Danh sách “kẻ được chọn” có ta?

Danh sách “kẻ được chọn” có ta?

Danh sách “kẻ được chọn” có ta?Kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội mất hết ơn lành, theo lời Kinh Thánh ghi lại, thì, “sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất”. Sự gian ác đó đã khiến  Thiên Chúa đoán phạt con người bằng một trận hồng thủy. Thế nhưng, “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta”; cho nên, Thiên Chúa vẫn ban cho con người một Đấng Cứu Thế như lời đã phán hứa.

Hơn hai ngàn năm trước, Đấng Cứu Thế đã đến, Ngài chính là Giê-su người Na-da-rét. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng. Thông điệp đầu tiên được Ngài loan báo, đó là: “ Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. 

Sám hối, đó là điều phải đạo, là điều phải thực hiện để được hưởng ơn cứu độ. Còn Nước Trời ư! Vâng, đó là một mầu nhiệm và là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người.

Trong những ngày còn tại thế, bằng cách dùng những dụ ngôn, Đức Giê-su đã khai mở nhãn giới cho mọi người biết thế nào là mầu nhiệm Nước Trời.

Đã có lần Đức Giêsu mô tả Nước Trời như là “viên ngọc quý” hoặc như một “kho báu”. Và để có thể có được Nước Trời, con người phải ra công gắng sức tìm kiếm.

Trong một lần khác, Đức Giê-su đã so sánh Nước Trời giống như “chiếc lưới” thả xuống biển. Như một chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài (Mt 13,48). Nước Trời, cũng vậy, không phân biệt ai, không phân biệt chủng tộc màu da, luôn mở rộng và đón nhận mọi tâm hồn sám hối và thống hối ăn năn.

Với những lời rao giảng như thế về Nước Trời, trong dân chúng, có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Trái lại, các thượng tế và người Pharisêu thì cho rằng đó là những lời nói “mê hoặc” chỉ có bọn “dân đen”, một bọn mà các thượng tế gọi là “quân bị nguyền rủa”, tin theo, chứ còn “trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (x.Ga 7, 48)

Trước những lời nhận định đầy ác ý của các thượng tế và nhóm Pharisêu, Đức Giêsu đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn như một thông điệp để nói lên rằng, ai mới là người đáng bị nguyền rủa. Và rằng, những lời rao giảng của Ngài về một Nước Trời không phải là những lời nói của phàm nhân,  nhưng là những lời của “Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến”. Dụ ngôn đó mang tên là “dụ ngôn tiệc cưới”.(Mt 22, 1-14).

Dụ ngôn được kể rằng “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22, 2). Nói tới tiệc, tất nhiên phải có khách mời. Hôm đó, khi công bố mở tiệc, rất trịnh trọng, nhà vua “sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc”. Thế nhưng, thật đáng tiếc, những vị khách đó, “không chịu đến”.

Nhà vua, một lần nữa, “lại sai các đầy tớ khác đi”. Than ôi! lần mời thứ hai, tệ hơn nữa. Họ “không thèm đếm xỉa tới, lại còn bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn…”

Tại sao họ không tham dự? Phải chăng vì họ nghĩ rằng, nhà vua thuộc thành phần có chức có quyền, mà những kẻ đó thì biết đâu, như lời sách Thánh chép “Hắn mời con ăn uống đi nào! Nhưng đâu phải hắn có lòng với con”?!  (x.Cn 23, 7)

Thưa, nếu đó là những suy luận của những kẻ không đến dự tiệc, thì, đó chỉ là những suy luận ngụy biện, mà thôi. Thì đây! Cứ nhìn vào việc nhà vua lại tiếp tục sai đầy tớ “đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” thì đủ biết tấm lòng của ông ta.

Hôm đó, khi nhiều người được tập hợp lại, bất luận tốt xấu, chuyện kể rằng :”phòng tiệc cưới đầy thực khách”.

Thật ra, mọi sự không suôn sẻ như thế. Có một số rắc rối nhỏ xảy ra. Rắc rối thứ nhất, đó là những người không đi, không tham dự, thay vì họ chỉ cần “yes – no” hoặc “sorry”, đàng này, họ lại “bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết!”. Chính vì thế, nó đã dấy lên sự thịnh nộ của nhà vua. Và hậu quả, đó là, những kẻ gây “rắc rối” bữa tiệc cưới, tất cả đều  bị “tru diệt”, bị “trói chân tay lại quăng ra chỗ tối tăm” …

Rắc rối thứ hai, có một người bước vào dự tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”. Vâng, tệ thật! Anh ta không lịch sự trước lời “thỉnh” của nhà vua. Và số phận của anh ta cũng lại là chỗ “tối tăm bên ngoài”.

Vâng, có lẽ, hôm đó “trong giới Pharisêu” khi nghe xong  dụ ngôn này, chắc hẳn họ sẽ nhận ra ai là người đáng gọi là “quân bị nguyền rủa”!

Qua dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giêsu công bố một thông điệp, thông điệp rằng, Thiên Chúa chính là hình ảnh vị vua trong dụ ngôn. Người chính là Vua của bữa tiệc cưới. Người chính là Vua của Nước Trời. Một vị Vua của lòng nhân hậu “gặp ai cũng mời vào tiệc cưới”. Một vị Vua giàu tình yêu thương. Người sẵn sàng mời gọi tất cả mọi người “bất luận tốt xấu cũng tập hợp cả lại” để cùng nhau “bước vào tiệc cưới”.

Là một Ki-tô hữu, tất nhiên, chúng ta cũng là những kẻ được “tập hợp cả lại”, tập hợp trong một ngôi giáo đường và được mời gọi tham dự vào “bàn tiệc Thánh Thể”. Nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, Đức Giê-su, qua người tôi-tớ-Linh-Mục, vẫn cất giọng mời gọi chúng ta “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Vấn đề của chúng ta, đó là, cần phải tự hỏi mình rằng:Chúng ta có đáp lời mời đến “Bàn Tiệc Thánh Thể”? Và khi đến, chúng ta đến như thế nào? Phải chăng, chỉ cần đến than dự bàn tiệc Thánh Thể một năm một lần là đủ?

Nếu đúng là như vậy, thì, e rằng, rất khó  để chúng ta có thể duy trì tình trạng “Chúa ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa”. Đừng quên, khi thiết lập “tiệc Thánh Thể” Đức Giê-su có nói: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, …19) .

Vâng, nếu bạn là Đức Giê-su, bạn có vui khi mọi người chỉ tưởng nhớ đến bạn mỗi năm một lần!         

Thật ra, đối với việc tham dự bàn Tiệc-Thánh-Thể, điều Đức Giê-su cần nơi chúng ta, đó chính là chiếc “y phục áo cưới”.

Về điều này, chắc hẳn sẽ có nhiều người nói rằng: mỗi Chúa Nhật tham dự Thánh Lễ, có bao giờ tôi đến nhà thờ với bộ y phục rách rưới đâu!   

Nếu được như vậy,   hãy tạ ơn Chúa. Thế nhưng, hãy thử coi lại chiếc y phục tâm hồn của tôi! Nó có “rách nát”, nó có bám đầy rác rưới tội lụy? Nếu có, thì, hãy coi chừng, nếu chúng ta đến bàn tiệc Thánh Thể với chiếc y phục đó, chuyện bị “trói chân tay lại, quăng ra ngoài chỗ tối tăm” là điều khó tránh khỏi.  

Trở lại câu chuyện dụ ngôn tiệc cưới. Vâng, có lẽ không ít người trong chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh của những người phải “đi thăm trại hoặc đi buôn” để mà từ chối đến dự bữa tiệc Thánh Thể mỗi Chúa Nhật hàng tuần.

Chúng ta cũng biện luận rằng thì-là-mà “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ” mới đủ cho việc chi dùng trong gia đình, nên không còn thời giờ để được “tập hợp cả lại” trong bữa tiệc Thánh Thể.

Về lời biện luận này, Đức Giê-su đã có một lời dạy rằng: “Đừng lo cho mạng sống:  lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (x.Mt 6, 25-26).

Và cuối cùng, Đức Giê-su kêu gọi “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Đừng quên, đến với bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta sẽ được “sống muôn đời”.

Thưa bạn, bạn có  tin vào lời phán hứa của Đức Giê-su? Nếu có, hãy đến tham dự bàn Tiệc Thánh Thể mỗi tuần. Tất nhiên, không cần đến bằng những bộ y phục mang nhãn hiệu đẳng cấp, đại loại như “Levis hay Pierre Cardin” v.v… nhưng là với bộ y phục mang nhãn hiệu “đức cậy và đức mến”. Chính bộ y phục này, Đức Giê-su mới có thể nhận ra chúng ta chính là người môn đệ của Ngài.

Là người môn đệ của Đức Giê-su, danh sách “kẻ được gọi” và danh sách “kẻ được chọn”, có phần chắc, sẽ có tên chúng ta.

Petrus.tran

Trả lời