Của ít lòng nhiều…

 

 

Của ít lòng nhiều…Dâng cúng là một hành vi không thể thiếu trong bất cứ tôn giáo nào. Nói tới việc dâng cúng, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết, đó là một hành vi biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn của con người đối với Thượng Đế.

Việc dâng cúng đã có từ thuở xa xưa. Thật vậy, ngay khi con người xuất hiện trên trái đất,  tiêu biểu là hai anh em Cain và Abel, họ đã biết tôn kính và biểu lộ lòng biết ơn Thượng Đế qua việc dâng cúng.

Với Cain, Kinh Thánh cho biết, anh ta đã “lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA”. Còn Abel! Thưa anh ta “cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng”. (St 4, 3-4)

Sau đó, trải qua chiều dài lịch sử con người, một dân tộc Israel xuất hiện. Đây là một dân tộc coi trọng sự dâng cúng cho Thiên Chúa. Vào thời Cựu Ước, thời được gọi là đại pháp luật, luật quy định mọi con dân phải dâng một phần mười về mọi thu nhập của mình. Sách Lê-vi ghi rằng: “Mọi thuế thập phân đánh vào đất, trích từ sản phẩm của đất và từ hoa trái của cây cối, đều thuộc về Đức Chúa” (Lv 27, 30)

Thế nhưng, đáng tiếc thay, theo thời gian, con người đã có cái nhìn trần tục về sự dâng cúng. Không ít người nghĩ rằng, dâng cúng như là một sự “hối lộ” Thượng Đế. Người nào dâng cúng nhiều, thì Thượng Đế sẽ thi ân giáng phúc nhiều cho người đó. Còn người nghèo, dâng cúng ít… thì… đừng có mơ!

Vâng, đó là một quan niệm sai lầm. Đối với Thiên Chúa, Kinh Thánh chép rằng “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu”. Sự dâng cúng đẹp lòng Thiên Chúa chính là “phải giữ nét mặt tươi cười… và tùy khả năng con có” (Hc 35, 8-9).

Và, đó cũng là quan điểm của  Đức Giê-su. Câu chuyện “Tiền dâng cúng của bà góa nghèo” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, nói rõ quan điểm của Ngài. (x.Mc 12, 38-44)

Chuyện kể rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lên Đền Thờ. Có thể nói, mỗi lần xuất hiện ở Đền Thờ, y như rằng,  Ngài đều gửi đến cho mọi người một thông điệp hay một lời truyền dạy.

Nhớ, lần trước, khi lên Đền Thờ và thấy cảnh bát nháo, ồn ào của những kẻ đổi tiền và những người buôn  bán, Đức Giê-su thẳng tay “lật bàn của những kẻ đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu”, và sau đó Ngài đã đưa ra một thông điệp: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

Còn hôm nay… hôm nay, Đức Giê-su hiện diện nơi đó trong âm thầm,  âm thầm “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ”. Và, “quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”.

Hôm ấy, bên ngoài Đền Thờ là những khuôn mặt hợm hĩnh của các ông kinh sư  “xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi”. Còn bên trong Đền Thờ là một dòng người đang tiến về thùng tiền dâng cúng.

Trong dòng người đó, có một người phụ nữ. Bà ta là “một bà góa nghèo”. Vâng, bà ta rất nghèo… rất nghèo trước “lắm người giàu” cũng đang rồng rắn bước về thùng tiền dâng cúng.

Thánh Mác-cô có nói thêm điều gì về bà ta? Không…thưa  không.  Vậy, nên chăng, chúng ta hãy tưởng tượng một chút về bà ta!

Vâng, rất…  rất có thể (mà tại sao không có thể nhỉ!)… hôm ấy bà ta vui mừng “tiến-lên-đền-thờ-Thiên-Chúa”, với những lời hát thì thầm, hòa theo cung điệu của dàn kèn đồng lanh lảnh rúc lên từng hồi từ trong Đền Thánh vang ra: “Tôi mừng vui mỗi khi nghe nhủ rằng: Nào ta tiến lên Đền Thờ Thiên Chúa… Đây Gia-Liêm thành đô, luôn vững bền với tháng năm. Người người cùng mừng vui, dâng lễ vật ca tụng Chúa Trời”.

Hãy tưởng tượng thêm nhé.  Bà ta “mừng vui” tiến đến thùng tiền, nơi luôn có những vị  “cảnh sát tôn giáo” canh chừng. Mọi người từng bước tiến đến dâng cúng. Có người bỏ vào một cách kín đáo. Có đôi người đi qua, chẳng bỏ đồng nào. Nhưng cũng có kẻ cố ý bỏ thật chậm trãi, từng tờ… từng đồng… với những động tác gây chú ý, khiến cho nhiều người chung quanh nhìn thấy phải ồ lên vì sự hào phóng.

Còn bà góa nghèo thì ngập ngừng. Dâng hay không là tùy tâm tùy ý, không bắt buộc. Tệ thật! Chỉ còn có hai đồng. Chẳng ai bắt buộc mình phải dâng cúng. Mình nghèo mà! Hay bỏ một đồng, còn một thì giữ lại!

Ôi! không được. Như thế thì còn gì là sự nhiệt thành dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Một quyết định thật khó khăn. Nhưng, khi vượt qua được sự giằng co của tư tưởng, bà ta đã: “bỏ vào đó hai đồng tiền, trị giá một phần tư đồng Rôma” (x.Mc 12, 42)

Bỏ hai đồng tiền kẽm nhỏ bé lẫn vào những tờ bạc mệnh giá lớn lấp lánh, rồi bà ta mau chóng đi ra. Bà ta có cảm tưởng như có ai đó nhìn theo mình. Phải chăng là cặp mắt của những ông “cảnh sát tôn giáo” nhìn soi mói? Ôi! không phải! Hình như lúc nãy một người có  khuôn mặt trông quen quen. Thôi đúng rồi! Ông ta là Giêsu, khi ở Xê-da-rê Philippê đã được môn đệ Phêrô tuyên tín là: “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Trên đường về, bà ta cảm thấy thật bình an. Bình an bởi bà ta đã nghe, chính con người này, khi ở Caphanaum đã tuyên bố rằng: “Ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35).

Vâng, bây giờ chúng ta ngưng tưởng tượng và  hãy trở về với thực tế của câu chuyện. Hôm ấy, sau khi nhìn thấy bà góa dâng lễ vật là hai đồng tiền kẽm, Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh  em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”.

“Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”.  Vâng, nghe qua lời nhận định này, cứ sự thường, dư luận ai cũng cho là vô lý. Vô lý ở chỗ, một bên chỉ có “hai đồng tiền kẽm”, còn bên kia người ta “bỏ thật nhiều tiền”, thì làm sao bên có hai đồng lại được cho là bỏ “nhiều hơn ai hết”!

Thế tại sao Đức Giê-su lại khẳng định “trái chiều” với nguồn dư luận nêu trên? Thưa, ta hãy nghe Ngài giải thích: bà góa này đã “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 13, …44)

Mẹ Têrêsa Calcutta cũng có nhận định như thế, khi nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Với những lời nhận định nêu trên, nên chăng tặng cho bà góa nghèo này danh hiệu “tỷ phú của Chúa”?

Mà, tại sao không nhỉ! Nếu ta suy nghĩ sâu xa hơn một chút, sẽ thấy rằng: nếu đem “hai đồng tiền kẽm” này, gửi ngân hàng, kỳ hạn một năm, với lãi xuất là 7%. Điều gì sẽ xảy ra “sau hai ngàn năm”? Phải chăng là sẽ thu về vài nghìn tỷ đô-la!

Đó là chưa nói tới “hiệu ứng dây chuyền” qua việc dâng hiến của bà góa nghèo này. Vâng, ta hãy tưởng tượng (một sự tưởng tượng có phần chắc sẽ xảy ra), đó là: sau khi Kinh Thánh được in ra nhiều thứ tiếng, được phố biến toàn cầu, với hàng tỷ tỷ người biết đến câu chuyện của bà ta, và với sự dứt dấy của Thánh Thần, không ít người sẽ  được thôi thúc cho việc dâng hiến,  số tiền dâng hiến đó, ai.. ai có thể tính ra sẽ thu về được bao nhiêu tỷ tỷ!

Qua câu chuyện này, có thể nói rằng, thông điệp mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho mọi người, đó là: thước đo cho việc dâng cúng không phải là số lượng nhưng là sự trọn vẹn.

Vâng, đó chính là điều Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô suy tư. Ta hãy nghe tiếp lời ngài dạy dỗ: “Có một sự khác biệt giữa lượng và sự trọn vẹn. Bạn có thể có bao nhiêu tiền bạc, nhưng lại trống rỗng: không có sự sung mãn trong tâm hồn bạn. Trong tuần này, anh chị em hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa số lượng và sự trọn vẹn. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim. Có những thứ bệnh đau tim, hạ thấp con tim xuống hàng ví tiền. Và điều này không tốt! Yêu mến Thiên Chúa ‘hết lòng’ có nghĩa là tín thác nơi Chúa, nơi sự quan phòng của Chúa, và phụng sự Chúa nơi anh chị em nghèo khổ nhất mà không chờ đợi được báo đáp.”

Đúng. Tất cả là ở “con tim”. Một con tim như con tim của một người vô gia cư, “một người vô gia cư dâng hiến một món quà vô giá cho nhà thờ”. Qua bài tường thuật của tờ USA TODAY (cách nay vài năm), anh ta đã dâng hiến chỉ với 18 cents cùng một lời ghi chú giản dị trên một mảnh giấy nhỏ như sau: “Please don’t be mad I don’t have much. I’m homeless. God bless.” (tạm dịch: Vui lòng đừng giận, tôi không có nhiều. Tôi là người vô gia cư. Xin Chúa ban phước lành).

Và, một “con tim” khác, đó là con tim của cô bé, cô bé có tên là Hattie May Wiatt. Vâng, câu chuyện hơi dài dòng. Thế nhưng, có gì ngăn cản chúng ta bớt chút ít thời gian nghe lại câu chuyện này nhỉ!

Chuyện kể rằng: “Một Chủ Nhật của năm 1880 tại tiểu bang Pennsylvania nước Mỹ, một cô gái nhỏ với dáng vẻ thất vọng đứng gần cửa ra vào của nhà thờ, nơi cô bị đẩy ra vì trong đó đã quá đông, cô không thể tham dự lớp học Chủ Nhật của nhà thờ.

Lúc đó một vị mục sư đi ngang qua nhìn thấy cô bé, ông đặt cô bé lên vai mình rồi len lỏi vào trong rất khó khăn, cuối cùng cũng tìm được một chỗ ngồi trong góc tối cho cô bé.

Cách một ngày sau, vị mục sư lại nhìn thấy cô bé. Ông ta an ủi cô: “Đợi đến lúc gom đủ kinh phí, ta nhất định sẽ xây dựng một lớp học Chủ Nhật rộng hơn nữa”. Một thời gian sau, cô bé mắc bệnh nặng và không bao lâu cô bé qua đời.

Sau khi làm những thủ tục mai táng, gia đình cô bé đã đưa cho vị mục sư một chiếc ví nhỏ vừa sờn rách vừa cũ nát, bên trong có 57 đồng xu (vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19), đó là số tiền lớn đối với một gia đình nghèo nàn như nhà cô bé.

Gia đình cô bé nói với mục sư rằng, đó là số tiền cô bé tiết kiệm trong hai năm. Cô bé hy vọng số tiền này sẽ giúp xây dựng một nhà thờ rộng hơn, để có thêm nhiều trẻ em được đến học vào ngày Chủ Nhật.

Khi mục sư biết được ước nguyện đó, ông mang chiếc ví rách với 57 xu lên bục giảng, ông kể lại câu chuyện về cô bé khiến cho tất cả mọi người vô cùng xúc động” (nguồn: internet).

Vâng, dâng hiến (hay dâng cúng) là việc làm suốt chiều dài lịch sử con người. Rõ nét nhất là từ thời tổ phụ Apraham – đến thời Chúa Giê-su và tất nhiên, cho đến thời đại chúng ta hôm nay.

Thật ra Thiên Chúa đâu cần chúng ta dâng hiến. Người giàu có vô tận và sẵn sàng “rộng ban” cho con cái Người. Thánh Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Roma có lời chia sẻ, rằng: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban cho chúng ta” (x.Rm 8, 32)

Tất cả những gì chúng ta có là từ Thiên Chúa. Thế nên chúng ta cần bày tỏ tâm tình biết ơn và tôn kính qua việc dâng hiến cách trọn vẹn, dâng hiến chính mình, thời gian, tài năng, tiền bạc … cho Thiên Chúa, qua Giáo Hội hoặc qua những ai đang có nhu cần, đang thiếu thốn.

Thánh Phao-lô khuyên dạy: “Mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương”. (2Cor 9, 77)

Vâng, Thiên Chúa sẽ yêu thương, dẫu chúng ta chỉ dâng có “hai đồng tiền kẽm”. Vì “Của ít lòng nhiều”.

Petrus.tran

 

106 thoughts on “Của ít lòng nhiều…

Trả lời