Giáng Sinh Trong Rừng Khuya

 



LỄ GIÁNG SINH TRONG RỪNG KHUYA

Giáng Sinh Trong Rừng Khuya         Thời tiết đã vào thu êm đềm mát mẻ. Nền trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi. Đâu đây trong không gian, mùi hoa rừng thoang thoảng hương thơm…

         Xóm đạo Bắc Kạn tọa lạc ở dưới cuối nhà thờ. Nơi đây, có con đường thoai thoải uốn mình lên triền dốc rồi mới đến Nhà Chung (1). Bên kia đường, một vườn long não (2) xanh um mà gốc cây nào cũng to như cổ thụ. Đến mùa xuân, long não nở hoa lấm tấm như hoa lê thơm mùi băng phiến (3).

Ở đó, có người con gái tên là Thu Vân. Thảo nào nàng đẹp dịu dàng như mây mùa thu. Sáng hôm ấy, nàng xách giỏ đi chợ, vừa ra đến đường cái thì gặp một người đàn ông lái xe hơi. Ông ta đậu xe lại, mở cửa bước xuống. Ông vận Âu phục trông văn minh, lịch sự. Ông đến gần chào Thu Vân rồi hỏi:

–         Thưa cô, xin cô vui lòng cho tôi hỏi thăm, nhà cha xứ có ở gần đây không?

Thu Vân chỉ tay lên hướng nhà thờ núi, đáp:

–         Thưa ông, ông cứ đi thẳng lên sân nhà thờ, đậu xe ở đó rồi đi bộ lên dốc là thấy nhà cha xứ ở ngay lưng chừng đồi.

Người đàn ông lạ mặt nói cám ơn và nhìn Vân đăm đăm rồi lên xe lái đi. Đến sân nhà thờ, ông đậu xe lại rồi lững thững đi bộ lên nhà cha xứ. Ở trên lầu, cha nghe có tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi, ngài ngó xuống, thấy người khách lạ, ngài hỏi:

–         Quý khách có việc chi dừng chân đến tệ xá?

Người khách lạ lễ phép chào:

–         Kính chào cha ạ! Con vừa ở Hanoi đổi lên đây. Con đến thăm cha.

Cha xứ niềm nở mời:

–         Vậy mời ông lên chơi.

Trong khi chủ khách an tọa, ông khách tự giới thiệu:

–         Trình cha, con vừa tốt nghiệp cử nhân luật xong thì được bổ lên đây với chức vụ bang-tá (4).

Cha xoa xoa tay, nói:

–   Thật là quý hóa! Ông Bang mới đổi lên mà đã có nhã ý đến thăm tôi. Để đáp lại tấm thịnh tình của ông, nếu tôi có thể làm được gì giúp ông với khả năng của tôi thì tôi sẵn lòng.

– Cám ơn cha. Xin cha cứ gọi con là Quang-Tuấn. Trình cha, ở xóm này giáo dân của cha có đông không?

– Cũng được dăm trăm nóc gia. Nhưng được cái là giáo dân của chúng tôi rất siêng năng việc nhà thờ nhà thánh và giúp đỡ giáo xứ đắc lực lắm!

– Thật là tốt lành!  

   Nói đoạn, ông hỏi dò:

–         Trình cha, trước khi lên đây, con gặp một cô tuổi chừng đôi tám. Trông cô ấy dễ thương quá! Không biết là con cái nhà ai, thưa cha?

Cha đoán người con gái ấy là Thu Vân, nên hỏi lại:

–   Có phải cô ấy trắng trẻo, mặt trái soan, đôi mắt bồ câu với hai má lúm đồng tiền không?

–  Dạ phải, thưa cha.

Cha nhìn ông Bang như hiểu ý ông muốn hỏi dò về người con gái đẹp nhất xóm đạo này, cha tủm tỉm cười, đáp:

–         Cô ấy tên là Thu Vân, con một của ông bà Chánh Trương (5). Năm nay cô ấy mới có 18 tuổi thôi. Cô là ca viên trong ca đoàn nhà thờ. Cô ấy hát hay lắm. Ông Chánh Trương thì trước kia làm tri-châu nhưng nay đã về hưu rồi. Còn bà Chánh thì dạy giáo lý cho trẻ em và cho những bổn đạo mới nữa. Gia đình ấy đạo đức lắm.

Hình như ông Tuấn chỉ cần biết có ngần ấy thôi. Đoạn ông nói lảng sang chuyện khác như là chuyện đệ nhị thế chiến, Nhật xâm lăng toàn cõi Đông-Dương rồi Nhật lại phải đầu hàng đồng minh vì hai trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Rồi Việt Minh về cướp chính quyền rồi Pháp lại sang đánh nhau với Việt Minh.v.v… Xem ý chủ, khách chuyện trò tương đắc. Lát sau ông Tuấn xem đồng hồ tay rồi kiếu từ.

Đời sống của dân trong xóm đạo êm đềm trôi theo tiếng chuông giáo đường. Sáng tối họ đi nhà thờ đọc kinh xem lễ một cách sốt sắng. Có một số người làm việc đồng áng và một số lên tỉnh làm công nhân hay công chức. Xóm nhà thờ là ngoại ô nhưng chỉ cách tỉnh lỵ độ hơn cây số cho nên học sinh đi bộ lên tỉnh học cũng gần.

Hôm ấy là ngày mồng 07 tháng 10 năm 1947, bỗng có tiếng máy bay ù ù vần vũ trên không rồi những cái dù bung ra lơ lửng giữa trời. Người ta sợ hãi cuống cuồng, gọi nhau ơi ới:

–         Tây nhẩy dù, bà con ơi! Chạy nhanh lên! Chạy mau đi! Không thì chết đến nơi!

Người ta bồng con bế cháu chạy thục mạng. Trẻ con la khóc như ri… Mỗi người chạy một ngả.

Lúc đó bà Chánh run sợ lắm! Bà giục ông chạy nhưng ông vẫn ngồi điềm nhiên trên võng như không có chuyện gì xảy ra cả. Ông nói:

–         Nếu họ ném bom thì mình chạy xuống hầm trú ẩn, còn họ nhảy dù xuống đây tìm bắt Việt Minh mà mình không phải là Việt Minh thì sợ gì.

     Bà Chánh vẫn run lập cập, nói:

–         Không được đâu ông ạ! Đàn bà con gái ở lại lỡ Tây nhảy xuống hãm hãi thì làm sao? Nhất là Thu Vân, con gái mơn mởn thế kia. Tôi sợ lắm! Thôi ông để mẹ con tôi chạy lên núi, nếu không có gì nguy hiểm thì đến tối mẹ con tôi sẽ về. Ông ở nhà giữ mình cẩn thận. Xin Chúa phù hộ che chở ông.

Ông Chánh chỉ tay lên ngọn núi trước mặt, dặn dò:

–         Hai mẹ con tạm lánh trên đó. Nếu ở nhà không có gì xảy ra thì đến tối tôi lên đón về. Chắc cũng có nhiều bà con trong xóm chạy lên đấy thì sẽ gặp người quen. Xin Chúa phù hộ che chở hai mẹ con.  

Đoạn ông ôm vợ con như không muốn rời ra nữa.

Hai mẹ con bà Chánh vơ vội lấy mấy bộ quần áo và cái mền mỏng cho vào bị cói rồi chạy băng qua cánh đồng trước mặt, lên núi. Con Khoang (6) của Thu Vân cũng lăng xăng chạy theo.

     Qủa núi trước mặt không cao lắm. Bà Chánh và Thu Vân trèo được lên đến lưng chừng thì gặp mấy người hàng xóm. Họ mừng có bạn đồng hành trong lúc nguy khốn này. Bỗng có tiếng súng nổ nghe cái “đoàng” vọng ra từ nhà ông Chánh. Mọi người sững sờ nhìn nhau, thắc mắc không hiểu chuyện gì xảy ra? Riêng bà Chánh thì khóc òa lên toan chạy về nhà xem có phải Tây bắn ông Chánh không. Nhưng Thu Vân níu lấy mẹ, khóc mếu nói:

–         Mẹ về bây giờ nguy hiểm lắm mẹ à! Xin mẹ hãy bình tĩnh, đợi đến tối mẹ con mình cùng về xem ba có sao không.

Mấy người hàng xóm cũng xúm vào khuyên can:

–         Bà Chánh không nên về lúc này. Cho dù ông Chánh có bị Tây bắn thì bà về cũng chẳng cứu được ông mà còn nguy hiểm đến tính mệnh nữa. Nhưng mà đã chắc đâu là ông bị bắn? Vậy bà hãy yên tâm và phó thác mọi sự cho Chúa. Bà không nên quyết định việc gì trong lúc đầu óc còn hoang mang lo sợ như thế này.

Nghe lời khuyên giải có lý. Bà cũng hy vọng là ông không đến nỗi nào. Tuy bà không dám về nhà nhưng trong lòng xốn xang lo lắng vô cùng! Thật là tội nghiệp! Bà vừa sụt sịt khóc vừa cầu nguyện xin Chúa phù hộ gìn giữ cho ông gặp mọi sự lành.

Mẹ con bà Chánh theo đoàn người chạy loạn sang được đến bên kia đỉnh núi thì thấy đã có nhiều giáo hữu tụ tập ở đó rồi. Thật là mừng được gặp lại bà con lối xóm trong cảnh hoạn nạn này.

Lúc ấy đã qúa trưa, người nào đem theo được thức ăn thì chia sớt cho nhau. Nhưng còn chỗ ngủ qua đêm thì không biết làm sao. Trong rừng đầy muỗi mòng, và biết đâu đêm hôm có thú dữ mò về. Trong lúc mọi người còn đang hoang mang lo lắng thì thấy một đoàn người lếch thếch chạy vào đến nơi. Trong số đó có cả cha xứ, thày giáo Chính, ông thư ký tòa án và… ô kìa, sao lại có cả ông Quang-Tuấn cũng chạy vào được đây? Giáo dân vô cùng mừng rỡ xúm lại hỏi thăm cha và thày giáo Chính. Chỉ có bà Chánh và Thu Vân vẫn ngồi ủ rũ không đến chào Cha. Thấy thế Cha đến hỏi thăm thì được biết tin buồn về ông Chánh. Cha nói mấy lời an ủi bà. Đoạn Cha ân cần hỏi thăm hoàn cảnh các giáo dân khác và khuyên nhủ mọi nguời “hãy vững lòng cậy trông nơi Chúa. Chúa chẳng bỏ chúng ta, chẳng để chúng ta khổ mãi đâu.”

Đoạn Cha tiếp:

–         Điều cần nhất là phải tìm chỗ ngủ đêm nay. Nếu có ai đem theo được con dao rựa thì đi chặt nứa với lại cắt lá gồi về làm lều?

Nhưng lúc chạy vội chẳng ai nghĩ đến phải đem theo dao. Bỗng có tiếng suối chảy róc rách từ xa vọng lại. Cha bảo mấy người thanh niên đi cùng với cha tìm xem suối ở đâu. Họ đi được nửa cây số thì tìm được con suối bắt nguồn từ khe núi đá chảy ra. Thấp thoáng sau rặng lau thưa, có con nai vàng đang cúi xuống uống nước, chợt thấy bóng người, nó chạy biến vào rừng. Bên kia bờ suối, có cái hang rộng và sâu. Cha mừng, nói:

–         Cái hang này có thể làm nơi trú ẩn khá an toàn. Tối đến chỉ cần đốt lửa trước cửa hang thì dù cho có thú dữ mò về cũng không sợ. Chẳng những thế mà lửa còn đuổi được muỗi mòng nữa.

Mọi người đều mừng rỡ. Họ đi kiếm củi khô và bẻ lá dong về lót chỗ nằm. Thấy hai mẹ con Thu Vân yếu đuối lại đang buồn thành thử mấy người hàng xóm tỏ ra săn sóc, kể cả Quang-Tuấn nữa. Ông ấy cũng đi bẻ lá dong đem về cho mẹ con bà Chánh dùng.

Đêm ấy, ngoài cửa hang, đống củi khô được đốt lên. Ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao toả hơi ấm vào trong hang. Cha xứ và nhóm giáo dân cùng hợp ý đọc kinh chung cầu xin Chúa cho nước Việt Nam và cho thế giới sớm được hòa bình. Họ đồng ca bài:

”Mẹ ơi! Đoái thương xem nước VN. Trời u ám chiến tranh điêu tàn… Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an cho Việt Nam qua lúc nguy nan…”

Trong cảnh rừng núi hoang vu, tiếng nguyện cầu thiết tha của đoàn con chiên vang vang nghe thấm vào hồn… Nhiều người đưa ngang tay áo lên quệt nước mắt vì cảm động.

Đêm ấy bà Chánh không ngủ được. Bà nằm thao thức nghĩ thương chồng rồi lại thương con. Không biết số phận ông Chánh giờ này ra sao. Đêm khuya nằm nghe gió hú mà sợ. Rồi tiếng côn trùng kêu rả rích, tiếng con chim “bắt cô” (6) hót như người nói: “Bắt cô trói cột. Hà Giang nuớc độc” với điệp khúc đều đều nghe buồn nẫu ruột. Nhìn Thu Vân, bà thở dài nghĩ đến câu: “Gái thời loạn.” Than ôi! Gái thời loạn thì thật là bất hạnh. Giá không có chiến tranh thì đâu đến nỗi con phải bỏ dở học hành. Rồi còn phải lo cho con như đũa có đôi nữa. Từ lúc bà gặp ông bang Tuấn, xem ý ông ta có vẻ quyến luyến Thu Vân. Tuy không quen làm việc lao động nhưng ông ấy cũng chịu khó đi đào khoai mài về nướng chín rồi đem cho hai mẹ con ăn. Múc nước suối lên cho mẹ con bà uống. Ông ta tỏ ra chăm sóc một cách chân tình, không nề hà gì cả. Mà xem ý Thu Vân cũng mến ông ta nhưng nàng còn bẽn lẽn. Mỗi khi ông ấy đến nói chuyện với mẹ cô là cô ngồi nấp sau lưng bà. Bà thấy ông Tuấn được cả người lẫn nết nhưng lại không có đạo. Rồi chẳng biết duyên phận con sau này ra sao. Có được vuông tròn hay không.

Chao ôi! Bà cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh mà thấy thương con, nhớ chồng. Bà ôm con nằm sát vào người mà tưởng như hơi ấm của ông truyền sang người bà. Bà nghĩ đến kỷ niệm, đến tình yêu giữa hai vợ chồng bà thật là nồng thắm. Bà ôm chặt con hơn nữa. Thu Vân vẫn ngủ say, bộ ngực căng tròn nhựa sống của nàng phập phồng theo từng nhịp thở… Bà cúi xuống hôn lên trán con mà nước mắt trào ra.

Có tiếng gà rừng gáy sáng, nhìn ra, trời còn mờ sương. Đâu đó, ngoài cửa hang, tiếng chim đập cánh trong bụi cây.

Mọi người trong hang lục tục trở dạy. Họ xuống suối rửa mặt rồi đi kiếm trái cây hay củ mài về nuớng.

Ngay đêm hôm sau, bà và Thu Vân cùng với mấy người thanh niên lẻn về nhà xem tình cảnh ông Chánh ra sao, lành dữ thế nào? Nhưng nhà bà tối om, vắng lặng như tờ. Không thấy ông đâu và cũng không thấy xác. Không biết họ đã chôn ông hay là quăng xác ông xuống ao hồ nào rồi? Thương chồng, thương cha mà lòng đau như dao cắt. Hai mẹ con bà Chánh khóc sướt mướt trông thật là tội nghiệp! Còn mấy thanh niên kia thì lo về nhà lấy gạo, muối, nước mắm và đồ gia dụng.v.v… Họ còn bắt cả gà đem vào làm thịt nữa. Bác thợ mộc cũng lấy đồ nghề đem vào. Kể từ đấy, cứ đêm đêm toán thanh niên lại lẻn về xóm lấy thực phẩm đem vào chia nhau dùng. Vì thế mà đám người tị nạn không đến nỗi đói khổ.

Rồi ngày qua ngày, chẳng hiểu tình hình trong nước và thế giới biến chuyển đến đâu vì không có radio nên không được biết tin tức gì cả. Họ đành phó thác mọi sự cho Chúa. Thấm thoắt họ đã ẩn náu trong rừng được khoảng hơn hai tháng. Cũng chỉ còn mấy ngày nữa là đến lễ kỷ niệm Chúa Cứu Thế ra đời. Cha xứ và thày giáo Chính muốn tổ chức lễ lạy một cách long trọng và còn muốn làm hang đá có Đức Mẹ và ông Thánh Giuse với lại mấy kẻ chăn chiên bằng người thật nữa. Nhưng ở trong rừng thiếu thốn đủ thứ thì làm sao mà thực hiện được? Nhưng cha quyết tâm làm. Ngài phái mấy thanh niên đi cắt cỏ tranh phơi khô lót hang đá và đến tối thì lẻn về nhà thờ lấy áo lễ, khăn bàn và mấy món đồ phụng vụ để dùng vào lễ nửa đêm. Bác thợ mộc tình nguyện cưa cây đóng bàn thờ.

Thày giáo Chính có khiếu thẩm mỹ lại khéo tay, ông lấy rơm bện thành hình đứa trẻ sơ sinh. Ngoài quấn miếng vải trắng làm giả Chúa Giêsu hài đồng. Ông xé khăn bàn thờ làm áo khoác ngoài cho ba kẻ chăn chiên. Trong đám thanh niên nam nữ phải chọn lấy một người đóng vai Đức Mẹ và một người đóng vai ông Thánh Giuse. Chọn ai bây giờ? Hai cha con bàn tính mãi và cuối cùng đồng ý chọn Thu Vân đóng vai Đức Mẹ Maria và Quang-Tuấn đóng vai ông Thánh Giuse. Thu Vân đóng vai Đức Mẹ thì được rồi nhưng Tuấn trông trẻ qúa lại không có râu quai nón thì làm sao? Nhưng thày giáo Chính nghĩ ra hay thật. Thày lấy rêu phơi khô cho ngả màu nâu rồi lấy nhựa trái sung xanh làm keo dán vào cằm Quang -Tuấn lên đấn tận mang tai. Cho Tuấn khoác tấm khăn lên vai, tay cầm gậy là trông cũng gần giống ông Thánh Giuse.

Đúng 12 giờ đêm, những bó đuốc được đốt lên, những ngọn lửa cháy bập bùng trong đêm khuya soi tỏ những gương mặt thành kính của người tín hữu. Ở giữa, tượng Chúa Hài Đồng đặt nằm trong máng cỏ. Ông Thánh Giuse và Đức Bà quỳ hai bên. Ông Thánh Giuse âu yếm nhìn Đức Bà với ánh mắt thương yêu trìu mến… Ba kẻ chăn chiên quỳ gối ngay cửa hang. Mấy người đàn bà ghé tai nhau thì thầm:

–         “Ông Thánh Giuse và Đức Bà đẹp đôi đấy chứ!”

Giáo dân đã có mặt đông đủ, họ đồng ca bài: “Sáng danh Thiên Chúa trên Trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Tiếng hát trầm ấm từ trong hang vọng ra vang dội cả núi rừng. Giữa lúc ấy vị chủ tế bước ra cử hành Thánh lễ một cách long trọng.

Lễ xong, cha ban phép lành và chúc bình an cho giáo dân.

Những bó đuốc đã cháy rụi. Lửa tắt. Mọi người chìm dần vào giấc ngủ say.

Đêm ấy, bà Chánh mơ thấy chồng vào đón. Trong mơ bà thấy ông Chánh mặc áo the đen, quần trắng, chân đi giày. Con chó Khoang lon ton đi trước dẫn đường. Vì giấc mơ về sáng nên lúc thức dậy bà vẫn còn nhớ như in. Nhưng mơ là mơ, mộng và thực khác nhau. Bà nghĩ: Hay là hồn ông Chánh hiện về?

Trời đã sáng tỏ, mọi người lục tục trở dậy. Than ôi! Ngày nào cũng như ngày nấy cho nên ai cũng khắc khoải chờ mong một sự đổi thay để được về nhà sống đời sống bình thường như trước.

Thu Vân vẫn còn ngủ vì đêm qua nàng thức khuya. Bà Chánh vẫn để con gái ngủ yên cho đẫy giấc. Thu Vân cựa mình rồi mở mắt ra, mỉm cười. Cô ôm lấy cổ mẹ, khoe:

–         Mẹ à! Đêm qua con nằm mơ thấy Ba vào đón mẹ con mình về. Ba mặc quần trắng, áo the đen. Trông Ba vẫn mạnh khỏe hồng hào. Con Khoang lăng xăng đi trước dẫn đường. Mẹ ạ!

Bà Chánh trố mắt nhìn con gái như là một sự trùng hợp lạ lùng! Ai đã báo mộng cho cả hai mẹ con bà như vậy? Hay là do mình mộng tưởng mà ra? Nhưng nếu đúng thế thì… thì đó không phải là giấc mơ mà là có Thần Linh báo trước mộng lành. Bà Chánh bảo con gái:

–         Ngồi dậy đọc kinh đi con. Cầu xin Chúa cho giấc mơ của mẹ con mình thành sự thưc.

Mẹ con bà Chánh vừa đọc kinh xong thì Quang-Tuấn đem đến cho hai mẹ con bà mấy củ khoai lang nướng. Bà Chánh cảm động về sự ân cần chăm sóc của anh. Bà nói cám ơn. Thu Vân nhìn anh với ánh mắt thân… yêu.

Trong lúc ba người đang trò chuyện thì con Khoang chạy đến vẫy đuôi tỏ vẻ mừng rỡ một cách khác thường. Nó cọ đầu vào người Thu Vân rồi cắn gấu áo của nàng lôi đi. Thu Vân không hiểu ý nó. Nàng lấy tay đánh khẽ vào đầu nó, mắng: “Mày làm gì vậy? Nhả ra!” Nhưng con chó không nhả ra mà cứ lôi nàng đi. Thấy thế, Bà Chánh bảo: “Con thử đi với nó ra ngoài xem. Sao hôm nay nó có cử chỉ lạ lùng thế?

Thu Vân theo con chó ra ngoài thì nó nhả áo nàng ra mà xăm xăm chạy trước. Chốc chốc nó lại ngoảnh lại vẫy vẫy đuôi như có ý chờ nàng. Thu Vân theo nó đi được một quãng đường nữa thì…xa xa có bóng một người đàn ông, đầu đội khăn xếp, vận quần trắng áo the đen. Trông giống như người trong mộng. Nàng vội đi nhanh đến gần xem cho rõ mặt thì…Trời ơi! Nàng mừng rú lên, lắp bắp gọi:

– “Có… Có phải Ba của con đây không? Ba!… Ba còn sống à ba? Mẹ và con cứ tưởng… tưởng Tây bắn chết Ba rồi? Cho nên mấy tháng nay mẹ con con cứ khóc hoài à!”

Đích thực là ông Chánh rồi! Hai cha con ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, nước mắt rưng rưng…Cảnh đoàn tụ hi hữu này, nói chi cũng bằng thừa. Thu Vân cầm tay cha dẫn đến gặp mẹ. Con chó khoang lại lăng xăng đi trước như kẻ dẫn đường, nó vừa đi vừa vẫy đuôi tỏ vẻ vui mừng lắm!

           Bà Chánh vừa bước ra thấy ông Chánh, bà chạy vội đến ôm lấy chồng mà khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi của bà đã thay lời nói nghìn câu… Ông Chánh cũng nghẹn ngào không nói nên lời. Ôi! Mừng này biết lấy chi cân?

         Tin ông Chánh vào đón vợ con loan ra, cha xứ và các giáo hữu đến chúc mừng ông bà được đoàn tụ như trong một giấc mơ… Quang-Tuấn cũng vui vẻ chúc mừng gia đình ông Chánh. Bà Chánh giới thiệu Tuấn với chồng, ông Chánh bắt tay Tuấn. Đoạn ông thuật lại ngày Tây nhẩy dù:

– “Một cái dù đáp ngay xuống sân nhà tôi. Viên sĩ quan Pháp vào nhà chĩa súng vào ngực tôi. Tôi vội giơ tay lên như kiểu đầu hàng. Tôi nói với viên sĩ quan ấy rằng tôi là công chức về hưu. Viên sĩ quan ấy đòi khám cái tủ đứng nhưng trong lúc luống cuống tôi không nhớ đã để chìa khoá ở đâu. Ông ta bèn bắn vào ổ khóa để mở ra khám xét, nhưng không có gì khả nghi. Sau đó mấy quân nhân Pháp vào dẫn tôi lên xe, đưa đến chợ tỉnh giam lỏng cùng với nhiều người khác.

   Cho đến khi điều tra xong lý lịch, họ mới cấp giấy cho tôi về tìm thân nhân. Họ nhờ tôi nhắn với dân chúng nếu ai còn ẩn nấp trong rừng thì hãy về làm ăn bình thuờng. Mọi người có thể về nhà ngay hôm nay.“ Đoạn ông chỉ vào con Khoang, nói:

 

–         Đêm qua nó về nhà nằm dưới chân giường tôi cho đến sáng. Chính nó dẫn đường cho tôi vào đây. Con chó khôn quá!”

Mọi người hân hoan đón nhận tin vui như thuốc hồi sinh. Đã bao lâu họ mong mỏi ngày về. Nhưng khi ra khỏi núi rừng mà lòng còn bâng khuâng lưu luyến…

Trên đường về, Thu Vân và con Khoang đi trước. Ông bà Chánh sánh vai đi bên nhau, lặng lẽ như để tận hưởng những phút giây êm đềm mà họ tưởng rằng đã mất.

Nắng đã ửng hồng sưởi ấm vạn vật. Trong vòm cây, tiếng chim hót líu lo du dương trầm bổng như ban nhạc hòa tấu mừng ông bà Chánh Trương vừa được trùng phùng.

Biết chồng là người nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Bà Chánh đắn đo mãi mới dám nói với ông về việc hôn nhân của Thu Vân:

–         Con gái chúng mình có người để ý đến rồi đó.

Ông chẳng ngạc nhiên vì biết có nhiều người để ý đến sắc đẹp của con gái mình. Nhưng trong cảnh loạn lạc như thế này cũng chẳng vội gì. Tuy vậy ông cũng hỏi:

         –   Ai vậy?

           – Quang-Tuấn, lúc nãy anh ấy có đến chào mình đó.

         – Thân thế và sự nghiệp anh ta ra sao?

       – Anh ấy đậu cử nhân luật. Người Hanoi. Được bổ lên đây làm việc với chức vụ bang-tá. Nếu không xảy ra chiến tranh thì hai năm nữa anh ấy sẽ được thăng tri phủ.

–   Có đạo không?

– Đạo thờ Ông Bà Tổ Tiên. Từ hôm anh ấy chạy vào rừng xem ra là người tử tế, hiền lương, có tư cách. Anh ấy chú ý đến Thu Vân và tỏ ra hết lòng chăm sóc hai mẹ con tôi. Nhưng mãi đến hôm qua anh ấy mới dám thú thực với tôi là anh ấy yêu Thu Vân. Đợi tình thế yên ổn thì anh ấy sẽ chính thức xin được làm con rể chúng mình.

– Bà trả lời ra sao?

– Tôi nói để xem. Với lại tôi còn phải hỏi Thu Vân đã.

– Bà đã hỏi ý con chưa?

– Tôi có hỏi, nhưng con nói tùy mẹ. Thực ra thì trong lúc loạn lạc, lại nữa tôi chưa biết ông sống chết ra sao nên tôi chưa dám quyết định gì cả. Bây giờ ông về thì để tùy ông lo liệu cho con.

– Nó mới có 18 tuổi, ế ẩm gì mà vội? Thực ra thì đạo nào cũng đáng kính. Có thể đạo ai người ấy giữ cũng được. Nhưng thờ kính Tổ Tiên thì ai mà chẳng thờ. Mình cũng chẳng nên ra điều kiện bắt buộc người ta phải theo đạo của mình mới gả con cho nếu người ta không có lòng thành và không có đức tin. Còn như miễn cưỡng theo đạo để lấy vợ thì không nên. Dù sao thì vợ chồng cùng chung một tín ngưỡng vẫn dễ giáo dục con cái hơn.

– Anh Tuấn nói sẵn lòng theo đạo. Xem ý anh ấy cũng tin Chúa. Lễ Giáng Sinh đêm qua, anh ấy đóng vai ông Thánh Giuse, trông vừa buồn cuời vừa dễ thương quá!

Ông Chánh thờ dài, nói:

–   “Trai thời loạn, gái thời bình.” Con gái chúng mình lớn lên trong thời loạn là trái cảnh. Nếu được người tử tế, thương yêu con thực lòng thì mình cũng nên lo cho con yên bề gia thất. Nhưng để xem tình hình ngã ngũ ra sao đã.

Bà Chánh không nói gì thêm. Bà lẳng lặng đi bên chồng và mỉm cười một cách sung sướng…

—————————–

Chú thích:   (1) Nhà Chung là nhà giáo xứ, nơi các thày, các chú sinh hoạt.

                  (2) Cây long não còn gọi là cây dã hương.

(3) Băng phiến dùng để dọa dán. Người ta dùng bằng phiến bỏ     vào tủ quần áo để dán khỏi nhấm.

(4) Chức bang-tá nhỏ hơn chức quận trưởng. Nhưng nếu giỏi thì trong tương lai có thể thăng tri-phủ hoặc tri-châu. Tri-phủ giống như tri-huyện ở trung-châu vậy.

(5) Chánh Trương là người phụ tá cha quản nhiệm trong việc điều hành giáo xứ.

(6) Khoang, tên con chó của Thu Vân. Nó có bộ lông đen loang   trắng nên Vân đặt tên cho nó là Khoang.

(7) Ở núi rừng Việt-Bắc có loại chim không biết tên nó là gì nhưng vì nó hót như nói nên người địa phương gọi nó là con chim “bắt cô trói cột.” Nhưng những người đi lao động lên đó thì lại nghe như nó bảo: “Khó khăn khắc phục. Rừng thiêng nước độc.”

                                      Hạnh Đức

 

Trả lời