Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán

Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán

   

Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bánHành hương là gì? Theo Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành giải nghĩa trong một bài giảng, thì:  “Hiểu theo nghĩa thông thường là rời khỏi nơi chốn của mình để đến một vùng khác, nơi có những dấu tích hoặc truyền thống của sự thánh thiện, nơi thờ phượng, nơi dành riêng để tịnh tâm… Cũng có thể hiểu là một cuộc rời bỏ con người của mình để hướng lòng lên với Chúa, dành thời gian và công sức cho việc thờ phượng Chúa. Trong hành hương có hàm ý hy sinh, sám hối, cầu nguyện, dâng hiến và chia sẻ với người nghèo”. (nguồn: www.chuacuuthe.com)

Hầu hết các Tôn Giáo lớn trên thế giới đều có truyền thống hành hương: Phật giáo đến chùa, Ấn độ giáo đến sông Ganges, Hồi giáo đến Mecque, Do thái giáo đến Đền Thánh Giê-ru-sa-lem… Còn với Công Giáo? Vâng, người tín hữu Công Giáo có thói quen  tìm về những nơi đã ghi dấu phép lạ của Đức Maria, nơi Mẹ đã hiện ra và đã trở thành những linh địa.

Nói tắt một lời, hành hương  là một truyền thống đẹp gắn liền với đời sống của mọi tôn giáo. Là một truyền thống đẹp, thế nhưng, thật đáng buồn vì ngày nay, một số ít người đã trần tục hóa việc hành hương, xem đó như là một cuộc du lịch, một cuộc du lịch được gắn bởi cái “mác” rất mỹ miều: “du lịch tâm linh”. Chính vì trần tục hóa việc hành hương nên không ít điểm hành hương đã xảy ra biết bao là tệ nạn, như: buôn thần bán thánh, chặt chém du khách, tranh cướp lộc dẫn đến đổ máu như vừa xảy ra tại Sóc Sơn Hà Nội…

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, nơi mọi tín hữu Do Thái phải hành hương ba lần mỗi năm, cũng đã hơn một lần trở thành nơi “buôn bán”, điều đó đã khiến Đức Giê-su giận dữ và có phản ứng khi Ngài hành hương đến đây vào dịp lễ Vượt Qua.

Câu chuyện đó được kể rằng: Hôm ấy, “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Cũng như mọi thành phần dân Chúa, “Đức Giêsu lên thành Giêrusalem”. Lên  Giê-ru-sa-lem. Vâng, Do Thái giáo có ba ngày lễ quan trọng buộc người tín hữu phải lên Giê-ru-sa-lem. Đó là:  lễ Ngũ Tuần, lễ Lều Tạm và lễ Vượt Qua.

Hôm đó là lễ Vượt Qua, và  không phải lần đầu tiên Đức Giêsu lên Đền Thờ dự lễ Vượt Qua. Hồi năm mười hai tuổi, Đức Giêsu cũng đã cùng với cha mẹ của Ngài “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua… như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2, 41-42). Lần “trẩy hội, hồi đó, Đức Giê-su đã làm cho mọi người kinh ngạc “về trí thông minh và những lời đối đáp” của mình.

Còn lần này thì sao? Thưa, lần này mọi người đã phải “kinh sợ”. Tại sao Đức Giê-su làm cho mọi người kinh sợ? Thưa, chỉ vì có một số người đã “bán chiên, bò, bồ câu” chưa hết, còn có “những người đang ngồi đổi tiền” ngay “trong Đền Thờ”…

Thưa bạn, nếu một buổi sáng nào đó, mở cửa ra, bạn thấy một nhóm người tụ tập trước nhà của bạn, họ bày bán đủ mọi thứ: tôm, cá, gà, vịt v.v… tạo ra một ngôi chợ chồm hổm, với những tiếng rao, tiếng mời chào, tiếng trả giá, tiếng cãi cọ vì cân đo đong đếm, tiếng gà vịt kêu… Chưa hết, còn những mùi xú uế của tôm, cá, gà, vịt bài tiết ra… Bạn và những người hàng xóm của bạn có để yên không? Chắc chắn là không? Chắc chắn bạn và cư dân ở dãy phố đó sẽ có biện pháp để những người bày bán ở đó kinh sợ, “cuốn tượng” ngay lập tức…

Trước cửa tư  gia còn không chấp nhận, vậy trước cửa Đền Thờ sao chấp nhận được, phải không thưa quý vị! Cứ thử  đi một vòng Saigon, đến những ngôi nhà thờ hay chùa chiền, xem thử, chắc chắn chúng ta sẽ thấy có những tấm bảng gắn trên tường với câu “nơi tôn nghiêm, xin đừng buôn bán và phóng uế”.

Vâng, hôm đó, nhìn Đền Thờ, nơi được cho là Đức Chúa Trời ngự và đã được Người thánh hóa, lại bị “biến thành nơi buôn bán”, Đức Giê-su “liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ, còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”(Ga 2, 15)

Hành động của Đức Giê-su, đã làm cho các môn đệ nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc cho Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.

Đúng, hôm đó, nhiều người Do Thái đã đụng chạm đến “thân phận” của Đức Giê-su bằng một câu chất vấn, rằng “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”

Dấu lạ nào ư! Thì đây, bữa tiệc cưới tại Cana với “dấu lạ” nước hóa thành rượu còn sờ sờ ra đó, nay còn thắc mắc mà chi?! Thế nhưng, để thỏa lòng ước muốn của mọi người, Đức Giê-su sẽ làm một “Dấu Lạ” mới, với lời yêu cầu, rằng “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.

Đức Giê-su sẽ làm “dấu lạ”, và nó sẽ được thực hiện trên thập giá tại đồi Golgotha, dấu lạ đó chính là những “dấu đinh” trên tay, trên chân, trên thân thể “Đấng Kitô bị đóng đinh”.

Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, mỗi khi nói “đi Giêrusalem”, Đức Giêsu đều giải thích cho các môn đệ biết rằng, là để Người “phải chịu nhiều đau khổ… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Người nói điều này tới ba lần, nhưng chỉ tới khi “Người từ cõi chết trỗi dậy”, các môn đệ mới “nhớ lại Người đã nói điều đó”. Chẳng những họ đã nhớ mà họ còn tin. Họ “tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói”.

Câu chuyện Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem được chép trong tin mừng thánh Gioan với tiêu đề “Đức Giê-su tẩy uế Đền Thờ”. Nhắc đến tiêu đề câu chuyện này để làm gì? Thưa, như thánh Phao-lô có nói “Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần”, cho nên, nhắc đến tiêu đề này là để chúng ta xem lại ngôi “Đền Thờ tâm hồn” của chúng ta. Nó có cần tẩy uế?

Nếu có… Hãy xem lại ngôi Đền Thờ tâm hồn của ta, nó có đang chất chứa  những “con lợn lòng”, những con lợn quyền lực, những con lợn danh vọng, những con lợn tiền bạc… hay không?

Hãy xem lại ngôi Đền Thờ tâm hồn của ta, nó có đang nuôi những con lợn dâm bôn, con lợn phóng đãng, con lợn hận thù, con lợn tranh chấp, con lợn chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, con lợn say sưa chè chén v.v… hay không?

Hãy nhớ lời thánh Phao-lô dạy rằng “Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được”? Thánh nhân nói tiếp: khi đã thuộc  về Đức Giê-su, chúng ta phải “Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp  để … thờ phượng Người” (x.Rm 12, 1)

Vì thế, nếu hôm nay, những con lợn lòng nêu trên, đang “quấn quýt” bên ta, không phải là Đức Giê-su, mà chính là chúng ta, chính chúng ta phải “lấy dây làm roi” mà xua đuổi những con lợn lòng đó.

“Dây” đó, chính là Bí Tích Hòa Giải, một ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chính Bí Tích Hòa Giải sẽ “gia cố” lại ngôi đền tâm hồn chúng ta.

Nói tắt một lời, đó là, đã bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, chúng ta đã để cho ngôi đền tâm hồn của mình ở tình trạng nào?  Nếu… nếu hôm nay, Đức Giê-su trở lại và đi ngang ngôi đền tâm hồn chúng ta, nó có đủ tiêu chuẩn để Đức Giê-su bước vào?

Vâng, Đức Giê-su vẫn luôn đi ngang qua cuộc đời ta, Ngài vẫn đứng ngoài ngôi đền tâm hồn ta và phán: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 3, 20)

“Người ấy sẽ dùng bữa với Ta”, với điều kiện, “người ấy” đừng biến ngôi đền tâm hồn của mình “thành hang trộm cướp” hoặc “thành nơi buôn bán”. Chúa sẽ dùng bữa với ta và ta sẽ dùng bữa với Ngài, nếu ngôi đền tâm hồn của ta không thành-nơi-buôn-bán trao đổi lợi lộc với Sa-tan, với thế gian và bè lũ của chúng.

Chúa sẽ dùng bữa với ta và ta sẽ dùng bữa với Ngài, nếu ngôi đền tâm hồn của ta không thành-hang-trộm-cướp, cướp đi niềm vui, hạnh phúc, sự bình an của gia đình mình, của bạn bè, của hàng xóm láng giềng, bằng những thú vui say sưa chén chén, bằng những tranh chấp hận thù, bằng những nóng giận chia rẽ bè phái v.v…

Chúa sẽ dùng bữa với ta và ta sẽ dùng bữa với Ngài, nếu ngôi đền tâm hồn của ta là nơi trao đổi những “lời Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói”. Vâng, lời Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói, đó là: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”

Petrus.tran

Trả lời