Hãy gióng lên hồi chuông ân sủng…

 

Hãy gióng lên hồi chuông ân sủng…Một ngày nọ, Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (x.Mt 11, 11)

Ông Gio-an Tẩy Giả là ai? Thưa, “Ông là một nhà giảng thuyết người Do Thái. Tin Mừng thánh Luca cho biết, ông là con của tư tế Da-ca-ri-a thuộc nhóm A-vi-a, dòng A-ha-ron và chào đời tại Giu-đê Do Thái trước Đức Giê-su khoảng sáu tháng. Ông Gio-an đã xuất hiện công khai tại Galilêa và tại Giu-đê để rao giảng và mời gọi người ta thống hối. Bên cạnh việc rao giảng sám hối, ngài còn cử hành nghi thức Thanh Tẩy cho tất cả những ai đến với ngài, bằng cách dìm họ xuống nước. Vì thế, ngài được gọi là Gio-an Tẩy Giả. Ngài hoạt động trong cả vùng Do-thái lẫn Palestina, và cũng đã có nhiều người nhận mình là môn sinh của ngài. Lịch sử tính của ngài đã được xác nhận bởi sử gia người Do-thái Flavius Josephus.”(nguồn: internet)

Nói tới ông Gio-an Tẩy Giả, Giáo Hội cũng đã trân trọng dành riêng cho ngài hai ngày lễ đặc biệt. Thứ nhất, đó là ngày lễ sinh nhật 24/6 và thứ hai là ngày 29/8, ngày kỷ niệm ngài bị trảm quyết, hằng năm.

Sự trân trọng ông Gio-an Tẩy Giả không chỉ dừng ở những ngày lễ đó nhưng ngài còn được xem như là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho mọi người Ki-tô hữu, một cách đặc biệt vào Mùa Vọng (cũng như Mùa Chay).

Mà thật vậy, với Chúa Nhật II – Mùa Vọng, tiếng chuông thứ nhất đã được ông Gio-an Tẩy Giả đánh vang lên, đó là: tiếng chuông thống thiết kêu gọi mọi người “hãy tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Và, tiếng chuông thứ hai, (của Chúa Nhật III – MV hôm nay), nếu được phép, nên chăng, gọi đó là tiếng “chuông gọi hồn ai”, một tiếng chuông đánh động tâm hồn những ai đang còn vất vưởng đâu đó nơi những đam mê của trần thế, rằng hãy coi chừng trước “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống”, rằng hãy “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”, và rằng: “cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Vâng, tiếng chuông cảnh báo đó đã vang lên, vang lên cách đây hơn hai ngàn năm trước. Tiếng chuông đó có một sức mạnh truyền cảm, truyền cảm đến tâm hồn từng người, từng người một. Và, hồi ấy,  nhiều người đã lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa.

Họ, quả là đã thật sự sám hối, một sự sám hối chân thành, chân thành cất lên những lời tha thiết xin được “đền tội”, mọi người có thể tin như thế. Tin như thế là bởi họ đã cất tiếng hỏi ông Gio-an rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?”

Hôm ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đã trả lời họ rằng: Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.

Thật ngạc nhiên khi có “những người thu thuế đến chịu phép rửa”. Và, tâm hồn họ cũng đã rung động. Sự rung động đó thôi thúc họ hỏi ông Gio-an: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Rất thẳng thắn và quyết liệt, ông nói với những người thu thuế rằng: “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh”.

Một số người thuộc thành phần binh lính, hỏi: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Hôm đó, ông Gio-an bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.

Và, thật đúng như lời cha ông đã tiên tri về ông, rằng: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người”. Hôm ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đã tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Cuối cùng ông Gio-an Tẩy Giả: “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

Như đã nói ở trên, hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào tuần thứ III – Mùa Vọng. Và, như vậy chỉ còn hơn tuần lễ, ngày đại lễ kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh sẽ đến.

Chúng ta đã chuẩn bị được những gì? Phải chăng là đã hoàn tất việc trang trí một khung cảnh đầy sinh động về biến cố Đức Giê-su được sinh ra tại Belem?  Được như thế, quả là một điều tốt, vì đó là một truyền thống lâu đời của người Công Giáo, không thể bỏ qua.

Chúng ta còn làm gì nữa? Phải chăng là đi mua sắm, mua sắm ở những nơi bán hàng giảm giá, nhân ngày lễ Noel? Vâng, đây cũng là một việc khó có thể bỏ qua. Không bỏ qua vì đây là dịp chúng ta mua được hàng giá rẻ, tiết kiệm cho ngân sách gia đình.

Chúng ta sẽ chuẩn bị thêm gì nữa? Phải chăng là sẽ chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn cho đêm Giáng Sinh? Cũng tốt thôi, tốt là bởi, đó là cơ hội để gia đình họp mặt, bàn bè thân hữu gặp nhau trong niềm vui “Emmanuen-Thiên Chúa ở cùng”.

Tuy nhiên, nếu chỉ “chuẩn bị” như thế, nếu chỉ “sẽ làm” những việc như thế, thì cũng chỉ là một sự chuẩn bị, và những việc mà ta sẽ làm, giống như người đời, mà thôi.

Là một  Ki-tô hữu,  chúng ta   “còn” cần chuẩn bị, và những việc sẽ phải làm, đó là hãy thực thi những lời truyền dạy (nêu trên) của ông Gio-an Tẩy Giả.

Nói rõ hơn, những gì ông Gio-an Tẩy Giả đã truyền dạy cho dân chúng, cho người thu thuế, cho binh lính, khi xưa, cũng là những lời truyền dạy cho chúng ta, hôm nay.

Nguyễn Bá Học có nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Nhắc đến câu nói này để làm gì? Thưa, để nói về chúng ta, hôm nay. Nói rằng, có quá khó để thực thi những lời truyền dạy của ông Gio-an?

Nếu quá khó thì ta hãy tự hỏi tại sao? Phải chăng, khó là bởi chúng ta không đủ dũng cảm vượt qua “ngọn núi ích kỷ”? Phải chăng, khó là bởi chúng ta không đủ dũng khí bơi qua  “con sông hà tiện”? Phải chăng chúng ta là đệ tử ruột của chủ thuyết “mac-ke-no” (mặc kệ nó)?

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại lời truyền dạy. Hôm ấy, ông Gio-an truyền dạy, rằng: “Ai có hai áo…” Thưa quý bạn,  quý bạn nữ thân mến, đừng nói là quý bạn chỉ có “hai áo”, giá chót cũng là hai chục cái áo. Vậy thì, lời ông Gio-an Tẩy Giả truyền dạy “thì chia cho người không có”, có gì khó thực hiện!

Thưa quý bạn, quý bạn nam thân mến, đừng nói là quý bạn chỉ có “hai chục ngàn”, bước vào quán nhậu bình dân thôi, giá chót quý bạn cũng có “hai xị”, đúng không? Vậy thì, lời ông Gio-an Tẩy Giả truyền dạy “chia cho người không có”, có gì khó thực hiện!

Kinh Thánh có lời khuyên rằng: “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4, 31). Cuộc đời của mỗi chúng ta, có ai mà không hơn một lần “xòe tay ra nhận”!

Thế  nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy trở lại dòng sông Gio-dan năm xưa, trở lại không phải để “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng là để nghe lại tiếng chuông cảnh tỉnh của ông Gio-an Tẩy Giả, một tiếng chuông thúc giục chúng ta phải cất tiếng tự hỏi mình rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?”

Thế nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta cần trở về dòng sông Giodan năm xưa, trở về nơi chốn đó, không phải để ngồi nhìn “thuyền ai lờ lững trôi suôi dòng”, nhưng là để nhìn lại “con thuyền cuộc đời” của ta và tự hỏi mình, rằng: “Con thuyền cuộc đời của ta, với mùa NOEL năm nay, đang chất chứa những gì? Chúng ta có đang chất chứa sự vô cảm? Chúng ta có đang chất chứa sự thờ ơ, lãnh đạm?

Hay, con thuyền cuộc đời của chúng ta đang chuyên chở một tâm hồn độ lượng, một tình thương bao dung, một tấm lòng nhân ái của “người Samari nhân hậu”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, “Mùa Vọng”, không chỉ là “Mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời”, nhưng còn là mùa nhắc nhở chúng ta rằng “Chúa sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Mà… Chúa sẽ phán xét điều gì? Thưa, đó là, Ngài sẽ hỏi: “Xưa Ta đói, các ngươi có cho Ta ăn. Ta khát, các ngươi có cho Ta uống. Ta là khách lạ, các người có tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi có cho mặc. Ta đau yếu, các người có viếng thăm. Ta ngồi tù, các ngươi có hỏi han”?

Vì thế, không gì tốt hơn là hãy “chất lên” con thuyền cuộc đời của mình lời khuyên của thánh Phao-lô, khuyên rằng, hãy sống “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi…” (x.Pl 4, 5)

Sự “hiền hòa và rộng rãĩ”, đó… đó chính là chất súc tác  rất thích hợp cho việc sản sinh những loại hoa trái: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, tiết độ”.

Những loại hoa trái này, thánh Phao-lô gọi là “hoa trái của Thần Khí”. Và một khi trên con thuyền cuộc đời của chúng ta, nếu được chất đầy những thứ hoa trái này… thì chúng ta hãy vui lên, vui là bởi, chúng ta đã “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”.

Nói cách khác, “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”, đó chính là chúng ta đã  nối tiếp ông Gio-an Tẩy Giả gióng lên hồi chuông, một hồi chuông ngân vang âm điệu từ trời cao: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Hồi chuông này không phải  là hồi chuông “chuông gọi hồn ai”, nhưng là hồi chuông “hồi chuông ân sủng”.

Vâng, không ai khác ngoài chúng ta. Chính chúng ta phải là người “gióng lên hồi chuông ân sủng”.

Petrus.tran

 

Trả lời