Hãy tỉnh thức đợi chờ Chúa đến

Hãy tỉnh thức đợi chờ Chúa đến

Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

Hãy tỉnh thức đợi chờ Chúa đếnVào ngày 3 tháng 11 khi đang ở khu mua sắm, tôi thấy ở ngay lối vào cửa hàng có một chiếc bàn và thùng thư đặt sẵn đó. Ở đấy, bọn trẻ đang viết thư cho ông già Noel, liệt kê những món quà mà chúng muốn có vào ngày lễ Giáng Sinh. Những lối ra vào chính của khu mua sắm được bày biện trang trí với những dây treo và vòng hoa Giáng Sinh. Hôm đó, tôi nghe bài hát Giáng Sinh đầu tiên – hơn một tháng rưỡi trước lễ Giáng Sinh ! Bài hát nói lên sự vội vã của mùa này !

Hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới. Mùa này giúp chúng ta sống chậm lại và có được cái nhìn Kitô giáo về thời gian. Lưy ý rằng các bài đọc hôm nay không nói về việc Đức Kitô đến lần thứ nhất, tức là việc Người sinh ra ở Bêlem, nhưng về việc Đức Kitô đến lần thứ hai, nghĩa là ngày Chúa quang lâm. Chúa nhật thứ hai và thứ ba Mùa Vọng sẽ tập trung nói về thánh Gioan Tẩy Giả và sứ điệp của thánh nhân mời gọi dọn đường cho Chúa. Rồi đến Chúa nhật thứ tư, chúng ta sẽ tập trung vào biến cố Đức Giêsu giáng sinh, bắt đầu bằng lễ Truyền Tin.

Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng cũng là ngày cuối cùng của tháng 11, đồng thời là khởi đầu của tháng 12. Thời điểm này báo hiệu không phải việc Đức Kitô ngự đến, mà là sự khởi đầu của các ngày lễ lạc, tiệc tùng và tặng quà cho nhau. Trong thế giới chúng ta đang sống, Mùa Vọng xem ra là mùa Giáng Sinh rồi và mức lợi nhuận mùa Giáng Sinh đã được công bố trên báo chí trang mục kinh doanh rồi. Chúng ta sẽ nghe thấy tiếng chuông Giáng Sinh vui tai nhưng rồi cũng trở nên nhàm chán trong các cửa tiệm hay khu mua sắm. Trong khi đó ở nhà thờ, không khí của mùa này lại khác hẳn: những bài thánh ca trang nghiêm, các bài đọc Sách Thánh, các băng rôn và sắc màu phụng vụ, giúp chúng ta “dọn đường cho Chúa đến”.

Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về những việc Thiên Chúa đã làm xưa kia, không phải để hoài niệm, nhưng để giúp chúng ta hướng đến tương lai với niềm hy vọng. Tương lai không có nghĩa là ta kéo dài tình trạng hiện tại; những gì đang diễn ra lúc này không cho ta biết được tương lai sẽ ra sao. Những hoàn cảnh hiện tại chưa chắc bảo đảm được sự thành toàn tương lai. Suốt Mùa Vọng, chúng ta học cách “trông cậy khi không còn gì để cậy trông” (Rm 4,18).

Dân Israel khi lưu đày đã không còn hy vọng được phục hưng và trở về quê hương. Thời kỳ lưu đày Babylon kéo dài khoảng 50 năm và trong hoàn cảnh ấy, những người lưu đày này chẳng có lý do gì để hy vọng. Dù họ tội lỗi (“tội chúng con phạm tựa cơn gió cuốn chúng con đi”), thì lời cầu nguyện của dân Israel gợi nhớ việc Thiên Chúa sáng tạo con người (“Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con, danh Ngài thật bền vững”) và việc Thiên Chúa giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ thế nào. Lời cầu nguyện đó cho thấy rằng không phải những người nô lệ cũng không phải chúng ta có thể tự cứu mình khỏi tình trạng hiện tại của mình. Ngày nay còn nhiều người đang phải chịu đau khổ khắp nơi. Thế giới không thể tự trở nên tốt hơn được. Chúng ta cần Thiên Chúa can thiệp: chúng ta cần Mùa Vọng để hy vọng và cần Đức Kitô ngự đến. Chúng ta không thể “chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh” mà lại không cần những điều trên. Chúng ta cần cầu xin Thiên Chúa đến trợ giúp. Chúng ta cần Đấng Mêsia.

Bài Tin Mừng cảnh tỉnh chúng ta và khẳng định chắc chắn rằng ông chủ sẽ trở về để đòi lại quyền hành của ông. Đoạn này nằm trong phần được gọi là “Tiểu Khải Huyền”, nghĩa là một “mạc khải” được thu nhỏ. Bản văn Kinh Thánh giúp chúng ta sống Mùa Vọng. Không phải chúng ta đang chờ Hài Nhi Giêsu lại sinh ra cho bằng mong đợi Người quang lâm. Người chính là ông chủ bất ngờ đến với cuộc đời ta vào giữa đêm khuya lúc ta còn đang mê ngủ. Các công việc thường ngày của chúng ta bị đảo lộn khi Thiên Chúa đi vào thế giới chúng ta. Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã đặt quá nhiều sự an ổn vào những gì có trong tầm tay và xem nó là chắc chắn. Nhưng thế giới quen thuộc ấy của chúng ta có thể dễ dàng sụp đổ, tựa như Mỹ kim thời suy thoái kinh tế vậy. Mùa Vọng chất vấn xem mảnh đất ta đang đứng vững chắc đến mức nào? Khi Thiên Chúa bước vào đời ta, tính tự phụ của ta sẽ không còn đất đứng.

Chẳng phải là chúng ta đang cảm thấy thế giới suy tàn này không phải là điều Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta sao? Thiên Chúa có kế hoạch thiết lập một thế giới khác nhờ Đức Giêsu Kitô. Ai sẵn sàng và tỉnh thức thì biết khi nào Thiên Chúa đến và biết cách đáp trả trước sự hiện diện của Người. Mùa Vọng thức tỉnh chúng ta để nhận ra rằng chúng ta đã đầu tư của cải của mình không đúng chỗ và sẽ không dẫn ta đến ngõ cụt. Ông chủ, người mà chúng ta phục vụ, đang đến để giúp chúng ta tỉnh dậy khỏi cơn ngủ mê, ngõ hầu có thể gạt bỏ thế giới sai lạc này sang một bên và kiến tạo căn nhà của chúng ta trên nền móng đá tảng. “Thiên Chúa là Đấng trung tín” – đó là lời thánh Phaolô sẽ đồng hành với chúng ta khi chúng ta muốn thay đổi hay điều chỉnh nếp sống mình. Đây chính là Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia hoạ lên khi ông hình dung chúng ta như đất sét được Thiên Chúa, người thợ gốm, nặn hình, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta là công trình do tay Chúa tác tạo”.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay nói về thời buổi khó khăn. Đoạn này hoàn toàn đúng với hoàn cảnh cộng đoàn mà thánh Máccô viết cho. Chúng ta có thể kể ra vài khó khăn mà cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai phải đối diện: Giêrusalem bị phá hủy năm 70, các Kitô hữu bị các nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo bách hại, niềm tin mới lạ chia rẽ các gia đình, các ngôn sứ giả tiên báo việc trở lại của Đức Kitô sắp xảy ra. Ai có thể trách được những Kitô hữu tiên khởi khi họ đặt những câu hỏi: “Giờ này Đức Giêsu ở đâu, chúng con đang cần Người? Người đã quên chúng con rồi sao? Khi nào Người trở lại?”

Những tín hữu thời nay như chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi này khi nền tảng của thế giới chúng ta bị lung lay bởi cái chết, ly dị, bệnh dịch, con cái nghiện ngập, thất nghiệp kéo dài … Bài Tin Mừng hôm nay củng cố đức tin người tín hữu đang đối diện với những khó khăn. Dẫu có biết bao khó khăn họ gặp phải, dụ ngôn này khẳng định chắc chắn với họ rằng Đức Giêsu sẽ trở lại và chấm dứt đau khổ của họ. Lời cảnh báo “phải coi chừng! phải tỉnh thức!” sẽ tác động họ mỗi ngày. “Có lẽ hôm nay là ngày Đức Giêsu trở lại”. Sự mong đợi và niềm hy vọng đó sẽ gia tăng sức mạnh cho họ “trong thời điểm hiện tại.”

Còn chúng ta, tất cả những tháng năm còn lại thì sao? Sống trong đất nước phát triển, chúng ta có thể không phải trải qua những gì mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi phải đối diện vào thời thánh Máccô. Nhưng một số cộng đoàn trên thế giới và một vài cá nhân chúng ta chắc chắn đang rơi vào tình trạng đó. Rất nhiều Kitô hữu và những người thiện chí đang phải vật lộn với bao hoang mang và đau khổ.

Chúng ta cùng cầu nguyện với những người đang tuyệt vọng trên thế giới ngày nay. Chúng ta cũng gắn bó với niềm hy vọng mà Mùa Vọng mang đến và tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ấp ủ tất cả mọi người trong vòng tay yêu thương của Người. Không có gì nằm ngoài sự chăm sóc của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể đến bất cứ lúc nào để trợ giúp chúng ta. Có nhiều thứ cản trở cuộc sống thường nhật của chúng ta và có thể làm chúng ta vô cảm trước nỗi đau của tha nhân. Vâng theo lệnh truyền của Đức Giêsu “phải coi chừng! phải tỉnh thức!” sẽ giúp chúng ta giữ vững được niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa và tỉnh thức với sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Tỉnh thức giúp chúng ta trưởng thành về đời sống tâm linh. Chúng ta sẽ cảm thông hơn với nỗi đau của tha nhân khi chúng ta bắt đầu để ý tới điều làm họ đau lòng. Với thái độ tỉnh thức và lưu tâm đến thế giới xung quanh, chúng ta có thể tỉnh thức về việc Đức Kitô đã và đang đến.

Mùa Vọng giúp chúng ta luôn tỉnh thức đợi chờ ngày Đức Kitô trở lại. Tuy nhiên, Mùa Vọng vẫn phải là mùa của khoảnh khắc hiện tại, vì Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta và còn tiếp tục ở lại với chúng ta. Khi Mùa Vọng kết thúc, chúng ta sẽ cử hành việc Đức Kitô mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. Lúc này đây, bí tích Thánh Thể giúp chúng ta dọn đường cho Đức Kitô, và với Lời Chúa, chúng ta có thể mở rộng cặp mắt đôi tai mình để nhận ra sự hiện diện của Người đã ở giữa chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời