Hãy tìm kiếm những gì làm cho ta được no thoả

Hãy tìm kiếm những gì làm cho ta được no thoả

Is 55,1-3; Tv 145; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Hãy tìm kiếm những gì làm cho ta được no thoảKính thưa quý vị,

Bài đọc ngôn sứ Isaia hôm nay chỉ cho thấy những cảm giác thất vọng khi người ta đi tìm hạnh phúc ở những nơi khác chứ không phải nơi Thiên Chúa. Chúng ta tự lừa dối và tiêu hao sức lực trong một cuộc tìm kiếm những thứ mà ngoài Chúa ra không gì có thể làm thoả mãn được. Thiên Chúa ban cho chúng ta một thứ lương thực dồi dào, mà không phải trả tiền, một nguồn lương thực mà dẫu cho cuộc đời có đẩy đưa chúng ta thế nào, cũng không bao giờ cạn kiệt. Chúng ta đang được tặng ban thứ lương thực bảo đảm rằng dù trải qua thử thách sa mạc, chúng ta vẫn sẽ tìm được những phương tiện cần thiết cho cuộc sống mình. Thiên Chúa đã nuôi dân Israel trong sa mạc, và bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta rằng, chúng ta cũng được nâng đỡ, dưỡng nuôi, nhờ Đức Kitô.

Những cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay gợi nhớ về Bữa Tiệc Ly. Tác giả Tin Mừng cho thấy câu chuyện phép lạ ám chỉ Bí tích Thánh Thể. Làm sao ngày hôm nay chúng ta có thể đọc câu chuyện này mà không nhận ra được một Thiên Chúa nhân từ (Đức Chúa của ngôn sứ Isaia) cũng đang nói với chúng ta rằng: “Đến cả đây, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây”?

Đám đông dân chúng nhận ra rằng, Đức Giêsu có gì đó để trao tặng họ đang khi họ ở trong “những vùng đất khô cằn” của chính mình. Đức Giêsu không đơn thuần cho họ no nê cơm bánh. Bởi lẽ, cuộc đời của họ tựa như sa mạc bị lãng quên. Họ không phải là những người giàu có, nổi tiếng, học thức hay quyền lực, song, là những người đang đau khổ, đầy ưu phiền, những người ở bên lề xã hội. Dường như cuộc sống đã lãng quên họ, nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài quan tâm đặc biệt đến họ, và đến lượt mình, họ cũng nhận ra được một điểm tựa nơi Người, một nơi chốn mà họ sẽ được chăm sóc, một nơi mà những đói khát sâu xa được no thoả. Còn lý do nào khác để họ ở lại đó rất lâu, trong nơi hoang mạc khô cằn này để lắng nghe Đức Giêsu nữa không? Họ đã không phải thất vọng, vì cuối ngày họ được ăn no nê. Đức Giêsu đã nhìn thấy trong số họ có rất nhiều người bị đói và Người đã cho họ ăn: “Ai nấy đều ăn và được no nê”. Phép lạ này nhắc chúng ta nhớ về việc Đức Chúa nuôi dân Israel trong sa mạc. Thiên Chúa của Giao Ước đã không bỏ rơi những kẻ Người đã chọn trong hoang địa, nhưng từng ngày, Người vẫn tiếp tục dưỡng nuôi họ bằng lương thực không gây nhàm chán.

Liệu chúng ta có đang loay hoay tìm kiếm những nguồn lương thực ở những nơi rốt cuộc chỉ làm mình thất vọng không? Ai hoặc điều gì sẽ bồi bổ chúng ta khi chúng ta rơi vào đau khổ, rơi vào chính “hoang địa cằn cỗi” riêng của lòng mình? Tất nhiên, chúng ta cần một nguồn lương thực hằng ở cạnh chúng ta trong hoang địa ấy. Ai rồi cũng sẽ có lúc phải đi qua một hoang địa nào đó của cuộc đời. Và Tin Mừng đã cho chúng ta thấy, Đức Kitô có thể trao cho chúng ta một nguồn lương thực sẽ thực sự làm chúng ta no thoả. Phép lạ trong Tin Mừng hôm nay cũng là một dấu chỉ đảm bảo với chúng ta một lần nữa rằng, khi “ngày sa mạc” ấy đến, Thiên Chúa sẽ biết chúng ta cần gì, như Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, và Người có một trái tim “chạnh lòng thương” với chúng ta. Chúng ta sẽ không cô đơn trong những nơi hoang địa khô cằn như thế, lương thực sẽ luôn dư tràn để bồi bổ và tăng sức cho chúng ta. Đây không phải là câu chuyện “chỉ-đủ-no”. Nhưng là một câu chuyện “hơn-cả-no” nữa. Sau khi mọi người được no nê, vẫn còn lại nhiều mẩu bánh thừa. Nơi Thiên Chúa, không ai phải thiếu và bị bỏ rơi, tất cả đều cảm thấy được dư đầy. Còn nơi nào khác hay một thứ gì khác có thể đáp ứng cho ta như thế nữa chăng? Hãy nhớ lại câu hỏi chất vất của ngôn sứ Isaia: “Sao phải phí tiền bạc vào của không nuôi sống?”

Bánh mì thể lý trong câu chuyện phép lạ ngày hôm nay chỉ là những thứ lương thực mang giá trị tạm thời. Chúng không thể làm no thoả những đói khát thâm sâu được. Song, chúng lại là dấu chỉ cho thấy Đức Giêsu là Đấng có thể thoả mãn những đói khát đó, đồng thời cho thấy lòng thương xót Người dành cho chúng ta. Hãy chú ý cách thức mà Đức Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá: một sự kính trọng giống hệt với sự kính trọng mà Người dành cho đám đông dân chúng, những kẻ mà Người biết, đều là những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Phép lạ hôm nay đã chỉ ra rằng, chúng ta cũng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa và chúng ta sẽ không bị đói khát bao giờ.

Các môn đệ đã hết sức bối rối trước tình huống này, giữa một bên là đám rất đông dân chúng và một bên là số lương thực ít ỏi mà họ có trong tay. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay không có nhân vật bé trai mang đến những ổ bánh mì và những con cá để phép lạ được thực hiện. Nhưng nói đến các môn đệ có sẵn thức ăn. Phải chăng đó là lương thực riêng mà họ mang theo cho chuyến hành trình? Đức Giêsu có yêu cầu họ chia sẻ những của ăn đó không? Thưa rằng, Người có yêu cầu họ liều lĩnh cho đi tất cả, để có cơ hội thể hiện một sự hào phóng phung phí không? Và có lẽ chính điều này cũng là một phép lạ, đó là, những của ăn ấy đã thực sự làm nên một sự thay đổi nơi các môn đệ của Đức Kitô, những người mà giờ đây đã học được bài học rằng, tất cả những gì mà các ông có sẽ vượt trên mức đủ dùng khi các ông biết cộng tác với Đức Kitô. Các môn đệ đang học để biết cho đi thật nhiều cùng với Đức Kitô, để liều lĩnh những gì họ có trong hành trình sứ vụ của Người. Như chúng ta đã được nghe tuần trước, có một người phát hiện ra kho báu trong một thửa ruộng, ông về nhà bán mọi sự mình có để mua cho được thửa ruộng ấy. Các môn đệ cũng đã được mời gọi đầu tư tất cả những gì họ có vào Đức Kitô. Chúng ta có như thế không? Hãy bán tất cả. Hãy đầu tư chính mình vào Đấng Duy Nhất, Đấng không làm chúng ta thất vọng bao giờ.

Chúng ta có những vị thừa tác viên Thánh Thể trong các giáo xứ, họ là những người mang tấm bánh hiệp thông ra ngoài cộng đoàn để mang đến cho những ai đang sống trong các “hoang địa cằn cỗi”. Cằn cỗi là tình trạng mà những người bệnh tật, những kẻ hấp hối, bị tù đày, và những người già nua trong xã hội chúng ta thường nhận ra. Họ cảm thấy mình đang ở ngoài rìa cuộc sống, ít được cảm thông và tôn trọng. Chúng ta gởi các thừa tác viên Thánh Thể đến với họ cùng với sự hiệp thông của chúng ta để những người ấy biết rằng, họ vẫn là một phần của chúng ta, là một phần của đám dân được Thiên Chúa nuôi dưỡng. Họ không bị lãng quên trong những nỗi khó khăn, vất vả của họ. Tấm bánh Thánh Thể không chỉ mở rộng sự hiện diện của Đức Kitô, mà còn mở rộng sự hiện diện của chúng ta. Ngày hôm nay, chúng ta hãy mời các thừa tác viên Thánh Thể đến với những người bệnh tật để chia sẻ câu chuyện Tin Mừng này và nói cho họ biết, cộng đoàn chúng ta vẫn đang cầu nguyện và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ, chia sẻ nguồn lương thực bồi dưỡng lòng cậy trông.

Nhiều người trong chúng ta đã từng đứng kề cận những người bệnh tật và hấp hối. Chúng ta đã nhìn thấy họ với những chiếc ống gắn vào mũi và rất nhiều mũi kim trên cánh tay. Chúng ta cảm thấy mình vô dụng và yếu ớt trước sự hoành hành dữ dội của đau khổ và sợ hãi họ đang chịu. Điều nên làm đó là đứng sang một bên để các chuyên viên y tế thực hiện các công tác chuyên môn, liệu chúng ta có thể làm gì khác nữa? Các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay đã cảm nhận cùng một cảm giác bất lực như thế, quá ít thực phẩm trong khi lại có quá nhiều người đói. Song, Chúa Giêsu lại giục: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Hãy trao cho họ những gì anh em có. Dường như chúng ta cảm thấy mình không có gì trước những thiếu thốn quá sức tưởng tượng của họ. Tuy nhiên, chúng ta thực sự có cái để trao ban, đó chính là sự hiện diện của chúng ta, cũng nghèo nàn như những cảm nhận đó. Và như vậy, chúng ta trao ban chính mình. Rồi kìa Đức Kitô cầm lấy những thứ chúng ta có, chúc phúc, bẻ ra và trao cho tất cả những người đói, cho họ được no nê, dư đầy ngay trong chốn hoang địa cằn cỗi. Và trong khi trao ban chính mình, chúng ta trở thành những “hiện diện thực sự” của Đức Kitô cho người khác. Khi nhìn vào những vốn liếng mình có, những nguồn lực không thấm vào đâu, thì liệu chúng ta có thoát khỏi sự thử thách chăng, và dám lo cho một “đám đông dân chúng” hay không?

Tôi có biết một cô y tá làm việc trong khu vực dành cho bệnh nhân giai đoạn cuối tại một bệnh viện gần đây. Trong khi làm việc, cô cố gắng tranh thủ bao nhiêu thời gian có thể để ở bên những người hấp hối đang trong những giờ phút cuối cùng. Cô luân phiên làm công việc ấy vào buổi tối, khi khoa của cô đã yên ắng và cô có thể có một chút thời gian rảnh rỗi. Đây cũng là khoảng thời gian mà những người hấp hối cảm thấy cô đơn nhất, tất cả những gì người ta nghe được là hơi thở nhọc nhằn của họ. Cô y tá lúc ấy có thể nắm lấy tay họ, hay có lẽ chỉ ngồi đó với họ. Thói quen đạo đức của cô là đọc kinh Chúa Giêsu, đó là lời kinh mà cô thường thầm thĩ suốt ngày. Trong khi trông nom người hấp hối, cô đọc lời kinh này hết lần này đến lần khác. “Lạy Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cô nói rằng, ở bên cạnh những người đang lìa bỏ cuộc đời là một đặc ân. Cô hy vọng sự hiện diện của mình có thể giúp được họ điều gì đó. Với những người lo sợ cái chết, cô cầu nguyện và trấn an họ, giúp họ xóa nỗi sợ hãi ấy ra khỏi tâm trí. Khi ai đó đang trong khoảnh khắc cuối cùng, còn điều gì khác cần thiết và đáng mong chờ hơn thế nữa? Tất cả những thứ chúng ta gom góp, dành dụm để mua lấy, tất cả những tham vọng, những thành tựu nghề nghiệp, tất cả những thứ đó sẽ là gì? Chúng có lợi gì cho chúng ta vào những khoảnh khắc như thế? Ngôn sứ Isaia đã nghiêm túc nhắc nhở chúng ta ngày hôm nay rằng: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống? Tốn công lao vất vả vào những thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” Những gì cô nữ y tá trên đây trao tặng, sự hiện diện âm thầm, sự hiện diện của một con người có niềm tin, đã có thể đáp ứng được nhu cầu đó của người hấp hối. Chúng ban tặng một sức mạnh mà không gì khác có thể. Dường như người ta cảm thấy bất lực như khi chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, khi đứng trước quyền lực của sự chết, thế nhưng, lời cầu nguyện của cô nữ y tá ấy là một lời nhắc nhở rằng, có một Đấng nào khác vẫn đang ở đây, để nhân lên những của ăn các môn đệ mang đến, làm cho chúng nên nhiều vượt sức tưởng tượng. Liệu những nhà giảng thuyết có thể tưởng tượng những cách thế khác để những sự giúp đỡ đơn sơ của con người có thể được nhân rộng đến những ai cần kíp không?

Bích tích Thánh Thể giống như lời của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia, mời gọi chúng ta hãy bỏ đi những gì không làm ta no thoả mà chỉ gây thất vọng. Buổi cử hành phụng vụ hôm nay giúp chúng ta kiểm nghiệm lại những gì mà chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm để đạt được và kiểm nghiệm xem chúng ta có thực sự được thoả mãn sau những cố gắng ấy không. Kế đó chúng ta cần suy nghĩ lại những mối quan hệ không lành mạnh hay những mối quan hệ không thật của chúng ta, những ưu tiên sai lầm, những giá trị hay thành tựu, những nỗi ám ảnh gắn liền với sự nghiệp mỗi người – bất kỳ những nỗ lực và đầu tư bị đặt sai chỗ bởi chính chúng ta. Chúng ta cũng tin rằng không có hoang mạc nào nơi mình lại ra khỏi ánh mắt nhân từ của Đức Kitô nơi Bí tích Thánh Thể. Bởi lẽ, “… Người nhìn thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương….”

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời