CN IV MCA: Chúng ta “mù hay sáng”?

Chúng ta “mù hay sáng”?

CN IV MCA: Chúng ta “mù hay sáng”?Trong những ngày tháng qua, Saigon bỗng nhiên xuất hiện một hiện tượng, đó là, hình ảnh một số người mù ngồi tại những góc ngã tư lề đường buôn bán. Họ bán những vật dụng như tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, bông ráy tai, hộp quẹt, một ít vỉ kẹo ngậm v.v

Có thể nói rằng, nhìn những hình ảnh đó, không ai lại không xúc động. Làm sao không xúc động chứ! Với một “gian hàng” èo uột như thế, có phần chắc, thu nhập, nếu có, cũng chẳng là bao…

Buồn thay! thói đời, có một số ít người, khi nhìn thấy những hình ảnh như thế, họ đã không ngần ngại phê phán rằng: “ồ! ngồi đó chỉ để đóng phim buồn, để lợi dụng lòng thương xót của thiên hạ”. Lại có người ác ý cho rằng, nào là, chắc kiếp trước sống thất đức nên kiếp này phải lãnh hậu quả, nào là, đời cha ăn mặn, đời con khát nước v.v…

Đức tin Ki-tô giáo không cho phép có những suy nghĩ  lệch lạc nêu trên. Với Đức Giê-su, khi phải nghe những lời lẽ phê phán nặng nề như thế, Ngài thẳng thừng lên tiếng bác bỏ. Không chỉ bác bỏ, Đức Giê-su còn đưa ra quan điểm riêng của mình.

Quan điểm của Đức Giê-su như thế nào? Thưa, Tin Mừng thánh Gioan đã ghi lại rất rõ ràng qua câu chuyện: “Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh”(Ga 9, 1-41).

**

Câu chuyện xảy ra sau một cuộc tranh luận giữa người Do Thái và Đức Giê-su. Nội dung cuộc tranh luận liên quan tính “Hằng Hữu” của Ngài.  Hôm đó, sau khi Đức Giê-su khẳng định rằng “Tôi Hằng Hữu”, lập tức, những  Do Thái cho rằng, những lời đó như một sự phạm thượng, vì thế họ đã  phẫn  nộ  và “lượm đá để ném Người”, thấy vậy, Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. Và đang khi đi “Đức Giê-su nhìn thấy một người mù…”(Ga 9, 1)

Người mù Đức Giê-su nhìn thấy hôm đó, bất hạnh thay,  bị “mù từ thuở mới sinh”. Để mưu sinh, anh ta đã phải  “ăn xin”, anh ta ngồi đó cầu xin sự thương xót của những người qua lại.

Thế nhưng, thật buồn thay! các môn đệ của Đức Giê-su, là những  “ông đi qua bà đi lại”, thay vì nhìn anh chàng “đệ tử cái bang” này bằng một ánh mắt nhân ái, cho anh mù này  một lời nói an ủi thì họ lại thốt ra một lời cứ như là thuận ý Chúa Trời…

Vâng, hôm đó, thay vì kêu thủ quỹ Giu-đa xuất quỹ bố thí cho anh mù vài đồng bạc, các môn đệ xúm xít quanh Thầy Giê-su “thí” cho anh ta những lời lẽ nặng phần tập tục Do Thái Giáo. Đối với người Do Thái, những ai bị tật nguyền như đui mù què quặt, họ cho rằng, kẻ đó bị Thiên Chúa trừng phạt.

Chính vì thế, khi diện đối diện với anh mù, các ông liền hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2). Ô hay! Chẳng lẽ các ông quên điều Đức Giê-su đã giảng dạy, đó là: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” sao?(Mt 5,,7)

Không để cho các môn đệ luẩn quẩn trong một mớ tập tục phản nhân bản như thế, Đức Giê-su dõng dạc tuyên bố: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình  của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

Hôm đó, qua Đức Giê-su, anh chàng mù đã được Thiên Chúa xót thương. Chuyện kể rằng: để chữa lành cho anh ta, Đức Giê-su “nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù”. Sau đó, Ngài bảo anh ta “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”. Thật  kỳ diệu. “Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9, …7)

***

“Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được”. Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao chữa anh chàng mù bẩm sinh,  Đức Giê-su yêu cầu anh ta “đến hồ Si-lô-ác”, mà lại không “phán một lời” như đã từng phán với anh mù ở Giê-ri-cô rằng “lòng tin của anh đã cứu anh”? (x. Mc 10,  52)

Xin thưa,  bởi, anh mù ở Giê-ri-cô chạy đến tìm Đức Giê-su, và đã biểu lộ tất cả niềm tin, bất chấp  có “nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi”.

Còn với anh mù bẩm sinh ư? Thưa, anh ta không chạy đến, nhưng là Đức Giê-su đến.Thế nên, việc yêu cầu anh ta đến Si-lô-ác, đó là, Đức Giê-su muốn gia tăng đức tin nơi anh ta, Ngài muốn thấy rõ sự mạnh mẽ trong đức tin của anh ta. Và quả thật, khi từ Si-lô-ác trở về, đức tin của chàng mù bẩm sinh, có thể nói rằng, là một đức tin tuyệt đối, một đức tin bất chấp “dư luận”, thế quyền lẫn thần quyền.

Thật vậy, mặc cho dư luận thế quyền mập mờ đánh lận con đen cho rằng, người được chữa lành không phải là anh “nhưng là một đứa nào giống (anh)”, anh mù bẩm sinh vẫn quả quyết: “Chính tôi đây” (x.Ga 9, 9)

Mặc cho dư luận thần quyền, là những nhà đạo đức Pha-ri-sêu, cho rằng, Đức Giê-su “không thể là người của Thiên Chúa được. vì không giữ ngày sa-bát” v.v… Anh mù bẩm sinh vẫn lớn tiếng nói,  Đức Giê-su “là một vị ngôn sứ”. Và cuối cùng, mặc cho thần quyền ra vạ tuyệt thông, “trục xuất anh” khỏi hội đường, đức tin anh vẫn kiên vững và thốt lên trước mặt Đức Giê-su, rằng: “Thưa Ngài, tôi tin”. (x. Ga 9, 38)

****

“Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được”. Vâng, “phép lạ này…”, Lm. Charles E. Miller  trong một bài giảng nói rằng: “… tiêu biểu cho lòng tin có được lúc chúng ta được tẩy sạch trong nước rửa tội”.

Vậy nên, hãy để mình vào vị trí người mù bẩm sinh và hãy tự hỏi lòng mình rằng: Từ giếng rửa tội, trở về với đời sống đức tin, tôi mù hay sáng? Tôi đã được sáng hay tôi đang bị mù? Rất có thể đôi mắt thể lý tôi sáng, thế nhưng, hãy coi lại xem, đôi mắt tâm hồn tôi mù!

Vâng,  với nền y học tân tiến hôm nay,  mù-thể-lý không còn là một căn bệnh đáng sợ. Những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là: bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng. Cho nên, có sợ, chúng ta hãy sợ mù-tâm-hồn. Tại sao? Thưa, là bởi, mù tâm hồn sẽ dẫn tới mù-nhân-đức.

Một khi mù nhân đức, chúng ta sẽ không còn sức đề kháng để tấn công những con virus-ích-kỷ, virus-vô-cảm. virus-thành-kiến, virus-tự-cao-tự-đại v.v…

Không tiêu diệt được những con virus đó, nguy cơ chúng ta bị “mù bác ái, mù nhân hậu, mù từ tâm, mù nhẫn nhục, mù-sự-thật, mù-niềm-tin, mù-khiêm-nhường v.v…” là điều sẽ xảy ra không chóng thì chày.

Không tiêu diệt được những con virus đó, trong hạn hẹp là một gia đình, một khu xóm, có nằm mơ, chúng ta cũng không thể thấy được cảnh “anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết. vợ chồng ý hợp tâm đầu”. 

Và, nếu đó là sự thật, sự thật đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, thì hãy coi chừng,  lời cáo trách của Đức Giê-su với nhóm Phariseu xưa, rằng: “Nếu các ông đui mù, thì các ông chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn”, cũng chính là lời cáo trách dành cho chúng ta.

*****

Vậy, chúng ta phải làm sao? Xin thưa, hãy nhớ lời Đức Giê-su đã nói tại Đền Thờ, trước lúc chữa lành anh mù, rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”. (Ga, 8, 12). Hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta. Từ trời cao, Ngài đã “xuống thế làm người”, tìm đến chúng ta, là những người mù bẩm sinh, sinh trong tội luỵ.

Không chỉ yêu cầu chúng ta đến “giếng rửa tội”, nơi chúng ta sẽ được rửa sạch đôi mắt mù loà tâm linh, mà còn mời gọi chúng ta đến “giếng Thánh Thể ”. Vâng, chính nơi đây, chúng ta sẽ được mở đôi mắt bằng mạch Nước Hằng Sống, mạch nước được lấy từ Mình và Máu của Ngài, mạch nước đó, như lời Ngài phán hứa, sẽ “đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, …14)

Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô củng cố thêm lòng tin khi nói: “Trong Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Thánh nhân nói tiếp rằng: “Ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 8-9).

Một khi chúng ta “nhận được ánh sáng ban sự sống”. Một khi chúng ta có một tâm hồn lương thiện, công chính và chân thật, chúng ta sẽ là, như lời Đức Giêsu nói, “ánh sáng cho trần gian”. Và một khi đã trở nên ánh sáng cho trần gian, ơn Chúa, chúng ta đủ sức để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”. Một khi chúng ta thực thi trọn vẹn công việc nêu trên, vâng, không cần nói, thiên hạ cũng có thể nhận ra chúng ta “mù hay sáng”.

Petrus.tran

Trả lời