Hãy tiến dâng gia đình mình…

 

Hãy tiến dâng gia đình  mình…Chúng ta bắt đầu bước vào năm thứ hai của năm gia đình. Trong “Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa” ngày 7 tháng 10 năm 2016, các giám mục Việt Nam tham dự Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm như sau: Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ. Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Tại sao phải là “Năm gia đình”? Thưa, rất dễ hiểu. Ngày nay, do những biến động xã hội trên thế giới, do những chủ thuyết lệch lạc của con người, nó đã gây ra biết bao xáo trộn trong đời sống gia đình, nó làm gia đình không còn là một “tổ ấm”. Cứ xem những tin tức hàng ngày, ai ai cũng có đọc thấy những bản tin rùng rợn như: con gái giết cha, con trai giết mẹ, bà giết cháu v.v…

Ba năm cho công việc mục vụ gia đình, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hãy lấy  “gia đình Thánh Gia là khuôn mẫu trọn hảo cho mọi gia đình Công Giáo”. Gia đình Thánh Gia là gia đình nào? Thưa, có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết, đó là: gia đình Thánh Giuse, Đức Maria và Thánh tử Giêsu.

Vâng, Gia đình Thánh gia, một gia đình không “thánh” qua những vầng hào quang như các nhà họa sĩ thường vẽ trên những bức chân dung của ba vị, nhưng là do đời sống của ba vị, một đời sống vâng phục Thiên Chúa, một đời sống chu toàn lề luật của Thiên Chúa.

Thật vậy, câu chuyện gia đình thánh gia “Tiến dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa”, được thánh sử Luca ghi lại, đã cho ta thấy rõ nét một gia đình sống chu toàn và vâng phục Thiên Chúa, như thế nào.

Câu chuyện được kể lại rằng: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Thiên Chúa”. Luật Đấng-Tối-Cao dạy “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và hôm nay, ông bà Giuse-Maria đã giữ đúng luật. Nếu câu chuyện dừng tại đây, thì không có gì để nói về gia đình thánh gia này.

Vâng, hồi ấy, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn, “Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ở trên ông”. Chính Thánh Thần đã “linh báo cho ông biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đức Ki-tô của Đức Chúa”.

Và quả thật, hôm đó, hôm gia đình thánh gia lên Giê-ru-sa-lem, không phải là chuyện “tình cờ”, nhưng do “Thần Khí thúc đẩy”, ông Si-mê-ôn cũng lên Đền Thờ. Chuyện kể rằng: “Vừa lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông liền ẫm lấy Hài Nhi trên tay…”

Ẫm Hài Nhi trên tay, ông Si-mê-on… Vâng,  hôm đó, ông Si-mê-ôn không còn khắc khoải, không còn khắc khoải bởi vì giấc mộng của ông, do “Thánh Thần linh báo” nay đã thành sự thật, một sự thật đem lại cho ông nỗi vui mừng khôn tả, sự thật đó  được ông lớn tiếng nói rằng: “Muôn Lạy Chúa… Chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (x.Lc 2, 30-32).

Ánh sáng đó, vinh quang đó  ông thấy, ông thấy từ nơi Hài Nhi mà ông đang ẵm trên tay. Ông chúc phúc, những lời chúc phúc đậm dấu ấn của nhà tiên tri, rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…”

Chưa hết, ông còn nói tiên tri về bà Maria, rằng “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (x.Lc 2, …35).

Đối diện với những lời tiên tri đó, gia đình thánh gia chỉ biết thinh lặng. Không phải là “một sự thinh lặng đáng sợ”, nhưng là sự thinh lặng của niềm phó thác. Chính niềm phó thác này đã tạo ra một gia thất thánh, một gia thất sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Hôm ấy, còn có một người đàn bà tên là Anna. Chuyện kể rằng: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc…”.

Hôm đó, sau một ngày “làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền” Gia đình Thánh  Gia trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. (x.Lc 2, 40).

Như đã nói ở trên, năm nay, theo lời đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta được biết, đó là năm “Đồng hành với các gia đình trẻ”.

Ai… ai sẽ là ngừoi đồng hành với những gia đình này, nếu không là chính Đức Giê-su Ki-tô! Ai sẽ là người đồng hành với những gia đình này, nếu không là gia đình thánh gia!

Là một Kitô hữu,không gì tốt hơn là, chúng ta hãy nhìn, hãy lấy gia đình Giuse-Maria-Giêsu, như là người bạn đồng hành cho  gia đình mình.

Tại sao phải lấy  gia đình “Giu-se Maria Giêsu”  như là người bạn đồng hành? Thưa, là bởi, nơi đó có một gương sáng thánh tử Giê-su biết “vâng lệnh Đức Chúa” cũng như “hằng vâng phục” cha mẹ mình. Nơi đó, còn có một gương sáng khác là bà Mẹ Maria “hằng luôn ghi nhớ tất cả những điều” Chúa truyền dạy. Và cuối cùng, nơi đó, có một người cha Giu-se luôn sẵn sàng “cực lòng vì con”.

Thế còn, những “gia đình mẫu mực” do truyền thông hôm nay truyền bá, thì sao? Thưa, đó chỉ là những mẫu mực khập khễnh, những mẫu mực dối trá tô hồng, của một thứ chủ thuyết vô thần, không đáng tin cậy.

Chúng ta cứ nhìn xem, điều gì đang xảy ra trên đất nước, nơi chúng ta đang cư ngụ. Vâng, đó là: nhiều gia đình leo lét trong bão giông. Theo thống kê (đã cũ), chỉ  tính riêng năm 2012 ở Việt Nam đã có gần 100.000 vụ ly hôn, con số này chiếm gần 35-40% tổng số đôi hôn nhân ở Việt Nam trong năm. Điều đáng nói là trong số đó có hơn 70% là số gia đình trẻ (tuổi 22-30). Theo phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh.

Điều đáng nói là số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010. Thêm nữa, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 60-70 %”. (nguồn: internet)

Đừng cho rằng, chúng ta, chỉ là những phàm nhân, đầy yếu đuối và tội lỗi, làm sao có thể sống như cách sống của gia thất thánh, một gia thất có hai vị “thánh Maria-Giuse” và một vị là “Con Đấng Tối Cao”…

Nghĩ như thế, có phải là một cách nghĩ quá thiển cận? Thưa, đúng vậy. Đức Maria và thánh Giu-se, hai vị chỉ được gọi là “thánh” sau khi họ đã qua đời. Khi hai vị còn tại thế, một vị chỉ là “bác thợ mộc”, còn vị kia chỉ là “bà Maria”, mà thôi.

Mà, nếu… Đức Maria và thánh Giu-se được gọi là “thánh” khi còn tại thế, thì cách nên thánh của hai vị cũng không quá khó để chúng ta noi theo. Vâng, rất giản dị, chỉ hai chữ “vâng lời” đối với Đức Maria và “vâng phục” đối với Thánh Giuse.

Thiên Chúa, đừng nghĩ rằng, Người sẽ bắt chúng ta phải “vâng lời và vâng phục” giống như cách Đức Maria và thánh Giuse đã vâng lời và vâng phục, xưa kia.

Hôm nay, điều chúng ta cần vâng lời và vâng phục, chính là “tuân giữ các điều răn của (Thiên Chúa) và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3, …22). Mà điều răn của Chúa nào có khó giữ đâu! Chỉ là “mến Chúa yêu người”, mà thôi.

Còn “làm đẹp ý Người ư!” Vâng, ý của Người là: thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Và thứ hai, cũng không kém phần quan trọng, đó là: “Chớ muốn vợ chồng người”.

Thưa Bạn, Bạn có thấy “ý của Người” là một “ý tốt” đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình? Vâng, câu trả lời là của quý bạn, thế nhưng, hãy nhớ rằng, Kinh Thánh có lời khuyên: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể” (x.Tv 119, 14)

Thực thí “ý của Người”, nói rõ hơn, thực thi ý Thiên Chúa, có phần chắc gia đình sẽ không phải là địa ngục, nhưng sẽ là một “tổ ấm”, một tổ ấm tràn ngập hai chữ “yêu thương”.

Cuối cùng, và cũng không kém phần quan trọng, đó là: Nếu  gia đình thánh gia xưa đã tiến-dâng-Đức-Giê-su-cho-Thiên-Chúa, thì hôm nay, chúng ta hãy “tiến dâng gia đình mình cho Thiên Chúa”.

Petrus.tran

 

Trả lời