Hãy sám hối để được ơn tha tội…

 

Hãy sám hối để được ơn tha tội…Là một tín hữu Công Giáo, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết ngày 25/12 hằng năm là ngày toàn thể Giáo Hội long trọng kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh. Để tiến hành kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh, Giáo Hội  dành riêng bốn tuần lễ, và được gọi một cách đặc biệt là Mùa Vọng, như một sự chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này.

Trong bốn tuần lễ này, có thể nói, là bốn tuần của những lời mời gọi, những lời mời gọi mà Giáo Hội muốn người tín hữu nghe lại, hầu củng cố thêm cho đời sống đức tin của mình.

Lời mời gọi thứ nhất, (chúng ta đã được nghe tuần trước), đó là “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Và, hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, Giáo Hội gởi đến người tín hữu lời mời gọi thứ hai, mời gọi rằng: “hãy tỏ lòng sám hối”.

Nói tới việc kêu gọi sám hối, có thể nói rằng, ông Gio-an chính là người lớn tiếng kêu gọi mạnh mẽ nhất. Ông đã coi việc này như là điều kiện tiên quyết để được ơn tha tội.

Ông Gio-an là ai? Thưa, trước hết, theo truyền thống, chúng ta còn gọi ông là Gio-an Tẩy Giả. Còn theo Kinh Thánh cho biết, ông là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Mẹ của ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của cha ông là Dacaria, đã cho ông ra đời  cách đặc biệt.

Sau khi sinh được tám ngày, lúc ông Gioan chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Và quả thật, ba mươi năm sau đó, trong khi ông Gio-an đang sống trong hoang địa, và khi có lời Thiên Chúa phán cùng ông, Kinh Thánh  chép rằng: “ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-dan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3)

Lời kêu gọi của ông gợi nhớ lời tiên tri được chép trong sách ngôn sứ Isaia, rằng : “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”.  Theo thánh sử Mát-thêu, lời tiên tri này chính là nói về ông. (x.Mt 3, 3).

Tất cả… tất cả lời rao giảng của ông đều quy hướng về một Đấng Mê-si-a,  Đấng mà ông đã nói; “tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Tất cả lời rao giảng của ông đều là lời mời gọi “hãy tỏ lòng sám hối”.

Như đã nói ở trên, trước ngày kỷ niệm mừng Chúa Giê-su Giáng Sinh, chúng ta có bốn tuần chuẩn bị gọi là Mùa Vọng. Và hôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật II – Mùa Vọng.

Như vậy, một phần tư thời gian của Mùa Vọng đã trôi qua. Một phần tư thời gian đã trôi qua, có còn quá sớm, hay đã tới lúc chúng ta cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho một ngày Giáng Sinh một cách tốt đẹp nhất!

Đã… đã tới lúc. Thật vậy, nếu đi rảo quanh một vài giáo xứ, mọi sự chuẩn bị gần như đã hoàn tất. Tại những giáo xứ thuộc quận tám như: Bình An, Bình An Thượng v.v… một nơi có truyền thống trang trí hang đá Giáng Sinh. Từ trong nhà cho đến ngoài phố, người người tất bật dọn dẹp đường sá, những đống rác đổ bừa bãi được dọn dẹp, những vũng nước đọng bên lề đường được quét sạch và lấp đầy v.v…  Cuối cùng, những hang đá Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện. Những hình ảnh liên quan đến Noel bắt đầu được trưng bày rất bắt mắt.

Qua những hình ảnh đó, qua những công việc đó, một cách nào đó, phải chăng chúng ta đã  “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”?

Thưa không sai nhưng chưa đủ, chưa đủ là bởi những việc làm đó chỉ là “bề nổi”, điều quan trọng, quan trọng hơn đó là “chiều sâu”, chiều sâu của tâm hồn, của trái tim, nói cách khác, đó là chiều sâu của đức tin của mình.

Dọn sạch rác rưởi lề đường, quét sạch những vũng nước đọng để có chỗ thiết kế một hang đá Giáng Sinh, với những ngọn đèn lung linh, có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài đồng Giêsu, có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu v.v… Vâng, đó là một truyền thống tốt đẹp.

Thế nhưng, sẽ thật sự thêm tốt đẹp, đó là hãy dọn dẹp con đường, “con đường tâm hồn” của ta, một con đường đầy những “rác rưởi của tội lỗi”, một con đường đầy những quanh co của dối trá, một con đường lồi lõm của sự kiêu căng, của sự ngạo mạn, một con đường đầy những hố sâu của sự chia rẽ, của những đam mê v.v…

Chưa hết, sẽ thật sự thêm tốt đẹp, đó là chúng ta cần thiết kế một hang-đá-tâm-hồn được trang trí bởi những “dây đèn Lời Chúa”, với những “trái châu Thánh Thần” và quan trọng hơn cả, đó là: lắng nghe lời kêu gọi của ông Gio-an Tẩy Giả, kêu gọi, rằng: “hãy tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Đừng… đừng coi nhẹ lời kêu gọi này. Không coi nhẹ là bởi, hôm nay, tuy  chúng ta chuẩn bị cho việc mừng lễ kỷ niệm ngày Đức Giê-su Giê-su đến thế gian lần thứ nhất. Thế nhưng, trong sâu thẳm của đức tin, chúng ta lại đang đón ngày Người đến thế gian lần thứ hai, đến “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Thế nên, hãy để một vài giây phút hồi tâm và hãy tự hỏi lòng mình rằng: “Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta, đã bao nhiêu lần chúng ta thực thi lời kêu gọi của ông Gioan tiền hô “Hãy tỏ lòng sám hối”? Đã có bao nhiêu lần Mùa Vọng đi qua đời ta, đã bao nhiêu lần chúng ta “Thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu sót?”

Có một điều chúng ta hay lầm lẫn, đó là, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng, mình sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội, không gian dâm, không trộm cắp, không bất công với ai, thì có gì phải “sám hối”.

Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Rm 3, 23).

Còn vua David, ông nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Tv 51, 7).

Vâng, qua lời nói của thánh Phao-lô và qua lời thú nhận của vua David, có quá đủ để chúng ta nhận ra rằng: tôi cần tỏ lòng sám hối!

Câu trả lời là của  mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, chỉ những ai thật sự sám hối, người đó mới có thể: “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Đó là lời ông Gio-an Tẩy Giả nói. Còn Đức Giê-su… Đức Giê-su trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã không ngừng cất tiếng kêu gọi: “Anh em hãy sám hối”.

Thưa quý ông bà và anh chị em, là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không muốn mình được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”! Thế nên, ngay hôm nay, đừng chần chờ gì nữa, mà hãy đến tòa cáo giải “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Vâng, chúng ta “hãy sám hối để được ơn tha tội”.

Petrus.tran

 

Trả lời