Hội thảo : Kitô hữu được mời gọi sống Tự Do

Giáo xứ Đaminh Ba chuông
Hội thảo Chuyên đề

Người Kitô hữu được mời gọi sống Tự Do

Hội thảo : Kitô hữu được mời gọi sống Tự Do

 

Chúa Nhật ngày 13.12.2009, vào lúc 18g45’, tại Hội Trường Trung Tâm Mục Vụ thuộc Giáo xứ Đaminh – Ba chuông, đông đảo các tham dự viên, đặc biệt là các bạn trẻ và sinh viên đến tham dự nghe và cùng trao đổi với thuyết trình viên Sơ Maria Lê Thị Thanh Nga, thành viên nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, với chuyên đề:

NGƯỜI KITÔ HỮU ĐƯỢC MỜI GỌI SỐNG TỰ DO

Trong vòng hơn một giờ đồng hồ Sơ Maria Lê Thị Thanh Nga đã đem đến cho người nghe tìm hiểu và rút tỉa những giá trị nói đến hai chữ “Tự Do” từ sách Kinh Thánh (Cựu lẫn Tân Ước) với một dàn bài mạch lạc và rất dễ hiểu đối với các bạn trẻ và sinh viên.

Hai chữ “Tự Do”

Mỗi con người ai cũng khao khát tự do và được sống tự do. Tự do rất quen thuộc, nói đến nhân quyền thì phải nói đến tự do. Hai chữ tự do được dùng rất nhiều trong mọi lĩnh vực: tự do thương mại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do nhân quyền, thị trường tự do, giá vàng tự do…

Tự do là khát vọng của mỗi con người phải đạt được, phải được làm bất cứ điều gì mà không bị ép buộc.

Trong buổi hội thảo, Sơ Maria đã cho mọi người tham dự thấy tự do được nói đến trong Kinh Thánh như thế nào; đồng thời, trong phần trao đổi Sơ đã vận dụng những kinh nghiệm sống trong Kinh Thánh để bàn luận.

Tự do đích thực chỉ ở nơi Thiên Chúa, con người không thể định nghĩa một cách chính xác tự do là gì và các triết gia cũng thế. Do đó, con người chỉ sống tự do, để tự do được thể hiện trong cuộc sống vì Thiên Chúa tạo nên con người, cho con người sống, ban cho tự do để con người tự quyết định cuộc sống trong sự thánh thiện và phù hợp với lương tâm ngay lành mà Thiên Chúa đã phú bẩm khi ban cho con người sự sống.

Hội thảo : Kitô hữu được mời gọi sống Tự Do

Các khía cạnh của tự do:

1. Tự do là được giải thoát khỏi cảnh nô lệ:

Trong sách Xuất Hành thuật lại việc dân Itrael làm nô lệ cho người Ai Cập và Thiên Chúa đã giải thoát dân khỏi cảnh làm tôi mọi. Trong hoang mạc, Ngài cũng giải thoát cho khỏi cảnh làm nô lệ cho thân xác, vật chất như đói khát… được Thiên Chúa ưu ái và dẫn đi trong hoang mạc để tìm về đất hứa nhưng mỗi lần gặp khó khăn thì sinh lòng phản loạn, họ thà làm nô lệ nơi đất Ai Cập còn hơn là được tự do mà phải đói khát trong hoang mạc. Dân Itrael được sống tự do nhưng họ không nhận ra được điều đó, Mặc dù vậy, Thiên Chúa luôn có biện pháp để giáo dục dân Người.

Đối với người Do Thái, họ không biết tự do phải nói như thế nào vì chỉ trong Thiên Chúa thì họ mới có tự do đích thực, nên sách Thánh Vịnh đã viết: “Chúa là núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa”. Thánh Phaolô cũng nói: làm nô lệ cho tội lỗi thì đưa đến sự chết, trước hết là làm nô lệ cho chính bản thân mình đó là tính hư nết xấu, là tính xác thịt. Cái chết khi làm nô lệ cho tội trước hết là cái chết trong chính phẩm giá của con người, không phải là cái chết thân xác.

Ngày nay, để được sống an phận, vì phải lo lắng sợ hãi, hoặc phải cúi mình quỵ lụy, chúng ta để cho người khác thống trị, chèn ép, để cho sự bất công dối trá lan tràn. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma có nói rằng: lương bổng của ma quỷ là cái chết và lương bổng của Thiên Chúa là sự sống muôn đời, là sự công chính thánh thiện, đó là thuộc trọn về Thiên Chúa khi con người chấp nhận ra khỏi cảnh nô lệ của chính bản thân mình.

2. Tự do là sống theo Thần Khí:

Sống trong tâm trạng bất an là sống trong cảnh nô lệ và chỉ khi nào chúng ta được sống bình an trong Thiên Chúa thì lúc đó chúng ta là những người tự do, vì không còn thỏa mãn tính đam mê xác thịt. Sống tự do là sống có trách nhiệm với những gì mình đã làm. Sống theo Thần Khí đem lại hoa trái là sự bình an, khi chúng ta sống tự do là trổ sinh hoa trái của Thần Khí. Do đó, chúng ta hãy để cho những đam mê xác thịt được đóng đinh trên Thập giá và tập sống tự do hằng ngày, nhất là hãy để cho Thần Khí tác động.

3. Tự do là sẵn sàng đón nhận một giới hạn cần thiết, là mở ra một khoảng cách một không gian dành cho sự tôn trọng, là yêu mến phục vụ:

Không phải có tự do thì muốn gì cũng được, có một giới hạn trong tự do, vì con người tò mò nên đã chạm đến cái chết. Sách Sáng Thế đã thuật lại việc Adam và Eva không vâng lời Thiên Chúa nên đã ăn trái cấm và lãnh án phạt. Dù vậy,Thiên Chúa luôn yêu thương và giải thoát con người. Chúa ban 10 điều răn để con người sống tự do đúng nghĩa, trọng tâm của 10 điều răn là sống tương quan với Thiên Chúa, tự do đón nhận lời Chúa và thực hành.

Sách Diễm Ca trong Kinh Thánh Cựu Ước là bản tình ca giữa Thiên Chúa và dân Người, tác giả sách đã dùng hình ảnh đôi trai gái yêu nhau để sánh ví tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Đôi trai gái ấy yêu nhau, khao khát thuộc trọn về nhau nhưng luôn để cho người yêu của mình được tự do, luôn giành ra một khoảng cách để tôn trọng lẫn nhau.

Tự do là để yêu mến phục vụ, thánh PhaoLô trong thư gửi tín hữu thành GaLát nói rằng chúng ta được kêu gọi để được sống tự do, nên đừng lợi dụng để sống theo tính xác thịt nhưng lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.

Hội thảo : Kitô hữu được mời gọi sống Tự Do

4. Tự do là sống theo sự thật:

Trên thập giá, một sự thật được phơi bày: đó là một con người bị đóng đinh, vì nhân loại đã làm nô lệ cho ác tâm nên đã đóng đinh Chúa Giêsu,Chúa Giêsu chịu chết cách tự nguyện để làm rõ tội ác nơi con người, khi nào sự dữ vẫn còn thì con người vẫn còn làm nô lệ. Nhưng Chúa Giêsu đã phục sinh, đã chiến thắng tội lỗi, nơi thập giá, tội lỗi đã bị hủy diệt, nhưng tại sao sự dữ, sự đau khổ vẫn còn tràn lan? Tại sao Thiên Chúa cứ mãi thinh lặng? Đó là dấu chỉ Chúa ban: Nơi cây thập giá, tội lỗi đã bị hủy diệt, Thiên Chúa đã toàn thắng, bây giờ chúng ta chỉ biết bước theo chân Chúa để sống sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Tự do là ân huệ, là nghĩa vụ, là trách nhiệm để con người sống tương quan với Đấng Sáng Tạo và với tha nhân. Vì thế, chúng ta được mời gọi: Hãy ở lại trong lời Chúa, hãy trở thành môn đệ của Chúa để được biết sự thật, để được sự thật giải phóng và trở nên người tự do đích thực trong Chúa.

Đức Phương
Sinh viên nhóm Nhịp Bước Đaminh

Trả lời