Hãy kiên nhẫn chờ đợi ơn Chúa Thánh Thần!

Lễ Chúa Thăng Thiên A – 2014

Hãy kiên nhẫn chờ đợi ơn Chúa Thánh Thần!

Cv 1,1-11; Tv 47; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Hãy kiên nhẫn chờ đợi ơn Chúa Thánh Thần!Kính thưa quý vị,

Sách Công vụ Tông đồ bắt đầu với một lệnh truyền của Đức Kitô phục sinh, bảo phải chờ đợi. Tôi thắc mắc tự hỏi, trước một lệnh truyền như thế của Chúa, thì trong cộng đoàn sơ khởi khi ấy liệu những người đang nóng lòng muốn làm một cái gì đó có cảm thấy thất vọng hay không. Như bạn thấy đó, họ háo hức muốn bắt tay thay đổi mọi chuyện – và rõ là họ hoàn toàn sai lầm trong nhận định. Chính câu hỏi họ đặt ra, cho thấy họ đang lạc hướng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Dĩ nhiên, họ chỉ có ý nói tới một vương quốc Israel hùng mạnh hiểu theo nghĩa trần tục, chính trị và quân sự. Đức Giêsu cho họ biết, không phải như thế, và họ phải chờ đợi phép rửa của Thánh Thần, rồi khi ấy họ mới hiểu được làm chứng cho Đức Giêsu nghĩa là thế nào, và biết được họ phải làm chứng ở đâu.

Đức Giêsu muốn họ thoát ra khỏi lối nhìn hạn hẹp, những thành kiến, những lệch lạc khi nhận định về ý nghĩa, và mục đích cuộc đời của Người. Người cũng muốn họ đi xa hơn, ra khỏi biên cương của Israel để làm chứng cho Người. Người nói họ sẽ là những chứng nhân của Người: “Trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Để thực hiện được tất cả những điều này, họ cần phải được trợ lực, bởi vậy, họ đã ý thức là mình phải biết cậy dựa vào Thiên Chúa, và chờ đợi niềm vui của Thiên Chúa đổ tràn, niềm vui đó chính là sức mạnh trợ giúp họ.

Chúng ta không mấy kiên trì trong việc chờ đợi. Nếu chờ đợi mà không có kết quả ngay thì ta dễ mệt mỏi. Nào là xếp hàng chờ đến phiên, chờ đèn đường, chờ đám trẻ đi chơi về, đưa cha mẹ già đến phòng mạch và chờ khám bệnh, chờ mong chiến tranh Syria chấm dứt. Thú thực, chúng ta không kiên nhẫn trong chờ đợi. Tại sao chờ đợi lại mệt mỏi như thế? Bởi vì, chờ đợi nghĩa là, ai đó hoặc một quyền lực nào đó nắm quyền chủ động chứ không phải chúng ta. Chuyện mất quyền kiểm soát và trở thành đối tượng để cho những sức mạnh khác điều khiển nhắc nhớ chúng ta về sự hữu hạn và mỏng manh của mình.

Đức Giêsu truyền cho các môn đệ phải “chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa”. Họ không thể tự ý mình, ra đi loan báo về cuộc phục sinh của Người. Họ là một nhóm người nhỏ bé, nhát đảm đến độ chẳng đủ sức để tự lập, tự quyết được, và như các sách Tin Mừng cho thấy, họ dễ sai lệch, hiểu sai hoàn toàn sứ điệp của Đức Giêsu. Và hơn thế nữa, họ còn tháo chạy khi cơn khốn khó xảy đến. Cậy dựa vào sức riêng mình, họ sẽ hoá ra lầm lạc, và có thể sa đà, thoả hiệp chấp nhận những cách thế không phải của Đức Giêsu. Trong quá khứ, chẳng phải chúng ta đã từng phạm phải những sai lỗi khá là nặng nề khi quan niệm, nhìn nhận về sứ điệp và những cách thế của Người hay sao? Trong quá khứ, đã khối lần chúng ta khuếch trương tôn giáo của mình bằng rửa tội cưỡng bức, và chà đạp phẩm giá, cũng như coi thường văn hoá của những nền văn minh. Ngoài ra, giống như các môn đệ thuở ban đầu, những lúc phải thể hiện can đảm thì chúng ta lại tỏ ra hèn nhát.

Giống như các môn đệ, chúng ta cũng phải biết “dừng lại”, kiềm chế và chờ đợi điều Thiên Chúa hứa được thực hiện. Hơn nữa, mọi chuyện sẽ được thực hiện vào đúng kỳ hạn theo như sự hoạch định của Thiên Chúa, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta lúc nào cũng chỉ sốt ruột để hành động, có đúng thế không? Chúng ta có những dự tính, kế hoạch của riêng mình, và chúng ta muốn mọi chuyện được xúc tiến. Ngay cả khi những kế hoạch và ý định của chúng ta tốt đẹp, hướng tới một mục tiêu tốt lành, thì những kế hoạch và ý định ấy nằm ở đâu trong kế hoạch của Thiên Chúa? Liệu chúng ta có biết điều này không? Đã bao giờ chúng ta thắc mắc tìm hiểu chưa? Đã bao giờ chúng ta lắng nghe để được hướng dẫn? Có lẽ chúng ta cần học biết, chẳng những là mau mắn thực thi các công việc, mà còn phải học biết chờ đợi nữa. Không chỉ biết cắm cúi làm việc, nhưng còn phải biết cách ở yên! Chờ đợi Thánh Thần là một đảo phách trong nhịp hoạt động bình thường của chúng ta.

Ngay cả khi Đức Kitô nói với các môn đệ về sứ mệnh được mở rộng “đến tận cùng trái đất” của họ, thánh Luca cũng không muốn chúng ta bỏ quên những chuyện xảy ra ở Giêrusalem. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện trên đường Emmau (Lc 24,13-35, Chúa nhật III Phục Sinh) cùng với sự thất vọng, ngã lòng của các môn đệ trong cuộc. “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng…”, hai môn đệ nói với Người Khách Lạ như vậy. Hy vọng của họ, chắc chắn được đóng khung bởi cách họ quan niệm về sự chiến thắng, sự thành công của Đức Giêsu, cũng như cách họ nhìn nhận về bản thân nữa. Nhưng qua việc giải thích Sách Thánh cho họ “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ”, Đức Giêsu đã nhắc cho họ nhớ rằng, đau khổ là một phần trong sứ mệnh và đời sống của Người. Giờ đây, qua phần nội dung sách Công vụ Tông đồ được trích đọc hôm nay, thánh Luca cũng nhắc nhớ chúng ta một lần nữa, về mối liên hệ đó, mối liên hệ giữa sứ mệnh và những đau khổ của Đức Giêsu, khi tác giả thuật lại rằng, Đức Kitô đã “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình”. Đức Giêsu, và giờ là các tông đồ, không thể nào tránh khỏi những đau khổ vốn gắn liền với lời rao giảng. Bởi thế, với các môn đệ, là những người sẽ sống và loan báo Tin Mừng, đau khổ là cái giá mà họ và cả chúng ta nữa phải trả cho niềm tin và sứ mệnh của mình.

Chúng ta cần phải chờ đợi để đón nhận được hồng ân của Thánh Thần, Đấng bảo bọc và kiện cường chúng ta khi mọi chuyện hoá ra khốn đốn cùng cực. Chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân cho Đức Giêsu, qua việc sống trọn vẹn cuộc đời của mình, cũng như dấn thân theo những đường lối của Người. Nếu chúng ta trung tín tuân giữ những gì Thánh Thần chỉ bảo chúng ta, khi chúng ta làm việc, cư xử với gia đình, khi chúng ta đến trường, khi chúng ta hoạt động chính trị,… thì chắc chắn sẽ có những đau khổ. Hay thậm chí tệ hại hơn nữa, chúng ta bị coi thường, bị khinh khi như những kẻ không thực tế, bị loại ra như những kẻ mơ mộng hão huyền. Chúng ta cần được đón nhận ơn của Chúa Thánh Thần – và sự chờ đợi sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Thomas Troeger, một mục sư và nhà giảng thuyết thuộc phái Trưởng Lão, trong một bài giảng lễ Thăng Thiên, [năm 1982], đã mô tả lại tâm trạng hoang mang của các môn đệ và hội thánh sơ khai, trong khi mong chờ ngày hoàn tất Triều Đại của Thiên Chúa. Ông nói, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hiểu được hoang mang nghĩa là thế nào. Sau khi đã trao gửi cuộc đời mình cho Đức Giêsu Kitô, những gì chúng ta nghiệm thấy không phải là sự chiến thắng, nhưng là một sự pha trộn giữa chiến thắng và thất bại. Đã có gì thực sự thay đổi chưa? Niềm tin mà chúng ta có, đã giúp tạo ra điều chi khác biệt chưa? Ông thắc mắc tự hỏi, “Khi nào mọi thứ mới hoà hợp thống nhất với nhau một cách bền lâu?” Tiếp đến, vị mục sư Troeger trích dẫn những dòng thơ của Yeats để mô tả thế giới của chúng ta rằng:

Mọi thứ sụp đổ tan tành; cây cột chính không chống đỡ nổi;

Sự hỗn loạn lan tràn cõi đất,

Cơn thuỷ triều hắc huyết tràn dâng lên, và mọi nơi…

Mọi thứ tinh tuyền, tốt đẹp bị vùi lấp;

Điều tốt lành nhất thiếu thuyết phục, trong khi thứ tệ hại nhất lại lên ngôi.

(Trích thi phẩm Đến Lần Thứ Hai của William Butler Yeats)

Chúng ta hóa ra mệt mỏi vì chờ đợi. Cùng với Yeats, chúng ta nói lên niềm khát mong của mình, “Chắc chắn có điều gì đó sắp được tỏ ra; không nghi ngờ gì nữa Ngày Quang Lâm đã gần kề”. Đó là lời than van, một lời cầu xin khẩn thiết và phó thác. Chúng ta cần được giúp đỡ, một sự giúp đỡ trợ lực, mà tự sức mình, chúng ta không tài nào có được hay chiếm lĩnh được. Mục sư Troeger mời gọi chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa, điều mà hội thánh sơ khai đã nghe được, giữa cơn khốn quẫn và chờ mong của mình. “Chúa Cha đã hoạch định thời cuộc, vận số ra sao; điều đó bạn không cần quan tâm, bạn không cần biết”… Thật khó để chấp nhận những lời này, khi mà nhan nhản quanh chúng ta, những thứ mà chúng ta tai nghe mắt thấy hằng ngày trên kênh tin tức mỗi tối: hình ảnh và tiếng ồn ã của nhiều ngàn người tị nạn Syria, cảnh các cô gái bị bắt cóc ở Nigeria, xác chết của một vụ xả súng giết người hàng loạt khác ở trường cao đẳng Santa Barbara, cùng với những cảnh nghèo đói dai dẳng ngay giữa một đất nước phồn vinh như nước Mỹ. Mục sư Troeger nhắc nhớ chúng ta, về những gì chúng ta đang có, đó là niềm tin tưởng rằng, Đức Giêsu hằng hiển trị, và Người sẽ sai Thánh Thần đến, giúp chúng ta sống như chúng ta được đòi hỏi. Chúng ta không thể cưỡng bách, hay thúc ép Thánh Thần được, vì đó là một ân huệ vẫn hằng tuôn đổ trên chúng ta. Nhưng dầu vậy, đó vẫn là một hồng ân đòi hỏi nơi chúng ta sự kiên nhẫn chờ đợi.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời