Có thì phải nói có…

 

Có thì phải nói có…“Nói và làm là hai cách thức thể hiện tư tưởng của một con người. Nói và làm tác động và gắn bó với nhau, đến nỗi lời nói chứng minh cho việc làm và ngược lại. Tư tưởng thì trừu tượng; việc làm thì cụ thể. Tư tưởng thì dễ dàng và cao xa bay bổng; việc làm thì khó khăn và nghiệt ngã khắt khe.

Người ta chỉ có thể kiểm chứng và lượng giá lời nói của một người, nếu đã thấy những việc làm của người đó phù hợp với những gì đã được thể hiện qua lời nói. Nói và làm cùng phát xuất từ tư tưởng của một con người, nhưng không dễ để hoà hợp và đi đôi với nhau. Có nhiều người nói một đàng mà làm một nẻo. Có những người nói thì rất hay mà làm lại rất dở…”

Những dòng chữ trên đây, được trích trong một bài viết với tựa đề “Nói và làm”, được post trên trang gpbanmethuot.vn, và được biết tác giả chính là  Gm Giuse Vũ Văn Thiên.

Như chúng ta thường nghe người ta nói: con đường từ miệng đến tay là con đường dài nhất, thế nên, những lời nhận định nêu trên, không phải là điều làm cho chúng ta ngạc nhiên, cho lắm. Và, trong thực tế của xã hội hôm nay, điều Giám Mục Vũ Văn Thiên nói, đó là “chuyện thường xảy ra ở huyện”.

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, những loại người: “nói một đàng mà làm một nẻo… nói thì rất hay mà làm lại rất dở…” luôn bị Ngài lên án. Thánh Mát-thêu, một trong mười hai vị môn đệ của Ngài, đã ghi lại rất chi tiết về những lời lên án này.

Vâng, một ngày nọ, Đức Giê-su (đã) nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy.Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”.

Họ, những người Pha-ri-sêu, nói cái gì và không làm cái gì? Thưa, Đức Giê-su cho biết: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động đến ngón tay vào”.

Và, để lấp liếm sự giả hình của mình, những người Pha-ri-sêu đó đã: “làm mọi việc cốt để cho mọi người thấy”. Vâng, rất ấn tượng, (nếu được phép nói như thế), “họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài”.

Nhớ, một lần nọ, Đức Giê-su đến nhà một thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu dùng bữa, khi thấy khách dự tiệc “cứ chọn chỗ nhất mà ngồi”, Ngài có lời khuyên rằng: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”.

Thế nhưng, với các anh Pha-ri-sêu, thì không. Họ “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường..” Chưa hết, họ còn “ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là ráp-bi”.

Nói mà không làm. Giả hình, thích phô trương, ưa khoe mẽ, khoái bề ngoài, xu nịnh. Tham lam, lọc lừa, giả dối, thực dụng. Kiêu ngạo, cho rằng mình nổi trội hơn người khác, bắt người khác phải phục vụ. Tự mãn, cho rằng mình đạo đức, thánh thiện. Vâng, đó là  “phong cách” sống của không ít ông kẹ Pha-ri-sêu, vào thời Đức Giê-su.

Đức Giê-su hoàn toàn không chấp nhận phong cách sống như thế. Hôm ấy, Ngài đã có lời khuyên, rằng: “Trong anh em, người làm lớn hơn, phải là người phục vụ anh em”. Và, rất long trọng, Đức Giê-su đã tiếp tục nói lên một lời khuyên chí tình, rằng: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

Vâng, ngay từ buổi xa xưa, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, đã nói về những kẻ nói mà không làm, rằng: “Chúng có thờ phượng Chúa cũng vô ích”.

Qua những lời khuyên răn của Đức Giê-su, cũng như lời khuyến cáo của ngôn sứ Isaia, có thể nói rằng: “Nói phải làm” là một thông điệp mà bất cứ người Ki-trô hữu nào cũng phải thực thi. Đã là một Kitô hữu, lời nói phải đi đôi với việc làm.

Là một Kitô hữu, một khi đã cất tiếng trước Đấng Tối Cao: “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”, thì dẫu cho, một ngày nào đó, một ngày ta cảm thấy “đời buồn vui”, một ngày ta cảm thấy “nhắm mắt chỉ thấy một (gia đình) tím ngắt”…  thì, ta cũng không được cất tiếng ca, ca rằng: “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”.

Có… có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc “Nói phải làm” trong đời sống đức tin của chúng ta. Nếu nêu lên ở đây, có lẽ sẽ làm cho chúng ta “ngao ngán”. Thế nên, chúng ta có thể vắn tắt, rằng: khi chúng ta nói mà “lờ”… có khác nào ta là những người Phariseu xưa “nói mà không làm”.

Nói mà không làm có khác nào nói dối. Hãy nhớ rằng, nói dối là bản chất của ma quỷ. Ma quỷ là chuyên viên nói dối và là cha của sự gian dối. Kẻ nói mà không làm, phải chăng cũng là “các sứ thần” của ma quỷ !? Đừng quên “lửa đời đời” chính là nơi “dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41)

Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn mình là “sứ thần của ma quỷ”. Không muốn là sứ thần của ma quỷ…Vậy,  hãy nhớ lời Đức Giê-su truyền dạy: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Vâng, là một Ki-tô hữu, hãy ghi khắc trong con tim mình lời Chúa dạy: “Có thì phải nói có”.

Petrus.tran

 

Trả lời