Hãy ở lại trong Thầy và sinh hoa trái

Hãy ở lại trong Thầy và sinh hoa trái

Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quí vị,

Hãy ở lại trong Thầy và sinh hoa tráiMỗi ngày bao nhiêu lần chúng ta bắt đầu câu nói bằng “tôi…” Tôi đói. Tôi mệt. Tôi sắp đi chợ. v.v. Đó mới chỉ là phần nào của những lời nói hằng ngày. Nhưng trong Tin Mừng theo thánh Gioan, khi Đức Giêsu tuyên bố “Tôi là,” nó chứa đựng ý nghĩa sâu xa.

Đoạn Tin Mừng hôm nay trích từ đoạn giữa của diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu (Ga 13, 1-17, 24). Không có cuộc đối thoại nào tại thời điểm này, chỉ một mình Đức Giêsu nói với các tông đồ. Trong phần này, không có gì liên quan đến chuyện chuẩn bị cho bữa tiệc, chẳng hạn: sẽ ăn gì và việc chúc lành bánh rượu. Tin Mừng nhất lãm có đề cập đến những điều đó. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu biết chắc những gì đang diễn ra. Người nói Người sẽ bị phản bội và sẽ trở về cùng Thiên Chúa Cha. Người rửa chân cho các môn đệ và dạy các ông phải yêu thương phục vụ lẫn nhau. Chẳng bao lâu nữa Người sẽ ra đi, nhưng hứa cũng sẽ quay lại.

Đoạn Tin Mừng bắt đầu với lời tuyên bố “Tôi là”. Ta nhớ lại Chủ Nhật tuần trước Người đã nói “Tôi chính là Mục tử nhân lành” (Ga 10, 11-18). Hôm nay, tại bàn ăn, Người lại nói “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho.”

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đề cập về chính mình tới 7 lần khi nói rằng “ta là.” Chẳng hạn, “Ta là bánh hằng sống”, “Ta là sự sống lại và là sự sống”, “Ta là nước hằng sống” .v.v. Khi bị những người Pharisiêu chất vấn “Ông tự coi mình là ai?” Người trả lời “Trước khi có ông Apraham thì tôi, tôi hằng hữu” (Ga 8, 57-59). Những người Pharisiêu hiểu Đức Giêsu đang tuyên bố căn tính của Người chính là Thiên Chúa. “Ta hiện hữu” là danh xưng Thiên Chúa đã truyền cho Môsê nói với dân Itsraen, “Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em” (Xh 3, 14).

Câu nói “Ta là” nối kết Đức Giêsu với việc mặc khải thánh danh của Thiên Chúa trong Cựu ước và truyền thống Do Thái giáo. Chẳng hạn, trong sách Êdêkien (20,44) Chúa hứa, “Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” Nói cách khác, dân Chúa sẽ nhận biết Chúa bằng chính những gì Chúa đã làm cho họ – cứu vớt và giải thoát. Khi Đức Giêsu bắt đầu bằng công thức theo Cựu ước “Ta là Đấng hằng hữu”, thì Người nhấn mạnh sự hợp nhất của Người với Thiên Chúa, nghĩa là Người nói như Thiên Chúa nói vậy. Người sẽ thực hiện những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta- cứu vớt và giải thoát chúng ta.

Đức Giêsu đã nói nhiều lần trong Tin Mừng Gioan rằng Người đến để giúp chúng ta nhận biết danh Thiên Chúa (17,6). Tất cả những công việc Người làm đều nhân danh Thiên Chúa (17, 11-12). Dân chúng đã quen thuộc hình ảnh về Thiên Chúa trong Cựu ước như người làm vườn, hoặc là như một người chủ vườn nho. Có lẽ họ cũng biết bài ca vườn nho trong sách Isaia, vườn nho cho nhiều nho dại (5, 17). Chủ vườn nho đến tìm kiếm trái nho tốt, nhưng thay vào đó toàn là sự gian ác. Hình ảnh về Đức Giêsu ngay hôm nay như là “cây nho thật” quả là quen thuộc như những câu nói sốt mến và thánh thiện trên các ảnh thánh. Mặc dù tôi không phải là người làm việc trong vườn nho hay người làm vườn, nhưng tôi vẫn hiểu được ý nghĩa của chúng.

Bối cảnh giúp chúng ta thấy rõ hình ảnh đó. Trước đây, trong chương 13 và 14, Đức Giêsu đã nói chuyện với các môn đệ. Giờ đây chúng ta đang trong buỗi Tiệc ly. Đó là diễn từ từ biệt và Người đã nói với các ông rằng nơi Người đến, các ông sẽ không thể đến được. Người cũng đang nói với chúng ta, những Kitô hữu hiện nay, những người tiếp nối các vị đã đồng bàn với Chúa xưa kia.

Cũng như các tông đồ, chúng ta có thể hỏi, “Chúng con sẽ làm gì nếu không có Ngài?” Chỉ trước câu mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người bạn đồng bàn với mình, “Nào, đứng dậy! Ta đi khỏi đây” (Ga 14,31). Với lời tuyên bố đó diễn từ buổi Tiệc ly bắt đầu. Điều đáng nói ở đây không phải là sự thay đổi nơi chốn, họ không đứng dậy để tới nơi nào cả. Thay vào đó, chúng ta ở ngay tại bàn ăn với họ để tìm kiếm một thông điệp sâu xa hơn. Phải chăng Đức Giêsu mời gọi chúng ta đứng dậy và ra đi? Nếu chúng ta là những nhánh được gắn chặt với Đức Kitô, cây nho của chúng ta, và nếu Chúa Cha, người làm vườn, đang liên lỉ cắt tỉa chúng ta, dù chúng ta có ở đâu đi nữa, thì chúng ta có Đức Giêsu vẫn luôn ở trong chúng ta. Chắc chắn chúng ta không muốn đóng khung trong một cộng đoàn nhỏ bé và ấm cúng. Người đã rửa chân cho chúng ta tại bàn ăn và mời gọi chúng ta ra đi và làm như vậy cho tha nhân. “Phục vụ” là tên gọi của hành trình đó.

Hình ảnh cây nho đảm bảo chúng ta liên kết chặt chẽ với Đức Kitô và với nhau. Đối với một cộng đoàn ý thức được sứ mạng của mình, thì hình ảnh thiêng liêng ấy có ý nghĩa thật quan trọng. Chúng ta sẽ đi vào dòng đời, chịu tất cả những quyến rũ, dối trá và giá trị của thế gian. Nếu chúng ta không phải là một Giáo Hội để phục vụ nhân loại, thì hình ảnh về cây nho chẳng còn ý nghĩa gì mà chỉ là món đồ trang trí trên tường mà thôi.

Những chọn lựa vì niềm tin có thể tách chúng ta khỏi những giá trị cũng như cách sống giữa chúng ta với những người thân quen. Đây là sự cắt tỉa chúng ta trải nghiệm khi phải chọn lựa vì niềm tin của mình. Chúa cắt tỉa để chúng ta sinh được nhiều hoa trái. Đức Giêsu nói, “hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em.” Dẫu cho các công việc của Giáo Hội có ý hướng tốt và cao thượng tới đâu, mà nếu không có Chúa ở cùng thì chúng ta chẳng khác nào là những cành nho không hoa trái.

Tại bữa Tiệc ly, khi Đức Giêsu nói “Thầy là cây nho thật,” Người đang muốn nói với cộng đoàn rằng dẫu Người sớm ra đi nhưng Người sẽ tiếp tục hiện diện với họ. Hơn nữa, vì là “cây nho thật” Người sẽ nuôi dưỡng và nâng đỡ họ. Những môn đệ Dothái của Người có lẽ hiểu được ẩn dụ cây nho nhờ Cưu ước. Đấy là một biểu tượng của Israel (Ed 17, 6-8; Tv 80, 8-19). Khi Đức Giêsu nói về mình “Ta là,” Người đang nói với dân chúng rằng Người sẽ thiết lập một Israel mới và Người sẽ là sự sống và trợ lực cho cộng đoàn mới này.

Chúng ta không nên vội vàng bỏ qua trích đoạn Tin Mừng này. Các hình ảnh trong Tin Mừng Gioan đều rất phong phú và ý nghĩa. Không có cuốn từ điển nào giới hạn nghĩa mà Gioan muốn trao ban cho chúng ta. Vì thế, chúng ta tự hỏi, chúng ta cần gì xét như là những Kitô hữu riêng biệt và xét như là một Giáo Hội? Dưới ánh sáng của thế giới hiện đại, đối với chúng ta, những hình ảnh ẩn dụ này có ý nghĩa gì khi ngày nay chúng ta nghe thấy: “cây nho thật”, “người trồng nho,” “sinh hoa trái,” “cắt tỉa,” “ở lại trong Thầy” .v.v?

Chúng ta sẽ luôn cần có sự canh tân, hay nói theo dụ ngôn là cần phải được “cắt tỉa”. Một nguồn mạch quan trọng để có được sự canh tân này nhằm giúp chúng ta “ở lại” trong Đức Giêsu, là lời Kinh Thánh: “Nếu anh em ở lại trong Thầy, thì lời Thầy sẽ ở lại trong anh em…” Một lần nữa chúng ta lại được nghe tiếng vọng giáo huấn của Giáo Hội từ xa xưa về sự hiện diện của Đức Kitô cho chúng ta trong Lời Chúa. Chúng ta, những người đang phụng thờ Thiên Chúa được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc chú tâm lắng nghe Lời được công bố trong cử hành phụng vụ. Chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm và lắng nghe Lời khi cầu nguyện, suy tư và chia sẻ Lời Chúa. Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện việc này một cách đều đặn trong hoàn cảnh của mình? Làm thế nào chúng ta vẫn gắn chặt với “cây nho thật” và ở lại trong lời của Người? Đấy chính là một hình thức xét mình mà Đức Giêsu đề nghị với chúng ta ngày hôm nay khi Người thôi thúc chúng ta, “hãy ở lại trong Thầy.”

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời