Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy

Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy

Cv 6,1-7; Tv 33; 1 Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

Lm. Jude Siciliano, O.P.

 

Kính thưa quý vị,

Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào ThầyNgười lạc quan nhìn nửa ly nước, thì thấy nước chứa đầy nửa ly. Cũng nửa ly nước ấy, người bi quan sẽ nói ly nước bị vơi đi một nửa. Vậy, phải chăng Đức Giêsu là một người lạc quan? Người bảo rằng các môn đệ sẽ làm được“những việc mà Thầy làm, và sẽ còn làm những điều lớn lao hơn nữa…” Đức Giêsu nói nghiêm túc chứ? Hay chẳng qua là sự lạc quan ngây thơ? Dựa vào đâu Người có thể bảo đảm được lời hứa ấy?

Đồng bàn với các môn đệ vào đêm trước khi chịu chết, Đức Giêsu bực bội vì sự u minh của các ông. Tuy vậy, Người vẫn nói với các môn đệ rằng các ông sẽ làm được những việc còn lớn lao hơn cả những việc các ông đã thấy Người làm. Thế nhưng, nhìn vào Giáo hội hôm nay, chúng ta thử hỏi: “Đâu là những việc lớn lao hơn mà những người tin sẽ làm được theo như lời hứa của Đức Giêsu?” Có lẽ chỉ vì chúng ta – những tín hữu của thời hiện đại – không thừa nhận quyền năng của Thiên Chúa và cậy dựa quá nhiều vào sức riêng của bản thân. Hơn nữa, như Đức Thánh Cha Phanxicô từng nhắc nhở, chúng ta đã không biết dùng những khả năng Thiên Chúa ban tặng để phục vụ người khác, đặc biệt những người hèn yếu nhất và không có chút quyền hạn nào.

Vài đoạn trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy đời sống của Giáo hội sơ khai là lý tưởng (Cv 2, 42-47; 4, 32-35). Nhưng bài đọc thứ nhất hôm nay lại nhắc đến một cách sống thiếu mẫu mực của các Kitô hữu tiên khởi. Ở đầu chương 6 của sách Công vụ Tông đồ, chúng ta gặp thấy bằng chứng về những khác biệt và chia rẽ trong cộng đoàn. Có những tín hữu Do Thái bản xứ và những tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp, các tín hữu theo văn hoá Hy Lạp than trách rằng các bà goá trong nhóm họ không nhận được sự phân phát công bằng về phần lương thực hằng ngày. Các vấn đề mà Giáo hội sơ khai phải đối diện không chỉ đến từ bên ngoài mà con cả dấu hiệu của sự chia rẽ từ bên trong.

Các tín hữu Do Thái bản xứ muốn duy trì ngôn ngữ và cách thức thờ phượng như truyền thống. Các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp thì đến từ các cộng đồng Do Thái ở hải ngoại, các cộng đồng này phân tán sống ngoài Palestine, là những người chịu ảnh hưởng của lối sống văn minh Hy-La. Chúng ta, những Kitô hữu thời hiện đại, đâu phải là những người duy nhất đối diện với những nhóm ‘bảo thủ’ và ‘cấp tiến’ trong cộng đoàn đức tin.

Tại sao các bà goá theo văn hoá Hy Lạp lại bị quên lãng? Phải chăng chỉ vì những tín hữu Do Thái bản xứ có sức mạnh và quyền lực hơn, và họ đang sử dụng sức mạnh và quyền lực ấy để đối xử thiên vị, ưu tiên cho phe của mình? Chúng ta không biết thực hư thế nào. Nhưng trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng các ông sẽ còn làm được những điều lớn lao hơn. Vì trước hết, Đức Giêsu nói là Người sẽ chết, rồi sống lại và trao ban cho các môn đệ ân huệ Chúa Thánh Thần. Người ban cho các ông “phương tiện” mà các ông cần đến để làm “những việc lớn lao hơn” như Người đã hứa.

Có giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn tôn giáo nào mà không có sự phân biệt dựa theo truyền thống, hiện đại, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính hay dòng tộc? Những nhóm người nào đang bị tước đoạt quyền lợi, quyền lên tiếng nói? Có những sự tranh giành quyền lực xảy ra giữa các đoàn thể trong giáo phận và giáo xứ hay không? Các đoàn thể trong các xứ đạo có sự cạnh tranh quyền lực trong các việc phụng vụ, tác vụ và ngân quỹ không? Những vấn nạn này đòi hỏi sự hồi tâm chân thành, cầu nguyện và đối thoại. Ngay cả khi có những căng thẳng như thế, thậm chí thường xuyên xảy ra đi nữa, thì nhờ những hồng ân của Chúa Thánh Thần, những căng thẳng ấy sẽ được biến đổi thành nguồn sức mạnh, canh tân và tái tạo. Chúng ta biết rằng cuối cùng thì Giáo hội sơ khai cũng đã giải quyết tốt đẹp sự xung đột này:“Tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt…” Các môn đệ đầu tiên vẫn gắn bó với cộng đoàn, nhưng điều đó không miễn cho các ông sự mâu thuẫn. Tuy nhiên, các ông đã giải quyết vấn đề cách công khai và thẳng thắn, chia sẻ quyền lợi cho những tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp, và quan tâm đến nhu cầu của những người mà họ cảm thấy bị lãng quên.

Trong Giáo hội ngày nay, chúng ta cũng không muốn thấy bất cứ cá nhân hay nhóm người nào bị bỏ quên. Không để một ai bị quên lãng hay cảm thấy bản thân bị tách biệt khỏi những tác vụ của cộng đoàn giáo xứ. Tất cả mọi người đều có cơ hội đến với Lời Chúa và các Bí tích; nếu cần thiết, nhân lực và ngân quỹ sẽ ưu tiên cho những nhu cầu của “các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp” thời nay trong cộng đoàn Hội thánh.

Suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta nghe những đoạn Kinh Thánh nói về tình hình Giáo hội sau biến cố Phục Sinh và sau biến cố Hiện Xuống. Hôm nay, Đức Giêsu nói với chúng ta rằng:“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Nhưng thử hỏi tại sao hôm nay nhiều người trong chúng ta quy tụ để thờ lạy Chúa. Lý do chẳng phải là lòng chúng ta xao xuyến đấy ư? Tình trạng lộn xộn xảy ra có thể là do những tranh cãi trong gia đình, tại nơi làm việc, hay giữa những người thân thiết. Hơn nữa, ai lại chẳng lo âu khi hay tin hơn 200 nữ sinh ở Nigeria bị bắt cóc và có nguy cơ bị bán làm nô lệ? Chỉ cần thêm một tin xấu, thì lại một gánh nặng nữa chất lên tâm hồn chúng ta khi đến dự lễ hôm nay.

Đức Giêsu nói với các môn đệ là những người có nhiều lý do để xao xuyến. Đó là bữa Tiệc Ly và Đức Giêsu nói những lời từ biệt với các ông. Các ông không biết chắc tương lai xảy đến điều gì, nhưng dường như đó là một chuyện không hay. Các ông biết chắc một điều rằng: những gì Đức Giêsu nói ở đây là một cuộc thử thách đức tin. Phiền muộn và lo âu đang xảy đến theo những cách mà trước đây các môn đệ chưa nghiệm thấy bao giờ. Phiền muộn và lo âu – hai vị khách không mời mà đến, xâm nhập vào cuộc sống của các môn đệ, giữ chân họ lại trong một cộng đoàn non trẻ và đầy yếu ớt.

Quả là một tương lai ảm đạm dành cho những người thiện tâm đặt niềm tín thác vào Đức Giêsu; họ vốn hình dung một tương lai hoàn toàn khác. Những lời Đức Giêsu loan báo về cái chết của Người khiến cho các môn đệ lo âu. Trong khi cuộc khủng hoảng này đang ập xuống trên các môn đệ thì liệu có tương lai cho các ông hay không? Làm sao các ông có thể chịu đựng được cơn khủng hoảng đó? Điều gì giúp cho các ông vượt qua được?

Những rắc rối trở nên gay go và làm cho cộng đoàn bị tản mát trong sợ hãi. Thêm nữa, Đức Giêsu mời gọi những kẻ đồng bàn với Người, và Người cũng đang mời gọi chúng ta khi chúng ta đồng bàn với Người hôm nay, rằng“hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.”

Lời hứa của Đức Giêsu về sự hiện diện luôn mãi của Người với các môn đệ không chỉ là một lời hứa hiện diện trong những lúc bình an, hạnh phúc thôi, mà còn trong những lúc khó khăn, đầy áp lực nữa. Bị bỏ rơi, đức tin của chúng ta sẽ vỡ vụn. Hãy nghĩ về tất cả những nơi đang gặp thử thách: gia đình, công sở, trường học, “và những nơi khác trên thế giới.” Hãy nghĩ đến cuộc thử thách mà đức tin của chúng ta phải kiên trì chịu đựng trong suốt thời gian này, với đầy tai tiếng về các vụ bê bối của hàng giáo sĩ. Nhưng, nếu như cuộc đời của Đức Giêsu đã dạy chúng ta mọi điều, thì hẳn rằng một cuộc sống mới có thể nảy sinh từ trong đau khổ, thậm chí từ trong cái chết.

Tu viện của chúng tôi ở bên cạnh một trường Đại học Công giáo. Trong những ngày này, các bạn sinh viên đang chịu nhiều áp lực chuẩn bị cho việc thi cử. Họ đang cố gắng để vượt qua thời gian thi cử rồi trở về quê. Đó chẳng phải là một ẩn dụ về tất cả chúng ta sao, những người đang cố gắng vượt qua thời gian thử thách rồi quay trở về “quê hương đích thực?” Đức Giêsu nói rằng Người trở về cùng Cha của Người và Người dọn chỗ cho chúng ta. Nghe như đó là một nơi tuyệt vời phải không? Nơi đó “có rất nhiều chỗ ở.” Đức Giêsu hứa sẽ quay trở lại và đón chúng ta về với Người. Sẽ có một cuộc “trở về nhà” cuối cùng để chúng ta được ở với Thiên Chúa và ở với nhau.

Tạm thời, Đức Giêsu đã trở lại chuẩn bị ngôi nhà cho chúng ta ở đây và bây giờ. Sự quy tụ của chúng ta để tôn thờ Người là một trong nhiều nơi trú ngụ Đức Giêsu chuẩn bị cho chúng ta ở đây. Khác với ngôi nhà quê hương đích thực của chúng ta, cộng đoàn này là nơi chúng ta được tháo cởi gánh nặng của những sai lầm quá khứ; là nơi chúng ta sống thật với chính mình, với những thiếu sót và tất cả mọi thứ là nơi chúng ta có thể giúp nhau mang những gánh nặng đang đè trên cuộc sống. Nơi đây, chúng ta được nuôi dưỡng và được ban sức mạnh cho tới khi chúng ta đạt đến ngôi nhà vĩnh cửu cuối cùng, nơi trú ngụ mà Đức Giêsu đã đi trước để dọn sẵn cho chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời