CN III MVA: Hãy đi và thuật lại những gì mắt thấy tai nghe

 

Hãy đi và thuật lại những gì mắt thấy tai nghe


Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quý vị,

CN III MVA: Hãy đi và thuật lại những gì mắt thấy tai ngheMùa Vọng là mùa của hy vọng. Đây chính là thời gian chúng ta làm mới lại những ước mơ và hâm nóng tâm hồn mình. Những bài sách thánh chọn đọc trong mùa này góp phần giữ cho những ước mơ của ta luôn tươi mới; hướng dẫn chúng ta tìm đúng nơi, ngõ hầu ước mơ của mình được trọn vẹn. Vậy tại sao lại chọn đọc bài Tin Mừng hôm nay, một câu chuyện nói đến sự thất vọng?

Ông Gioan Tẩy Giả đã bị bắt vì dám lên tiếng chống lại mối quan hệ giữa Vua Hêrôđê và chị dâu của ông ta là bà Hêrôđia. Ông Gioan bị cầm tù sau khi đã rao giảng thành công trong sa mạc về “Đấng đang đến”. Bài Tin Mừng tuần trước (Mt 3,1-12) nói về việc ông rao giảng cho một đám đông nhiệt huyết và những phê phán của ông về cơ cấu tôn giáo.

Dù ông Gioan ở trong tù, nhưng có người cho rằng, ít ra ông cũng cảm thấy mãn nguyện và thậm chí vui mừng vì sự xuất hiện của Đức Giêsu, cũng như việc rao giảng và chữa lành của Người. Thế nhưng, khi ngồi trong nhà tù của vua Hêrôđê, ông Gioan tỏ ra nghi hoặc. Ông đã rao giảng về Đấng Mêsia đang đến và hình ảnh nước trời. Nhưng đó không hẳn là một tin vui; đó là một cơn phẫn nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống. Những kẻ làm điều ác sẽ bị quẳng vào lửa mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng (3,10).

Chúng ta có thể cảm nhận sự hào hứng và mãn nguyện của những người được nghe thông điệp của ông Gioan. Cuối cùng, Thiên Chúa đã đến để thực thi công lý: quân đàn áp Rôma sẽ bị xua đuổi, và những nhà lãnh đạo tôn giáo, những kẻ thông đồng với chúng, cũng sẽ bị trừng trị. Những người ngay lành sẽ được quy tụ vào trong cộng đoàn của Thiên Chúa – nước trời. Ông Gioan đã nói rất rõ ràng: Đấng đang đến sẽ cầm nia trong tay: “Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12).

Khi ngồi trong tù và nghe về Đức Giêsu, ông Gioan có lẽ phải thắc mắc: “Vậy, đâu là cái nia? Đâu là ngọn lửa không hề tắt? Chẳng phải đấng Mêsia đến để phán xét chung thẩm và mang ơn cứu độ sao? Ông Gioan cũng có thể đã băn khoăn: “Đức Giêsu có phải là đấng Mêsia mà ta loan báo không, còn ta, ta sẽ làm gì trong nhà giam này? Sao Người không đến để giải thoát ta và những tù nhân khác ra khỏi ngục? Sao Người không giáng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trên những kẻ gian ác này?”

Những tín hữu đang phải gánh chịu những bệnh tật, vấn nạn gia đình hay bị đàn áp, cũng có những nghi hoặc như ông Gioan. Chẳng phải Thiên Chúa đứng về phía người ngay lành đó sao? Thiên Chúa đã đến để cứu ta chưa? Nếu không phải là từ sức mạnh của ma quỷ – vậy thì những sự dữ này từ đâu mà đến? Chúng ta cùng chung đường với các môn đệ của ông Gioan, những kẻ cũng băn khoăn như ông và đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có phải là Đấng mà chúng tôi nên đặt niềm phó thác hay không? Thầy có phải là Đấng mà tôi có thể hiến dâng mạng sống và đi theo đường lối của Ngài chăng? Ngài có phải là Đấng cứu thế, và nếu đúng như vậy, thì Ngài cứu chúng tôi khỏi điều gì?”

Đức Giêsu không đưa ra một câu trả lời suông nào. Nhưng, Người chỉ ra những dấu chứng cụ thể mà Người đã nói, đã làm, rồi để cho ông Gioan và các môn đệ của ông tự đưa ra kết luận: “Các anh cứ về thuật lại với ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe…”

Chúng ta có thể hiểu được vì sao bài đọc thứ I hôm nay được chọn. Ngôn sứ Isaia thấy được thời mà sa mạc bừng lên sự sống – một mối lo âu cho những ai sống trong vùng hoang cỏ cháy – và lúc mà những gian lao khốn khó được chữa lành. Ngôn sứ Isaia nhận được mệnh lệnh: ông phải loan tin vui này cho những kẻ khốn khổ, yếu nhược và tâm hồn sợ hãi. Ông nói với dân bị lưu đày từ chính quê hương của họ. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ sắp được giải cứu là thiên nhiên khô cằn sẽ trổ sinh sự sống. Ngôn sứ Isaia như thể nói rằng Thiên Chúa sắp tái thiết thế giới.

Những ai nhận ra các dấu chỉ Thiên Chúa đang đến thì không còn phải sợ hãi như những kẻ chứng kiến sự hiển dung của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ khích lệ: “Hãy mạnh mẽ, đừng sợ hãi!” Những kẻ trung tín với Thiên Chúa không có gì phải sợ khi Thiên Chúa, vị thẩm phán, ngự đến.

Lời hứa của ngôn sứ Isaia và câu trả lời của Đức Giêsu cho môn đệ ông Gioan được nối kết với nhau. Vị ngôn sứ nhìn thấy kẻ yếu đuối được cứu chữa: mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Dân chúng tin rằng Thiên Chúa làm nên mọi sự hoàn hảo, vì vậy, tất cả những gì là thiếu sót, bất toàn trong tự nhiên và nơi con người là do hậu quả của tội lỗi. Thế nên, khi đấng Mêsia đến, thiên nhiên và con người sẽ được hoàn trả về “tình trạnh tốt đẹp”. Tội lỗi không còn khả năng làm suy yếu những thụ tạo của Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa đến cứu con người bằng cách phục hồi tình trạng nguyên thủy như ý định và thiết lập của Thiên Chúa lúc tạo thành. Con người phải làm gì để được phục hồi? Chẳng phải làm gì cả, nhưng chỉ cần khát khao và ao ước được phục hồi. Mùa Vọng diễn tả nỗi chờ mong để được phục hồi.

Vì thế, câu trả lời của Đức Giêsu với các môn đệ của ông Gioan là có chủ tâm và phản ánh bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay. Liệu ông Gioan và cả chúng ta nữa có đón nhận vai trò của Đức Giêsu là không phải dùng vũ lực để lật đổ, mà dùng sức mạnh để chữa lành và thậm chí tha thứ cho kẻ thù hay không?

Ông Gioan một mình trong ngục và đối diện với cái chết. Hình ảnh mà ông Gioan vẽ lên trong lời rao giảng của mình lại khác xa với bản chất sứ vụ của Đức Giêsu. Ông Gioan đã nêu thắc mắc để tìm hiểu về Đức Giêsu. Khi môn đệ của ông trở về với câu trả lời của Đức Giêsu, liệu ông và nhiều người khác nữa, có chờ đợi điều đó từ Đấng Mêsia và chấp nhận Đức Kitô Đấng phải đến hay không?

Mùa Vọng là thời gian chúng ta chờ đợi Đức Kitô đến. Nhưng chúng ta có tiên liệu được điều gì xảy ra khi Người đến một lần nữa trong đời ta hay không? Những người nào là chúng ta mong đợi? Nhân danh Người, chúng ta làm được gì cho đời? Lời nguyện cầu của chúng ta sẽ tác động ra sao khi Đức Kitô ngự đến trong hình dạng mới mẻ? Nhờ được canh tân bởi sự sống của Đức Kitô trong Mùa Vọng này, chúng ta chịu ảnh hưởng như thế nào trong các mối tương quan?

Đức Giêsu đề cao ông Gioan. Ông không phải là cây sậy phất phơ trước gió, chiều theo quan điểm và mong ước của đám đông. Đức Giêsu nói với ta rằng, ông Gioan là còn hơn cả một ngôn sứ nữa. Vai trò ngôn sứ của ông là loan báo việc ngự đến của Đấng mà tất cả các ngôn sứ khác đã nói đến. Ông Gioan có được vị trí cao trọng nhất trong lịch sử cứu độ vì ông mở ra cánh cửa cho chúng ta bước vào thời đại mới.

Tuy nhiên, Đức Giêsu nói, dù ông Gioan là người rất cao trọng “nhưng kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”. Như thế, liệu ai trong chúng ta có thể so sánh với ông Gioan về việc dấn thân hết mình để thi hành thánh ý của Thiên Chúa? Ai có thể kiên quyết nói lên sự thật dù cho có bị chống đối hay phải chết? Vị giảng thuyết nào có thể cuốn hút người ta như ông Gioan đã làm được? Làm thế nào ta có thể trở nên thành viên nước trời, là kẻ nhỏ nhất, và cao trọng hơn ông Gioan?

Nhiệm vụ của ông Gioan là người tiên phong của Đấng được Chúa xức dầu. Ông là tiếng hô trong hoang địa: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa”. Nhưng khi ông loan báo việc Đức Giêsu đến, ông không phải là kẻ đi theo lối ấy. Ông là người chuyển tiếp qua thời mới, nhưng chính ông lại không thuộc về thời ấy. Ông Gioan đến trước Đức Giêsu, nay phải học cách để đi theo Người.

Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, kẻ nhỏ nhất là tất cả những ai lắng nghe và mau mắn đi theo Đức Kitô. Trước mặt Thiên Chúa, họ là những kẻ cao trọng, thực hiện nghiêm chỉnh điều Thiên Chúa mong muốn cho cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại. Giờ đây, cộng đoàn những người tin trở thành dân ngôn sứ. Chúng ta là những kẻ nhỏ nhất trong nước trời, và vẫn được mời gọi để thực hiện điều Đức Giêsu nói với các môn đệ của ông Gioan rằng: “Hãy đi và thuật lại… những điều mắt thấy tai nghe”.

Trong truyền thống phụng vụ, hôm nay được gọi là “Chúa Nhật Hãy vui lên”, còn gọi là “Chúa Nhật mừng vui”. Chúng ta đã đi qua một nửa Mùa Vọng[1] và dừng lại để lấy hơi. Bài Tin Mừng vẽ lên một bức tranh về mục đích của chúng ta; về thời mà thiên nhiên và con người cư ngụ trong một vương quốc của hòa bình. Đó là lời hứa của Thiên Chúa và Đức Giêsu đã tỏ cho chúng ta: khởi đầu cho một lối sống mới mà Người gọi là nước trời. Chúng ta luôn để viễn cảnh và vương quốc hòa bình của Người trước mắt, ngay cả khi chúng ta phải chống chọi với những gì là bất toàn trong cuộc sống và thế giới.

Cái chết đã bị hủy diệt. Chúng ta mong chờ chấm dứt khỏi đau đớn, khóc than và cái chết muôn đời. Chúng ta vui mừng, vì hôm nay niềm tin giúp chúng ta cảm nghiệm được sự sống đang chờ ta ở phía trước. Nay chúng ta nhận biết đâu là chốn khô cằn và đầy những lời dối gian để tránh xa, và nhận ra đâu là điều mang đến giá trị vĩnh cửu để chúng ta cần giữ lấy.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.



Nguyên bản: Lent (Mùa Chay), có lẽ ý định của tác giả là Advent (Mùa Vọng), nên dịch giả mạo muội dùng từ Mùa Vọng cho phù hợp với mùa Phụng Vụ.

Trả lời