Lễ đêm Giáng Sinh: Quà mừng sinh Nhật Đức Giêsu


Sống chừng mực, công chính và đạo đức
là món quà mừng sinh Nhật Đức Giêsu

Is 9,1-6; Tv 96; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14

Jude Siciliano, O.P.

Xin chúc Mừng Giáng Sinh đến quý vị!

Kính thưa quý vị,

Lễ đêm Giáng Sinh: Quà mừng sinh Nhật Đức GiêsuTrình thuật của thánh Luca về sự sinh hạ của Đức Giêsu có màu sắc ảm đạm, và trình thuật này hầu như tách rời phần mở đầu. Để cho chúng ta sẵn sàng với những gì sắp xảy ra thì các thiên thần, những bậc khôn ngoan và ngôi sao lấp lánh ở đâu cả rồi? Ngay chính sự kiện sinh hạ cũng vắn gọn: Có một cuộc kiểm tra dân số, dân chúng lũ lượt tập trung về thành phố đến nỗi không còn phòng trọ, vì thế trẻ sơ sinh được đặt trong máng cỏ. Dường như thánh Luca là một phóng viên thời báo đang kể lại những sự kiện đã chứng kiến, như thể thánh nhân không phải là một tác giả phúc âm đang công bố những quang cảnh dẫn đến ơn cứu độ của chúng ta vậy.

Những lời giới thiệu về địa điểm và những nhân vật lịch sử có thể là một yếu tố nhỏ cho sự sao lãng, những yếu tố đó dường như chẳng có gì phức tạp. Nhưng thánh Luca đã lồng những khuynh hướng Kitô giáo vào trong đó. Một trẻ thơ được sinh ra trong “thành của vua Đavít,” như Kinh Thánh đã tiên báo (Is 1,3; Gr 14,8). Có những nhân vật đầy quyền lực cai trị thế giới lúc Đức Giêsu sinh ra đời, như Hoàng đế Rôma; lúc đó luật lệ thuộc hoàng đế Caesar Augustô và tổng trấn Quiriniô. Vì biết quá rõ ràng, nên thánh Luca chỉ cho thấy Thiên Chúa cũng có thể sử dụng ngay chính những thủ lãnh hùng mạnh để hoàn thành những kế hoạch của Người. Với cái nhìn thường tình thì dường như đế quốc Rôma thống trị cả sự sống của người dân. Tất nhiên, cách này hay cách khác, điều đó là đúng. Những thủ lãnh có thể di chuyển một lượng dân chúng nhằm mục đích kê khai dân số. Nhưng với cái nhìn đức tin, chúng ta có thể thấy bàn tay của Thiên Chúa liên quan đến việc này. Người sử dụng những kẻ quyền lực để hoàn thành những gì Người đã dự định cho chúng ta. Ví dụ, hãy nhớ lại việc thánh Phaolô bị bắt giữ và điệu đến Rôma, chính nơi này ngài lại rao giảng Tin Mừng.

Vào đầu trình thuật với một cách thức như thể không có dụng ý gì, bấy giờ thánh Luca chuyển sang (c.8-14) một cuộc công bố về đức tin rõ ràng hơn. Chẳng có thiên thần nào nơi chuồng chiên, nhưng các chú mục đồng lại loan báo tin vui mà họ nghe được từ ca đoàn thiên sứ. Có người nghĩ rằng: giống như một thiên sứ trong ngày Lễ Truyền Tin, vị khách từ trời cũng xuống làm đại diện để an ủi và làm cho bà Maria vững tin trước, đang khi và sau khi sinh hạ con trẻ. Tôi thích các nhà chú giải Kinh Thánh diễn tả theo lối này (x. “Preaching Through the Christian Year: Year A: Philadelphia, Trinity International Press, 1992). Ở trong một chuồng chiên và sinh hạ con trẻ, bà Maria rời xa gia đình tựa như “một thiên thần đến vội vã, rồi ra đi để cho bà suy đi nghĩ lại trong lòng những gì vừa xảy ra” (tr.34).

Ai lại không mơ ước được làm chứng khi trải qua những lúc khó khăn? Phải chăng tôi đang làm điều đúng đắn? Nếu đúng, thì tại sao lại gặp khó khăn như vậy? Tại sao tôi không nhận được lời động viên và ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía người khác? Thế Thiên Chúa ở đâu trong hoàn cảnh này? Điều đó xảy ra như thế nào? Những điều bà Maria suy đi nghĩ lại trong lòng có đúng như bà đã thấy nơi con và chồng mình, cũng như những gì xảy ra xung quanh không? Trước đó, bà Maria được sứ thần báo cho biết là bà “đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Những gì sứ thần nói cho bà Maria cũng là nói cho mỗi người chúng ta. Đức Giêsu là dấu chỉ ân huệ của Thiên Chúa dành cho chúng ta; đặc biệt là khi chúng ta chứng kiến đây đó những khó khăn và vấn nạn đang phát sinh. Nhưng tiếc rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được sự an ủi trong lời cầu nguyện hoặc trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta rằng: Thiên Chúa đã đến trần gian trong tối tăm và cũng chẳng có thiên thần nào hầu cận.

Có một sự tranh luận vẫn còn tiếp diễn xung quanh vấn đề nhập cư trong đất nước [Mỹ] chúng ta. Sáng nay tôi cũng nghe tin tức nói rằng, trên 12.000 trẻ em đã chết trong cuộc nội chiến ở Syria. Hiện tại có 4 triệu người không nhà cửa ở đất nước này, 2 triệu người chạy trốn bạo loạn và dựng lều sống tạm bợ trong các thành phố thuộc các nước láng giềng. Thêm vào bản tin đó còn có cảnh khốn khổ của những thường dân ở Sudan và Cộng Hòa Trung Phi. Sự di tản và cảnh nghèo khổ đã làm vấy bẩn bản đồ thế giới.

Chốn phiêu bạt đánh dấu sự chào đời của Đức Giêsu. Cha mẹ Người không thể tìm được một chỗ trong quán trọ cho Người, vì thế Người được sinh ra trong một chuồng chiên giữa những con vật. Quả thật, Thiên Chúa đến trần gian này như một người bị trục xuất với gia đình không có gì là thế giá, và nằm dưới luật lệ của những kẻ quyền lực kiêu căng. Lịch sử cho chúng ta biết nhiều về Hêrôđê đại đế, kẻ đã sát hại người vợ và ba con trai của mình, đồng thời ông đã dùng nanh vuốt mà thể hiện quyền lực. Thánh Mátthêu cũng miêu tả một sự kiện được biết đến như vụ “Thảm sát những trẻ thơ vô tội,” khi những bậc khôn ngoan đi tìm “Vua Do Thái,” và vua Hêrôđê đã tìm cách loại trừ bất cứ mối đe dọa nào đối với quyền lực của mình.

Thật là khó chịu làm sao khi có sự tương phản với những tiếng chuông ngân, các buổi tiệc tùng ở cơ quan, và quà cáp phung phí của một số người thực dụng nhân cơ hội sinh nhật của Đức Giêsu. Người ra đời trong một dân tộc bị thống trị bởi một thế lực quân sự. Tu sĩ Gustavo Gutierrez, O.P. (Dòng Đa Minh) nói rằng chúng ta nhớ đến những thực tại này không bằng việc nhớ đến Đức Kitô vào trần gian đã trở thành một trừu tượng. Vì đến với thế giới bị thống trị và đầy quyền lực, nên Đấng cứu độ chúng ta được sinh ra trong sự khiêm hạ, không phải như người cai trị, nhưng với tư cách là người phục vụ.

Hôm nay thánh Phaolô đã tóm tắt Mầu Nhiệm Nhập Thể và những thử thách đối với chúng ta. “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này…” Thư gởi ông Titô chỉ xuất hiện vào ngày Lễ Giáng Sinh và được làm nổi bật bởi tường thuật của thánh Luca về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Thư này nói về trẻ sơ sinh, các thiên thần, và những chủ nhà tuyệt vời trong bầu trời đêm. Mặc dù đây là đêm Giáng Sinh, nhưng bài đọc nói về thư gởi ông Titô lại không đề cập đến việc sinh hạ. Thêm vào đó, thánh Phaolô như muốn phá hỏng bầu khí Giáng Sinh qua những cảnh báo u sầu về việc từ bỏ “lối sống vô luân và những đam mê trần tục.” Vậy, chúng ta chớ mời ngài đến dự tiệc ở cơ quan!

Thánh Phaolô không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về việc mừng sinh nhật của Đức Kitô, thay vào đó, ngài lại loan báo sự “biểu lộ” ân sủng của Thiên Chúa đối với việc quang lâm đầu tiên của Đức Kitô. Vì thế, thánh nhân lại nhắc nhở chúng ta về việc tiếp tục “biểu lộ” ân sủng của Thiên Chúa khi Đức Kitô đến trong lần thứ hai. Thánh Phaolô gọi việc quang lâm lần thứ hai của Đức Kitô là “niềm hy vọng hồng phúc” mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Đây là hình ảnh gợi lại một tầm quan trọng và nghi lễ phụng vụ cho ngày hôm nay. Vị chủ sự của chúng ta sẽ kết thúc lời cầu nguyện sau Kinh Lạy Cha rằng “…như chúng con mong đợi ngày hồng phúc và ngày Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ chúng con ngự đến.”

Mùa Vọng không đơn thuần là mong đợi việc hạ sinh của Đấng Mêsia; mà Mùa Vọng còn làm tươi mới sự chờ đợi đầy hứa hẹn của chúng ta về việc quang lâm lần thứ hai của Đức Kitô. Ngày nay chúng ta có thể tổ chức mừng sinh nhật của Đức Kitô, nhưng cùng với sự kiện này, khi Đức Kitô đến lần thứ hai mới là niềm hy vọng quan trọng trong tương lai của chúng ta.

Tuần rồi ông Giuse được báo mộng rằng con trẻ thụ thai trong lòng Đức Maria sẽ “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Hôm nay chúng ta nghe một sự công bố thậm chí còn rộng rãi hơn thế. Đó là, thiên thần bảo các mục đồng rằng, tin mừng về sự ra đời của Đấng cứu độ “sẽ là niềm vui cho toàn dân.” Thánh Phaolô cũng loan báo thông điệp này rằng: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người…” Ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ khi Đức Kitô ngự đến, và ân sủng đó đến với tất cả mọi người.

Cuộc sống của chúng ta phải được phản chiếu ân sủng đó khi chúng ta nhận lãnh trong sự quang lâm của Đức Kitô. Trong khi ân sủng được ban phát cho tất cả mọi người, liệu chúng ta có biết đón nhận ơn đó hay không? Cuộc đời chúng ta sẽ trả lời cho câu hỏi này; vì ân sủng sẽ dẫn đường chỉ lối cho cuộc đời chúng ta. Thế nên, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy “từ bỏ những lối sống vô luân.” Chúng ta có thể biếu một món quà Giáng Sinh bằng ổ bánh mì kẹp trứng treo trên cây lấp lánh ánh đèn, nhưng ổ bánh mì thực mà chúng ta biếu cho ngày sinh nhật của Đức Giêsu là phải thực hiện những sự thay đổi trong cuộc đời của mình; đó là một sự diễn tả hữu hình về “niềm hy vọng hồng phúc” trong Đấng mà rồi đây sẽ xuất hiện lần thứ hai.

Những Kitô hữu đã nghe được thông điệp phổ quát này, thì không nên lùi bước trong việc đem lại tầm ảnh hưởng về ơn cứu độ của Đức Kitô cho thế giới mang tính chính trị, kinh tế và xã hội của mình. Chúng ta sống trong niềm hy vọng giữa hai lần quang lâm của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng chính Đức Kitô đã “cứu chúng ta khỏi tình trạng vô kỷ luật,” và “Người đã tự hiến để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” Vì thế, việc chờ đợi qua sự nỗ lực sống trong tình trạng vô tội cho đến khi “xuất hiện vinh quang của Thiên Chúa vĩ đại chúng ta” vẫn chưa đủ. Dân tộc mà Đức Kitô đến để cứu độ lại được sống sót trên thế giới này nhờ cuộc đời đầy ân sủng của họ; họ sống sót trong những nhà máy, nơi nông trại, trong lớp học hoặc ngay ở nhà. Bất cứ nơi đâu, chính chúng ta nhận ra rằng mình phải sống “chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” Và chúng ta phải biết “hăng say làm việc thiện.”

Khi trải qua những kỳ nghỉ, chúng ta lại ném đi cả núi thức ăn. Những thùng rác bên lề đường sẽ quá tải, chính nơi đây, những kẻ đói khổ trên thế giới lại tìm thấy cho mình một bữa tiệc ngon lành. Sự đói khổ nằm ngay bên cạnh: chẳng hạn, một đứa trẻ lên năm trong đất nước chúng ta đang đói. Chúng ta là những người “hăng say làm việc thiện” thì cần biết cách sử dụng của cải vật chất và khả năng của mình. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có một vị trí trong bàn phần thưởng của chúng ta, đặc biệt ngày hôm nay khi thánh Phaolô bảo chúng ta rằng: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người…” Các Kitô hữu là những người có mơ ước: chúng ta mơ ước về sự quang lâm lần thứ hai của Đức Kitô. Còn thánh Phaolô lại nhắc nhở rằng: chúng ta là những người thực thi điều mơ ước đó, vì “hăng say làm việc thiện.”

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời