Gia đình thủy chung

 

Gia đình thủy chung

 

Dẫn nhập: Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2012, ở Việt Nam đã có gần 100.000 vụ ly hôn. Con số này chiếm gần 35-40% tổng số đôi hôn nhân trong năm. Điều đáng nói là trong đó có hơn 70% là số gia đình trẻ (tuổi 22-30).

Gia đình thủy chungTheo phóng viên Ben Bland của Tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh: “Điều đáng nói là số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010”. Thêm nữa, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 60-70%. Những con số trên đây thật đáng để chúng ta suy nghĩ.

Trước những hiện tượng đáng buồn ấy, bà Nguyễn Thị Thương, Giám Đốc Trung Tâm Tư Vấn FDC chia sẻ: “Tình yêu trước hôn nhân giống như buổi bình minh, luôn rạng rỡ và tràn trề sức sống. Còn tình yêu sau hôn nhân lại như buổi trưa và buổi chiều với những chói chang, gay gắt, mệt mỏi”. Quả thật, khi mới yêu nhau, người ta nhìn nhau với cặp kính màu hồng. Còn khi đã thành vợ chồng, họ lộ diện đầy đủ cá tính với cả tốt lẫn xấu. Nếu không biết quảng đại chấp nhận toàn bộ con người của nhau, không chấp nhận được những khác biệt thì ly hôn là điều không thể tránh khỏi”.
 
Mẹ Giáo Hội rất đau lòng trước những hiện trạng này và cũng đã nêu lên những nguyên nhân cũng như biện pháp để khắc phục. ĐGH Bênêđictô khẳng định: “Có một khuynh hướng thế tục hóa mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và xã hội, toan tính kiến tạo một thiên đường không có Thiên Chúa. Nhưng thực tế cho thấy một thế giới không có Thiên Chúa là một hỏa ngục, trong đó nổi lên những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa các cá nhân và dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng”[1].
 
1. Giáo huấn của Hội Thánh
 
“Trong Giao Ước Hôn Nhân, đôi bạn hiến thân cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai nhưng đã trở thành một thân xác duy nhất. Giao ước đã được đôi bạn ký kết cách tự do, buộc họ có bổn phận bảo tồn sự duy nhất và bất khả phân ly của giao ước đó”[2].
 
“Lòng chung thủy diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời đã cam kết. Thiên Chúa là Đấng trung tín. Bí tích hôn phối dẫn đưa đôi bạn vào sự trung tín của Đức Kitô đối với Hội Thánh Người. Nhờ sống khiết tịnh trong bậc vợ chồng, họ làm chứng về mầu nhiệm đó trước mặt trần gian”[3] 
2. Những đặc tính của Hôn nhân Công giáo.
 
2.1. Đơn nhất. Khi nhắc lại chân lý “Họ không còn là hai nhưng đã thành một xương một thịt” (Mt 19,3-6), Chúa Giêsu xác định tình yêu vợ chồng phải là sự kết hợp hai người thật trọn vẹn, phải là một tình yêu tuyệt đối không chia sẻ. Ngày xưa người ta chỉ kết án tội ngoại tình của phụ nữ, còn trường hợp ngoại tình của nam giới được coi nhẹ. Chúa Giêsu xác định lại rằng cả người nam lẫn người nữ đều phải được tôn trọng như nhau. Một sự tôn trọng như thế chỉ có được trong hôn nhân một vợ một chồng và trọn đời chung thủy với nhau.
 
2.2. Vĩnh viễn. Để khẳng định tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, Chúa Giêsu nêu lên lý do thật giản dị: Hôn nhân là việc của Thiên Chúa. Định chế của giao ước hôn nhân đã được Thiên Chúa xác định thì loài người không được phép hủy bỏ. Nó không thuộc quyền loài người, không thuộc quyền Hội Thánh và cũng không thuộc quyền hai người nên không ai có quyền giải tán hôn nhân.
 
Có người bảo rằng: Hôn nhân là để sống hạnh phúc với nhau, nếu không còn hạnh phúc nữa thì tại sao không bỏ nhau đi để đi tìm hạnh phúc khác? Mới nghe qua ta thấy có vẻ hợp lý, nhưng thử hỏi khi hai người cam kết lấy nhau họ có nghĩ như thế không? Chắc chắn là không. Khi cam kết sống chung với nhau đến trọn đời, cả hai đều biết rằng mình toàn tâm toàn ý kết ước điều đó. Không phải vì ngây thơ không biết rằng đời sống chung có nhiều khó khăn, nhưng vì mỗi người đều cương quyết dùng tình yêu để thắng vượt tất cả mọi trở ngại. Hôn nhân là quyết định của những người trưởng thành chứ không phải của những em bé ngây thơ.
 
Có điều đáng buồn là xã hội ngày nay hợp pháp hóa việc ly dị. Sự kiện này làm cho hôn nhân càng dễ tan vỡ. Trước đây khi không có luật này, thì dù xích mích đến đâu, người ta cũng tìm cách hàn gắn vì không có giải pháp nào khác. Còn khi luật pháp cho phép ly dị thì họ sẽ nghĩ đây là giải pháp tốt nhất. Đôi khi còn tìm cách phóng đại những bất hòa trong gia đình để có cớ ly dị. Vì thế, cho phép ly dị chưa chắc là giải pháp xây dựng hạnh phúc gia dình, mà có khi còn là nguyên nhân để người ta phá bỏ hạnh phúc đang có để đi tìm những cái mới.
 
Thiên Chúa biết rõ bản chất con người yếu đuối, tình yêu con người mong manh, cho nên để bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, Ngài nhắc đi nhắc lại: Hôn nhân phải một vợ một chồng và bất khả phân ly. Ngài đã cho người ta hai tay vịn để có thể bước qua an toàn trên một chiếc cầu bấp bênh. Dù đã có hai tay vịn, nhưng nhiều lúc người ta vẫn hoa mắt chóng mặt vì cầu cao, nước sâu. Vì thế, mọi sự chỉ có thể tốt đẹp nêu đôi bạn biết để Chúa làm chủ đời mình.
 
3. Những phương thế bảo vệ sự thủy chung.
 
3.1. Gia đình có Chúa. Khi xây dựng gia đình công giáo, chúng ta hãy hỏi xem mình tự xây dựng gia đình hay Thiên Chúa đang xây dựng gia đình cho mình và mời cả hai cộng tác vào công việc của Ngài? Vì thế, nên để cho Thiên Chúa nhào nặn mình thành người chồng, người cha, người vợ, người mẹ theo những khuôn mẫu đẹp nhất theo ý Ngài. Nói cách khác, hãy đón nhận Chúa Giêsu làm chủ để không sống ngược lại với đường lối Ngài hướng dẫn. Đắm chìm trong tình dục, nô lệ cho của cải, tự đề cao mình thái quá, đấy là những con sâu đục khoét hạnh phúc gia đình. Đối nghịch lại với những khuynh hướng xấu trên đây là các nhân đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục trong bậc hôn nhân.
 
Không gì dễ chịu cho bằng thích gì làm nấy, khỏi đếm xỉa gì tới Thiên Chúa, khỏi nghĩ tới người bên cạnh. Nhưng Chúa bảo “hãy đi vào con đường hẹp”. Bởi vì “rộng rãi và thênh thang là con đường dẫn tới hư vong. Còn cửa hẹp và đường chật thì dẫn đến sự sống thật mà ít người tìm ra” (Mt 7,13-14)
 
3.2. Chân thành với nhau. Một trong những nguyên tắc cơ bản để bảo đảm hạnh phúc gia đình là sự chân thành. Hôn nhân là một sự kết hợp trong đó mọi người đều có quyền ngang nhau, cho nên không thể có hạnh phúc nếu mỗi người không biết nhìn nhận những sai sót và khuyết điểm của mình. Nên biết thành thật xin lỗi nhau. Như vậy, chắc chắn họ sẽ được tôn trọng hơn là cắn răng chịu đựng những bất công . Vợ chồng không nên đi ngủ với mối hận trong lòng. Những mối hận thù dù nhỏ bé đến đâu, nếu cứ dồn ép lại sẽ dễ trở thành một mối thù mà ngay cả sự ly dị cũng không dập tắt được.
 
3.3. Sống đức tin. Đôi bạn cũng cần nhớ rằng họ đã thề hứa chung thủy trước mặt Chúa và Giáo Hội. Lòng chung thủy đó không chỉ là một chuỗi những cố gắng duy trì, xây dựng của con người; mà còn là cách thể hiện lòng tin. Chung thủy chính là cách sống đức tin của đôi vợ chồng công giáo. ĐGH Piô XII mô tả một gia đình kiểu mẫu như sau: “Các bạn sẽ thấy mọi người trong gia đình ấy quan tâm chu toàn bổn phận của mình cách ý thức và hiệu quả. Mọi người tìm cách làm vui lòng nhau. Mọi người đều tìm cách thực thi công bình, lòng thành thực, sự hiền lành, sự quên mình, với nụ cười chân thành phát xuất từ trong lòng. Họ kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau và thể hiện sự thủy chung vũng bền trong những giờ phút thử thách. Các bậc cha mẹ ấy giáo dục con cái biết yêu thương, dạy chúng biết rèn luyện các nhân đức. Trong một gia đình như thế, Thiên Chúa được tôn vinh và phụng sự cách trung thành, tha nhân được đối xử tử tế. Các bạn có thể tìm thấy một nơi nào đẹp đẽ hơn thế không?”
 
3.4. Tránh tính ích kỷ. Trong buổi gặp gỡ giởi trẻ miền Umbria tại Assisi hôm thứ sáu 4/10/2013, ĐGH Phanxicô đã chân thành nói rằng kẻ thù của gia đình chính là tính ích kỷ và nền văn hóa tạm bợ. Ngài chia sẻ: “Có lần cha hỏi một cặp sắp sửa kết hôn: Các con có biết rằng hôn nhân là việc suốt đời không? Đôi bạn trả lời : Chúng con yêu nhau rất nhiều nhưng chúng con chỉ ở cùng nhau bao lâu còn tình yêu. Khi hết tình yêu thì đường ai nấy đi” . ĐGH cho đó là tính ích kỷ, “với tính xấu này người ta luôn có khuynh hướng quy về mình và không mở lòng ra cho người khác khiến hạnh phúc gia đình bị đe dọa. Hôn nhân phải làm cho người ta gắn bó với nhau suốt đời, không để bị phân ly vì bất kỳ trở ngại nào”
 
Thánh Gioan Kim Khẩu gợi ý cho các bạn trai nói vói người bạn đời của họ như sau: “Anh yêu em, anh quý em hơn cả chính anh. Cuộc sống đời này rồi sẽ qua đi nên anh cầu xin và làm mọi sự để sau khi sống sao cho xứng đáng trong cuộc đời này, chúng ta lại được kết hợp với nhau vĩnh viễn trong cuộc sống đời sau… Anh đặt tình yêu ấy lên trên tất cả. Và sẽ chẳng có gì khiến anh khổ tâm hơn là phải lìa xa em”[4].
 
Kết
 
Năm 1914, có tin giặc sắp tấn công thành Rô-ma, ông Riguđô, chỉ huy trưởng đoàn Vệ Binh Tòa Thánh, trình lên ĐGH Piô X một kế hoạch phòng thủ, trong đó có việc đặt đại bác tại Vatican, ĐGH đã bình tĩnh trả lời: “Vatican không nên được bảo vệ bằng đại bác, mà chỉ nên được bảo vệ bằng bác ái và tình thương”.
 
Cũng thế, thiết nghĩ, giải pháp tốt nhất để bảo vệ thành trì hạnh phúc gia đình không gì khác hơn là bác ái và tình thương. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì mỗi gia đình hãy mời Chúa vào nhà như là Vị Thượng Khách, Người sẽ luôn nâng đỡ phù trì gia đình. Hãy tin tưởng rằng Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta[5]. Như thế, mọi gia đình sẽ được ấm êm trước những đổi thay không ngừng của xã hội hôm nay, nhờ chan chứa tình yêu thương nhau và có Đấng là chính Tình Yêu ngự trị.              
 
Câu chuyện: Gương thủy chung
 
Cuộc sống gia đình của một vị tướng nọ ở Phi-lip-pin đang êm đềm trôi qua trong bầu khí thánh thiện đạo đức thì bác sĩ bỗng cho biết bà mắc bệnh phong cùi, phải cách ly gia đình càng sớm càng tốt.
 
Thật là tin sét đánh. Từ đây vợ chồng phải xa nhau sao? Quả thế, vài ngày sau, ông tướng buồn bã đưa vợ vào trại phong. Nhưng vì quá yêu vợ, ông nghĩ ra một cách. Ông trao lại nhà cửa cho con cái. Còn ông đi thuê một căn nhà nhỏ ngay trước mặt trại phong và đến sống ở đó. Ngày ngày, trước khi đi làm, ông ghé vào thăm vợ. Chiều về, ông lại ghé vào an ủi vợ. Cả hai chia sẻ tâm tình lo âu, nhọc mệt cũng như vui sướng trong ngày cho nhau, báo tin về con cái, bạn bè, rồi cùng cầu nguyện chung với nhau. Lúc đầu không ai biết, nhưng dần dần người ta để ý, tìm hiểu và bày tỏ lòng cảm phục. Họ bàn tán với nhau: “Làm sao họ trung thành với nhau được như thế. Xem ông tướng ấy quý vợ biết bao!” Mười mấy năm trôi qua, bệnh của bà dần dần thuyên giảm. Vị tướng lái xe đưa vợ về nhà xum họp cùng con cái, bạn bè, để lại cho dân chúng một hình ảnh cao đẹp về mối tình hiệp nhất yêu thương trong Chúa[6].
 
Câu hỏi thảo luận
 
1. “Quen quá hóa nhàm” có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất trung trong hôn nhân không?
 
2. Những cách thế tích cực nào giúp củng cố sự chung thủy của đôi bạn?
3. Những ảnh hưởng nào của môi trường bên ngoài tác động đến sự chung thủy trong hôn nhân
 

 Ban Huấn giáo Giáo phận Bà Rịa
 

[1] x. ĐGH Benedicto 16, Sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 26 tại Madrid, Tây Ban Nha từ 16-22/8/2011
 [2] x.GLHTCG 2364b
 [3] x.GLHTCG 2365
 [4] Thánh Gio-an Kim Khẩu, In Epistulam ad Ephesios, homilia 20: PG 62,146-147
 [5] x. ĐGH Phanxicô trả lời cho Giới Trẻ khi viếng thăm mục vụ As-si-si ngày 4/10/2013.
 [6] x. ĐHY Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 193-194

Trả lời