Huyền nhiệm tình thương nơi thánh Martinô 2/3


Chiêm ngắm huyền nhiệm tình thương

nơi cuộc đời thánh Martinô

(tiếp theo)

 

Nguyễn Trọng Viễn, OP.

Huyền nhiệm tình thương  nơi thánh Martinô 2/32. Huyền nhiệm Tình thương nơi thánh Martino

2.1. Tình yêu xuất hiện trong “cái với”

2.1.1 “Cái có”

G. Marcel định nghĩa “cái có” là cái ở bên ngoài mình và không trực tiếp gắn liền với sự thăng tiến hay suy giảm phẩm chất của cuộc đời. Có điểm cao, có lời khen, có địa vị, có tiền bạc… những điều ấy không trực tiếp làm cho đời mình giỏi hơn, tốt hơn, hoàn hảo hơn. Con người cần “cái có”, và khoa học giải quyết nhu cầu này. Thế giới ngày nay là thế giới của khoa học. Khoa học mang lại nhiều “cái có” giúp cho cuộc sống được dễ dàng hơn: có nhà, có xe, có tiền, có máy móc… Khoa học giúp cho cuộc sống được thanh thản hơn nhiều. Rồi “cái có” ra như có khả năng giải quyết nhiều vấn đề thật mau chóng và cũng mau chóng trở nên ưu tiên số một đối với nhiều người trong xã hội ngày nay. Thật ra, ngày nay, người ta biến cái “huyền nhiệm” nằm sâu trong cuộc đời con người thành những “vấn đề” bên ngoài, ở đằng trước hành trình cuộc đời mình. Vấn đề thì có thể được giaỉ quyết do một ai khác, bằng một “cái có” nào đó… Đó là nẻo đường khiến người ta rơi vào ảo tưởng : có tiền mua tiên cũng được. Quả thật, thế giới “cái có” đang dần dần xâm chiếm hết tâm và trí của con người ngày nay, đến độ, một thứ dầu gội đầu, hoặc một đôi dép cũng được quảng cáo như có thể làm cho người ta “tự tin” hơn hoặc đóng góp vào sự thành công của đời mình. Cách giải quyết “vấn đề” như thế không đụng vào được “huyền nhiệm” đời người. Đó chỉ là một cách chạy trốn vấn đề thật, vấn sâu xa mang tính huyền nhiệm của mỗi cuộc đời con người. Cách thức ấy đưa đến tình trạng gọi là “xã hội mất căn tính”. Chẳng hạn : quy trình sống của người thợ mộc là : làm ra cái bàn, đem bán lấy tiền, mua những đồ dùng khác… Trước đây, mối liên hệ ưu tiên là người thợ mộc thể hiện mình trong việc làm ra cái bàn; cái bàn phải được đóng đúng quy cách, phải tốt vì điều đó biểu lộ chính giá trị bản thân của người thợ. Ngày nay, người thợ mộc, bị cuốn hút vào mục tiêu làm sao có tiền để mua các đồ dùng khác; vì người ta không cần biết anh ta có là thợ mộc chân chính hay không, người ta chỉ cần nhìn xem anh có nhiều đồ dùng đáng giá hay không. Khi đó, người thợ cũng treo giá trị bản thân của mình vào những đồ dùng mua sắm, và đánh mất lương tâm nghề nghiệp, đánh mất “cái là” chân chính như một người thợ. Người ta đặt hết nền tảng đời mình vào “cái có”; và “cái có” thì có thể dễ dàng bị chiếm, bị mất. Khi mất “cái có”, cuộc đời đó sẽ trở nên trống rỗng, người ta nhận ra sự trống rỗng của “cái là”, …và người ta dễ đi đến lựa chọn tự tử…

Gabriel Marcel nói : người nào quá thiên về phạm trù có, sẽ giảm thiểu hoặc đánh mất “cái là”.

2.1.2 Cái là

Triết học thì nhắc nhở người ta về ý nghĩa chân chính của cuộc đời; nhắc nhở về phẩm tính của “cái là”, phẩm tính của hiện hữu người. “Cái là” giúp ta tìm được một căn bản tự tại trong chính bản thân mình, để mình có thể vững vàng trước những biến động hời hợt của “cái có”. Những lời khen chê, những thành công hay thất bại không có tầm quan trọng quyết định cho cuộc đời mình nữa, nhưng chính phẩm chất thực sự của mình mới là điều quan trọng. Ai biết nhận ra “cái là” của mình, người ấy sẽ tìm được nẻo đường thăng tiến thực sự trong hiện hữu của mình. Hai đứa học sinh, cùng dốt như nhau, cùng copy bài như nhau, cùng được điểm 10 như nhau. Một đứa thì khoái chí; đó là đứa chỉ biết “cái có”. Đứa khác thì mắc cở vì điểm 10; đây là đứa biết nhận ra sự quan trọng của “cái là”.

Để đi từ thế giới “cái có” sang thế giới “cái là”, người ta cần lột bỏ một thứ mặt nạ giả hình ở cấp độ một.

2.1.3 “Cái với”

Thế nhưng, có nhiều điều, ở bình diện xã hội, vốn là “cái là”, thì trong bình diện tình yêu, cũng như trong bình diện đức Tin, lại chỉ là “cái có”. Tôi không chỉ có điểm cao, nhưng tôi thực sự là một học sinh giỏi. “Trình độ” của tôi không phải là cái có bên ngoài, mà là cái nằm bên trong tôi. Tôi tài thực sự chứ không phải là nhờ danh tiếng, tôi đạo đức thực sự chứ không phải là do chức tước, tôi tốt lành thực sự chứ không phải chỉ do khen ngợi…, đó là những “cái là” của tôi. Tuy nhiên, so với bình diện bản thân, tất cả những điều ấy lại vẫn là “cái có”, và vẫn có thể bị mất đi, trong khi bản thân của tôi vẫn còn đấy. Có những điều ra như ở trong tôi, nhưng thật sự vẫn khác với bản thân, vì đến một lúc nào đó, chúng vẫn có thể tách rời khỏi tôi. Có lúc bản thân tôi vẫn còn đó, nhưng trình độ của tôi đã suy giảm hoặc mất đi; đến lúc nào đó tron g cuộc đời, cả tài năng, sức khoẻ, sắc đẹp và ngay cả đức độ cũng có thể “chấp cánh bay xa” khỏi bản thân tôi. Trong tình yêu, nếu tôi tin vào của cải, tin vào danh tiếng để đổi lấy tình yêu, tôi “sẽ bị người đời khinh dể”, như sách Diễm Ca đã nói (Xc. Dc 8,7). Nhưng nếu tôi tin vào tài năng, tin vào đức độ… để mong có được tình yêu của ai khác, thì tôi vẫn không thực sự biết yêu. Chìa khoá thực sự của tình yêu là sự thuộc về nhau, thuộc về nhau bằng chính bản thân của mình. Cái gì khác với bản thân thì vẫn chỉ là “sự vật”; tình yêu chân chính không phải là đổi chác nhưng “sự vật” xung quanh bản thân. Yêu thương là chấp nhận chính bản thân của ai khác, và nhận ra bản thân của hai bên “thuộc về nhau”[1]. Nếu tôi đi vào tình yêu, đi vào đức Tin với những tài năng, đạo đức thật của tôi, thì đó vẫn là cách hiện diện với người khác như là kẻ không thuộc về nhau.

Ở đây, ta thấy xuất hiện chiều kích đặc biệt của Kitô giáo : “cái với”. Kitô giáo không phải là đạo luân lý, nghĩa là một bài toán dựa vào sự dò xét, cân đong đo đến đức độ để thưởng công hay ra hình phạt. Phẩm chất Kitô đặt nền trong một giao ước mang tính bản thân. Khi lãnh bí tích Rửa Tôi, tôi mang chính bản thân tôi ra để đóng vào giao ước, tôi chết đi cho con người cũ để sống một con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa. Về phía Chúa, Chúa cho chính Con Một của Ngài chịu chết cho tôi. Giao ước bản thân đó làm nên một cộng đồng ngôi vị, giống như và trổi vượt hơn gia đình.

Trong vận hành từ “cái là” của bình diện xã hội đến “cái với” trong tình yêu và trong đức Tin[2], lại cần sự lột bỏ mặt nạ một lớp nữa, lột bỏ cả “cái là” giả tạo để nhận ra con người của mình, bản thân trần trụi của mình, và nhận ra phẩm giá thực sự của mình trước tình yêu, và trước mặt Chúa. Yêu nhau là tặng không sự chân nhận bản thân của ai khác chứ không phải là trao đổi những thứ “sự vật”. Chỉ trong tình yêu như thế, hai người mới “thuộc về nhau” thực sự. Cũng thế, phẩm giá thực sự của con người là thụ tạo của Chúa, được Chúa tặng không phẩm giá là “con cái”, được “đồng thừa tự” với Chúa Giêsu… Đây mới là điều đáng quí trọng nhất của niềm Tin Kitô giáo. Trong ý nghĩa “thuộc về nhau” tự nền tảng bản thân, “cái với” được tỏ lộ ra.

Như thế, ta có thể thấy huyền nhiệm tình yêu lộ rõ hơn hết trong con người và cuộc đời của thánh Martinô, một người không bám vào một chút “cái có” nào, và cũng không bám vào một chút “cái là” nào trên bình diện xã hội con người. Bản thân thánh Martinô là mẫu điển hình của mầu nhiệm Nước Trời : người đầu hết sẽ nên cuối hết, và người cuối hết sẽ nên đầu hết (Xc. Mt 19,30, //). Tôn phong Martinô lên hàng hiển thánh, đó không phải là xướng lên một tước hiệu để vinh vang, những là loan báo mầu nhiệm Nước Trời, là khẳng định ý nghĩa phẩm giá chân thật nhất của con người. Bởi vì con người có vận mạng siêu nhiên, và mầu nhiệm con người chỉ sáng lên trong mầu nhiệm đức Giêsu Kitô. (x. Vatican II, hiến chế Mục Vụ số 22).

2.2 Tình yêu trong chiều hướng lòng nhân từ

Có lẽ điều hiểu lầm lớn lao của con người hiện đại là đánh mất ý nghĩa của dâng tặng, và ý nghĩa của tâm tình lãnh nhận với lòng tri ân, mắc nợ nhau trong tình nghĩa. Cuộc sống hiện đại được chuẩn hoá trên nền tảng của bài toán trao đổi. Tất cả những thành quả to lớn, hoành tráng của xã hội hiện đại, từ những nghiên cứu khoa học, từ những công trình kỹ thuật, từ những thành tựu văn hoá… cho đến những tương giao đời thường… đều được vận hành theo bài toán thu-chi, lời-lỗ… và quy luật cân bằng ấy xen dần vào cả lãnh vực tương quan nhân thân của con người với nhau. Tôi thương anh vì anh tốt bụng, tôi trọng anh vì anh có tài năng, tôi kính anh vì anh có đức độ, tôi xum xue với anh vì anh có địa vị… Khi anh không còn tốt bụng, không còn tài năng, không còn đức độ, không còn địa vị, thì những tâm tình kia cũng đương nhiên không còn xứng hợp nữa. Bài toán cân bằng ấy thật là hợp lý nhưng cũng thật bất nhân; bởi vì con người vốn “nhân vô thập toàn”, bởi vì con người luôn là sinh vật có bệnh, bệnh thể xác và bệnh tinh thần, chính con người thật đó cần được đón nhận, cần được thương yêu, một tình thương đón nhận “từ dưới chân” chứ không phải so đo mức độ cao thấp “ở trên đầu”. Khi “cái là” cũng được lột bỏ để thay vào bằng “cái với”, thì tình yêu thương chân thật mới được bắt đầu, bắt đầu với phẩm chất “tặng không”. Có thể nói được rằng, trong vận hành của đời sống tâm linh, người nào quá để ý đến “cái là” sẽ làm suy giảm hoặc đánh mất “cái với”.

Trong đức Tin Kitô giáo, nền tảng của mọi tương quan con người với nhau được đặt trên một nền tảng khác, nền tảng tình yêu thương của Thiên Chúa. Ở đây, có một sự biến đổi trọng tâm hết sức bản, con người được yêu không phải là do bài toán trao đổi nữa, do sự “bài toán” trao tặng và nguồn mạch dư dật, phong phú vô tận của bài toán này là chính Thiên Chúa. Từ nguồn cội ấy, phẩm chất của mọi thứ tình yêu giữa con người với nhau đều ngầm biểu lộ ý nghĩa của lòng nhân từ. Chúng ta hiểu rằng điều căn cốt của vận hành yêu thương trong Kitô giáo là : mối tương quan con người với nhau phải được đặt trong thế tay ba. Có Thiên Chúa ở đó; và tình yêu con người với nhau chỉ có thể vững bền, quảng đại khi được nối kết vào nguồn mạch tình thương nhân hậu của Thiên Chúa. Như thế, khi “tôi yêu anh” hay “anh yêu tôi”, thì trong niềm tin Kitô giáo, cả hai đều bắt nguồn từ ý nghĩa căn nguyên : tôi và anh đều “đáng thương” trước mặt Chúa. Do đó, phẩm chất căn bản của tình nghĩa “tôi thương anh” hay “anh thương tôi” thì cũng đều phải thể hiện ra trong dáng dấp lòng nhân hậu, lòng từ bi thương xót của Chúa. Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Thiên Chúa Giầu Lòng Từ Bi Thương Xót, nói rằng : có một danh hiệu thứ hai của Tình yêu, đó là lòng nhân hậu :

“Vì lòng nhân từ là chiều kích không thể thiếu của tình yêu; nó như là danh hiệu thứ hai của tình yêu”[3].

Người ta có thể kể ra nhiều nhân đức của thánh Martinô, nhưng không thể cho rằng Chúa đã thương Martinô nhiều vì ngài nhân đức nhiều. Trước tiên, vì tình yêu của Chúa không phải một sự trao đổi như vậy. Mặt khác, chính những nhân đức của Martinô cũng do chính Chúa ban tặng. Nói đúng hơn, ta thấy chính vì Martinô đã khám phá ra “cái với” ở tận bản thân trần trụi của mình, đã chấp nhận thuộc trọn về Chúa mà Martinô đã đón nhận được nhiều hơn tình thương của Chúa. Nhân đức của Martinô thật sự cũng không là gì khác hơn hoa trái của lòng nhân từ của Chúa, nhằm để làm chứng cho lòng nhân ái của Chúa đối với những người cùng khổ mà Martinô được sai đến và cho Giáo Hội ngày hôm nay. Quả thật, “tấm lòng vàng” của Thánh Martinô biểu lộ rõ nét phẩm chất của lòng nhân hậu, trước tiên là lòng nhân hậu của Chúa dành cho những người bé mọn, qua chính con người bé mọn Martinô.

 



[1] Không nên hiểu lầm sự “thuộc về” như là một sự “lệ thuộc”. Tình yêu luôn luôn phải là một sự tự do, tự quyết chứ không thể ép buộc, chính tự khả năng tự quyết, con người mới có thể đi vào mối tương quan thuộc về nhau càng ngày càng sâu xa hơn. Ngược lại, thiếu sự tự quyết, thì người ta chỉ có thể lệ thuộc, và lệ thuộc luôn luôn là lệ thuộc về những gì bên ngoài bản thân, lệ thuộc tiền bạc, lệ thuộc sự bảo bọc, lệ thuộc tiếng tăm của ai khác… Ngược lại, bản thân là một giá trị tuyệt đối mà không một sự mua bán, trao đổi nào có thể cân xứng; bản thân chỉ có thể được dâng tặng, và mời gọi sự đón nhận với lòng tri ân. Chiều kích bản thân của một người thiếu tự do, thiếu tự quyết, sống lệ thuộc, luôn ở ngoài vùng phủ sóng của cái “sống với”

[2] Trong tư tưởng của G. Marcel, con người chỉ là mình khi dấn thân, và chỉ có một sự dấn thân chân chính là dấn thân vì tha nhân…

[3] T/đ Thiên Chúa giầu lòng từ bi thương xót, số 58. Một Danh Hiệu Khác Của Tình Yêu.

Trả lời