. Tác giả : Lm. Nguyễn Duy

Trả lời