Đừng sống vô cảm…

 

Đừng sống vô cảm…Như chúng ta được biết, cuộc sống của con người là một vòng tuần hoàn: sinh-lão-bệnh-tử. Và, khi nói tới bệnh, có lẽ không ai trong chúng ta lại không cảm thấy ngao ngán và sợ hãi. Vâng, thật đáng sợ khi mắc phải một chứng bệnh nan y nào đó. Thật khủng khiếp khi một trong tứ chứng: phong-lao-cổ-lại xâm nhập và hoành hành trong cơ thể mình.

Có… có một căn bệnh còn khủng khiếp hơn khi đã xâm nhập, khi đã ăn xâu vào cơ thể mình, nó sẽ gây ra sự đau khổ, sự chết chóc… thế mà không ít người vẫn cứ thờ ơ, vẫn không ngăn ngừa, vẫn cứ sống chung với nó, đó là bệnh vô cảm.

Nói mà không sợ sai, căn bệnh này là một đại dịch, một đại dịch đang lây lan trong toàn xã hội. Có thể nói con virus vô cảm này đã và đang xâm nhập vào tất cả mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp của xã hội, hôm nay.

Thì đây, chúng ta hãy nhìn trên thực tế, một thực tế xảy ra nhan nhản khắp nơi: “Một thanh niên trai tráng không nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt. Một người lớn thấy một em nhỏ té ngã, thế mà vẫn phớt lờ. Giờ tan sở, đường kẹt xe, thế mà vẫn không ít người cứ cố tình luồn lách, không  nhường nhau, vi phạm luật lệ giao thông. Thấy người bị tai nạn giao thông cứ mặc kệ đi qua. Trước tình cảnh đau thương của đồng bào bị thiên tai, bão lụt, trước số phận bất hạnh của hàng ngàn trẻ thơ mồ côi, người già không nơi nương tựa… makeno – mặc kệ nó”.

Và đây, cái nhìn của một vị tu sĩ, một cái nhìn mà vị tu sĩ này đã phải ngao ngán thốt lên: “Nhìn thấy cái xấu, cái ác không bất bình. Thấy Chân, Thiện, Mỹ mà không ngưỡng mộ. Gặp cảnh bi thương lại thờ ơ, không động lòng thương xót, không rung động tâm can. Giá trị đạo đức bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật và cá nhân chủ nghĩa, dẫn đến ‘bệnh vô cảm’. Bệnh này thể hiện ở chỗ, không động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là xác khô của một cỗ máy?” (Lm. An-tôn Nguyễn văn Độ)

Khi nói đến bệnh vô cảm, Helen Keller nói: “Chúng ta có thể chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, sự vô cảm của con người”.

Niềm tin Kitô giáo không hoan nghênh lối sống vô cảm, một lối sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Niềm tin Kitô giáo dạy rằng, một Kitô hữu không chỉ mến Chúa nhưng còn phải yêu người. Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. v.v…”

Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài cũng đã lên án lối sống vô cảm. Qua rất nhiều dụ ngôn, Ngài đã gay gắt chỉ trích hạng người này. Một trong những dụ ngôn mà hôm nay chúng ta không thể không nhắc đến, đó là dụ ngôn mang tên “Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó”. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

Dụ ngôn được kể rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Vâng, chỉ là vài dòng chữ mô tả ông nhà giàu này, chúng ta có thể nói đây là một tay chơi thứ thiệt.

Đối nghịch với tay chơi thứ thiệt này là một hình ảnh trái ngược, hình ảnh “…một người nghèo khó tên là La-da-rô”.

Và, như người xưa thường nói, “nghèo lại gặp cái eo”. Cái “eo” anh La-da-rô gặp phải, đó là, người anh ta “mụn nhọt đầy mình”.

Hôm ấy, anh ta “nằm trước cổng ông nhà giàu”. Anh ta nằm trong trạng thái: đói…đói… đói… bụng nhao lên vì đói. Anh ta đói đến độ “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”.

Đáng tiếc, ước mong của chàng vẫn chỉ là ước mong. Một điều, nếu được phép gọi là điều an ủi cho anh ta, đó là, chỉ có “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”.

Câu chuyện đến đây, nói theo kiểu nói của những người viết tiểu thuyết, chấm dứt chương một.

Bước sang chương hai… đây là một chương không dành cho những người yếu tim. Chuyện gì mà người yếu tim không nên đọc? Thưa, chuyện xảy ra ở “cõi âm”.

Vâng, bước vào chương hai, chuyện được kể rằng: “Thế rồi, người nghèo này chết”. Đọc tới đây, chắc hẳn không ít người sẽ ồ lên và nói: tưởng chuyện gì, chứ chuyện chết, ai mà không chết!

Đúng, ai cũng phải chết. Và theo câu chuyện được ghi lại: “Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn”. Thế nhưng, cái chết của người nghèo không giống như cái chết của ông nhà giàu. Chính sự khác biệt về cái chết của hai con người này đã khiến ai đọc tới cũng phải kinh hồn bạt vía.

Đây, chúng ta hãy nghe tiếp: người nghèo này khi chết, anh ta đã được “thiên thần đem vào lòng ông Apraham”.

Còn ông nhà giàu ư! Thưa, rất thảm hại. Chuyện kể rằng: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ”.

Ông nhà giàu, ông làm sao nhỉ! Phải chăng, ông ta thèm được như anh La-da-rô? Thưa, đúng vậy.

Vâng, nếu trước đây ở trần gian, anh La-da-rô “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông” thì nay ngược lại. Ở âm phủ, ông nhà giàu là người “thèm”. Ông ta thèm có được những giọt nước, những giọt nước  mà La-da-rô sẽ “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông ta cho mát”, vì nơi ông ta đang ở “lửa thiêu đốt khổ lắm”.

Rất… rất nhiều lời năn nỉ ỉ ôi của ông nhà giàu trước “tổ phụ Áp-ra-ham”, một danh xưng mà ông cứ nhai đi nhai lại “Lạy tổ phụ, xin thương xót con… Lạy tổ phụ, vậy thì con xin… Thưa tổ phụ…” v.v…

Rất công bằng, tổ phụ Ap-ra-ham đáp: “Con ơi! Hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh,. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (x.Lc 16, 25)

Thật… thật cay đắng cho ông ta, khi tổ phụ Áp-ra-ham cho ông ta thấy  sự thật, sự thật về khoảng cách  giữa ông ta và anh La-da-rô. Khoảng cách đó không còn là một cái “cổng nhà”, nhưng là một “một vực thẳm lớn đến nỗi bên này muốn qua bên (kia) cũng không được, mà bên đó muốn qua bên (này) cũng không được”(x.Lc 16, 26)

Giờ đây, chúng ta tạm dừng câu chuyện dụ ngôn, tạm dừng để tự hỏi rằng: liệu có công bằng khi xử ông nhà giàu như thế? Vâng, muốn biết công bằng hay không, chúng ta cùng nhau đi vào từng chi tiết câu chuyện.

Ông nhà giàu, theo lời mô tả trong dụ ngôn, rất lịch lãm. Ông ta “mặc  áo tía và áo bằng vải gai mịn”, (theo một bản dịch khác).

Vảo thời đó, đây là loại trang phục thường dành cho vua chúa, thầy tế lễ. Khẳng định như thế là bởi, sách Sáng Thế có ghi: Vua Pharaô “rút nhẫn ra khỏi tay mình và xỏ vào tay ông Giuse, mặc cho ông y phục vải gai mịn, và đeo vào cổ ông chiếc vòng vàng” (x.St 41, 41)

Và,  theo nhà chú giải Kinh Thánh William Bracay, bộ trang phục này trị giá bằng 4.000 ngày công của một công nhân. (lương công nhật là 4 xu/ngày, như vậy, bộ trang phục tương đương 40 bảng Anh).

Như vậy, chúng ta có thể nói, cách ăn mặc của ông nhà giàu, không phải để che thân, nhưng là để “khoe khoang”, khoe sự giàu có của mình. Vậy, có đáng lên án không, trước sự hoang phí như thế!

Rồi đến việc ăn uống. Câu chuyện cho biết,  ông ta “ngày ngày yến tiệc linh đình”. Ăn uống như thế, đâu phải là “ăn để sống”, mà là sống để ăn, để chứng tỏ mình là người sành điệu.

Vậy, có đáng trách không, khi vào thời đó, tại Palestin, lao động cật lực 6 ngày/ tuần , giỏi lắm người ta mới ăn thịt một lần!

Cuối cùng, điều đáng lêm án lớn nhất đối với ông nhà giàu, đó là, giữa ông và La-da-rô, (theo như việc ông gọi Ap-ra-ham là tổ phụ), thì cả hai người đều là “con cháu Ap-ra-ham”, vậy cớ gì ông lại “vô cảm” trước sự nghèo khó của người anh em bà con với mình!!!

Ông ta và La-da-rô, (nằm trước cổng nhà ông), gần nhau như thế, thế mà ông ta lại nỡ “lạnh lùng đến thế sao!” .Thật đúng như có người đã nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là nơi không có tình thương”.

Vâng, ông nhà giàu không có tình thương. Trái tim của ông ta sơ cứng, một trái tim “vô cảm”. Thế nên, sự kiện ông ta, sau khi chết, phải “chịu cực hình” là điều không nên phàn nàn.

Thưa quý bạn, sau khi đọc xong dụ ngôn này, quý bạn có ao ước mình sẽ được giàu sang phú quý? Với tôi, tôi ước được như thế. Ước được như thế là bởi, Thiên Chúa không lên án sự giàu có.

Giàu có ư! Tốt, vì đó là ơn phúc Chúa ban. Giàu không phải là một cái tội. Trong câu chuyện dụ ngôn, không thấy một câu hay một chữ nào lên án sự “giàu sang” của ông nhà giàu.

Hãy nhìn xem sự giàu có của ông Gióp. Kinh Thánh chép rằng, ông ta có “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Satan cũng phải công nhận Đức Chúa đã “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (x.G 1, 10).

Đọc Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta cũng thấy có nhiều người giàu có đi theo trợ giúp Đức Giê-su. Một vài tên tuổi thường nghe nhắc đến trong Tin Mừng: ông Ni-cô-đê-mô, ông Giô-xếp người thành A-ri-ma-thê, bà Sa-lô-mê, v.v.

Thế nên, nếu chúng ta giàu có, hãy tạ ơn Chúa. Và… đừng để mình mắc-bệnh-vô-cảm, quăng “cục lơ” trước những người cần ta giúp đỡ, mà cứ vô tư  hết đi shopping, lại yến tiệc linh đình thâu đêm suốt sáng.

Nếu chúng ta giàu có:  “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng” (x.Hc 28, 8-9).  Thật vui thay khi Thiên Chúa nói với ta rằng: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm” (Cn 19, 17)

Cuối cùng, nếu chúng ta giàu có:  “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng”(1Tm 6,17).

Còn nếu chúng ta là anh chàng La-da-rô? Thưa, cũng hãy vui lên, vui là bởi, đó là một cái tên đầy ý nghĩa “La-da-rô : người được Thiên Chúa giúp đỡ. La-da-rô: Chúa là sự giúp đỡ của tôi”.

Thế nên, nếu chẳng may:  “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo.”, thì  đừng nghĩ rằng, là do trời phạt, hoặc là do “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Hãy nhớ rằng, Đức Giê-su đã từng tuyên phán: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (Mt) – Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em. (Lc)”.

Dựa vào những lời tuyên phán của Đức Giê-su, Raniero Cantalamessa, qua cuốn sách tựa đề:  “Tám chặng đường đi tới hạnh phúc”, có lời viết rằng: “Người nghèo khó đích thực của Phúc Âm là người ‘được Thiên Chúa che chở’… Nơi người Do Thái thời ấy, hạn từ ‘nghèo khó’ thực tế đồng nghĩa với thánh  thiện (hasid) và đạo đức. Các Giáo Phụ coi người ‘có tâm hồn nghèo khó’ hầu như đồng nghĩa với khiêm nhường”.

Vậy, chúng ta có gì phải nặng lòng khi: “Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo”…

Chúng ta đã được nghe lời Chúa truyền dạy, qua Kinh Thánh, về vấn đề giàu-nghèo.  Thế nên, hôm nay, vấn đề mà chúng ta cần chú ý không phải là giàu hay nghèo mà là việc đặt tương quan của chúng ta với tiền bạc, vật chất ra sao.

Ưu tiên của chúng ta là gì? Là “mến Chúa và yêu người”? Là không vô cảm trước đồng loại? Hay là một lối sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Vâng, tất nhiên quyền chọn lựa là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta chọn lối sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, hay nói ngắn gọn, nếu chúng ta chọn lối sống vô cảm, vô cảm trước những đau khổ, thiếu thốn của đồng loại, vào ngày phán xét, chúng ta sẽ bị “đứng bên trái”, bên mà Chúa sẽ tuyên phán rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (x.Mt 25, 41)

Ôi! có ai trong chúng ta lại muốn sống chung, sống đời đời… với “Ác Quỷ và sứ thần của nó”, nhỉ! (Chỉ mới sống chung vài thập niên cũng đã thấy “ná thở”  rồi, phải không, thưa quý vị!)

Thế nên, đừng quên lời Đức Giê-su tuyên phán: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Là một Ki-tô hữu, hẳn rằng ai trong chúng ta cũng muốn nhận được lời chúc phúc này? Nếu chúng ta muốn, đừng sống vô cảm.

Petrus.tran

 

Trả lời