Cần quan tâm đến luật bên trong nhiều hơn



Cần quan tâm đến luật bên trong nhiều hơn luật bên ngoài

Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Lm. Jude Siciliano, OP

 

Kính thưa quý vị,

Cần quan tâm đến luật bên trong nhiều hơnKhi một người đến hỏi Đức Giêsu một câu chân thành thì Người sẽ cho họ câu trả lời. Thậm chí Người cũng trả lời cho cả những người Pharisêu chân thành trong cách câu hỏi của mình. Ví dụ, khi họ hỏi Người về vấn đề ly dị (10,2-12). Đối với người đàn ông giàu có đã hỏi Người: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đã trả lời và đưa ông vào trong sự kiếm tìm (10,17-25).

Nhưng hôm nay, Đức Giêsu ra như không còn kiên nhẫn và chịu đựng nổi những người Pharisêu khi họ chất vấn Người về việc các môn đệ đã không giữ nghi thức thanh tẩy trước khi dùng bữa. Những người lãnh đạo Dothái này có lẽ không chân thành như những người khác, những người tìm Đức Giêsu để được hướng dẫn. Những người Pharisêu đang làm nhiệm vụ chứ không chỉ đưa ra ý kiến của họ về phong tục tôn giáo với Đức Giêsu.

Thánh Máccô cho chúng ta biết những phê bình chỉ trích này đến từ những người từ Giêrusalem lên Galilê. Đức Giêsu thu hút đám đông ở bất cứ nơi nào Người đi qua, trong vùng nông thôn giữa những người nghèo khổ và dốt nát; những người này không thể thực hành cách chi tiết tất cả những điều mà giới trưởng lão ở Giêrusalem thiết lập để những người Dothái sùng đạo thi hành. Những câu chuyện tương tự thế này trong Máccô cho thấy danh tiếng của Đức Giêsu đã lan ra tới cả các Dân Ngoại – một mối nguy khác về quyền lực. Như để nhấn mạnh điều này, trình thuật tiếp theo nói về người phụ nữ Canaan, một người ngoại đến tìm Đức Giêsu để xin Người chữa lành cho đứa con gái bị thần ô uế ám – và Người đã nhận lời.

Giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem có lẽ thích những luật lệ và sự phù hợp với truyền thống của tiền nhân. Thánh Máccô viết cho thính giả rộng lớn hơn, những người ngoài Dothái giáo, vì thế mà ngài dành thời gian giải thích các luật tôn giáo. Đức Giêsu lên án những người Pharisêu và các Kinh sư vì đã quá quan tâm đến quy tắc lễ nghi, “truyền thống của tiền nhân” mà bỏ qua Luật của Chúa. Không như những người khác, những người tìm kiếm chân thành, những nhà làm luật này cố tô vẽ hình ảnh Đức Giêsu như người đả phá lề luật của đạo. Họ đang công kích Đức Giêsu và còn tiếp tục đối đầu với Người trong suốt Tin mừng.

Mặt khác, Đức Giêsu bỏ qua câu hỏi của họ về vấn đề rửa tay và đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề: những kẻ thách thức Người thì đang tuân giữ “truyền thống của người phàm”, nhưng nên dành nhiều thời giờ và sức lực hơn để dạy dỗ những đòi hỏi của đức ái, lòng thương cảm và công lý mà Thiên Chúa đòi hỏi. Người trích ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa ta”.

Bài Tin mừng hôm nay bỏ qua các câu từ 9-13. Đó là một sự xấu hỗ, bởi vì các câu này nói đến giáo lý về lễ Corban – lễ hiến tế người Do Thái dâng cho Chúa. Giáo lý của các Rabbi đòi con cái phải chăm sóc cha mẹ mình trong khi Luật muốn con cái phải kính trọng cha mẹ mình (Xh 20,12; Đnl 5,16). Không thấy đề cập khi nào thì luật Corban được miễn trừ, nhưng Đức Giêsu cho thấy rằng họ chịu đựng nặng nề dưới những luật lệ mà các Pharisêu kiên quyết bảo vệ. Có thể một số thực hành tôn giáo được chúng ta thực hiện theo thói quen vì “chúng ta thường làm như thế” nhưng không nhắm đến các giá trị mà vì đó các thực hành này được thiết lập để bảo vệ và thấm nhuần trong chúng ta đó sao?

Việc rửa tay và ăn bằng chén bát muỗm nĩa là mối bận tâm của con người trong thời chúng ta và nhất là trong nền văn hóa của chúng ta. Trong mùa cảm cúm, chúng ta thường mang theo một chai nước rửa kháng khuẩn nho nhỏ trong túi hay rửa tay sạch để sát trùng khi chúng ta đi ăn bên ngoài. Một số giáo xứ còn có một chén nước rửa tay sát trùng để ở bàn đựng đồ lễ cho linh mục và các thừa tác viên Thánh Thể rửa tay trước khi trao Mình Thánh Chúa. Hẳn nhiên, Đức Giêsu không nói đến việc phải giữ gìn hợp vệ sinh khi ăn uống, nhưng Người nói về việc quá bận tâm đến nghi lễ mà xem nhẹ tinh thần của Luật Chúa.

Người lại quy tụ đám đông và nói cho họ biết. Không phải những gì chúng ta ăn vào sẽ xác định chúng ta, nhưng chính là những gì từ con người phát ra. Thức ăn, như chúng ta được nhắc nhở ngày nay, có thể ảnh hưởng nguy hại đến cơ thể. Nó có thể gây hại cho tim – quá nhiều đường, muối hay chất béo trong thức ăn. Nhưng rõ ràng Đức Giêsu không nói đến thức ăn vật chất và những tác động xấu đến con tim thể lý. Người đang nói đến những tác động xuất ra từ trái tim tinh thần; hành động xấu phát xuất từ con tim xấu. Nếu chúng ta tuân giữ những các luật lệ theo đúng mặt chữ chúng ta có thể thấy thỏa mãn với chính mình và bị cám dỗ tin rằng chúng ta đã cư xử đúng đắn với Thiên Chúa – sau cùng, chúng ta đã làm mọi việc chính xác.

Nhưng, khi những nghi thức và lễ nghi là một phần của thực hành tôn giáo, thì Thiên Chúa lại quan tâm đến sự thanh tẩy và trong sạch sâu hơn bên trong. Nếu lòng chúng ta thanh sạch, thì những lời nguyện và hành vi theo sau sẽ tương hợp với những gì Chúa muốn trong ý nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta hành động đúng theo ý hướng của lòng thiện chúng ta sẽ biết phải cư xử thế nào, dù chúng ta có thể không biết quy tắc chính xác của hoàn cảnh này hay hoàn cảnh nọ.

Bài Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta rằng một số truyền thống tốt đẹp có thể giúp chúng ta biết cách ứng xử. Khi còn trẻ chúng ta được dạy và nay chúng vẫn hướng dẫn chúng ta: đi lễ Chúa Nhật; cầu nguyện trước bữa ăn; đọc kinh gia đình; một chuỗi tràng hạt trong túi; đọc Kinh thánh hằng ngày; thắp nến trước tượng ảnh các thánh; mừng lễ bổn mạng;… Một số thói quen tốt và sùng kính, được lặp đi lặp lại thấm vào tim ta và truyền sức sống. Hoa trái của lòng tốt là những hành động tốt được thực hiện mỗi ngày.

Đức Giêsu đưa ra một danh sách khá tốt về những hành vi theo sau tấm lòng được cho là “ô uế”. Quyển “Chú giải Kinh Thánh Anchor” về Tin mừng Máccô cho biế rằng mẫu danh sách ác điều xấu là cái quen thuộc trong văn hóa Hylạp. Về đoạn Tin mừng này, sách chú giải viết “Những danh từ theo sau – tất cả là mười hai – có sáu gương mẫu số nhiều, nói đến hành động xấu, và sáu cái số ít, nói đến hành vi xấu nói chung” (tr.317). Nói cách khác, đây là một danh sách đầy đủ và nó có thể là một hướng dẫn hữu dụng dành cho cộng đoàn ban đầu mà thánh Máccô viết cho họ.

Đức Giêsu khởi đi từ tương quan nhân loại và chỉ cho họ thấy điều thánh thiêng. Đó là nơi chúng ta biến luật và truyền thống, thành danh sách các việc xấu và nhân đức, để hướng dẫn chúng ta biết cách sống chung hòa hợp trong cộng đoàn. Người không dậy chúng ta coi thường luật phàm nhân và các truyền thống. Nhưng, Người quan tâm đến luật bên trong nhiều hơn luật bên ngoài.

Bài Tin mừng thôi thúc chúng ta nhìn vào trong lòng để thấy bản chất đích thực của mình. Một số người xã giao tinh tế, ăn nói đĩnh đạc nhưng trong lòng họ lại có hàng tá những liệt kê mà Đức Giêsu đã đưa ra. Họ không chỉ lừa người khác, nhưng còn lừa cả chính mình. Chúng ta cần phát triển lương tâm của mình theo tinh thần của Đức Giêsu; tìm cách gọi tên những hành vi xấu còn trú ngụ trong lòng ta dưới chiêu bài của tư lợi, giá trị gia đình, tình yêu đất nước và như bài Tin mừng hôm nay, là những thực hành tôn giáo.

Thư của thánh Giacôbê hướng dẫn chúng ta trong việc xác định xem tôn giáo của chúng ta có đích thực và lòng ta có trong sạch hay không. Tiêu chuẩn là thái độ chúng ta đối với người thiếu thốn. “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian”. Đó là tấm lòng mà chúng ta muốn mang đến trước Thiên Chúa trong thánh lễ này, một tấm lòng mong được thanh tẩy bằng Lời mà chúng ta đã nghe và lương thực canh tân tâm hồn mà chúng ta sẽ ăn va uống.





Trả lời