Cứu trợ Đà Nẵng : “Bên đời hiu quạnh …”

CỨU TRỢ TẠI ĐÀ NẴNG, THÁNG 10.2009

“Bên đời hiu quạnh …”

Nhật Minh

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"Thật khó để diễn tả cảm giác của phái đoàn tham gia chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ và lụt vùng ven Đà Nẵng ngày 20.10.2009. Đã 3 tuần trôi qua sau cơn bão số 9, hình ảnh những thân cây dính đầy rơm rác và các mảnh túi ni lông rách bươm, cộng với những dấu hiệu ghi nhận mực nước dâng ngập ven đường đi vào các địa phương ven thành phố Đà Nẵng, cũng đủ tạo cho người ta thứ cảm giác nhờn nhợn, lành lạnh như đi trong những đoạn kết của các bộ phim hành động miêu tả cảnh tan hoang sau mỗi cuộc chiến !

Cha Giuse Hoàng Huy Cường, được Cha Phanxicô Xavie Đào Trung Hiệu, Trưởng Ban Bác Ái Xã Hội Dòng Đa Minh Việt Nam, Bề Trên Chánh xứ Đa Minh Ba Chuông, uỷ quyền, mang theo ngân khoản do Tỉnh Dòng và cộng đoàn giáo dân Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông quyên góp. Theo đó, cha sẽ kết hợp với các anh em Đaminh đang phục vụ tại Đà Nẵng : cha Lê Văn La Vinh, cha Trần Văn Việt và thày Nguyễn Minh Nhật. Phái đoàn đã được cha Marcello Đoàn Minh, Trưởng ban Bác Ái Xã hội Gp. Đà Nẵng hướng dẫn để trao quà tận tay bà con bị thiên tai.

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"

Sau 3 tuần, chỉ những thân tre mới gượng thẳng lên,
rừng bạch đàn phía sau vẫn ngả rạp

Giáo xứ Hội Yên:

Để đến Giáo xứ Hội Yên (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang) cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 30km, chúng tôi phải vượt đoạn đường khá quanh co uốn khúc ven con sông Cu Đê (còn gọi là sông Trường Định). Vẫn có những khi phải dừng chờ do đoạn đường còn đang được khắc phục. Các xe ủi, xe xúc cật lực san lấp những đống đất, đả lở từ trên núi trộn lẫn bùn non còn lại, dù nước sông đã rút từ lâu. Cha Đoàn Minh, đặc trách Bác Ái Giáo phận Đà Nẵng – liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến tình hình mọi nơi sau bão, lũ. Chỉ những khoảng rừng bạch đàn đang trong giai đoạn phục hồi, xanh nõn màu lá mới nhưng cũng còn vương vấn mang theo những cụm rác trên cành, cha ngậm ngùi : “Bữa ni là đã gượng dậy rồi đó. Hồi hôm trước ngả rạp ra đất, bê bết bùn, rác cơ !”. Đôi khi mọi người ngồi trên xe còn nhìn thấy những căn nhà xây đổ nát, trốc mái,… do gió bão mà chủ nhân còn chưa có điều kiện sửa chữa, đành tạm để chúng “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

 

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"
Nơi đây từng gọi là nhà …

Hội Yên nép sát bên chân núi. Từ sân nhà thờ có thể quan sát được những khóm nhà dân lô nhô, trên mái chèn đầy những bao tải dằn cát chống bão. Cha xứ tên Thạnh, Dòng Vinh Sơn, tất bật tới lui, chân kéo dép nhựa, quần ống cao ống thấp, cười tươi đón khách: “Bão xong, nhờ bà con giúp dân dằn mái, nên tình hình cũng đỡ căng thẳng. Chừ còn lo chuyện ăn chuyện uống thôi !”. Chỉ những thửa ruộng bé tí hon ngập trong nước, gốc rạ thối đen; rồi chỉ đám đông dân chúng chỉ toàn phụ nữ và trẻ em, cha xứ lắc đầu cám cảnh. Thanh niên trai tráng đã không thể dừng chân trên quê nhà, mà lang bạt đây đó chấp nhận kiếm những công việc và cách thức khả dĩ hơn cho chuyện giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

130 phần quà cùng với phong bì nhanh chóng được ba anh em Đa Minh (Trần Việt, Huy Cường và Minh Nhật) cùng Cha Đoàn Minh và một số tình nguyện viên đi cùng, chuyển tới tận tay bà con bị ảnh hưởng bão.

Công việc nhanh chóng hoàn tất. Khoảng 9g30, xe chuyển bánh, tiếp tục đưa mọi người tới Gx. Phú Hương (Đại Lộc,Quảng Nam).

Giáo xứ Phú Hương, đi trong bùn lũ:

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"Không nằm trong vùng “mắt bão” nhưng Gx. Phú Hương lại ảm đạm trong “mắt lũ”. Hơn hai mươi ngày sau lũ bùn, Phú Hương vẫn nhớp nháp trong đám bùn non vương khắp lối đi. “Lũ tràn về và ngâm cả vùng trong bùn suốt ba ngày – cha Linh, quản xứ Phú Hương, diễn tả – những gì lũ cuốn được, đều trôi theo dòng nước hết”. Ngay cả nhà xứ, nhà kho cũng bị con lũ đánh vỡ, cuốn trôi tất cả các dụng cụ; cuốn trôi cả tủ quần áo lễ. “Nói chung, tài sản còn lại của cha xứ chỉ còn 2 bộ máy tính và mấy dây stola” – một giáo dân vừa diễn tả vừa chỉ cho chúng tôi thấy ngấn bùn còn đọng lại trên tường, cho thấy mức lũ dâng cao cỡ nào. Chạy nửa chân tường là một màu vàng nhàn nhạt, cao ngang hông người lớn. Cuối nhà xứ, những dãy bùn đã được đẩy gọn lại thành đống lớn, chất chồng hăng hăng nồng, ước lượng như cả chục xe ben mới chở hết …

Giáo dân Phú Hương nghe tin có đoàn cứu trợ, tập trung từ rất sớm. 4 tiếng đồng hồ chờ đợi, họ tụm lại thành những nhóm nhỏ, bàn chuyện nhà này nhà nọ, chuyện giúp cha xứ chùi cọ nhà thờ, giúp nhau tìm đồ đạc đã bị lũ cuốn, vương vãi đâu đó trong các thửa vườn, kênh mương,… Ôm từng phần quà gồm 1 thùng mì tôm, 10kg gạo, chai nước mắm và thêm một phong bì, từ chính tay anh em Đa Minh ân cần trao tặng, ai nấy rạng rỡ đến độ rưng rưng. “Đoàn đầu tiên tới giáo xứ đó thầy !” – một cụ già nghẹn ngào, luôn tiện kéo chúng tôi ngồi xuống bên phần quà bà mới nhận, tỉ tê kể chuyện con sông Vu Gia bỗng nổi sóng, cuốn trôi tất thảy những gì gia đình bà ki cóp cả đời. “Chừ chỉ còn xác nhà trống rỗng thôi thầy ạ ! Ngay cả cái giường năm cũng tan tành mô rồi chẳng biết…”.

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"

Anh em cũng bỗng rầu rầu theo nhịp kể trầm buồn của bà. Ai cũng thấy nhói lòng khi bà thêm một ước nguyện : “Giá chi tụi tui được thêm tấm chăn, cái màn chống muỗi ban đêm”. Vâng, sau lũ, muỗi mòng từ đám bùn non ứ đọng sinh sôi rất nhanh. Giữa ban ngày, chỉ ngồi nghỉ một lát, chân tay đã nghe ngứa ngáy khắp nơi…

Sau chuyến đi :

Trao tặng xong 300 phần quà tại Phú Hương, ai đó thảng thốt kêu: “Đói !”, nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ chiều. Chào cộng đoàn và cha xứ sau khi chân tình nghe lời cảm ơn từ các hội đoàn, cha Đoàn Minh cũng tranh gởi lời trân trọng cảm ơn Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, cha Bề Trên Đào Trung Hiệu và cộng đoàn giáo xứ Ba Chuông.

 

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"
Cha xứ Gx. Hội Yên và cha Đoàn Minh ngỏ lời cảm ơn anh em Đa Minh

Ghé ngang một quán ăn nhỏ ven đường về, mọi người tham gia ngày cứu trợ mới có dịp để chia sẻ tâm tình và góp ý rút kinh nghiệm trong công tác. Cha Huy Cường vừa cười vừa xuýt xoa : “100 triệu, ở nhà thấy nhiều thế, nhưng ra đến đây mới thấy là chả thấm vào đâu, nhỉ ?”

Đến khi cha cho biết Tỉnh Dòng và giáo xứ Ba Chuông còn cử hai phái đoàn cứu trợ đi Kontum và Vinh nữa, cha Trần Văn Việt chia sẻ : “Tuy số tiền so với những thiệt hại do bão lụt thì thật chẳng thấm vào đâu. Nhưng lẽ nào Đà Nẵng lại đòi giữ tất cả cho mình… Điều quý hơn cả là tấm lòng của bà con, là sự quan tâm của Cha Giám Tỉnh, Tỉnh Dòng và cộng đoàn dân Chúa Ba Chuông đối với đồng bào các vùng bị thiên tai. Qua đó, anh em Đa Minh đang phục vụ tại Giáo phận Đà Nẵng cũng cảm nhận được sự quan tâm của các bề trên đối với anh em và trợ đỡ anh em trong việc chia sẻ khó khăn với những người hiện diện chung quanh…”

Chợt nhớ đến ca từ “Bên đời hiu quạnh” của Trịnh Công Sơn : “Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua. Đường về tình tôi có nắng rất la đà. Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ… Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi”. Xin thay mặt bà con nhận quà, cảm ơn tất cả các ân nhân, rằng : “nhờ những tấm lòng sẻ chia, con đường của chúng tôi không còn hiu quạnh, vì kìa … nắng đã lên …”

Cứu trợ Đà Nẵng : "Bên đời hiu quạnh …"

Trả lời