CN IV MC A: Đức Giêsu đến cho ta được thấy

Đức Giêsu đến cho ta được thấy

1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Tv 22; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Thưa quý vị,

CN IV MC A: Đức Giêsu đến cho ta được thấyTrong trình thuật Tin Mừng hôm nay, các môn đệ đã có cuộc tranh luận với Đức Giêsu, có lẽ tất cả chúng ta cũng muốn tranh luận với Người rằng: Lý do nào dẫn đến nỗi đau của anh mù? Đó là hậu quả do tội của anh ta hay cha mẹ anh ta? Đức Giêsu bác bỏ quan niệm của những người đương thời và cũng có thể là của một số trong chúng ta: anh ta không phải bị phạt vì đã phạm tội. Đức Giêsu không đưa ra một lời giải thích cho tất cả sự ác trên thế giới. Thay vào đó, Người lại nhắm đến những nhu cầu của người thanh niên đang đứng trước mặt mình. Việc anh mù được chữa lành biểu lộ sự hiện diện năng động của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”

Không như mong đợi, cả cha mẹ anh, những người láng giềng của anh lẫn những người Pharisêu đều đã không “nhận ra” công trình của Thiên Chúa được bày tỏ qua việc anh được chữa lành. Họ không trông thấy những điều Thiên Chúa đã thực hiện. Và anh mù cũng không hiểu ngay được rằng điều gì đã xảy ra cho mình. Anh dần biết rõ về Đức Giêsu sau khi bị các nhà cầm quyền liên tục chất vấn, và sau đó cuộc trò chuyện với Đức Giêsu đã cho anh được “sáng mắt”.

Chẳng lạ lắm sao khi những người hàng xóm đã không nhận ra anh mù lúc anh được sáng mắt? Đức Giêsu đã mở mắt cho anh ta; Người đã không thực hiện một cuộc phẫu thuật tạo hình nào, và cũng chẳng làm thay đổi nét mặt của anh ta! Những người này là hàng xóm của anh mù, chẳng phải ai xa lạ. Có thể hằng ngày họ đã nhiều lần đi ngang qua anh. Phải chăng họ chỉ nhìn thấy bệnh tật của anh chứ không nhìn thấy một con người? Chẳng phải là chúng ta có xu hướng mô tả mọi người bằng các bệnh tật của họ đó sao? Nào là kẻ què quặt… người phụ nữ mù lòa… bệnh nhân AIDS… kẻ mắc bệnh tâm thần phân liệt, hoặc thứ bệnh gì khác nữa chăng?

Thế nhưng Đức Giêsu đã trông thấy và dừng lại trước “người mù từ thuở mới sinh”. Người không những chữa lành cho anh, sau đó Người còn đi tìm kiếm anh, trò chuyện với anh và đưa anh tới đức tin. Đức Giêsu không chỉ trông thấy nỗi khổ đau, mà còn gặp gỡ con người đang khổ đau. Có lẽ tốt hơn nếu chúng ta đế ý đến những người bị gạt ra bên lề xã hội và thế giới, đến gặp gỡ những người què quặt, hoàn cảnh xã hội khó khăn, vô gia cư, đau khổ vì chứng Alzheimer, v.v… Chúng ta cũng có thể là người mù. Quan tâm đến con người chứ không phải chỉ nhìn vào những bệnh tật của họ có thể giúp chúng ta được mở mắt và được dẫn đến gặp gỡ Đức Giêsu.

Tôi cố gắng chú ý đến các chi tiết trong những câu chuyện Tin Mừng; các chi tiết mà có lẽ chúng ta dễ bỏ qua để nhắm đến việc nắm bắt “điều cốt lõi” của câu chuyện. Ví dụ chi tiết mở đầu của trình thuật Tin Mừng hôm nay là một sự soi sáng quan trọng về những công việc Chúa đang làm. Câu chuyện mở đầu với câu: “Khi ra khỏi Đền Thờ, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.” Một số câu chuyện phép lạ tường thuật một người khốn khổ nào đó đến cầu xin Đức Giêsu giúp. Người gặp gỡ và thường nhận xét về lòng tin của họ, tiếp đó là chữa lành cho họ. Câu chuyện tác giả Gioan thuật lại việc chữa lành cho người mù thì lại khác, và ngay câu mở đầu đã nêu bật sự khác biệt này. Việc chữa lành xảy ra là nhờ Đức Giêsu đã đi bước trước. Người trông thấy sự túng thiếu và đáp ứng cảnh nhân loại đang bị tổn thương. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa đang đi ngang qua và tái tạo nhân loại với một hồng ân mới của ánh sáng, hồng ân tiên khởi của công trình sáng tạo (St 1).

Các nhà cầm quyền tôn giáo không vượt ra khỏi vòng luẩn quẩn trong câu chuyện này. Lẽ ra họ phải là những nhân vật giúp đỡ người khác thừa nhận và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã “đi ngang qua” nhờ Đức Giêsu, chính Người đã trông thấy và dừng lại để ban tặng sự sáng, và không chỉ đối với người mù này thôi, mà còn với tất cả những ai hy vọng được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ánh sáng trần gian đã chiếu tỏa trên dân chúng, nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo lại nhắm mắt trước ánh sáng ấy.

Trong thời đại chúng ta, một hồng ân ánh sáng đến với ta qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người dám thách thức cả những tục lệ của Giáo Hội trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium). Ngài nói rằng ngài mơ ước một sự “lựa chọn truyền giáo” cho Giáo Hội và cho việc “đổi mới cơ cấu”, điều đó giúp Giáo Hội mang tính “tổng thể hơn và rộng mở hơn” (số 27) cho những ai đến tìm chỗ tựa nương và sự khích lệ để tìm kiếm ánh sáng. Trích dẫn lời của đức Gioan Phaolô II, đức Phanxicô đã kêu gọi giáo xứ rằng: “Giáo Hội sống giữa các gia đình của những con cái mình”. Khi tiếp xúc với cuộc sống của những người bình dị, giáo xứ có thể cung cấp “một môi trường để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành nghi lễ” (số 28). Theo lý tưởng, Giáo Hội là đường dẫn cho ánh sáng chiếu tỏa vào nơi tối tăm của thế giới, và là nguồn biện phân giúp chúng ta đến với ánh sáng.

Nếu chúng ta hỏi thánh Gioan: “Thiên Chúa ở đâu vậy?” Thì thánh nhân sẽ chỉ cho thấy Đức Giêsu hôm nay đang “đi ngang qua” và trông thấy người mù. Thánh Gioan muốn chúng ta nhìn xa hơn dáng vẻ bề ngoài của Đức Giêsu để thấy được mầu nhiệm sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Không chỉ là Thiên Chúa ở ngay trong Đức Giêsu, mà còn sẵn sàng chữa lành và mang lại ánh sáng soi chiếu những góc tăm tối trong cuộc đời của chúng ta; đó có thể là những nơi chúng ta không muốn nhìn vào, nhưng Mùa Chay lại khích lệ chúng ta xem xét đến.

Đức Giêsu bất ngờ đến với người mù, Người đã chữa lành và dẫn đưa anh ta đến với ánh sáng đức tin. Lẽ ra dân chúng phải biết rõ hơn, nhưng họ lại trở nên mù lòa trước việc Thiên Chúa làm theo những cách thức bất ngờ và cho người bé mọn nhất. Chúng ta không thể hướng dẫn hoặc điều khiển Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn hành động nơi người mù lòa bị ruồng bỏ và không được những người giàu lòng đạo đức quan tâm. Đây là một khoảnh khắc về lòng khiêm nhường cho chúng ta, những con người của Giáo hội.

Đối với mỗi người, Mùa Chay này Đức Giêsu cũng đang đi ngang qua, gặp thấy hoàn cảnh của chúng ta và Người dừng lại để chữa lành. Có thể chúng ta cũng giống như người phụ nữ bên bờ giếng tuần trước và người mù ngày hôm nay: chúng ta “nhận biết” Đức Giêsu là ai một cách tiệm tiến, từng bước một. Người mù bắt đầu bằng cách gọi “người tên là Giêsu”, tiếp theo anh gọi Người là “một vị ngôn sứ”, rồi anh nhận ra Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến, và cuối cùng anh ta gọi Đức Giêsu là “Chúa”.

Hôm nay, Thánh Lễ này một lần nữa dừng lại trên con đường của chúng ta và cho chúng ta kinh nghiệm mà anh mù đã trải qua. Nơi đây, ánh sáng đức tin giúp chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu nơi các dấu chỉ của Bí tích Thánh Thể, và lắng nghe Người trong Lời của Người. Đức Giêsu cũng nói với chúng ta điều Người đã nói với anh mù: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.”

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời