Hành trang của ta là sự tha thứ

 

Hành trang của ta là sự tha thứTha thứ là gì? Và đối với bạn, sự tha thứ có là điều cần thiết cho cuộc sống của mình không? Có lẽ, thật khó để có một câu trả lời chung. Thế nhưng, với một số nhà trí thức cận đại, họ có cùng quan điểm về sự tha thứ.

Victor Hugo, một danh nhân của nước Pháp, cho rằng: “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Còn Martin Luther, ông ta nói: “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.

Mà, thật vậy, niềm tin Ki-tô  giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, khi nói tới sự tha thứ, thì coi đó như là một nhân đức, một nhân đức không thể thiếu trong đời sống đức tin. Chính Đức Giê-su, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài rất chú trọng đến nhân đức này, và Ngài đã có những lời truyền dạy rất quyết liệt, một sự quyết liệt hầu cho các môn đệ mình, không xem đó như là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh mà bất cứ ai theo Ngài, đều phải thực thi.

Đức Giê-su đã nói gì về sự tha thứ? Thưa, rất rõ ràng. Chuyện được ghi lại như sau: Một hôm, khi Đức Giê-su và các môn đệ quây quần bên nhau, bất chợt tông đồ Phê-rô đến gần Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần không?”.

Theo Bạn “bảy lần”, nhiều hay ít? Nhiều chứ, phải không thưa quý bạn! Này nhé, nếu lời đề nghị của ông Phê-rô, đem so sánh với nhân sinh quan của người Việt Nam, thì bảy lần của ông Phê-rô, có thể nói là tuyệt vời. Người Việt Nam ta, giỏi lắm cũng chỉ “quá tam ba bận”, mà thôi. Còn nói tới luật Do Thái ư!  Bốn lần là quá sức chịu đựng rồi.

Nay, ông Phê-rô gợi ý bảy lần, ôi ngài Phê-rô ơi! ngài quả là một con người “giàu lòng lân tuất”. Một con người giàu lòng lân tuất như thế, ấy thế mà cứ tưởng rằng Thầy Giê-su sẽ cho một lời khen. Trái lại, Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy”.

Vâng, “bảy mươi lần bảy”, đó chính là mệnh lệnh của Thầy Giê-su. Phải “Bảy mươi lần bảy”, như thế mới có thể cho mọi người biết: “Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao, ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy” (x.Hc 17, 29).

Lòng lân tuất và ơn tha thứ của Thiên Chúa đã được Đức Giê-su minh họa qua rất nhiều dụ ngôn. Dụ ngôn “người cha nhân hậu”, chẳng hạn. Và rõ nét nhất,  chính là câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình”.

Chuyện kể rằng: Hôm ấy, khi Đức Giê-su đang ở Đền Thờ. Bất ngờ, có một nhóm người kinh sư và Pha-ri-sêu, (nói theo ngôn ngữ bụi đời một chút), “lôi cổ” một phụ nữ đến trước mặt Ngài. Họ tố cáo với Ngài rằng: “người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình”. Họ nói: “Trong sách Luật, ông  Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Nghĩ sao ư! Vâng, ngộ thật. Nhờ Đức Giê-su xử, thế nhưng, theo cách hành xử của họ, thì, có vẻ như chính họ đang xử người phụ nữ này, thì phải! Họ nói: trong sách Luật… Mô-se dạy thế này thế kia… Này mấy ông kẹ kinh sư và Pha-ri-sêu ơi! Rành “Luật” như thế, thì mấy ông tự xử đi! Cớ gì lại nhờ ông Giê-su!

Hôm ấy, mặc cho các kinh sư và Pha-ri-sêu “mồm loa mép giải”, Đức Giê-su vẫn im lặng. Ngài “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Ngài viết gì? Thưa, Kinh Thánh không cho biết, chỉ biết rằng, các vị đạo đức của Đền Thờ “cứ hỏi mãi”, nên Ngài ngẩng lên và bảo với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Vở kịch, có thể gọi là như thế, đến đây coi như “hạ màn”. Thế nhưng, chỉ là hạ màn với nhóm người kinh sư và Pha-ri-sêu. Họ, sau khi nghe Đức Giê-su nói thế, “bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”.

Còn người phụ nữ thì sao? Thưa, hôm ấy, Đức Giê-su hỏi: “Không ai lên án chị sao? – Thưa, không có ai cả”, người phụ nữ đáp.

Và rồi, nơi đoạn kết của câu chuyện, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy rõ  lòng lân tuất và ơn tha thứ của Thiên Chúa, được thể hiện qua lời phán thấm đậm lòng bao dung của Ngài: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã làm sống động lời Thiên Chúa tuyên phán, qua môi miệng ngôn sứ Edekien, năm xưa: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18, 23). “Không muốn kẻ gian ác phải chết”, thì phải “tha thứ” cho nó,  để nó có cơ hội “ăn năn sám hối để được sống” chứ!

“…Thiên Chúa, qua Con Một là Đức Giê-su, ‘đi tìm con chiên lạc’, tha thứ đứa con hư hỏng, nay biết hối cải trở về. Và cuối cùng, tại đồi Golgotha, là một cử chỉ đầy bao dung, Ngài đã cầu nguyện: ‘Lạy Cha xin tha cho họ’. Chưa hết, Người còn ‘bào chữa’ cho những kẻ đóng đinh Người ‘vì họ không biết việc họ làm’. Đó là dung mạo, là bản tính của Thiên Chúa”. Vâng, Lm. Charles E.Miller đã có lời chia sẻ về lòng lân tuất và ơn tha thứ của Thiên Chúa, như thế đó.

“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy”. Vâng, nói rất dễ, nhưng làm lại là một nan đề. Vậy, làm sao để có thể thực thi mệnh lệnh này? Thưa, hãy nhìn cách hành xử của David xưa.

Chuyện kể rằng: Vua Sa-un căm ghét David, một thuộc hạ của mình, chỉ vì một câu hát đón mừng sự thắng trận của David: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Da-vid hàng vạn”.

Chính vì câu hát này, vua Sa-un giận lắm. Kể từ ngày ấy, Saun thường ngó Davvid với đôi mắt ghen tỵ. Sa-un tìm cách giết Da-vid.  Đã hai lần David thoát chết. Ấy thế mà, David không trả thù, dù đã có lần vua Sa-un nằm trong tầm ngắm của ông ta. (x.1Sm 24, 1-8)

Tại sao David tha thứ? Thưa, nhờ ơn soi sáng, David đã nhận ra vua Sa-un chính là “đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong”. Vì Chúa, ông ta đã tha thứ.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay, để có thể thực thi mệnh lệnh này, hãy lắng nghe lời truyền dạy của tông đồ Phao-lô, lời rằng: “(Vì) Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh  em cũng vậy, anh  em cũng phải tha thứ cho nhau” (x.Cl 3, 13). Vâng, vì Chúa, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.

Thưa bạn, bạn có nhận thấy Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta rất nhiều không? Rất.. rất nhiều.. phải không thưa bạn! Không phải tha bảy lần, nhưng là mãi mãi.

Thế nên, chúng ta phải tha thứ cho nhau. Thật xấu hổ khi chúng ta cất tiếng nguyện xin Chúa “tha nợ chúng con”, nhưng sau đó, chúng ta lại không “tha kẻ có nợ chúng con”.

Làm như thế, chúng ta đã hành xử bất nhân, giống như “kẻ mắc nợ” trong dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”.

Vâng, thật không thể chấp nhận thói côn đồ của y. Có ai lại vừa mới được ông chủ (vua) tha nợ “mười ngàn yến vàng”, thế mà, chỉ một lúc sau, khi gặp một “người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: trả nợ cho tao”!

William Arthur Ward có nói: “Tình bạn tươi tốt bên suối nguồn tha thứ”. Với Mahatma Gandhi, ông ta cho rằng: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.”

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải luôn có một “tình bạn tươi tốt” và luôn phải chứng tỏ “phẩm cách của kẻ mạnh” trong ta. Nói rõ hơn, chúng ta phải biết “tha thứ”.

Khi chúng ta thực thi mệnh lệnh này, chính khi đó, chúng ta đã thể hiện trọn vẹn giới răn “yêu thương”, một giới răn mà khi chúng ta thực hiện, thiên hạ mới có thể nhận biết chúng ta là “môn đệ của Đức Giê-su”.

Sự tha thứ không chỉ nói về người được tha thứ, mà nó còn chứng minh sự tăng trưởng đức tin của chính người đưa ra quyết định tha thứ. Giới luật yêu thương và sự tha thứ như hai mặt của một đồng tiền. Thế nên, khi chúng ta quyết định thực thi tình yêu thương và coi đó như là mục đích sống của mình, thì tha thứ phải là điều chúng ta cần làm.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, đừng chần chờ gì nữa, hãy thực thi mệnh lệnh của Đức Giê-su, mệnh lệnh tha thứ “bảy mươi lần bảy”. Ngay hôm nay, hãy “đem thứ tha vào nơi lăng nhục”. Hành trang của ta, phải là “tình yêu và sự tha thứ”.

Petrus.tran

 

Trả lời