Hãy thỏa lòng với những gì Chúa ban

 

Hãy thỏa lòng với những gì Chúa banSách Châm Ngôn có lời dạy rằng: “Trái tim lành mạnh là sức sống của thân thể, nhưng lòng ghen tỵ là ung thư ăn mục tới xương” (Cn 14, 30)

Ghen tỵ là gì mà lại được ví như căn bệnh ung thư! Thưa, theo từ điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa, thì, ghen tỵ nghĩa là “So tính hơn thiệt giữa mình với người, và khó chịu khi thấy người ta hơn mình”. Và, một khi lòng ghen tỵ nổi lên thì kinh khủng lắm lắm…

Người xưa có chuyện kể rằng: “Có hai chủ cửa hàng là đối thủ cạnh tranh của nhau. Hàng ngày, người chủ này theo dõi công việc kinh doanh của người chủ kia. Nếu người chủ này có khách hàng, lập tức ông ta sẽ cười khoái chí trước sự không may của người chủ kia.

Một đêm nọ, trong một giấc mơ, người chủ này thấy một vị thần hiện ra và nói: ‘Ta sẽ cho ngươi bất cứ điều gì ngươi cầu xin, nhưng bất cứ điều gì ngươi nhận được thì đối thủ của người sẽ nhận gấp đôi. Điều ước của ngươi là gì?’ Người chủ này cau mày rồi nói: ‘Hãy cho tôi mù một mắt’…” (nguồn: internet)

Vâng, chỉ là một câu chuyện giả tưởng. Thế nhưng, đừng nghĩ rằng trong thực tế của cuộc sống, chuyện như thế này sẽ không bao giờ xảy ra. Nó đã xảy ra, và xảy ra còn kinh khủng hơn thế nữa.

Kinh Thánh có lời chép rằng: “Sự ghen tỵ gây điều cãi vã”. Và, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã không tiếc lời lên án thói ghen tỵ. Một trong những thông điệp, có thể được xem là thông điệp lên án thói xấu này mạnh mẽ nhất được Ngài đưa ra, đó chính là dụ ngôn “thợ làm vườn nho”.

Câu chuyện ngụ ngôn được kể rằng: “Có một gia chủ kia vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình”. Về tiền công thợ, vâng, gia chủ kia “đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền”. Và ông hứa rằng sẽ trả tiền thuê “hợp lẽ công bằng”.

Còn việc mướn thợ ư! Rất thoải mái. Có người được ông thuê từ sáng sớm. Có người được thuê vào “khoảng giờ thứ ba”. Có người được thuê “khoảng giờ thứ sáu (và) giờ thứ chín”. Lại có người được thuê “khoảng giờ mười một”. Chính cách thuê mướn kiểu này, nó đã làm cho câu chuyện thêm phần ly kỳ. Vâng, thật ly kỳ khi chiều đến, khi mà đã hết giờ làm việc… ông chủ sai người quản lý “gọi thợ lại mà trả tiền công cho họ”.

Cứ tưởng rằng,  đây chính là lúc những người được thuê mừng vui nở những nụ cười. Trái lại, cười đâu không thấy, lại thấy một số người thợ “cằn nhằn gia chủ”. Cằn nhằn chuyện gì thế! Thưa, vì cách thức chi trả tiền công của gia chủ. Ông chủ chi trả thế nào mà họ cằn nhằn? Thưa, hôm ấy, ông chi trả cho  những người mới vào làm lúc giờ mười một, “ngang bằng” những người vào làm trước nhất, nghĩa là ai ai cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.

Đó… đó chính là lý do một số người thợ ghen tỵ. Và họ đã cằn nhằn gia chủ rằng, “mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (x.Mt 20, 12).

Cứ tưởng rằng, sau khi nghe lời ta thán của họ, ông chủ sẽ tăng thêm tiền công. Thế nhưng, đó là lời ta thán phi lý, vì thế ông chủ đã nói với họ rằng, “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao?”

Thật đúng như người xưa đã nói: “Ghen ăn tức ở muôn đời khổ”. Vâng, hôm ấy, tuy thánh sử Mát-thêu không nói gì, nhưng chúng ta có thể tin rằng, nhóm thợ cằn nhằn ông chủ sẽ rất “khổ”, khổ vì lời cằn nhằn của mình trở thành công cốc.

Còn cách hành xử ông chủ thì sao, nhỉ! Thưa, chẳng có gì phi lý. Hôm ấy, ông ta đã có lời rằng: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao!”.

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su phán rằng, “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”. Tại sao Đức Giê-su lại phán như thế! Thưa, là bởi, Ngài muốn gửi đến các môn đệ xưa, và hôm nay là cho chúng ta một thông điệp, thông điệp rằng: “GHEN TỴ” không có chỗ đứng trong “Vườn Nho Nước Trời”.

Ghen tỵ không được hoan nghênh ở Nước Trời. Thế nên, hãy luôn tự hỏi mình rằng: “Tôi có thường ghen tỵ… tôi có thường ghen tức?”. Nếu tôi có, nếu chúng ta có… hãy coi chừng, vì thánh Phao-lô đã cảnh báo rằng: “Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (x.Cor 3, 3)

Lm. Gioan Vianney, trong một bài giảng, có lời chia sẻ rằng, ghen tỵ dẫn đến việc “nói xấu, vu khống, xảo quyệt, lập đi lập lại những gì mình biết. Còn những gì không biết, thì bịa đặt ra, hay thổi phồng lên…”

Chưa hết, sự ghen tỵ còn gây ra nhiều hậu quả vô lường. Nó có thể gây ra sự thù ghét, bất công và giết người. Kinh Thánh đã ghi lại rất nhiều câu chuyện bi thương do bởi sự ghen tỵ mà ra.

Đầu tiên là câu chuyện Cain và Abel. Chuyện kể rằng: một hôm “Cain lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA. Abel cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ĐỨC CHÚA đoái nhìn đến Abel và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn”.

Chỉ có thế thôi. Thay vì Cain nhận ra tình trạng vì sao lại nên nỗi này, thì ông ta lại để cho sự ghen tỵ nảy nở trong tâm hồn mình, cuối cùng vì không chế ngự được nỗi ghen tỵ, ông ta đã giết em mình.

Câu chuyện tiếp theo thê thảm không kém. Đó là câu chuyện những người con của Gia-cóp. Mười người anh của Giu-se nổi cơn “ghen tỵ” chỉ vì chàng ta được cha mình thương yêu cách đặc biệt. Những người anh này càng căm ghét hơn khi chàng Giu-se kể một giấc mơ mang đầy ý nghĩa xấu về họ. Lòng ghen tỵ và sự căm ghét khiến họ muốn giết chàng Giu-se. Để rồi, cuối cùng, những người anh em này bán chàng ta cho người Ít-ma-nê. (x.St 37, 27-28)

Làm cách nào để chúng ta không bị sự ghen tỵ ngự trị trong tâm hồn mình? Thưa, thánh Phê-rô cho chúng ta lời khuyên, khuyên rằng: thứ nhất “vâng phục sự thật”,  thứ hai “thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành” và cuối cùng là “hãy tha thiết yếu mến nhau với cả tâm hồn”(x.1Phi 1, 22)

Phương cách nào giúp ta giải thoát thói xấu này? Thưa, thánh Phao-lô chỉ giáo: “Người có tình yêu thương thì không ghen tỵ, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng”.

Cuối cùng hãy “vui với người đang vui”. Tại sao? Thưa, là bởi, vui với người thành công hơn ta, vui với người may mắn hơn ta, trong tâm hồn ta còn chỗ nào cho sự ghen tỵ ngự trị!

Là một Ki-tô hữu,  một cách nào đó, chúng ta chính là những người được gọi “vào làm việc trong vườn nho Giáo Hội ”. Dù ta là kẻ vào làm “khoảng giờ thứ ba” hay “khoảng giờ thứ sáu” hoặc “giờ thứ chin… thứ mười một”, thì, chúng ta đều “thuộc về ông chủ Vườn Nho là Đức Ki-tô Giê-su”.

Đừng bao giờ để chúng ta trở thành nhóm thợ “cằn nhằn gia chủ”. Vâng, khó đấy. Khó, nhưng chúng ta không thể không tìm cách tách khỏi đám thợ cằn nhằn này. Cách nào đây? Thưa, hãy mặc lấy tâm tình của thánh Phao-lô, tâm tình rằng; “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô…”. Vâng, một khi chúng ta sống có Đức Ki-tô… có sự nhân từ và lòng quảng đại của Ngài trong tôi… thì, làm sao trong tôi bùng lên sự ghen tỵ, cho được!

Sống có Đức Ki-tô… làm sao trong ta lại có thề “cằn nhằn… càu nhàu” ông chủ Thiên Chúa của chúng ta, như những người thợ làm vườn nho xưa, cho được!

Và, cuối cùng, hãy luôn ghi khắc trong con tim mình, rằng: Thiên Chúa thật tốt lành. Ngài đã chu cấp mọi điều chúng ta cần. Hãy thỏa lòng với mọi điều mình có, và hãy biết rằng ngoài Thiên Chúa, chúng ta sẽ không thể có được một sự sống tốt đẹp như hôm nay.

Có được một tâm tình như thế, lẽ nào chúng ta không trục xuất được sự ghen tỵ ra khỏi tâm hồn mình!

Nói tắt một lời: Hãy thỏa lòng với những gì Thiên Chúa ban.

Petrus.tran

 

 

 

Trả lời